Bầu trời đầy chuông vàng vọng cổ: Sân khấu thành phố vắng tiếng hát cải lương!

Nguyễn Phương
7/2/2017

Bầu trời đầy chuông vàng vọng cổ: Sân khấu thành phố vắng tiếng hát cải lương!
Rạp Hưng Đạo trước 1975

Tết Đinh Dậu 2017, theo dõi sân khấu cải lương ở Việt Nam, tôi thấy không có quảng cáo hát Tết nhiều như trước năm 1975. Các rạp hát ở THHCM, Nhà hát Thành Phố, Nhà hát Hòa Bình, Trung Tâm Ca Nhạc Lan Anh, Nhà hát Bến Thành, Rạp hát Thủ Đô Chợ Lớn, đều không có chương trình biểu diễn nghệ thuật. Lịch biểu diễn của các nhà hát này gần như trống trơn.


Trung Tâm Nghệ Thuật Cải Lương Hưng Đạo (tức rạp Hưng Đạo cũ) được chủ thầu xây dựng bàn giao từ ngày 18/ 4/2014, phải sửa chữa lại đến nay mới khai trương hát trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Nhà hát Trần Hữu Trang khai trương rạp mới và hát Tết Đinh Dậu với ba tuồng: Hiu Hiu Gió Bấc, Hồn Ma Báo Oán, Mộng Hoa Vương.

Trung Tâm Nghệ Thuật Cải Lương Trần Hữu Trang chỉ có 680 ghế mà hát Tết này, vé bán không được nửa rạp (Trước 1975 rạp Hưng Đạo cũ có 1200 ghế, hát Tết nào cũng hát hai suất từ mùng một đến mùng 7 mà vé hát bán hết rạp, phải thêm ghế súp trên đường đi hai bên hàng ghế giữa từ cuối rạp đến gần sát mặt tiền sân khấu.)

Khán giả nói: “Hát Tết mà không kiêng kỵ, tuồng Hiu Hiu Gió Bấc, tuồng Hồn Ma báo Oán, ai mà đi coi? Xui cả năm! Tuồng Mộng Hoa Vương thì kết cuộc sứ thần Ngô Trung Cảnh bị giết chết, Mộng Hoa Vương đưa xác của Ngô Trung Cảnh lên thuyền, bà bỏ ngôi vương nữ, hộ tống xác chết người yêu về cố quốc của kẻ bạc mạng! Tuồng chết chóc, đau thương mà đem ra hát Tết, chỉ có Quỷ vương đi coi thôi !”. Họ nói Quỷ vương xem hát, chắc ý muốn nói là các ủy viên cộng sản!

Ngày mùng 8 Tết (4/2/17) nhóm cải lương Hồ Quảng gồm có Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm, Tú Sương, Chí Linh, Vân Hà, Chí Cường, Hề Hiếu Cảnh, Thanh Ngọc, Lê Khanh diễn một suất hát Thân Xuyến Mừng Xuân tại sân khấu Lê Hoàng số 144 đường Đinh Tiên Hoàng Quận Bình Thạnh. Cũng nhóm nghệ sĩ này diễn tại sân khấu Lê Hoàng (Bình Thạnh) một suất hát ngày mùng 9 Tết (5/2/17) tuồng hồ quảng Mai Trắng Se Duyên.

Ở các tỉnh lớn như Mỹ Tho, rạp hát Vĩnh Lợi (Rạp Thầy Năm Tú xưa) ở gần Chợ Mỹ Tho cũng vắng bóng các đoàn hát. Rạp hát Tây Đô (tỉnh Cần Thơ) số 15 đường Trần Hưng Đạo quận Ninh Kiều cũng đóng cửa gần suốt năm qua, nay dịp Tết cũng chẳng có đoàn hát cải lương nào hát. Ở tỉnh Bạc Liêu, Nhà hát Nón Lá Cao Văn Lầu, xây theo mô hình ba chiếc nón lá úp xuống với khán phòng A có 850 ghế nhưng Tết này cũng đóng cửa, không có đoàn hát cải lương nào đến diễn.

Khi tôi điện thoại hỏi một soạn giả đàn em ở Nhà hát Trần Hữu Trang thì anh ấy trả lời: “Hiện nay Nhà Hát Thời Tối Đèn! Hy vọng Nhà hát Trần Hữu Trang khai trương rạp mới để sau này có sân khấu cho các đoàn hát khác về hát, nhưng còn lo một nỗi là tiền mướn rạp cao quá, rạp lại có ít ghế, thu không đủ chi, chắc không có đoàn nào dám mướn. Chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang của chánh phủ, hát ở rạp nhà, khỏi trả tiền mướn rạp nên hát chơi lai rai để quảng cáo”.

Tôi hỏi: “Từ năm 1990, đến nay hơn 25 năm, năm nào cũng có thi tuyển Chuông Vàng Vọng Cổ, đã chọn được hơn ba mươi chuông vàng vọng cổ và đào tạo được cả trăm người biết ca vọng cổ. Khắp miền Nam có cả trăm Ban đàn ca tài tử. Hồi xưa chỉ có vài Ban đàn ca tài tử ở MỹTho, ở Bạc Liêu, Cà Mau, vài tỉnh ở Hậu Giang, vậy mà khai sanh được sân khấu nghệ thuật cải lương, ngày một phát triển, tạo được một thời hoàng kim của sân khấu cải lương. Ngày nay, đã hết chiến tranh, riêng ở thành phố đã đào tạo được hàng trăm ca sĩ và hàng chục chuông vàng vọng cổ mà tại sao không vực dậy được sân khấu cải lương? Ai giết chết sân khấu cải lương?”

Anh bạn tôi nói : -“Điều này khó trả lời quá! Có chuông vàng vọng cổ thì phải có tuồng hay, phải có khán giả thích cải lương mua vé, phải có nhiều rạp hát, phải thuận tiện đường sá xe cộ cho khán giả đến rạp hát, phải có điều kiện cho dân chúng làm ăn dễ dàng, có thu nhập cao mới có tiền đi coi hát giải trí. Những điều kiện vừa kể, hiện giờ khó kiếm. Để giải trí, bây giờ có bia ôm, hớt tóc ôm, cà phê võng (cũng ôm luôn), karaoké cũng ôm, xem hát bóng có giường nằm, vừa xem vừa… ngủ cũng được. Hát cải lương thì xưa quá rồi! Hai chục năm qua, kiếm không ra một tuồng cải lương nào hay. Tuồng viết theo “định hướng chính trị” hát được một ít suất rồi dẹp. Các đoàn hát vẫn hát lại những tuồng cũ trước năm 1975 và một số tuồng đã sáng tác trong các năm từ 76 đến 80. Tuồng cũ hay nhưng tái diễn hoài khán giả cũng ngán, hết muốn xem tuồng cũ. Những chuông vàng vọng cổ như mấy con chim én mới ra ràng, đâu có thể đem lại mùa xuân cải lương! Thêm nữa, đường sá gì mà hể nước sông lớn hay trời mưa thì nhiều đường như con sông thay cho đường đi. Làm sao mà chạy xe đến rạp hát được? Mưa xuống, nước ngập gần tới yên xe, máy hư, lại đẩy bộ và tốn tiền sửa xe, thà ngồi nhà coi Ti vi còn sướng hơn. Cải lương chết là phải rồi!”

Câu nói “Chuông vàng vọng cổ như chim én mới ra ràng, đâu có thể đem lại mùa xuân” khiến cho tôi nhớ những danh ca vọng cổ Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Út Hiền, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Thanh Nga, Ngọc Hương, Ánh Hồng, Lệ Thủy… những nghệ sĩ khi được công nhận là danh ca vọng cổ thì cũng như những con chim mới ra ràng nhưng dưới bầu trời có tự do dân chủ thì họ đã góp phần xây dựng một thời hoàng kim của sân khấu cải lương.

Nguyễn Phương

Nguồn: http://thoibao.com/bau-troi-day-chuong-vang-vong-co-san-khau-thanh-pho-vang-tieng-hat-cai-luong/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây