Huỳnh Duy Lộc
2/1/2017
Báo Thanh Niên Online ngày 1 tháng giêng năm 2017 có bài viết “Tiết lộ vì sao ca khúc ‘Ly rượu mừng’ bị cấm hát 40 năm” của Ngữ Yên giải thích vì sao ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương bị cấm hát trong nước từ năm 1975 tới đầu năm 2016, chỉ trước Tết Bính Thân vài tháng: “Nó đã từng bị cấm hát trong suốt 40 năm. Trong khi, trước lệnh cấm, theo nhà báo Nguyên Minh, đó là bài hát cực kỳ phổ biến ở miền Nam. Ca khúc phổ biến đến mức, cứ có xuân là phải có Ly rượu mừng…
Theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm. “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào? Ông Nguyên Minh cũng cho biết, sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. “Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”…”
Có thật là “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương đã được “giải oan” vì người ta đã tìm được tư liệu chứng minh ca khúc này được sáng tác vào thời gian 1951-1953 và người lính được nhắc tới qua những câu hát là người lính chống Pháp? Thông tin ở trong Nam suốt mấy chục năm qua về hoàn cảnh sáng tác ca khúc bất hủ này của Phạm Đình Chương hoàn toàn khác với những thông tin trên bài báo của báo Thanh Niên.
Năm 1955, chính khách Trần Văn Ân, chủ bút của tờ tuần báo Đời Mới, và nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh, khi ấy là thư ký tòa soạn, đã yêu cầu nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác một bản nhạc xuân để thể hiện không khí vui tươi của miền Nam khi ấy và ông đã sáng tác ca khúc “Ly rượu mừng” để đăng vào số Tết. Ca từ của bản nhạc là những lời chúc khi mời nhau chén rượu thể hiện niền vui của người dân miền Nam sau khi hòa bình vừa được vãn hồi và nền Đệ nhất cộng hòa mới được thành lập.
Chiến tranh đã chấm dứt nên mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, “anh nông phu vui lúa thơm hơi”, người thương gia buôn bán có lợi tức và người công nhân thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Ngày xuân tươi vui, mỗi người đều thấy tâm hồn lâng lâng vui sướng và niềm vui ấy như lan tỏa khắp nơi khi mọi người “rót tràn đầy chén quang san”. Lời chúc tốt đẹp nhất được dành cho nhau khi nâng chén rượu: chúc người lính chiến đấu thành công, hát khúc khải hoàn và trở về đoàn tụ với mẹ già; chúc người mẹ già vĩnh viễn dứt bỏ nỗi buồn; chúc những đôi uyên ương xây dựng được tổ ấm trong một thế giới yên lành và chúc những người nghệ sĩ có được những tác phẩm để “tô thêm đời mới”. Nhưng trên tất cả những lời chúc cho mỗi người là lời chúc cho quê hương: “máu xương thôi tuôn rơi” và quê hương mãi mãi có cuộc sống yên vui trong hòa bình. Cảm xúc dạt dào trong ca khúc này cũng là cảm xúc của những người dân miền Nam bắt đầu dựng xây cuộc sống mới dưới bầu trời tươi sáng của tự do và thấy hạnh phúc dâng tràn nơi nơi.
Nhà thơ Du Tử Lê đã viết về ca khúc xuân tươi vui này: “Đỉnh cao nhạc thuật của Phạm Đình Chương được thời gian đánh giá, ghi nhận qua trường ca bất tử “Hội trùng dương” và ca khúc “Ly rượu mừng”. Ca khúc này đã như một phẩm vật tinh thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ xuân về. Đó là “ly rượu” đất nước gấm hoa, “ly rượu” tổ quốc độc lập, “ly rượu” ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho “anh nông phu”, “người thương gia”, “người công nhân”, qua tới “người chiến sĩ”, “bà mẹ già”, “đôi uyên ương”, “người nghệ sĩ”. Một phân chia bình đẳng, đồng đều cho mọi tầng lớp…”
Lời của ca khúc “Ly rượu mừng”:
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
á a a a
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
á a a a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
á a a a
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
á a a a
Chúc mẹ hiền dứt u tình
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới
Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới”.
Bản thu âm ca khúc này do ban hợp ca Thăng Long thể hiện lại trong băng nhạc Shotguns Xuân 1975, mùa xuân cuối cùng của miền Nam tự do, sau đó nó không được phép lưu hành trong nước vì có nhắc tới “người binh sĩ lên đàng”, “vì nước quên thân mình”.
Ca khúc “Ly rượu mừng” với ban hợp ca Thăng Long
Ca khúc “Ly rượu mừng” với ban hợp ca Asia
Huỳnh Duy Lộc
Nguồn: Trang FB của Huỳnh Duy Lộc