Trò chuyện với Nguyễn Ngọc Ngạn về đại nhạc hội “Dòng Nhạc Trữ Tình Bolero

Tuấn Bảo
5/5/2017

Trò chuyện với Nguyễn Ngọc Ngạn về đại nhạc hội “Dòng Nhạc Trữ Tình Bolero

Chúng tôi gặp lại nhà văn-MC Nguyễn Ngọc Ngạn sau chuyến đi lưu diễn thành công của ông tại Âu Châu vào đầu tháng 5 vừa qua. Đặc biệt nhất là Show “25 năm sân khấu Nguyễn Ngọc Ngạn” tại Paris đã sold out cả tuần trước khi trình diễn. Một hiện tượng lạ cho giới văn nghệ tại Pháp, nhất là với một hý viện 2,400 chỗ ngồi.
Nhân dịp này Thời Báo có dịp trò chuyện với ông về các đề tài văn nghệ như phong trào nhạc Bolero và chủ đề Show nhạc do Quỹ Cộng Đồng Thời Báo thực hiện vào ngày 20/5 tại Toronto và 21/5 tại Montreal.

*Tại sao chương trình văn nghệ Quỹ Cộng Đồng Thời Báo năm nay li đổi từ chủ đề Hoàng Thi Thơ thành “Dòng Nhạc Trữ Tình Bolero”?

– Nguyễn Ngọc Ngạn (NNN): Câu hỏi này chắc chắn đang là thắc mắc chung của rất nhiều khán giả. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, như trong một bài tôi đã viết trên Thời Báo, có thể nói là người tiên phong đóng góp cho tân nhạc Việt Nam sau thời kỳ nhạc tiền chiến. Người ta bắt đầu biết đến những ca khúc của ông từ khoảng năm 1953. Năm 1997, ông sang Toronto lần đầu tiên để thực hiện cuốn Paris By Night 41 “Hoàng Thi Thơ, Một Đời Cho Âm Nhạc”. Tính đến năm nay là tròn 20 năm. Để đánh dấu kỷ niệm ấy, Quỹ Cộng đồng Thời Báo có ý định tổ chức show Hoàng Thi Thơ với sự tham gia đặc biệt của con trai ông là nhạc sĩ Hoàng Thi Thi. Sự hiện diện của Hoàng Thi Thi chẳng những sẽ làm phong phú thêm cho chương trình bởi anh vốn là nhạc sĩ piano tài ba được thân phụ đào tạo từ năm 4 tuổi trước khi vào Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Hơn thế nữa, có Hoàng Thi Thi, khán giả sẽ được nghe thêm nhiều giai thoại về thân phụ của anh mà chưa ai tiết lộ trước đây.

Nhưng bất ngờ, Hoàng Thi Thi thông báo không qua Canada được vào ngày 20 tháng 5 vì chuyện gia đình. Quỹ Cộng đồng Thời Báo họp bàn và quyết định hoãn chủ đề Hoàng Thi Thơ lại cho một dịp khác. Để thay thế vào đó, Quỹ Cộng đồng Thời Báo chọn “Dòng Nhạc Trữ Tình Bolero” là chủ đề đang ăn khách nhất hiện nay. Việc đổi thay này vô tình lại giúp cho chương trình mở rộng hơn, đa dạng hơn, vì các ca sĩ không cần phải giới hạn bài bản khuôn khổ nhạc Hoàng Thi Thơ nữa, mà có thể chọn bất cứ ca khúc nào của bất cứ tác giả nào mà khán giả yêu thích.

*Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có phi là ngưi đầu tiên viết nhạc Bolero với bài Duyên Quê không? (Em gái vườn quê, một sương hai nắng…). Xin anh nói qua về lịch sử nhạc Bolero.

– NNN: Hiện chưa có tài liệu nhạc sử chính thức nào xác nhận ai là người đầu tiên viết nhạc Bolero ở Miền Nam chúng ta. Tuy nhiên nếu căn cứ vào thời điểm sáng tác thì Hoàng Thi Thơ được nhiều người coi là nhạc sĩ tiên khởi của dòng nhạc này. Lúc đầu Thời Báo tổ chức show nhạc Hoàng Thi Thơ cũng chính vì lý do đó, muốn nhắc đến công lao của ông khi dòng nhạc Bolero đang bùng lên mãnh liệt tại Việt Nam.

Nhạc Bolero là nhạc gì?

Nếu hiểu theo nghĩa đen thì Bolero là thể điệu nhạc để nhảy Rumba, rất thịnh hành từ khi có vũ trường ở Miền Nam. Thể điệu này dễ hát vì nhịp nhàng rõ ràng, không nhanh quá như Cha Cha Cha, cũng không chậm quá như Slow hay Boston. Vì vậy, Bolero đã nhanh chóng lấn át nhiều thể điệu khác.

Belero thật ra là một điệu nhảy của Tây Ban Nha có nguồn gốc từ Morocco. Tuy nhiên, ý niệm “nhạc Bolero” theo cách hiểu hiện nay của người Việt chúng ta, từ trong nước ra hải ngoại, thì không phải chỉ thuần tuý là nhạc Rumba, mà là dòng nhạc trữ tình mang tính đại chúng và có thể là nét nhạc đặc trưng của 21 năm Miền Nam. Nó có thể là Rumba Bolero, có thể là Slow Rock hay Boston hoặc Tango. Nói chung, nó xứng đáng được gọi là dòng “nhạc vàng của Miền Nam”.

Cũng cần thêm rằng: Những bản nhạc Bolero đầu tiên như Duyên Quê, Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Các Anh về, Đưng Xưa Lối Cũ (Hoàng Thi Thơ), hoặc Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn), Chuyến Đò Vĩ Tuyến (Lam Phương), Chiều Làng Em (Trúc Phương)… đều lấy nguồn cảm hứng từ đồng quê, từ nông thôn, cho nên dòng nhạc này cũng còn được gọi là “nhạc quê hương”.

Về sau, khi cuộc chiến lan rộng, nhạc Bolero phát triển mạnh hơn, mở rộng đề tài về thân phận, về đất nước, hoặc tình yêu lồng trong khói lửa, với các nhạc sĩ Trúc Phương, Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Song Ngọc, Quốc Dũng, Nhật Ngân, Châu Kỳ, Thanh Sơn, Hoài Linh, Mạnh Quỳnh, Tú Nhi, Vinh Sử, Thăng Long, Hoàng Trang… tạo nên cả một vườn hoa âm nhạc đầy mầu sắc của Miền Nam chúng ta.

*Anh giải thích thế nào về hiện tưng ăn khách của bài Duyên Phận? Show Thời Báo năm nay có ca sĩ nào hát bài này không?

– NNN: Bài Duyên Phận tự nó cũng đã có một “duyên phận” rồi! Anh Duy Trác, ca sĩ kỳ cựu trước năm 1975, có lần nói với tôi tại Paris năm 1993 rằng: “Ngay cả một bài hát cũng có định mệnh riêng của nó”! Điều này có lẽ đúng! Năm 2007, nghĩa là cách đây 10 năm, khi chuẩn bị thu hình cuốn Paris By Night “Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam”, cô Tô Ngọc Thủy, Giám đốc Thúy Nga, yêu cầu nhạc sĩ Thái Thịnh sáng tác một bài mới cho Như Quỳnh. Lúc ấy Thái Thịnh đang định cư ở tiểu bang Utah, Hoa Kỳ. Thái Thịnh viết bài Duyên Phận gửi cho Thúy Nga. Bạn đọc chắc cũng biết Thái Thịnh thường viết nhạc trẻ, nhiều bài đã hát trên Paris By Night. Loại nhạc của Minh Tuyết hay Bằng Kiều. Lần này vì viết riêng cho Như Quỳnh nên đây là lần đầu tiên Thái Thịnh sáng tác thể điệu Bolero.

Nhưng bất ngờ, Như Quỳnh bỏ sang Asia, không góp mặt trong cuốn “Chân Dung Người Phụ Nữ VN”. Thúy Nga giữ bài Duyên Phận lại, rồi hầu như quên luôn, mặc dù Như Quỳnh đã quay về lại với Thuý Nga chỉ sau một thời gian rất ngắn.

Bảy năm sau, cô Thủy mới nhớ ra bài Duyên Phận và lôi ra đưa cho Như Quỳnh. Tôi vốn không tin những tác phẩm “đặt hàng” kiểu này, khó có thể hay được! Thế mà không ngờ Duyên Phận lại trở thành một hiện tượng lớn lao nhất về sức hút.

Nếu phân tích lý do thì ta có thể thấy: Bài hát tự nó đã hay, lời ca lại hợp với tâm trạng các cô gái mới lớn lo âu về tương lai bấp bênh khi lập gia đình, nhất là những cô hái nghèo trong nước. Quan trọng hơn nữa là Duyên Phận ra đời đúng thời điểm nhạc Bolero vừa sống lại như giông bão trong nước, cho nên ai cũng hát, kể cả ca sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Một ca sĩ được mời làm giáo khảo trong nước, kể với tôi, 100 thí sinh ghi danh dự thi nhạc Bolero, khi vào sơ tuyển, đều chọn bài Duyên Phận! Để tập dượt, họ mở Youtube nghe Như Quỳnh hát rồi hát theo. Tổng số lượt người nghe Duyên Phận đến nay là khoảng hơn 100 triệu, trong đó Như Quỳnh chiếm trên một nửa! Xưa nay chắc chưa có ca khúc Việt Nam nào được tìm nghe nhiều như vậy!

Mới đây, tôi có phỏng vấn và chúc mừng nhạc sĩ Thái Thịnh trên Paris By Night 122 sắp phát hành. Tôi đã nhấn mạnh một điểm: Cái hay của Thái Thịnh là khán giả nghe Duyên Phận, không nghĩ đây là một bài hát mới sáng tác. Đa số cứ tưởng là một bài hát cũ viết trước năm 1975. Bởi nó có cái “hơi nhạc”, cái “không khí” của nhạc Bolero trước năm 1975.

Ở Đại Nhạc Hội Thời Báo năm nay, tôi đã đề nghị Hoàng Nhung hát bài này. Hoàng Nhung trẻ đẹp, hát hay, giải nhất của V-START. Đây là lần đầu tiên cô sang Toronto. Chắc chắn nhiều khán giả rất mong đợi.

*Anh thấy tương lai của dòng nhạc Bolero trong nước và hải ngoại như thế nào? Báo chí trongớc ghi nhận rằng nhờ dòng nhạc này, một số ca sĩ vỉa hè tại VN bỗng trở thành nổi tiếng! Anh thấy họ có đường dài hay chỉ là nhất thời?

– NNN: Dòng nhạc Bolero, hay nói đúng hơn là “Nhạc vàng Miền Nam” sống lại ở quốc nội, chắc chắn làm nhiều người trong chúng ta phải giật mình và kinh ngạc. Thậm chí có người trước đây vốn coi thường dòng nhạc này, giờ đây cũng phải thay đổi cách suy nghĩ.

Riêng với tôi, sự phục hồi nhạc vàng Miền Nam ở quốc nội cho tôi nhiều niềm vui về mặt tinh thần:

– Thứ nhất: Đất nước từ khi chia đôi năm 1954 thì tân nhạc đã chết hẳn tại Miền Bắc, chỉ còn một thứ nhạc phục vụ chế độ mà thôi. Nhờ có 21 năm Miền Nam, chúng ta mới có được một kho tàng âm nhạc đồ sộ như hiện nay. Chính sự thiếu vắng nhạc tình ở Miền Bắc trong suốt một thời gian dài, đã tạo nên nỗi khao khát trong lòng người dân và vì vậy ngày nay họ hết sức say mê nhạc vàng Miền Nam.

– Thứ hai: Toàn bộ ca nhạc Miền Nam từng bị xóa bỏ, bị cấm đoán từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày nay do nhu cầu của quần chúng nhạc Miền Nam được phục hồi. Bất cứ ai sống ở Miền Bắc từ sau năm 1954, chắc chắn nhân dịp này sẽ thấy được nhạc Miền Nam phong phú như thế nào và chẳng cần phải tuyên truyền, họ cũng nhìn ra ngay được một sự thật: Chính nhờ được tự do sáng tác mà Miền Nam mới có cả một rừng nhạc đa dạng ấy. Đó chẳng phải là một niềm hãnh diện của Miền Nam tự do hay sao?

– Thứ ba: Sự phục hồi dòng nhạc Bolero trong nước chẳng những giúp cho nhiều ca sĩ nghiệp dư, nhiều tiếng hát vỉa hè, bỗng chốc trở thành nổi tiếng, mà hơn thế nữa còn đem những ca sĩ cứ tưởng đã ngưng hoạt động rồi, bây giờ cũng trở lại với sân khấu với dòng nhạc quen thuộc vốn sở trường lâu năm của họ.

Tuy nhiên cũng có điều làm chúng ta bận tâm: Nếu cứ quanh quẩn mãi ở dòng nhạc cũ này thì rồi tân nhạc Việt Nam sẽ đứng lại hay sao! Nhạc cũ chúng ta vẫn tiếp tục thưởng thức, bởi rất nhiều bài thuộc loại bất tử, vượt thời gian. Nhưng phải có nhạc mới để nối tiếp dòng nghệ thuật vốn là con đường bất tận.

Nói chung thì như vậy, nhưng riêng với người Việt hải ngoại, thì kỷ niệm quê hương bao giờ cũng là những gì quý giá in sâu trong lòng. Chính vì vậy bao nhiêu năm qua nhạc cũ luôn luôn được chúng ta trân trọng vì chúng ta nghe để tìm về dĩ vãng.

*Xin cảm ơn anh Ngn đã dành thì giờ cho Thời Báo, mặc dù biết anh vừa từ Âu Châu trở về. Xin chúc mừng show “Nguyễn Ngọc Ngạn 25 năm sân khấu” thành công rực rỡ tại Paris.

– NNN: Xin cảm ơn Thời Báo, cám ơn quý độc giả đã theo dõi và hẹn gặp quý vị trong show “Nhạc Trữ Tình Bolero” ngày thứ Bảy 20/5, tại The Meeting House, Oakville và Chủ nhật 21/5 tại L’UQÀM CENTRE PIERRE PELADEAU, Montreal.

Tuấn Bảo (thực hiện)

Nguồn: http://thoibao.com/tro-chuyen-voi-nguyen-ngoc-ngan-ve-dai-nhac-hoi-dong-nhac-tru-tinh-bolero/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây