Nguyễn Toàn
2016
Nếu tôi không lầm, thì bản nhạc Giòng An Giang là sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, sáng tác theo thể điệu Luân Vũ lúc cố nhạc sĩ này mới có 17 tuổi.
Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang Cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua thất sơn
Châu đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng tiền Giang Cửu long
Giòng Anh Giang xanh xanh khóm trúc
Giòng Anh Giang tung tăng múa hát
Đêm đến giòng sông thở than
Bên mấy hàng cây hắt hiu
Đã mấy mùa xuân thanh bình
Giòng An Giang đáy nước in sâu
Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa
Nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô
Nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây mơ màng ngây thơ
Cô thôn quê đang giặt yếm trên song
Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi
Trâu lang thang đôi cò trắng tung bay dập dìu
Giòng An Giang ai qua vẫn nhớ
Giòng An Giang lơ thơ bến nước
Đâu những thuyền ai lắc lơ
Đôi mái chèo trăng lướt qua
Lơ lửng vầng trăng vỡ tan
Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Đây những người thôn nữ xinh
Duyến dáng chuyền tay dắt nhau
Múc mấy vầng trăng đổ đi
Anh Việt Thu
Vào thuở cắp sách đến Trường thời Trung học mỗi lần nghe một ca sĩ nào đó hát bản nhạc này, lòng tôi rất khoan khoái,vì lời nhạc rất là giản dị, Mà tác giả đã tả về một giòng sông ở miệt Hậu Giang – Long Xuyên. Và sau khi nghe xong, tôi vẫn ước ao, một ngày nào đó về miệt Hậu Giang thăm going An Giang lơ thơ xanh biếc của tác gỉa. đã tả trong bản nhạc.
Ước nguyện về thăm An Giang phải đợi đến giữa thập niên 80 tôi mới có dịp đặt chân thăm viếng.
Nhưng đến nơi nhìn Giòng An Giang đã hoàn thay đổi 100% không còn những cảnh thơ mộng mà cố nhạc sĩ Anh Việt Thu đã viết. Giòng An Giang bây giờ rất dơ bẩn .
Nhớ lại năm tháng, bước vào đời lính chiến ,tôi may được phục vụ ở đơn vị Tâm lý Chiến đồn trú ngay tại Sàigon. Ngay sát cạnh đơn vị của tôi là Cục Tâm Lý Chiến. Nơi đó qui tụ rất nhiều Văn Thi sĩ, Nhạc sĩ nổi tiếng đương thời.
Này đây là phòng Báo chí Quân đội qui tụ nhà văn nhà báo Nguyễn đạt Thịnh, Trần xuân Thành, Huy Phương, Đặng trần Huân (tác giả Chuyện cấm đàn bà) Phạm Huấn*, thi sĩ Tường Linh*, Phổ Đức và bạn học của tôi Trương hồng Vân. Này đây là phòng Văn nghệ, thưỏ ban đầu là Đại úy Tạ Tỵ, kế tiếp là thi sĩ Tô kiều Ngân* và người cuối cùng là thi sĩ Tô thùy Yên, ở nơi đây có nhạc sĩ Phạm minh Cảnh,Trầm tử Thiêng* Anh Việt Thu*, thi sĩ Phạm lê Phan, nhac si Đỗ kim Bảng v.v… Bên cạnh đó là Đài phát thanh Quân đội, nơi quy tụ – nhà văn Kỳ văn Nguyên* (giải nhất Văn chương toàn quốc đầu tiên của Tổng thống Ngô đình Diệm với tác phẩm Tìm về sinh lộ) làm Quản đốc Đài, nhà thơ Mai Trung Tĩnh*, nhà văn Nguyễn triệu Nam, thi sĩ Thiên Hà, nhạc sĩ Trần thiện Thanh*, Đào Duy, Lê Đô*, Nguyễn văn Đức, nam ca sĩ Phượng Bằng .v..v…
Ngay trước mặt Đài là toà soạn nhật báo Tiền Tuyến với thi sĩ Hà Thượng Nhân* làm chủ nhiệm, ký giả Lô Răng chủ bút, thư ký toà soạn Huy Vân* cùng các cây viết nổi tiếng như Lê Tất Điều, Hồng Dương, Viên Linh, Hải Bằng, Nhất Giang, Hoài Điệp Tử* v..v..
Trong 1 lần ghé vào Đài Quân Đội, tôi được thi sĩ Thiên Hà giới thiệu và làm quen với nhạc sĩ Anh Việt Thu (Anh Việt Thu và Thiên Hà là hai bạn thân) – Không ngờ lần gặp đầu tiên đó, tôi nhanh chóng được cảm tình của nhạc sĩ Anh Việt Thu để sau đó bộ 3 – Anh Việt Thu – Thiên Hà và tôi trở thành bạn thân để chiều chiều sau khi tan sở, cả 3 chúng tôi thường rủ nhau ra nhà hàng Thanh Thế chén anh, chén tôi bên những ly rượu Whisky pha sô đa nói chuyện về Văn nghệ cũng như chuyện đời.
Sở dĩ bộ 3 chúng tôi ngồi nhậu ở nhà hàng Thanh Thế, vì nơi đây thường tụ tập nhiều anh em Văn nghệ sĩ hay viết báo như tài tử Huy Cường*, hề Thanh Việt*, ký giả Trần minh Ý* (Hoài Hương Tử) v.v , vả lại nhà hàng có món Bún Suông rất ngon hay món Mắm Châu đốc là mồi ngon của bộ 3 chúng tôi và chú Bẩy, người bồi bàn thân quen của chúng tôi. Ngoài ra nhà hàng có vài bàn kê ở phiá ngoài để khách nhậu có thể nhìn ngắm những Bông Hồng ra vô thương xá Tam Đa bên kia đường, xéo góc của nhà hang Thanh Thế là quán nhạc và là nhà xuất bản Minh Phát góc đường Nguyễn trung Trực và Lê Lợi nơi các nhạc sĩ thường đến để theo dõi tình hình bán nhạc của mình.
Người ngoài phố.
Người đi đi ngoài phố
Chiều nắng tắt bên song
Người đi đi ngoài phố
Bóng dáng xưa mịt mùng
Thành ghế đá ,chiều công viên ,
Ngày xưa, ngày xưa đã hết rồi
Người đi đi ngoài phố
Chiều bỡ ngỡ bơ vơ
Người đi đi ngoài phố
Mấy dấu chân lạc loài
Hình bóng cũ, người yêu ơi
Còn đâu, còn đâu tình duyên đã hết rồi
Thôi chia tay từ đây
Nghe nước mắt vây quanh
Biết lỡ yêu đương
Sẽ đau thương suốt cả một đời
Nhưng mấy khi tình đầu
Kết thành duyên mong ước
Mấy khi tình đầu kết trọn mộng đâu em
Xin từ gĩa, đường phố vắng đêm mưa
Thành phố cũ người yêu xưa.
Còn đâu,còn đâu, giờ đây xin gĩa từ.
Trên đây là nguyên văn lời ca của bản nhạc “Người ngoài phố“ một nhạc phẩm buồn nhất của nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác vào cuối năm 1972. Chính nữ ca sĩ Hương Lan người nữ ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ Anh việt Thu tập dợt, mời thu thanh lần đầu tiên vào Dĩa hát của hãng Việt nam ngoài chợ Cũ cũng đã phải khóc theo lời của bản nhạc buồn. và hỏi nhạc sĩ Anh việt Thu – hôm nay chú có chuyện gì buồn vậy – nhưng nhạc sĩ Anh Việt Thu chỉ ngồi im lặng trên ghế của phòng thu mà không trả lời câu hỏi của nữ ca sĩ Hương Lan.
Theo nhà thơ Thiên Hà cho biết, trước Tết Nguyên đán 1973 mấy tháng, vợ và con của nhạc sĩ Anh Việt Thu từ Long Xuyên lên thăm chồng. Nhạc sĩ Anh Việt Thu không có chỗ ở riêng, nên đành phải thuê mướn khách sạn cho vợ con ở tạm. Và trước Tết 1 tuần lễ, vợ con nhạc sĩ Anh Việt Thu muốn trở về Long Xuyên để Ăn Tết cùng gia đình nội ngoại, nhưng kẹt một nỗi nhạc sĩ Anh Việt Thu không có đủ tiền để trả tiền khách sạn để mang vợ con ra,
Nhạc sĩ Anh Việt Thu không biết xoay sở ra sao để có tiền. nên nhạc sĩ Anh Việt Thu đành phải chạy đến hãng Dĩa Việt Nam muợn tiền trước, nhưng Cô Sáu chũ hãng Dĩa cho biết, nhạc sĩ Anh Việt Thu hãy còn nợ cũ chưa trả hết, nên không thể cho mượn thêm.
Buồn vì không muợn được tiền, nên nhạc sĩ Anh Việt Thu đi lang thang trên đường Lê Lợi, rồi ghé quán Bạch Tuyết ngồi uống nước. Nhìn ra đường thấy người ta vui vẻ có đôi mà buồn cho thân phận mình không có tiền để giải cứu vợ con, nên nhạc sĩ Anh Việt Thu có ý tưởng viết thành bản nhạc “Người Ngoài Phố “.
Chính nhờ bản nhạc “Người Ngoài Phố” này mà nhạc sĩ Anh việt Thu đã giải quyết mọi chuyện có tiền để chuộc vợ con ra khỏi khách sạn để trở về quê ăn Tết.
Nhạc Hùng
Ngoài những bản nhạc tình cảm, nhạc sĩ Anh Việt Thu còn sáng tác một số bản nhạc Hùng – điển hình là “Trên đầu súng“, “Đường chúng ta đi“. Trong chương trình Hùng Ca Sử Việt của Trung tâm Asia đã phát hành, hai nam ca sĩ Đan Nguyên và Quốc Khanh đã song ca nhạc phẩm “Trên đầu súng” của cố nhạc sĩ Anh việt Thu, rất là hào hùng và trong 1 lần phỏng vấn của báo Người Việt – nam ca sĩ Quốc Khanh người viết Hoà Âm cho bản nhạc này cho biết : khi được nhạc sĩ Trúc Hồ giao viết phần phụ soạn Hoà Âm, anh rất hào hứng viết soạn Hoà Âm một cách nhanh chóng vì những Melody của bản nhạc mà cố nhạc sĩ Anh viết Thu đã viết trong bản nhạc .
Ước nguyện cuối cùng
Do cơn bệnh hiểm nghèo, những ngày cuối đời cố nhạc sĩ Anh Việt Thu đã tâm sự với nhà thơ Thiên Hà (người bạn chí thân), anh ước mơ có một căn nhà bên cạnh dòng Sông như ở Tân Qui đường Trần xuân Soạn hay Bình Đông, có lẽ anh muốn ngắm nhìn dòng nước mỗi ngày như ở vùng An Hữu quê anh thời thơ Ấu. Khi Thiên Hà đẩy xe đưa Anh Việt Thu vòng quanh bệnh viện cho khuây khỏa chuyện các thầy thuốc bó tay, qua khoảng sân còn sót từng giọt nắng chiều Anh việt Thu nhìn bầu trời bao la mà thèm những bông hoa nắng, hiểu ý bạn, Thiên Hà hái một đoá Mẫu Đơn bên vệ đường an ủi động viên bạn mình, nhưng rồi cơn bệnh nan y đã ngắt đi cuộc sống của Anh Việt Thu tại Y viện Quảng Đông lúc 2 giờ 40 ngày 15/3/1975 hưởng dương 36 tuổi .
(Nhân ngày giỗ lần thứ 41 của cố nhạc sĩ Anh việt Thu tôi xin gởi bài viết “Giòng An Giang” để tưởng nhớ người bạn Văn nghệ của tôi)
Nguyễn Toàn
Sydney
Nguồn: https://cafevannghe.wordpress.com/2016/04/03/nho-ve-anh-viet-thu-2/