Người nằm xuống, vẫn “ thương bạn bè qua sông qua suối không có đò”

Dương Kinh Thành
12/3/2018

Nhân ngày giỗ lần thứ 43 của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu

Mãi đến hôm nay, người viết mới có được những lời tưởng niệm với một nhạc sĩ tài hoa và cũng là người thầy đầu tiên về lãnh vực âm nhạc của mình. Nhạc sĩ Anh Việt Thu – Tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang – có người em tên Việt Thu, lấy nghệ danh như vậy ngụ ý người anh lo cho đứa em Việt Thu. Sự chậm trễ này do điều kiện khách quan, đến khi có đủ cơ duyên mới tìm hiểu và thu góp được nhiều sự kiện. Thời gian làm học trò với nhạc sĩ tuy chỉ có hai khóa học, 6 tháng nhưng có rất nhiều kỷ niệm và chuyển biến lớn trong hoạt động văn nghệ của mình mãi đến sau này. Đặc biệt trong lãnh vực vằn hóa, văn nghệ Phật giáo. Những kiến thức đặc biệt đó đã giúp rất nhiều cái nhìn sâu sắc và tường tận các vụ việc văn nghệ của mình. Hơn nữa ông bà ta từng nói “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù thời gian cận những ngày của năm 1975 và sau đó nữa cuộc sống đã cuốn phăng mọi lo toan đến cách xa ngàn dặm.


Các khóa nhạc khi ấy cũng mang tên Phù Sa do chính nhạc sĩ đứng chịu trách nhiệm cùng các cộng sự tài danh như nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh dạy về nhạc lý căn bản; nhạc sĩ Lan Phương dạy về phát âm và có cả các tiết do soạn giả Loan Thảo đứng lớp. Địa điểm nằm trong Trung Tâm Nhân Xã của giáo sư Hoàng Xuân Việt , ở số 2 Nguyễn Văn Thinh, bây giờ là Mạc Thị Bưởi, quận 1 tp.HCM.

Nhạc của Anh Việt Thu có sức ảnh hưởng trong cuộc đời tôi rất lớn bởi vốn bản tính dễ cảm và thích văn thơ của mình; Khi chân ướt chân ráo gia nhập trước tiên là GĐPT tôi đã được mời lên hát trong nhiều buổi văn nghệ tại chùa mà bài hát đạo chưa thuộc bài nào nên cứ hát mãi ca khúc Đa Tạ, đến nỗi anh chị huynh trưởng đoàn sinh GĐPT khi ấy gọi tôi với biệt danh là “Anh Đa Tạ “! Những nhạc sĩ và là những vị thầy khi ấy không những dạy chúng tôi chuyên môn mà còn nắn nót tinh thần nhân bản rất chuyên cần. Thí dụ nhạc sĩ Phạm Minh Cảnh khi kẻ dòng nhạc , nhạc sĩ không cho chúng tôi cầm thước kẻ mà phải dùng chính bàn tay không của mình, vì theo nhạc sĩ nói “ Để coi lòng dạ chúng ta có ngay thẳng hay không”.

Tôi tìm tìm đến học với nhạc sĩ Anh Việt Thu trước hết vì mến mộ sự tài hoa của nhạc sĩ khi viết những ca khúc êm ả, bình dị nhưng rất thâm sâu, rất giống bản tính đời thường của chính nhạc sĩ; kế nữa là hầu hết những sáng tác của nhạc sĩ đều nói về tình nghĩa anh em bạn bè thân thiết mà trong hoàn cảnh nào khi hát lên ai cũng có thể lấy đó làm nỗi niểm riêng cho chính mình. Và quan trọng hơn là chi tiết vào mùa xuân năm 1965, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã làm lễ cưới với cô Nguyễn Nữ Hiệp- một hoa khôi trường Gia Long Sài gòn lúc đó tại một ngôi chùa lớn , nhìn qua ảnh vị chủ trì buổi lễ rất giống cố Hòa thượng Phó Tăng Thống Thích Thiện Hòa ( 1907 – 1978) mà bây giờ chúng ta có tên gọi là Lễ Hằng Thuận. Thật sự là một diễm phúc lớn.


Đám cưới nhạc sĩ Anh Việt Thu

Trong số những sáng tác đuợc cấp phép biểu diễn hiện nay có thể kể đến Tám Điệp khúc, Đa Tạ, Gió Về Miền Xuôi, Mưa Cẩm Giang, Nhớ Nhau Hoài, Trong Cuộc Tình Sầu.Vang Bóng v…v…Cũng như các nhạc sĩ khác sống giữa lòng Sài gòn trước năm 75, để sống được bằng tài năng , ca khúc của mình , ai cũng phải dè chừng, nếu không thỉ cũng chỉ là viết lên những ẩn ý sâu xa. Đó là khi nghe Gió Về Miền Xuôi ai cũng cảm thương thân phận người vợ nhọc nhằn trước nổi khổ của chiến tranh. “ Gió về miền xuôi / qua bốn vịnh năm doi, đò vẫn đưa đưa ngược xuôi/ Để em qua sông qua suối thăm chồng …”. Trong tình tự quê hương, khi nghe “Ở nơi đó, có còn không anh/ tháng giêng mưa bụi/ Tiếng trống chầu Hát Bội/ Lễ Kỳ yên…Tháng giêng mưa bụi/ Vẫn mưa cài/ Óng ả lụa Duy Xuyên…” (Vang Bóng). Bây giờ nghe lại bài “Lời Ru Tiếng Nhớ “ ngoài tự tình dân tộc đằm thắm có một chi tiết rất hay “ Cho tôi sống lại một ngày/ làm sao em đun gạo chín bằng rơm…” khi hầu như bây giờ ít ai, đặc biệt các bạn nữ còn biết nhóm lửa, vo gạo nấu cơm bằng lò củi, và nếu có khét (khê) thì cũng la thứ “cơm cháy” có mùi thơm riêng biệt, đáng nhớ muôn đời. Trong tình bạn, nghe bài “Đi Về Phía Mặt Trời” luôn xót thương cho bạn bè anh em “Nơi bạn bè/ rong chơi an nghỉ/ lần cuối cùng …Thương bạn bè, thương bạn qua sông qua suối/ không có đò…”Hay như “Mưa Cẩm Giang”, (một địa danh ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh- nằm trên quốc lộ 22B ), với cơn mưa chiều bất chợt trong thơ của Trường Anh, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã nắn nót những câu văn hay nhưng khi nghe thì tê tái, chạnh lòng “Thăm thẳm đường trường/ Tôi người cô độc/ Mòn gót giày cắm trọ quán đêm nay/ Mưa Cẩm Giang/ Như niềm đau ai khóc/ Đường sụt sùi qua mấy nẽo truông lầy…”. Ngày đó con đường này nắng thì gồ ghề, mưa thì lầy lội, đêm xuống buồn tê tái, cho nên khi nghe những từ như đường sụt sùi, mấy nẻo truông lầy hay như mòn gót giày người nghe dễ liên tưởng đến sự mỏi gối cùng chân, mệt mỏi với lộ trình thăm thẳm xa xôi.


Có thể mói, nhạc sĩ Anh Việt Thu rất có duyên và thành công khi chọn phổ thơ thành những tác phẩm âm nhạc hay, đuợc công chúng ái mộ nhanh chóng, có lẽ một phần do nhạc sĩ có diễm phúc được giao du và kết thân với những nhà thơ, nhà văn hàng đầu thời bấy giờ, biết lắng nghe và biết chia sẻ. Cho đến tận bây giờ, những thâm tình thân hữu ấy vẫn bền bĩ đến với nhạc sĩ, dù là bên mộ chí ở quê nhà An Hữu. Điều này thật chí lý khi người viết nhớ trong kinh Pháp Cú có câu “Nếu không gặp được bạn đồng hành, hiền lương, giàu trí lự, thì hãy như vua tránh nước loạn, như voi bõ về rừng “. Một bài thơ hay, một áng văn đẹp khi phổ thành nhạc sẽ làm sáng thêm ý nghĩa cũng như tôn cao thêm giá trị của cả tác phẩm thơ và nhạc. Chính vì vậy mà trước đây, người viết đã không ngần ngại, từng cho hai người em kết nghĩa mượn bút danh (Dương Như Tâm) của mình để thử làm một cuộc phổ thơ từ những nốt nhạc đang còn học dỡ dang trong nhạc viện; và rất ngạc nhiên không hề có một bài thơ nào đưa đến mà các em ưng ý, nếu có cũng chỉ là miễn cưỡng, kết cuộc tất cả phải buông bả tất cả, đề bây giờ trở thành những người điểu phối âm nhạc lớn cho các trung tâm nghệ thuật ở…nước ngoài !


Nhà thơ Thiên Hà bên phần mộ nhạc sĩ Anh Việt Thu tại An Hữu- Cái Bè- Tiền Giang

Nhá văn Du Tử Lê nhận định rất chính xác rằng “ Sự kiện này cho thấy, nhạc sĩ Anh Việt Thu không chỉ là một nhạc sĩ tào hoa; ông còn là một nhân cách đáng quý trọng trong đời thường nữa”.

Rất tiếc cơn bão bệnh đã lấy đi sự sống của nhạc sĩ Anh Việt Thu khi chỉ mới 36 tuổi đời tại bệnh viện ngày 15/03/1975 nhằm ngày mùng 3 tháng 2 năm Ất Mão. Xin được thằp lên nén nhang lòng, kính viếng hương linh cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, người nhạc sĩ, người thầy tôi luôn ngưỡng mộ. Và bài viết này cũng xin mến tặng hai người em từng mang danh Dương Như Tâm của tôi, mong hai em vững tiến trên phím đàn, cho bạn bè, cho gia đình như chính cuộc đời của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu.

Sài gòn 12/03/2018
Dương Kinh Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây