Song Ca Nhạc Vàng

Duy An
2/12/2016

(Viết tặng chương trình Paris By Night 121)

TN121

Lùi về quá khứ, vào năm 1952, khi nhạc phẩm Tiếng Sáo Thiên Thai ra đời, đã đánh dấu một giai đoạn mới của nền Tân nhạc. Đó là có sự xuất hiện của những ca khúc được viết riêng dành cho hình thức song ca. Và bài hát Tiếng Sáo Thiên Thai được nhạc sĩ Phạm Duy soạn ra theo nhu cầu hát đôi của hai chị em Thái Thanh – Thái Hằng:

“Xuân tươi, êm êm ánh xuân nồng
Nâng niu sáo bên rừng, dăm ba chú Kim Đồng
Hò xang xê tiếng sáo…”

(Tiếng Sáo Thiên Thai – Phạm Duy & Thơ: Thế Lữ)


Thuở ấy, ở miền Nam chưa có nhiều cặp song ca (hay các ban hợp ca). Các đôi song ca mà chúng ta thường thấy trên Đài phát thanh đều là những đôi vợ chồng như: Đôi nghệ sĩ Mạnh Phát – Minh Diệu, Châu Kỳ – Mộc Lan, Ngọc Thanh – Đức Quỳnh, Minh Hoan – Vũ Huyến…

Khi gia đình Thăng Long di cư vào Nam năm 1951 và được cụ Hoàng Cao Tăng mời về cộng tác trên Đài Pháp Á, Ban Thăng Long đã mang đến cho Saigon nhiều hình thức trình diễn mới mẻ, góp phần làm phong phú hóa những sinh hoạt văn nghệ đặc sắc tại miền Nam. Ngoài hình thức hát hợp ca toàn ban Thăng Long, gia đình Thăng Long còn cung ứng cho thính giả hai đôi song ca mới:

– Song ca nữ: Thái Thanh – Thái Hằng
– Song ca nam là: Hoài Trung – Hoài Bắc

Tiếng Sáo Thiên Thai là một trong những bài hát song ca đầu tiên của Việt Nam, cũng là nhạc phẩm đầu tiên nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác tại miền Nam (sau khi di cư).

“Trời cao xanh ngắt, xanh ngắt! Ô… kìa!
Hai con hạc trắng bay về, về nơi nao?
Trời cao xanh ngắt! Ô… kìa! Ô… kìa!
Hai con hạc trắng bay về, về Bồng Lai…”

(Tiếng Sáo Thiên Thai – Tinh Hoa, 1952)

Thành công trên Đài phát thanh, hình thức song ca tươi trẻ nầy nhanh chóng lan rộng đến các sân khấu Đại nhạc hội, trong các chương trình phụ diễn chiếu bóng, và ở những xóm đêm “ngõ sâu như không mầu” cũng có “bao mái đầu” kề nhau hát vu vơ vài cung điệu nhớ.

“Màn đêm tịch liêu
Nghe ai thoáng ru câu mến trìu
Nghe không gian tiếng yêu thương nhiều
Hứa cho đời thôi đìu hiu…”

(Xóm Đêm – Phạm Đình Chương)

Để ghi lại những giai điệu tuyệt vời qua hình thức song ca, các hãng dĩa Tân Thanh, Philips, Asia, Việt Thanh, Việt Nam, Viễn Đông, Polyphon, Bình Minh, Việt Long… trong thập niên 50 đã mời những đôi nghệ sĩ về thu thanh vào dĩa hát 78 vòng các nhạc phẩm:

Chiếc Áo The Thâm Tàn (Đan Trường): Hoài Trung – Hoài Bắc
Dư Âm (Nguyễn Văn Tý): Minh Diệu – Mạnh Phát
Tiếng Xuân: Ngọc Thanh – Đức Quỳnh
Học Sinh Hành Khúc (Lê Thương): Kim Chung – Lê Thương
Tiếng Hát Sông Lô (Văn Cao): Thương Huyền – Mai Khanh (và Ban hợp xướng Hòa Bình)…

Trong một bài viết về ca sĩ – bác sĩ Tôn Thất Niệm, nghệ sĩ Quỳnh Giao có kể về một đôi song ca nổi tiếng khác trên Đài Pháp Á, đó là Tôn Thất Niệm và nữ danh ca Minh Trang (thân mẫu của Quỳnh Giao) đã hát song ca bài Bến Cũ của Anh Việt rất được yêu thích từ Saigon sang đến Manila (thủ đô của Phi Luật Tân).

“Bến ấy ngày xưa, người đi vấn vương biệt ly
Gió cuốn muôn phương về đây,
Thấy bóng người về hay chăng?”

(Bến Cũ – Anh Việt & Lời: Ngọc Quang)

Về sau, khi Đài Pháp Á không còn, trên dĩa hát 45 vòng của Hãng dĩa Việt Nam, chúng ta thấy cụ Lê Văn Tài vẫn tiếp tục thực hiện những bài song ca Nhạc Vàng qua các tiếng hát: Duy Khánh – Tuyết Mai (Vợ Chồng Quê, Tía Em Má Em), Ánh Tuyết – Thái Hằng (Tôi Yêu)… Đây cũng là những ca sĩ thường trực của Ban Hoa Xuân – nhạc sĩ Phạm Duy trên Đài Vô tuyến Việt Nam.

Khởi từ những năm 1952 cho đến đầu thập niên 1960, trong khoảng mười năm đó, chúng ta có thêm những đôi song ca mới như: Thanh Thoại – Thùy Hương, Anh Ngọc – Vũ Huyến, Ánh Tuyết – Hoài An, Văn Thiệt – Việt Hùng, Trần Văn Trạch – Túy Hoa, Duy Khánh – Tuyết Mai… mà nổi tiếng nhất phải kể đến đôi song ca Nhạc Vàng: Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết rất được thính giả Miền Nam ưa chuộng qua những bản nhạc đậm tình quê hương như: Gạo Trắng Trăng Thanh, Tiếng Hò Mùa Gặt, Trăng Rụng Xuống Cầu, Đôi Mái Chèo Trăng, Bến Duyên Lành, Lúa Mùa Duyên Thắm hay Tình Lúa Duyên Trăng

Mây bay qua, ánh trắng chiếu dần vào ruộng đồng bao la
Nghe xa xa mấy câu hát vè vọng từ đầu thôn đưa về
Quê hương ta đất xưa vốn nghèo nhưng giàu tình thương nhau
Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu
Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu…

(Tình Lúa Duyên Trăng – Hoài An & Hồ Đình Phương)

Trong mười lăm năm cuối của Miền Nam là thời kỳ huy hoàng của nền Tân nhạc, tất nhiên không thể thiếu những đôi song ca Nhạc Vàng tiêu biểu, mà đầu tiên phải kể đến hai ca sĩ của nhạc phẩm ăn khách Truyện Tình Lan Và Điệp (ca khúc thứ nhất), bài hát thành công nhất của Miền Nam về hai phương diện:

– Bản nhạc rời và dĩa hát bán chạy nhất.
– Ca khúc phổ thông nhất.

Có thể nói không một người Việt Nam nào lại không biết đến Lan Và Điệp qua câu nhạc mở đầu: “Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp một truyện tình cay đắng…” Hai người ca sĩ đó chính là Nhật Trường – Trần Thiện Thanh và nữ ca sĩ Hoàng Oanh.

Về sau thì chúng ta thấy Nhật Trường thường hát chung với Thanh Lan qua các phim kịch do Ban Tiếng Hát Đôi Mươi thực hiện như Trên Đỉnh Mùa Đông. Còn Hoàng Oanh thì được nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng ghép đôi để hát chung với nam ca sĩ Trung Chỉnh, qua bài hát song ca điển hình cho những chuyện tình thời chinh chiến: Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương.

Em hậu phương, còn anh nơi tiền tuyến
Chúng ta cách xa rồi nhưng mình đâu có chia phôi
Mình gọi tên nhau, nhớ nhau trong mộng thôi
Tha thiết yêu nhau mà vui…

(Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương – Minh Kỳ)

Để đối với cặp song ca Hoàng Oanh – Trung Chỉnh đang “làm mưa làm gió” của Hãng dĩa Sóng Nhạc, nửa sau của thập niên 1960, chúng ta có thêm một đôi song ca nữa của Hãng dĩa Continental qua sự kết hợp của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Mạnh Phát và Châu Kỳ. Đó là đôi song ca vang danh Thanh Tuyền và Chế Linh, với bài hát thâu dĩa nhựa đầu tiên: Hái Hoa Rừng Cho Em của Trương Hoàng Xuân. Về sau, tiếng hát Chế Linh – Thanh Tuyền càng được yêu mến hơn qua các bản nhạc tình nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương.

Khoảng năm 1968 – 1969, bài hát Căn Nhà Màu Tím nổi lên với hai tiếng hát trẻ lúc bấy giờ là Giang Tử và Giáng Thu, đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp vào lòng thính giả.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong cuốn sách Kỷ Niệm Sân Khấu của mình, cũng không quên nhắc đến hai người bạn thân từ thuở thiếu thời, đó là đôi song ca “Hai con lạc đà”: Chế Linh và Giang Tử.

Trên phương diện sân khấu, sự xuất hiện nóng bỏng của đôi “sóng thần” Hùng Cường – Mai Lệ Huyền đã khuấy động tất cả khán giả và lớp lớp quân nhân. Nhiều năm sau, người ta vẫn nhớ đến: Hai Trái Tim Vàng, Hờn Anh Giận Em, Thiên Duyên Tiền Định, Làm Quen, Túp Lều Lý Tưởng… Những ca khúc được sáng tác dành riêng cho Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trình diễn. Có lẽ kể từ thập niên 60 – 70, chúng ta mới có hình thức song ca nam – nữ như Mai Lệ Huyền – Hùng Cường (các bài hát được viết riêng lời nam – nữ đối đáp nhau thành một câu chuyện).

Về phía tình ca, chúng ta có các đôi nghệ sĩ vừa sáng tác vừa trình diễn như: Lê Uyên và Phương, Từ Dung – Từ Công Phụng, Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, và cả Thanh Lan – Trầm Tử Thiêng nữa…

Âm nhạc Miền Nam ngày càng phát triển rực rỡ hơn khi các ban nhạc trẻ ra đời, hòa theo tiến trình Âm nhạc Quốc tế. Trong giai đoạn nầy, chúng ta có: Minh Xuân – Minh Phúc với các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, hay Quốc Dũng – Thanh Mai với các nhạc phẩm do Quốc Dũng sáng tác: Bên Nhau Ngày Vui, Quê Hương Và Mộng Ước, Mai, Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ… rất được giới học sinh – sinh viên yêu thích.

Không làm sao kể hết những đôi song ca thành công của Âm nhạc Miền Nam trước năm 1975.

Nhân năm nay (2016), Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 121: SONG CA NHẠC VÀNG, chúng ta cũng ôn lại một phần lịch sử Tân nhạc qua hình thức song ca, đồng thời cũng nhắc lại một số bài hát kỷ niệm của các cặp song ca đã nổi tiếng một thời ở trong nước.

Những nghệ sĩ tham dự vào chương trình lần nầy, khi đứng riêng rẽ vốn đã là những tên tuổi lừng danh của Hải Ngoại, nhưng khi hát chung với nhau thì lại càng được khán giả khắp nơi yêu mến và tán thưởng như: Trung Chỉnh – Hoàng Oanh, Ý Lan – Vũ Khanh, Nguyễn Hưng – Như Quỳnh, Mạnh Quỳnh – Phi Nhung, Quang Dũng – Ngọc Anh, Bằng Kiều – Minh Tuyết…

Đặc biệt, trong chương trình SONG CA NHẠC VÀNG lần nầy, sẽ có những đôi song ca lần đầu tiên được kết hợp trong lịch sử âm nhạc, trình bày những ca khúc Nhạc Vàng sáng tác trước 1975.

Vì Nhạc Vàng là giòng nhạc có nhiều tình cảm, kể lại những câu chuyện bằng âm nhạc. Nên hình thức song ca của chủ đề năm nay sẽ diễn tả được nhiều tình ý, hợp với không khí, tính chất kể lể của thể điệu Nhạc Vàng – Boléro. Đồng thời cũng tạo nên những thay đổi mới mẻ cho khán – thính giả thưởng ngoạn Paris By Night từ bấy lâu nay. Đặc biệt là hai tiết mục đặc sắc của nữ ca sĩ Như Quỳnh sắp tới đây.

Chúng ta nhớ lại rằng: Sân khấu Thúy Nga cũng là nơi phô diễn cho những tài năng đa dạng như: Hoàng Oanh, Khánh Ly của thế hệ trước, hay Như Quỳnh, Thế Sơn, Nguyễn Hưng, Don Hồ, Minh Tuyết, Tâm Đoan của thế hệ sau…

Rất hào hứng để đón chờ chương trình Paris By Night 121, để nghe lại những bài hát mà chúng ta rất mong đợi, sáng tác của các nhạc sĩ Lê Dinh, Đỗ Kim Bảng, Hoàng Trọng, Phạm Mạnh Cương… qua kỳ đại nhạc hội Thúy Nga: SONG CA NHẠC VÀNG.

December 2016
Duy An

Nguồn: Trang FB của ca sĩ Hoàng Oanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây