Vô cùng thương tiếc nghệ sĩ Thanh Sang

Nguyễn Phương
4/2017

Nghệ sĩ Thanh Sang đã trút hơi thở cuối cùng lúc 0 giờ 25 phút ngày 21/4/2017 tại nhà riêng, hưởng thọ 75 tuổi.

Ngày 4/4, anh bị khó thở, được gia đình đưa đi cấp cứu. Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, vì anh có bệnh suy thận, suy tim, xuất huyết não nên bị hôn mê và mất đi trong niềm thương tiếc của gia đình, nghệ sĩ đồng nghiệp và khán giả ái mộ cải lương.


Nghệ sĩ Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại Phước Hải, Bà Ria – Vũng Tàu. Cha Mẹ của Thu là người quê ở Bình Định, làm nghề ngư phủ. Hai ông bà từng đi đánh cá khắp các vùng biển Quy Nhơn, Bình Định, Tuy Hòa, Nha Trang, Rạch Giá, Cà Mau. Hai ông bà chọn Phước Hải để định cư vì có nhiều bạn đồng hương Bình Định đến đây lập nghiệp. Bốn chị em của Thu đều được sanh ra tại Phước Hải.

Cha của Thu mất năm 1949 khi Thu mới 7 tuổi. Người chị thứ hai 10 tuổi phải đi bán khoai lang, chuối nấu để để kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Thu tuy mới 7 tuổi cũng phải đi làm mướn cho ông chủ ghe cá, phụ việc khoanh chạc, tát nước, gỡ cá khi ghe đi đánh cá ở biển về.

Khi làm việc chung ở đoàn Dạ Lý Hương, Thanh Sang kể lại khoảng đời thơ ấu cho chúng tôi nghe trong dịp nhậu trong quán rượu bên hông rạp Quốc Thanh. Thanh Sang kể là hồi 8 tuổi anh đã theo ghe đánh cá đi biển. Lúc 14 tuổi, Thu theo ghe đi biển, bị một trận bão dữ dội, nhiều ghe trong đoàn đánh cá bị chìm, ghe của Thu thoát nạn. Khi Thu vô đến bãi thì thấy mẹ và các chị em của Thu đang quỳ nơi bãi biển, cầu nguyện cho Thu thoát nạn. Thu ôm mẹ, hai mẹ con ôm nhau mà khóc khiến cho cả xóm xúc động. Bà mẹ không muốn con theo ghe cá ra biển nữa nhưng rồi vì nghèo quá, đành phó cho số trời.

Ông chủ ghe cá rất thích Thu, vì cậu siêng năng, làm việc cực nhọc không kêu ca, không nề hà gì, lại làm mồi nhậu rất ngon nên ông không cho Thu đi biển theo ghe cá nữa mà giao cho việc vá lưới, đan lưới, khi nào ghe đi biển về thì Thu phụ cân cá, khiêng cá ra chợ rồi rửa ghe và phơi lưới. Ông cho mẹ con của Thu mướn ngôi nhà nhỏ ở sau rạp hát Hải Lạc – Phước Hải. Nhờ vậy khi có đoàn cải lương nào về hát ở rạp Hải Lạc, Thu ngồi trong nhà cũng nghe được tiếng đờn câu ca. Nghe hát cải lương riết rồi đâm ra ghiền, mê vọng cổ. Thu làm quen với các nghệ sĩ, hễ có tiệc nhậu thì thế nào Thu cũng kiếm rượu đế ngon, nấu vài món cá, tới góp phần và ca vọng cổ chung vui với anh em trong gánh hát. Làn hơi của Thu trầm ấm, vang lộng, Thu học ca theo dĩa vọng cổ của các danh ca Út Trà Ôn, Thành Công, Chín Sớm và được các bạn đờn ca tài tử Phước Hải dạy ca theo đúng nhịp điệu.

Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của ông bà bầu Hoàng Kinh – Ngọc Đán về hát ở rạp Hải Lạc. Trong một dịp đờn ca với các nghệ sĩ đoàn Ngọc Kiều, giọng ca của Thu được nữ nghệ sĩ Kim Nên chú ý. Cô Kim Nên thân mẫu của nghệ sĩ tân nhạc Thái Châu, là đào chánh của đoàn Ngọc Kiều, giới thiệu Thu với ông bầu Hoàng Kinh, xin cho Thu theo gánh hát để học hát, cô tin là Thu sẽ trở thành một kép chánh sớm nổi danh. Thu được nhận vô gánh hát và chỉ được cho đóng vai quân sĩ chạy hiệu và đánh võ trong tuồng. Thu cần cù, chịu khó học hỏi, đêm đêm Thu ngồi bên cánh gà coi hát và học thầm theo tuồng. Đoàn đang hát tuồng Chiều đông gió lạnh về, Thu thuộc được nhiều vai trong tuồng này. Khi các vai kép cạnh đau yếu không hát được, bầu gánh bảo Thu thế vai, suất hát thế vai của Thu thành công trọn vẹn. Bầu Hoàng Kinh mới đặt nghệ danh cho Thu. Ông nói: “Tên Thu nghe có vẻ con gái, mày ở lứa tuổi của những nghệ sĩ có giọng ca dũng mãnh như Thanh Kỳ, Thanh Liêm ở đoàn Phước Chung, như Thanh Tú ở đoàn Thanh Minh, như Thanh Nhàn, Thanh Sơn con của kép Thanh Tao ở đoàn Kim Thanh nên tao đặt cho mày nghệ danh là Thanh Sang. ”

Thu nhận cái tên mới Thanh Sang và được ông Bầu cho đóng các vai kép ba, kép nhì. Năm 1962, kép chánh Hùng Cường khi diễn trên sân khấu Kim Chung, không hài lòng cách diễn của anh hề Nguyễn Mỹ (con của danh hề Sáu Dình và nữ nghệ sĩ Năm Đặng đoàn Phước Chung), Hùng Cường đã đánh Nguyễn Mỹ gãy răng, chảy máu miệng và đạp cho Nguyễn Mỹ té xuống phòng khán giả.

Trước đó cũng ở sân khấu Kim Chung, Hùng Cường hát, ca rớt vọng cổ, anh đã xông vô dàn đờn cổ nhạc, đánh nhạc sĩ Văn Vĩ và đá bể đờn guitare và ampli của Văn Vĩ. Văn Vĩ vì đui, không nhìn được miệng ca của Hùng Cường nên không vớt khi anh rớt nhịp nhưng Hùng Cường cho là nhạc sĩ Văn Vĩ muốn đờn phá anh. Văn Vĩ thề không bao giờ đờn cho gánh hát cải lương nữa, anh đã giữ lời thề cho đến ngày anh mất.

Hồi đó Hội Ái Hữu nghệ sĩ đang hoạt động mạnh, các Hội Công Nhân sân khấu, Chi Hội Soạn giả, Hội Ký giả kịch trường vừa thành lập, Hội nào cũng muốn chứng tỏ khả năng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ nên đăng báo vận động khán giả ủng hộ tiền để kiện Hùng Cường ra tòa và cho Nguyễn Mỹ đi bác sĩ lấy giấy chứng thương và trị bịnh. Nghệ sĩ Hùng Cường phải đi hầu tòa nhiều lần, anh phải rời đoàn Kim Chung để tránh làn sóng phản đối của báo chí kịch trường và khán giả. Anh theo đoàn Ngọc Kiều đi hát ở các tỉnh Hậu Giang nhưng phía Nguyễn Mỹ và các Hội nghệ sĩ (Công Nhân Sân Khấu, Chi Hội Soạn giả, Hội Ký giả kịch trường…) không chịu bãi nại nên Toà Án vẫn đưa trát đòi Hùng Cường đi hầu. Vì vắng mặt kép chánh Hùng Cường nhiều lần, bầu Hoàng Kinh tập cho Thanh Sang hát thế vai chánh của Hùng Cường, đó là vai Đông Nhật trong tuồng Tuyết Phủ Chiều Đông. Thanh Sang từ một vai kép ba, thế vai của Hùng Cường, trở thành kép chánh của đoàn hát. Ông bầu Hoàng Kinh lấy những vai hát kép chánh của Hùng Cường giao cho Thanh Sang thủ diễn, nâng vai trò của Thanh Sang lên kép chánh, ký contrat mới với Thanh Sang. Hùng Cường thối contrat cho bầu Kinh, trở về Saigon đi gánh hát khác, sau khi nhờ người vận động với cha mẹ Nguyễn Mỹ bãi nại, Hùng Cường bồi thường tiền thang thuốc cho Nguyễn Mỹ.

Nghệ sĩ Thanh Sang làm kép chánh qua ba gánh hát: Ngọc Kiều, Ngọc Kiều Mới, Song Kiều nhưng ba đoàn này chuyên hát ở Hậu Giang nên ít được báo chí kịch trường đề cập đến. Năm 1964, bầu Xuân thành lập đoàn Dạ Lý Hương, khai trương gánh hát với tuồng Cô Gái Đồ Long, danh ca Tấn Tài vào vai Trương Vô Kỵ, kép ca Út Hiền vai Trương Thúy Sơn, kép Thanh Sang vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Ngọc Giàu vai Hân Tố Tố.

Hai nhân vật trẻ Trương Vô Kỵ và Trương Thúy Sơn được trao cho hai danh ca Tấn Tài và Út Hiền, hai vai này là mãnh đất màu mỡ cho hai danh ca Tấn Tài, Út Hiền thi thố giọng ca vàng và kỹ thuật luyến láy qua các bài vọng cổ trữ tình trong tuồng. Thanh Sang mới 20 tuổi mà phải thủ diễn một vai lão mù. Đôi mắt của diễn viên là một lợi khi sắt bén giúp cho diễn viên chinh phục khán giả, cái liếc mắt tống tình, liếc mắt căm hờn, ánh mắt nghi ngờ, đôi mắt ngạc nhiên, đôi mắt bối rối…đôi mắt diễn đạt nhanh hơn và hiệu quả hơn lời nói, lời ca. Diễn một nhân vật mù là đã mất hết lợi thế của đôi mắt nên rất khó diễn. Nhưng Thanh Sang lại diễn nhân vật Tạ Tốn rất hay và đạt được huy chương vàng Giải Thanh Tâm nhờ vai tuồng nầy.

Lớp diễn như sau: Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn cướp được thanh Đồ Long Đao, cùng với vợ chồng nghĩa đệ Trương Thúy Sơn, Hân Tố Tố đi biển Đông, định tìm một nơi yên tỉnh để nghiên cứu bí mật của Đồ Long Đao, không ngờ bị bão biễn, trôi dạt đến Băng Hỏa Đảo. Vì suy nghĩ hoài không tìm ra được bí mật Đồ Long Đao, lại nhớ đến mối thù vợ con bị Thành Khôn cưỡng hiếp rồi giết chết, khi nghĩ tới bí mật Đồ Long Đao không tìm ra được thì không thể nào trả được mối thù vợ con bị Thành Khôn giết, Tạ Tốn nổi cơn điên dữ dội, múa đao đâm chém loạn xạ… Trương Thúy Sơn bị thương nặng, chỉ còn chờ chết dưới đao của Tạ Tốn thì ngay giữa cơn nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc đó, Hân Tố Tố sanh ra một đứa hài nhi. Hài nhi kêu lên tiếng khóc chào đời, tiếng khóc trẻ thơ đánh thức lương tri của Tạ Tốn, khiến ông liên tưởng đến tiếng khóc của con ông, ông bình tĩnh dần dần, ý tưởng giết người tan đi, nhường cho tình thương dành cho trẻ sơ sinh. Lúc này Thanh Sang mới 20 tuổi, thủ diễn một vai lão mù, đầu tóc vàng hoe xù lên như một cái bờm sư tử, khi nổi cơn điên thì đâm chém loạn xạ, gầm thét dữ dội, thái độ bạo tàn nhưng khi nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh, Thanh Sang – Tạ Tốn khựng lại, ngơ ngác, lắng nghe, nghểng tai về hướng động đá, tiếng khóc lại vang lên… môi của Thanh Sang – Tạ Tốn hơi nhếch cười, run giọng nói: “Con tôi…phải tiếng của con tôi không?”

Cơn điên giận dữ qua mau như một trận bão tàn, nhường cho khoảng trời quang mây tạnh. Nở nụ cười trên môi, Ta Tốn bồng đứa trẻ thơ, ôm nó vào lòng, kêu lên trong một giọng đẫm lệ vì sung sướng… Con tôi…Con tôi đây rồi. Phải cho nó làm con nuôi của ta mới được…

Vở tuồng khai trương tại rạp Quốc Thanh, các vai Út Hiền – Trương Thúy Sơn, Tấn Tài – Trương Vô Kỵ chỉ thỏa mãn khán giả bằng mấy câu vọng cổ, nhưng lớp tuồng gây xúc động nhất, gieo ấn tượng sâu sắc vào lòng khán giả chính là lớp diễn của Thanh Sang – Tạ Tốn.

Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Thanh Sang, một chàng trai chài lưới, chưa qua trường lớp nào của sân khấu đã trở thành ngôi sao cải lương với cái huy chương vàng Giải Thanh Tâm năm 1964.

Trong cuộc đời nghệ thuật sân khấu, Thanh Sang đã để lại những vai diễn bất hủ, những nhân vật có tính cách khác thường nhưng rất sâu sắc về tâm lý, đòi hỏi phải diễn xuất nội tâm nhiều như trong tuồng Kiều Phong – A Tỷ, Bạch Tuyết trong vai A Tỷ, ngồi trên lưng Du Thản Chi (Thanh Sang), mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, Du Thản Chi – Thanh Sang đầu bị bịt mặt sắt, lại cõng A Tỷ trên lưng, Thanh Sang diễn xuất tỏ thái độ yêu đương mù quáng, ngu khờ đối với A Tỷ, lúc nào cũng ngu khờ mù quáng nghe theo mệnh lệnh của trái tim nên khán giả vừa tức vừa thương cái gả si tình mù quáng. Một diễn viên mang mặt sắt, đầu bao che bằng một nón sắt, lại cõng người trên lưng, chỉ bằng giọng nói, giọng ca mà diễn, biểu lộ được một tấm chơn tình, không phải là một chuyện dễ làm.

Trong tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng, Thanh Sang thủ diễn vai tướng cướp Thi Đằng, tự móc mắt mình để giúp cứu trị đôi mắt của đứa con gái của ông bị thất lạc từ 18 năm qua. Vai Thi Đằng khi mới dàn dựng thì do Thành Được thủ diễn, Thanh Nga trong vai cô gái mù. Sau Thành Được, vai Thi Đằng còn được các diễn viên Việt Hùng, Minh Vương, Hùng Minh và Thanh Sang thủ diễn… Theo báo kịch trường và dư luận khán giả thì sau Thành Được, Thanh Sang là người diễn xuất sắc nhứt, hơn các diễn viên tài danh đã được kể.

Sau năm 1975, Thanh Sang nổi bật qua các vai Thi Sách trong Tiếng Trống Mê Linh, vai Trần Minh trong Bên Cầu Dệt Lụa, vai Lê Hoàn trong Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Thế Tử Ngũ Châu trong Đường Gươm Nguyên Bá.

Trong hoạt động nghệ thuật sân khấu, Thanh Sang được cảm tình sâu sắc của các bạn đồng diễn. Minh Vương, Hùng Minh, Phượng Liên, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Diệu Hiền… Thanh Sang rất quan tâm chỉ dẫn giúp đỡ các thế hệ diễn viên trẻ nhất là các em thủ diễn những vai có tính cách.

Giọng ca của Thanh Sang trầm ấm, có một nỗi buồn man mác, rất nhiều khán thính giả mê thích giọng ca lối hát của Thanh Sang.

Vì tôi xa quê hương trên ba chục năm, tôi không biết nhiều về việc gia đình vợ con của Thanh Sang, chỉ đọc báo hoặc nghe các bạn kể, Thanh Sang lận đận trong cuộc sống vợ chồng, qua 7 lần sống với 7 cô vợ. Họ chia tay nhau không ồn ào, không có ấn tượng xấu về nhau. Chỉ có người con gái của bà bầu gánh hát của Công Ty Cao Su Đồng Nai là người vợ chót, chăm sóc cho chồng nhiều nhứt những lần Thanh Sang lâm trọng bệnh.

Thanh Sang từng thủ diễn nhiều vai quan trọng trong tuồng của tôi khi tôi cộng tác với đoàn Dạ Lý Hương. Các nghệ sĩ Thanh Sang, Diệp Lang, Hùng Minh, Hương Huyền, Kim Tuyến, Giang Kim, Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh, Kiều Phượng Loan, Thanh Thế, Linh Tuấn từng tỏ lời kính tôi như người cha trên đường nghệ thuật nên tôi lúc nào cũng thương mến các cháu như con của mình và xúc động về tinh thần tôn sư trọng đạo của các cháu.

Ở phương trời xa cách hàng chục ngàn cây số, khi biết tin Thanh Sang đau nặng rồi mất, tôì vô cùng thương tiếc, xin thắp nén nhang cầu nguyện cho anh linh của Thanh Sang sớm tiêu diêu miền cực lạc và xin chia sớt nỗi đau nầy với với gia đình và vợ con của Thanh Sang.

Montreal, tháng 4 năm 2017.
Soạn giả Nguyễn Phương


Nguồn: http://thoibao.com/vo-cung-thuong-tiec-nghe-si-thanh-sang/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây