Phạm Anh Dũng
8/1/2017
Trong nhạc tình tân nhạc của Việt Nam thường hay có “mắt xanh.” Thực tế làm gì có người Việt Nam nào có mắt mầu xanh trừ khi đeo contact lenses mầu xanh hay là mắt của “con lai” hoặc là mắt của “con ma!” Như vậy “mắt xanh” nghĩa là gì?
Nghĩa thứ nhất “mắt xanh,” theo ý nhiều người cảm nhận, chỉ là ám chỉ người đàn bà còn trẻ và dĩ nhiên có mắt… đẹp.
Nghĩa thứ hai “mắt xanh,” nghĩa theo sách, là để chỉ sự bằng lòng hay vừa ý. Theo Điển Hay Tích Lạ của Nguyễn Tử Quang:
““Mắt xanh” do chữ “thanh nhãn,” tức là mắt ở giữa là tròng đen (hoặc xanh) hai bên tròng trắng.
Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưu rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là “Trúc lâm thất hiền” (bảy người hiền ở rừng trúc).
Ông là người chán đời, thích tiêu diêu trong vũ trụ. Thơ của ông phần nhiều tả tình, hoặc than cho thói đời đen bạc, hoặc chán cho thế sự thăng trầm, hoặc ngao ngán cảnh phú quý công danh như phù vân… Tư tưởng của ông có lúc lại kỳ dị. Như trong bài văn xuôi “Đại nhân tiên sinh truyện,” ông ví con người trong vũ trụ như con rận trong quần.
Ông phản đối Nho giáo. Ông bảo: “Không có vua thì vạn vật ổn định; không có bề tôi thì mọi việc được trị; không có kẻ sang thì kẻ hèn không oán; không có kẻ giàu thì kẻ nghèo không tranh của. Ai nấy đều đủ ăn mà không cầu gì nữa.” Thật là một tư tưởng “vô chính phủ” nhưng cũng lạ là vua Tấn vẫn để ông ở yên.
Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.”
Do điển đó, sau này người ta dùng chữ “mắt xanh” để chỉ sự bằng lòng, vừa ý và từ đó có chữ “lọt vào mắt xanh.”
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, lúc Từ Hải gặp Thúy Kiều ở thanh lâu, Từ Hải hỏi Kiều:
“…Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”
Chỗ này Từ Hải hỏi: “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?” là ý muốn hỏi Thúy Kiều: “Nàng đã thấy ai vừa ý chưa? Đã có chàng nào “lọt vào mắt xanh” chưa?”
Bây giờ đến vài bản tình ca Việt Nam có “mắt xanh”:
“…Ai nhớ mắt xanh năm nào Chiều thu soi bóng nắng chưa phai mầu…”
(Chiều Tím/nhạc Đan Thọ, lời Đinh Hùng)
“…Huyền, mắt xanh đêm ngàn sao Luyến thương dâng sầu ngút, cánh uyên lên ngời cao, không vợi niềm đau…“
(Huyền/nhạc và lời Thanh Trang)
“…A haha, suối in hình chiếc xe tàn đêm nao Đập vỡ cây đàn, giận đời nào ai mắt xanh…“
(Bánh Xe Lãng Tử/nhạc và lời Trọng Khương)
“…Nhớ người em xưa , màu mắt xanh, tình thơ ngây Thường men lối ven sông tìm nhặt cánh hoa tàn…“
(Biết Đâu Tìm/nhạc và lời Hoàng Thi Thơ)
“…Trìu mến mắt xanh dâng hương tình làm ngất ngây khách đa tình… thầm ước duyên mơ…“
(Chiều Vào Thu/nhạc và lời Hiếu Anh)
Mắt xanh… xanh:
“Cho mắt em trong mầu xanh xanh, cho tiếng em ru thần thánh Dáng em dịu hiền, cánh môi em hồn nhiên…”
(Thì Thầm/nhạc và lời Lại Quốc Hùng)
Mắt xanh… xao:
“…Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…”
(Diễm Xưa/nhạc và lời Trịnh Công Sơn)
Mắt xanh… mờ:
“…Hẹn mãi, cho biết đến bao giờ cho đôi mắt xanh mờ, tím như không gian đợi chờ…”
(Vườn Tàn Phai/nhạc và lời Hoàng Quốc Bảo)
Mắt… mơ xanh mờ:
“…Và tóc rối bời hồn đang lạnh trống Đôi mắt mơ xanh mờ theo ánh tà dương…”
(Sao Đêm/nhạc và lời Lê Trọng Nguyễn)
Mắt xanh… thắm trong tâm hồn:
“…Tiếng ai còn âm âm, tóc ai còn thơm thơm, mắt ai còn xanh thắm trong tâm hồn”
(Mắt Biếc/nhạc và lời Cung Tiến)
Cũng xin viết thêm là bài viết này chỉ bàn đến “mắt xanh” còn “mắt biếc” thì nhờ quý vị nào đó viết dùm.
Cuối cùng là một bản nhạc với mắt hết mầu…xanh:
“Nếu anh về môi em phai mầu thắm Nắng ngoài sân vàng lỡ tuổi xuân qua Nếu anh về mắt em hết mầu xanh Lệ tràn mi nhìn nhau đau tiếc nuối…“
(Nếu Mai Anh Về/nhạc và lời Phạm Anh Dũng)
Phạm Anh Dũng
Nguồn: Trang FB của Phạm Anh Dũng