Tuấn Thảo
20/5/2017
Narciso Yepes với sở trường chơi đàn 10 dây
Bản nhạc Romance (Tình Ca) có lẽ là khúc đàn ghi ta nổi tiếng nhất trên thế giới. Chỉ cần nghe qua những nốt nhạc dạo đầu là ta có thể nhận ra ngay. Điều này lại càng đúng hơn đối với những bạn nào mê đàn ghi ta, bởi vì bất cứ ai từng học đàn đều đã luyện qua bài này ít nhất một lần trong đời. Nhân liên hoan phim Cannes và nhân 20 năm ngày giỗ của Narciso Yepes (1927-1997), Góc vườn âm nhạc RFI được dịp nói về khúc nhạc chủ đề của bộ phim Jeux Interdits.
Tuy rất nổi tiếng, nhưng khúc đàn ghi ta Romance (Tình Ca) của Tây Ban Nha lại khuyết danh tác giả, có nhiều giả thuyết cho rằng bản nhạc đã ra đời sớm lắm là từ thế kỷ XVI, muộn lắm là vào thế kỷ XIX. Theo nhiều nguồn ghi chép khác nhau, các tác giả có thể là nhạc sĩ Fernando Sor (giai điệu Melodia de Sor), Antonio Rubira (khúc nhạc Estudio en Mi de Rubira), Francisco Tárrega hay là Matteo Carcassi (tình ca Romanza) ……
Do không có đủ bằng chứng xác nhận 100% ai là tác giả đích thực, cho nên bài Romance luôn được ghi chú là một khúc nhạc khuyết danh (romance anónimo). Nhạc sĩ Narciso Yepes là người đã giúp cho khúc đàn ghi ta này đi vòng quanh trái đất khi soạn lại bản ghi âm Romance làm nhạc nền cho bộ phim đề tựa Jeux Interdits (Trò Chơi Cấm) của đạo diễn René Clément vào năm 1952.
Sinh trưởng tại miền nam Tây Ban Nha (thành phố Murcia), Narciso Yepes (1927-1997) xuất thân từ một gia đình nông dân, nhờ có khiếu âm nhạc nên được cho đi học đàn từ năm 13 tuổi tại nhạc viện thành phố Valencia. Thầy của ông là nhạc sư Vicente Asencio, do theo trường phái hàn lâm, nên thường hay quan niệm rằng : dương cầm và vĩ cầm cao hơn đàn ghi ta một bậc, do người đánh piano hay kéo violon có thể chơi đàn rất nhanh, và chơi liền mạch trong các đoạn legato, không ngắt âm mà cũng chẳng đứt nhịp.
Quan niệm hơi bảo thủ ấy chính là động lực thôi thúc Narciso Yepes tự rèn luyện cách chơi đàn ghi ta, liên tục bấm dây dù có chảy máu đau buốt ở đầu ngón tay, khẩy đàn vuốt nhịp cho tới mức thuần thục nhập tâm, mắt không còn cần nhìn thấy nốt nhạc ghi trên giấy. Trong thâm tâm, Narciso Yepes muốn chứng tỏ điều ngược lại với những gì thầy đã dạy. Ông thành danh nhờ ghi âm bản tuyệt tác Concerto de Aranjuez của nhạc sĩ Joaquin Rodrigo vào năm 1947. Tuy mới có 20 tuổi đời, nhưng tài nghệ biểu diễn của Narciso Yepes lên tới hàng tuyệt hảo, trong cách biểu hiện cảm xúc tràn đầy, trong lối nhấn cung đảo phách, lướt nhịp vuốt dây ……
Nhờ vào thành công này mà Narciso Yepes được mời đi biểu diễn khắp nơi. Tại thủ đô Paris, ông thành công trong nhiều đêm liền trên sân khấu nhà hát Gaveau với phần độc tấu với cây đàn ghi ta 10 dây, nhờ vậy mà ông được mời hợp tác với đạo diễn René Clément. Thế nhưng Narciso Yepes chưa phải là một tác giả thực thụ, ông soạn lại khá nhiều giai điệu cổ điển sao cho hợp với đàn ghi ta, trong đó có giai điệu quan trọng nhất vẫn là khúc nhạc không lời khuyết danh tác giả mang tựa đề Romance (ngoài ra còn có các giai điệu Sarabande & Bourrée của Robert de Visée, Menuet của Jean-Philippe Rameau, Pequeno Estudio của Napoléon Coste, khúc dân ca El Testament d’Amelia theo cách viết lại của Miguel Llobet).
Vào năm 1952, bộ phim Jeux Interdits đoạt một giải thưởng lớn (Grand Prix Indépendant) tại liên hoan Cannes, lúc ấy vẫn chưa có Cành cọ vàng, giải này chỉ được thành lập vào năm 1955. Cũng nhờ phim này mà nữ diễn viên Brigitte Fossey trở nên nổi tiếng và hầu như người Pháp nào cũng đều nhận ra khuôn mặt bụ bẫm dễ thương của cô bé tóc vàng trong bộ phim. Sau liên hoan Cannes, tác phẩm của đạo diễn René Clément đoạt giải Sư tử vàng tại liên hoan Venise, và giải Oscar của Mỹ dành cho phim nước ngoài (1953), giải nhất của giới phê bình liên hoan Tokyo và giải thưởng BAFTA của Anh Quốc …..
Tuy bộ phim đoạt rất nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng giờ đây, ít ai còn nhớ chính xác nội dung tác phẩm này, ngược lại khúc nhạc chủ đề Romance lại trở nên cực kỳ nổi tiếng (giai điệu này từng được dùng làm nhạc phim vào năm 1941 trong bộ phim Blood and Sand của đạo diễn Rouben Mamoulian với Rita Hayworth và Tyrone Power trong vai chính, tức là một thập niên trước phim Jeux Interdits). Hầu hết các nghệ sĩ độc tấu ghi ta đều từng ghi âm bài này. Ban đầu là một khúc nhạc không lời, bản Romance sẽ được đặt thêm lời từ cuối những năm 1950 trở đi. Trong tiếng Anh, bài có tựa là Forbidden Games từng được nhiều nghệ sĩ ghi âm, trong đó có diva người Nam Phi Miriam Makeba hay danh ca vùng Québec Ginette Reno.
Trong tiếng Pháp bài Jeux Interdits có tới ít nhất là bốn lời khác nhau. Phiên bản của Patrick Fiori (La Ballade des Jeux Interdits) qua cách đặt lời của tác giả Ariane Quatrefages nói về Tuổi thơ bị đánh mất. Françoise Hardy ghi âm một phiên bản khác đề tựa San Salvador trong tiếng Pháp cộng thêm một phiên bản tiếng Đức là Verbotene Spiele. Vào những năm 1970, tác giả Michel Jourdan viết cho Dalida bài Ton Prénom dans Mon Cœur (Tim em thầm gọi tên anh) dựa vào giai điệu Jeux Interdits, nhưng lời hoàn toàn khác. Vào năm 1977, tác giả Eddy Marnay lần đầu tiên hợp tác với Mireille Mathieu, ông dựa vào giai điệu Romance để viết thành bài Amour Défendu (Tình yêu bị cấm), bản nhạc này sẽ có thêm một lời tiếng Đức hoàn toàn khác biệt Walzer der Liebe (Điệu valse tình yêu). Các phiên bản phóng tác này đều khác nhau về mặt nội dung cũng như ca từ ……
Còn trong tiếng Việt, tác giả Phạm Duy đã từng gợi hứng từ lời ca tiếng Pháp của bài Amour Défendu để đặt lời Việt cho ca khúc Mối Tình Oan Khiên qua phần trình bày của Ngọc Lan. Trong những năm gần đây, lời tiếng Pháp của Eddy Marnay cũng đã truyền cảm hứng cho tác giả Nguyễn Đăng Hưng. Anh chấp bút đặt thêm một lời Việt mới, phóng tác bài Amour Défendu thành nhạc phẩm Tình Ngang Trái (qua phần biểu diễn của ca sĩ Phi Thúy Hạnh). Lối chuyển ngữ của anh Nguyễn Đăng Hưng có phần khác biệt với cách đặt lời của tác giả Sóng Việt Đàm Giang, bản Romance trở thành Tình Anh từng được ca sĩ Công Bình trình bày, trên tiếng đàn đệm của nghệ sĩ Thanh Huy. Cũng vào khoảng năm 2005, tác giả Đình Nguyên gợi hứng từ giai điệu Romance để phóng tác thành nhạc phẩm Khúc Hát Đêm Mưa do nữ ca sĩ Quỳnh Lan trình bày.
Trong vòng 40 năm từ lúc ông nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ bản Romance cho tới khi ông qua đời vào năm 1997 do bệnh ung thư phổi, Narciso Yepes đã không ngừng lưu diễn khắp nơi. Trong đời ông đã thực hiện nhiều bản ghi âm quan trọng khác hầu phổ biến trường phái Tây Ban Cầm hàn lâm (gồm các tác giả Manuel de Falla, Fernando Sor, Isaac Albeniz …..), cũng như các tác giả tân thời hơn như Maurice Ohana, Cristobal Hallfter, Xavier Montsalvatge ….. Bên cạnh đó, ông còn soạn lại nhiều tác phẩm của Bach và Vivaldi sao cho hợp với đàn ghi ta. Dù vậy, mỗi lần nhắc tới Narciso Yepes, bài Romance vẫn luôn gắn liền với tên tuổi của ông.
Số lượng phiên bản ghi âm xưa cũng như nay cũng như khối lượng các bản phóng tác trong nhiều ngôn ngữ kể cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức hay tiếng Việt cho thấy là giai điệu Romance vẫn tiếp tục gieo nhiều cảm hứng trong giới văn nghệ sĩ. Trong nguyên tác, bài Romance tuyệt đối không có lời ca nhưng nhờ vào giai điệu sâu lắng da diết, trữ tình tha thiết đã làm thổn thức hàng triệu con tim, chinh phục được cảm tình của biết bao người hâm mộ. Việc đặt thêm lời ca là một cách để tạo thêm nhiều câu chuyện lồng vào những khung cảnh khác nhau. Dù được hát với ngôn ngữ nào đi chăng nữa, giai điệu Romance theo cách soạn nhạc của Narciso Yepes tạo nguồn cảm xúc nhớ nhung lưu luyến : từ một khúc đàn khuyết danh kinh điển, bỗng nhiên tuôn chảy kỷ niệm triền miên ……
Tuấn Thảo
Nguồn: http://vi.rfi.fr/van-hoa/20170520-nhac-phim-loi-viet-romance-khuc-dan-kinh-dien