Tuấn Thảo
4/4/2017
Khi nhắc tới nhạc sĩ Mstislav Rostropovich, dân Âu Mỹ liên tưởng ngay đến hình ảnh của người nghệ sĩ tài ba đang chơi trung hồ cầm (cello /violoncelle) với nhiều ngẫu hứng ngay dưới chân tường Berlin (ngày 11/11/1989), đúng hai ngày sau khi có tin chính thức bức tường này sụp đổ.
Sinh thời, Mstislav Rostropovich không chỉ là một nhạc sĩ đại tài, ông còn luôn dùng ngôn ngữ của âm nhạc để đấu tranh cho tự do, nhân quyền. Chính cũng vì thế mà hãng đĩa Warner Classics đã lấy lại hình ảnh này làm bìa cho bộ toàn tập nhân 10 năm ngày giỗ (1927-2007) của ông Rostropovich.
Mang tựa đề ‘‘Tay đàn cello của thế kỷ’’, bộ toàn tập này bao gồm tổng cộng 40 album CD, 3 cuộn DVD cộng thêm một quyển sách dày 200 trang gồm những trang tiểu sử, tư liệu lưu trữ hay những hình ảnh do gia đình ông cung cấp. Bộ toàn tập này phản ánh 60 năm sự nghiệp của Rostropovich : từ những ‘‘bước thăng’’ đầu đời vào làng nhạc cổ điển sau khi ông đoạt giải nhất trong cuộc thi quốc tế tại Praha vào năm 1947 (tức cách đây vừa đúng 70 năm), từ những chuyến lưu diễn đầu tiên ở các nước Tây Âu giúp cho tên tuổi của ông càng thêm lẫy lừng ở nước ngoài, cho tới những ‘‘bước trầm’’ vào giữa những năm 1970.
Vào năm 1974, nhạc sĩ Rostropovich bị chính quyền Liên Xô tước bỏ quyền công dân, chỉ vì ông không tuân theo chỉ đạo của nhà nước buộc các văn nghệ sĩ phải sáng tác để phục vụ chính sách và đường lối của Đảng. Vào năm 1978, dưới thời Leonid Brezhnev, nhạc sĩ Rostropovich cùng với gia đình buộc phải sang Mỹ sống lưu vong vì đã ủng hộ lập trường của văn hào Alexander Solzhenitsyn, một nhà văn bất đồng chính kiến.
Chính cũng vào cái thời ông bị chính quyền xếp vào diện ‘‘khó ưa bất hảo’’, cơ quan kiểm duyệt tại Liên Xô đã có lệnh xóa bỏ các tác phẩm thu thanh của nhạc sĩ Rostropovich. May mắn thay, các chuyên viên lưu trữ làm việc cho đài truyền hình và phát thanh nhà nước đã cố tình không ghi tên ông Rostropovich trên các băng nhựa và trên bảng mục lục của kho lưu trữ, hầu tránh cho các tài liệu này bị hủy bỏ. Điều đáng ghi nhận ở đây là bộ toàn tập của hãng Warner đã hoàn chỉnh các bản ghi âm quý hiếm này, từ thời ông Rostropovich còn là một nghệ sĩ được ‘‘quý trọng’’.
Lúc sinh tiền, Rostropovich từng được tạp chí Times tôn vinh là một trong những “nhạc sĩ vĩ đại nhất”. Ông đã từng biểu diễn tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, kể cả tại Nhà hát lớn Hà Nội vào năm 1996. Bộ toàn tập này còn nhắc nhở Rostropovich từng là học trò của hai nhạc sư Dmitri Shostakovich và Sergei Prokofiev. Chính cũng vì ông thừa nhận ông ít có năng khiếu sáng tác mà suốt đời ông nuôi tham vọng nghệ thuật nâng tiếng đàn trung hồ cầm (cello) lên ngang tầm với vĩ cầm (violin).
Đối với một nghệ sĩ chuyên độc diễn, bộ vựng tập của các tác phẩm dành riêng cho đàn cello không phong phú đa dạng như violon. Có lẽ cũng vì thế mà suốt đời, ông đã khuyến khích các nhà soạn nhạc, trong đó có các nhạc sĩ nổi tiếng như Alfred Schnittke, Leonard Bernstein, Benjamin Britten viết thêm cho đàn cello. Nhờ Rostropovich mà bộ vựng tập được làm giàu thêm với hàng trăm tổ khúc, bản nhạc viết riêng cho trung hồ cầm.
Nếu như cậu học trò Rostropovich không sáng tác hay bằng hai bậc thầy là nhạc sư Shostakovich và Prokofiev, thì ngược lại nhạc sĩ Rostropovich có tai âm nhạc xuất chúng cộng thêm một trí nhớ phi thường. Nhờ vậy mà tài nghệ biểu diễn của tay đàn cello này thuộc vào hàng có một không hai, ông hớp hồn khán giả nhờ những tiếng đàn đầy ma lực huyễn hoặc, cung trầm đầy khí chất liêu trai.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170404-bo-toan-tap-ky-niem-10-nam-ngay-gio-cua-rostropovich