Hoa Mộng Bolero

Quốc Bảo
5/10/2017

Tôi ngồi xệp dưới đất trước một quán bia nhỏ nhếch nhác bên đường, kê dép làm ghế, guitar bập bùng và chúng tôi hát toàn những bài bolero. Chình chát, chình chát chình chát bùm bùm. Tôi ở miền xa trời quen đất lạ, nhiều đông lắm hạ. Đó là thuở tôi hai mươi tuổi, ba mươi năm trước. Chúng tôi vừa hát vừa khóc, vừa uống say vừa cười. Như một lũ thần kinh. Ai trông thấy cái cảnh lứa thanh niên chúng tôi hát bolero giọng lè nhè say rượu, khóc cười lẫn lộn, quần áo rách mướp, vài đồng lẻ lận lưng, hẳn sẽ nghĩ chúng tôi là một thứ sinh vật mà Chúa sáng tạo ra vào một ngày mệt mỏi nhất của Người. Gu của tôi không phải bolero, nhưng vào những lúc buồn chán vào tuổi hai mươi ấy, tôi thấy nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc Mỹ không hề có chút nào an ủi. Liều an ủi hiệu quả là bolero.


Bolero, tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa gốc là tình ca. Tình ca thuần túy kể chuyện tình sướt mướt, không có những ẩn dụ cao siêu, không hề triết lý hay dạy dỗ ai. Có thể rằng bolero với tư cách một điệu nhảy, một hình thức tiết tấu ngoại lai lúc vào đến Việt Nam đã hòa vào bản sắc bản địa, để trở thành một loại ca khúc sướt mướt hơn, kể chuyện thảm thiết hơn, ngôn từ bình dân hơn, và vì vậy hợp tai và hợp tâm trạng người Việt hơn.

Gần đây nổi lên phong trào game show khai thác bolero đến mức kiệt cùng. Cố nhiên cái gì thái quá cũng sẽ thành bất cập, một cơn sốt dù hiểm ác đến đâu cũng sẽ lui. Và lại rộ lên những lời công kích, những phía bênh vực bolero. Đây chẳng phải tranh cãi về quan điểm, về nhận thức mỹ học, mà là cuộc đấu khẩu không có hồi kết, không có kẻ thắng người thua, chỉ để cộng đồng mạng xôn xao lên một chút. Chẳng hại gì.

Tôi không đứng về phe bênh vực hay phản đối bolero. Mà cũng không theo đuổi một thứ chủ nghĩa chiết trung ngây thơ hoặc là ba phải, xuê xoa cho xong chuyện. Với tư cách một người sáng tác, tôi công nhận rằng bolero khó viết, khó hát, đừng bao giờ nên coi rẻ nó như một thứ nhạc bình dân phổ cập, ai cũng hát được.

Trước tiên nói về sự mê thích bolero của một bộ phận công chúng rộng. Bolero sở dĩ ăn khách là vì nó có câu chuyện, có các nút thắt mở (đa số mở vào bi kịch) và như thế đồng nghĩa với việc đi trực tiếp vào trái tim người nghe. Loài người, bất kể sống ở đâu, đều thích nghe kể chuyện. Những câu chuyện tình buồn, thất vọng, ngang trái, chết chóc, chia ly thì ngay cả người hạnh phúc cũng muốn được nghe kể. Thời chúng tôi đi nhậu mà hát bolero, đâu phải chúng tôi buồn tình như những bài nhạc mình hát, chúng tôi chỉ thích được hát ra một câu chuyện buồn, như thể đấy là cách duy nhất hiệu quả để giải tỏa tâm trí, để được mơ mộng đôi chút về cảnh đời tình người, và để hy vọng dù điều này có vẻ mâu thuẫn: bolero đầy rẫy thất vọng.

Ngày còn bé tôi đã nghe Thanh Thúy hát “Lạnh Trọn Đêm Mưa”. Giờ đây tôi nghe Lệ Quyên hát “Mưa Nửa Đêm”. Đó là những thanh âm, những giọng điệu, những câu chuyện ám ảnh. Tôi chỉ hơi hoảng hốt trước cách hát bolero của các bạn trẻ, sao mà sướt mướt quá thế, sao mà phát âm sai bét thế, sao mà nức nở như đứa trẻ bị đòn thế. Nếu các bạn cho đó mới là cách hát bolero đúng, thì xin thưa các bạn đang sai đấy. Những nghệ sĩ làm người kể chuyện, dù triết lý cao siêu hay bi kịch phổ thông Lan yêu Điệp em đi lấy chồng anh làm gã lang thang, thì vẫn cần một khoảng lùi nhất định—từ điểm nhìn khách quan đó, người kể mới truyền đạt được nội dung câu chuyện một cách rốt ráo; sự lạnh nhạt của người ngoại cuộc hóa ra mới gây nên hiệu ứng cảm xúc lớn hơn nhiều so với việc vừa hát vừa khóc.

Bolero ở Việt Nam hay ở Mỹ la tinh đều là nhạc bình dân. Không nhất thiết phải làm mới nó, phải biến nó thành thứ gì cao sang. Và chẳng ai cấm việc nghe/hát bolero. Nhưng như tôi đã nói ở trên, chỉ có một vài tên tuổi nhạc sĩ có thể thành công ở bolero, như Trúc Phương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ. Và cũng không có nhiều người hát bolero hay được như Duy Khánh, Trang Mỹ Dung, Bảo Yến. Tôi nghĩ về bolero từ một điểm nhìn ngoại cuộc (tất cả những điều tôi nói trên kia đều với tư cách ngoại cuộc), còn những cảm xúc người trong cuộc tôi đã trải, ở thời hoa niên của mình, bằng giọng nhạc sướt mướt nỉ non như thế. Có gì sai nào?

Chỉ rõ một điều rằng ở Đồng Tháp, ở Châu Đốc đêm lạnh quán nhỏ mà nghe Nhật Trường nỉ non năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về, trong lúc thân phận mình phiêu dạt thì bật khóc lập tức. Khóc mùi mẫn.

Quốc Bảo

Nguồn: https://plus.google.com/109656893297063407577/posts/2kQDZkjc2pP

1 BÌNH LUẬN

  1. Trả lời: Hoa Mộng Bolero
    Có sai ko khi bảo Nhật Trường hát bài “Xuân Này Con Ko Về.” Tôi đồng ý với QB về những mặt tích cực mà nhạc Bolero đã mang lai. Những phán xét về Bolero hơi phiếm diện. Ko đáng có. Người nghe nhạc tại sao phải phân biệt đẳng cấp. Và người viết nhạc cũng chỉ cần sáng tác ra những tác phẩm mới hay hơn. Chir có trách nhưng người yêu Bolero đôi khi quá yêu mà thái quá cứ Bolero là số 1, nhạc xưa là dố một. Ngoài ra những chương trình Bolero trên mạng truyền thông đã hát bolero một cách ko chuyên. Hơn bốn mươi năm tôi vẫn được nghe Thanh Thúy , Hoàng Oanh thủ thỉ những tâm sự, hay nghe kể lại những câu chuyện khi nhàn sầu nhưng mới đây tôi yêu vô cùng giọng ca Quỳnh Lan với những bài như ” Lá vàng rơi “,Khi ta đã yêu người ” Âm nhạc như cuộc sông, cta cần phải mở rộng con tim thì mới nhận đươc nhiêu những món quà mà cuộc sống mang lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây