12/11/2016
Nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan (1935-2016)
Theo nhà bình luận cải lương, tiến sĩ Lê Hồng Phước, Út Bạch Lan đi vào lòng người nhờ lối ca rỉ rả, nhờ tiếng hát nỉ non như tiếng đàn tranh, da diết đến thắt lòng như tiếng đàn bầu. Cách nhấn dấu sắc lửng, cách hành văn sắp chữ của bà. Cách ca luyến láy đúng nơi đúng chỗ và vừa đủ là dấu ấn của Nữ Vương Sầu Nữ trong làng Cải Lương Việt Nam.
Người mộ điệu Cải Lương không khỏi ngậm ngùi cho sân khấu Cải Lương khi mà bộ môn nghệ thuật đặc sản đất phương Nam vừa mất đi một nghệ sỹ gạo cội: Nghệ sỹ Út Bạch Lan. Bà từ trần vào tối đêm 04/11/2016, để lại một sự nghiệp đồ sộ trong làng sân khấu Cải Lương.
Để nhìn lại cuộc đời nghệ thuật của nữ nghệ sỹ Út Bạch Lan, RFI Việt Ngữ có buổi trao đổi với nhà bình luận Cải Lương, tiến sĩ Lê Hồng Phước thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Sài Gòn.
RFI : Đôi nét về cuộc đời của Nghệ sỹ Út Bạch Lan
TS. Lê Hồng Phước : Để nói về một nghệ sỹ, tôi xin tập trung vào cuộc đời nghệ thuật của nghệ sỹ đó. Trong làng Cải Lương Nam Bộ, nếu nói về cái thời Cải Lương bắt đầu phát triển mạnh mẽ với những giọng ca mùi mẫn làm say đắm người mộ điệu, thì Út Bạch Lan là một trong những nghệ sỹ xếp hàng tiên phong. Bà là thế hệ nổi danh thuộc hàng tiền bối của những tên tuổi lớn bên cánh nữ nghệ sỹ như : Ngọc Hương, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu…
Sự ra đi của bà trong giai đoạn Cải Lương khó khăn như hiện nay rõ ràng là một mất mát quá lớn cho sân khấu Cải Lương.
Cũng như hầu hết các nghệ sỹ thời vàng son của Cải Lương, Út Bạch Lan xuất thân từ trong nghèo khổ. Bà tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại Đức Hòa, Long An. Bà vừa mất ở tuổi 82 theo cách tính tuổi ta.
Ở độ tuổi lên mười, bé Hai đã phải theo mẹ rời quê hương lên Sài Gòn làm quen với đời sương gió và sống cảnh tha phương cầu thực. Ở vùng Chợ Lớn, mẹ con Bé Hai tình cờ gặp mẹ con của Văn Vĩ cũng đồng cảnh ngộ lang thang. Thế là hai gia đình bắt đầu thân nhau như quyến thuộc.
Văn Vĩ hơn Bé Hai vài tuổi, biết đờn cổ nhạc. Hai đứa trẻ bèn dắt dìu nhau một đờn một ca dạo khắp Sài Gòn Chợ Lớn để kiếm tiền nuôi mẹ. Giọng ca đó và tiếng đờn đó đã được những nhân vật lớn lúc bấy giờ như Cô Năm Cần Thơ và ông bầu Thành Công phát hiện để đưa lên hát trên đài phát thanh và bắt đầu đến với con đường ca hát chuyên nghiệp.
Người con trai mù ngày ấy sau này đã trở thành danh cầm Văn Vĩ với ngón đờn uất nghẹn độc đáo. Còn Bé Hai, sau đó được đặt nghệ danh là Bạch Lan (hoa Lan Trắng). Nhưng bé Hai xin thêm chữ “Út” là tên mẹ thường gọi. Từ đó làng sân khấu Cải Lương bắt đầu có cái tên Út Bạch Lan và cái tên ấy ngự trị trên ngai vàng sầu muộn của bộ môn nghệ thuật này.
Những năm cuối đời, dù không còn sân khấu chuyên nghiệp hoành tráng như trước kia để biểu diễn, nghệ sỹ Út Bạch Lan cũng không hề ngơi nghỉ làm nghệ thuật. Bà có mặt khắp nơi để hát, để làm từ thiện, để hỗ trợ và làm điểm tựa cho thế hệ nghệ sỹ trẻ như Câu Lạc Bộ Lạc Long Quân tại Sài Gòn. Có thể nói nghệ sỹ Út Bạch Lan làm Cải Lương đến hơi thở cuối cùng.
RFI: Mệnh danh « Sầu nữ » của Út Bạch Lan xuất phát từ đâu ?
TS. Lê Hồng Phước : Có thể nói Út Bạch Lan là “Đệ nhất đào thương” của sân khấu Cải Lương , bởi có lẽ tổ nghiệp dành riêng bà cho những vai đau khổ, những vai lấy nước mắt khán giả. Bà có đủ hai yếu tố cho vai đào thương : cách diễn và giọng ca.
Nói về cách diễn, Út Bạch Lan có cách diễn rất thật, rất tự nhiên, và rất cuộc đời. Nếu Hát bội mang tính ước lệ cao, thì Cải Lương lại là môn nghệ thuật rất gần với đời sống thực. Tức là, xem Cải Lương thì như xem chuyện xảy ra ở ngay trước mắt mình ngoài đời vậy. Nhưng nếu mang nguyên xi cuộc đời lên sân khấu thì sân khấu không còn gì hấp dẫn nữa. Cuộc đời phải được mang lên sân khấu một cách có nghệ thuật, tức là phải đẹp.
Bởi thế mà người nghệ sỹ giỏi là khi bước ra sân khấu phải hát cho thật cho giống cuộc đời, nhưng phải đảm bảo được yếu tố đẹp của nghệ thuật. Người ta hay gọi đó là : diễn mà không diễn. Út Bạch Lan là một nghệ sỹ đạt đến trình độ diễn xuất đó.
Cũng như nhiều nghệ sỹ thời đó, Út Bạch Lan bản thân đã từng trải những thăng trầm của cuộc đời, nên bà đã diễn bằng những gì rất thật, khác với cách diễn theo lối lý thuyết trường lớp của không ít nghệ sỹ Cải Lương thời bây giờ.
Thêm vào đó, cuộc đời của Út Bạch Lan trên thực tế cũng gặp nhiều đau khổ, bởi thế tất cả những cái đó đã được bà đưa trọn vẹn vào trong những nhân vật đau thương trên sân khấu. Vì thế, nhân vật đau thương trên sân khấu của Út Bạch Lan không thể nào đau thương hơn được nữa.
Khi nhắc tới Út Bạch Lan là người mộ điệu nghĩ ngay tới những vai phụ nữ đau khổ, có số phận bi thương. Thêm vào cách diễn sầu thương đó là một giọng ca rất đỗi sầu thương. Về độ sầu, chất giọng của Út Bạch Lan có một độ sầu không thể tả cho hết được mà chỉ có thể cảm nhận bằng con tim và rơi nước mắt mà thôi.
Út Bạch Lan ca nỉ non như tiếng đàn tranh, da diết đến thắt lòng như tiếng đàn bầu, tạo cho người nghe sự thổn thức và một nỗi buồn man mác chơi vơi. Giọng ca đó không ồn ào, mà rỉ rả, rồi dần len lỏi từng chút một vào mọi ngóc ngách của tâm hồn, làm tê buốt con tim. Đến hiện tại, chưa thấy có giọng ca nữ nào trong làng sân khấu Cải Lương có độ “sầu” đến như vậy.
RFI : Nét điêu luyện trong tiếng hát Út Bạch Lan ?
TS. Lê Hồng Phước : Bên cạnh giọng ca sầu thương của Út Bạch Lan là một cách ca điêu luyện. Giọng ca thì do trời ban rồi, còn cách ca là thuộc về kỹ thuật mà người nghệ sỹ phải dày công khổ luyện.
Như trường hợp của Út Bạch Lan, nếu chỉ có trời phú cho giọng ca u sầu mà không có kỹ thuật ca độc đáo và không biết dùng kỹ thuật ca để phát huy hết cái buồn đó thì rõ ràng cũng không thành công được.
Trước tiên ta thấy Út Bạch Lan có lối ca “rỉ rả”, tức ca rõ chậm từng chữ một, mà tôi hay gọi là “đay nghiến từng chữ một’, bởi thế người nghe cảm nhận được cái sầu, cái khổ, cái thương trong từng lời ca.
Nếu có giọng ca trời phú là buồn mà ỷ có hơi rồi ca ào ào như bây giờ thì thử hỏi làm sao cái buồn nó kịp thấm vào bên trong tâm hồn người nghe cho được.
Để có được cái nhìn toàn diện hơn, khi nhắc đến Út Bạch Lan chúng ta không thể không nhắc đến người bạn cùng nổi danh thuở ấy : nghệ sỹ Thanh Hương. Đây là hai giọng ca nữ lừng danh của những năm 1960 và vẫn còn ngự trị đến hiện tại. Thanh Hương ca giống như lối ca của Út Trà Ôn là chân phương, trầm ấm. Út Bạch Lan thì ca mềm mại hơn, trong trẻo hơn và lảnh lót hơn.
Thanh Hương ca thuần túy mộc mạc chân phương, và mạnh mẽ. Còn Út Bạch Lan thì ca có chút hoa lá cành, giọng ca mềm hơn, lả lướt hơn, nữ tính hơn. Hai giọng ca, một nhu, một cương chinh phục người mộ điệu.
Bàn riêng về giọng ca Út Bạch Lan, đây là một giọng ca chưa có người thay thế. Út Bạch Lan có cách nhấn dấu sắc lửng rất hay, vút lên rồi nhẹ nhàng rơi rơi xuống như chiếc lá mùa thu bay trong cơn gió nhẹ. Bộ nhịp của Út Bạch Lan thì khỏi phải chê. Nghe Út Bạch Lan ca người ta không hề có cảm giác là bà canh nhịp hay đợi nhịp mà cứ nghe bà ca rất tự nhiên nhưng nhịp nhàng thì như đặt để vậy.
Cách hành văn sắp chữ của Út Bạch Lan rất điêu luyện. Út Bạch Lan ca luyến láy một cách thần tình : luyến láy đúng nơi đúng chỗ và vừa đủ, không bị thô, luyến láy theo kiểu « đứt dây đờn ». Cách điều hơi của Út Bạch Lan cũng đáng nể : nghe Út Bạch Lan ca, người nghe không thấy cô phải ráng hơi, cô ca như nói, ca rất tự nhiên, ca nhẹ như hơi thở.
Một nét đặc trưng nữa trong giọng ca Út Bạch Lan đó là cách xuống xề khi ca vọng cổ. Út Bạch Lan xuống xề rất thấp, rất trầm, bà phát huy hết chất đồng trong giọng ca của mình và đã tạo ra cách xuống xề hay đến mức mà người nghe chữ bà xuống xề như hòa tan hẳn vào tiếng đàn vậy. Nói chung là nghe là biết ngay đó là cách xuống xề thần sầu của Út Bạch Lan. Đến hiện tại, trong làng Cải Lương, đây vẫn là một cách xuống xề thuộc về của riêng bà.
RFI : Một số vai diễn tiêu biểu của Út Bạch Lan ?
TS. Lê Hồng Phước : Nếu đồng ý rằng không phải ca hát phục vụ công chúng là phải đứng trên sân khấu lớn, thì Út Bạch Lan đã bắt đầu mang giọng ca phục vụ người mộ điệu cổ nhạc từ cái thuở lên mười, và tính đến ngày bà tạ thế bà đã có khoảng 70 năm lao động nghệ thuật rồi.
Còn nói về sân khấu chuyên nghiệp, cái tên Út Bạch Lan bắt đầu sáng và sáng chói trên bầu trời nghệ thuật Cải Lương từ những thập niên 1950. Bà đã kinh qua nhiều đoàn hát khác nhau và với vô số vai diễn xã hội, kiếm hiệp lẫn Hồ Quảng. Chúng ta không thể nào kể hết cho được. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến một số vai tiêu biểu nhất của bà, tức hễ nhắc đến là người mộ điệu nghĩ ngay tới Út Bạch Lan.
Vai sầu khổ hay nhất gắn liền với tên tuổi Út Bạch Lan có lẽ là vai The (Hương) trong Nửa Đời Hương Phấn. Chúng ta nhớ lại rằng, tuồng này của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng được biểu diễn thành công đầu tiên bởi Út Bạch Lan-Thành Được.
Đôi đào kép Út Bạch Lan-Thành Được từng một thời “làm mưa làm gió” trong làng sân khấu Cải Lương Nam Bộ. Họ đã kết hôn chính thức và từng cùng lập đoàn hát riêng mang tên Thành Được-Út Bạch Lan. Ngay cả sau này khi về đầu quân cho đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, cặp đào kép chánh Thành Được-Út Bạch Lan vẫn luôn ăn khách.
Hai người đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng. Tuy nhiên, nhắc đến Thành Được-Út Bạch Lan, người mộ điệu trước tiên nhớ đến vở tuồng tình cảm xã hội “Nửa đời hương phấn”.
Khi trình diễn vở tuồng này vào giữa những năm 1960, tài ca diễn của Út Bạch Lan mới thật sự đạt đến đỉnh cao. Vai Hương trong Nửa đời hương phấn của Út Bạch Lan đã tạo một cái bóng quá lớn cho thế hệ sau.
Quả thật như vậy, vì trong vai cô đào chánh tên Hương, Út Bạch Lan đã thật sự đạt được trình độ “bước ra sân khấu thì phải diễn, nhưng đừng diễn”. Tức là, ở vai tuồng này, sân khấu cuộc đời và cuộc đời sân khấu ở Út Bạch Lan đã quyện vào nhau. Út Bạch Lan diễn rất tự nhiên, rất nhập vai và rất mùi mẫn.
Vở tuồng xoay quanh số phận của cô gái quê ở Lái Thiêu tên Hương, lên Sài Gòn làm ăn để kiếm tiền phụ giúp cho cha mẹ. Cạm bẫy cuộc đời đã xô đẩy Hương vào con đường buôn hương bán phấn. Bị gia đình người yêu không chấp nhận vì chê thân phận gái làng chơi, rồi Hương bị cha đuổi ra khỏi nhà sau khi phát hiện việc cô làm ở Sài Gòn. Khi người yêu đi cưới vợ, người vợ đó lại chính là em gái ruột của Hương. Nỗi đau chồng chất nỗi đau như vậy, nhìn lại nửa cuộc đời hương phấn của mình thấy quá ư buồn thảm, cuối cùng Hương đã vào chùa làm ni cô.
Màn ca diễn mùi mẫn nhất của Út Bạch Lan trong tuồng này là màn chót, cảnh mẹ, em gái và chồng của em gái (tức người yêu cũ của Hương) cùng gặp Hương tại sân chùa. Mọi chuyện được phơi bày, Hương quyết lòng theo tiếng mõ chuông.
Út Bạch Lan đã để đời khi ca ba câu vọng cổ từ biệt mẹ và dặn dò vợ chồng em gái quên đi chuyện cũ mà sống cho hạnh phúc. Lúc này, Hương phải ra sức dằn đau khổ trước mặt mẹ và em gái để cho mọi người an tâm về mình.
Thế nhưng, trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn, nỗi đau cuộc đời vẫn đang dằn xé. Út Bạch Lan đã xử lý giọng ca Sầu Nữ một cách tinh diệu khi mà trong từng lời nói, lời ca, người nghe cảm nhận được những tiếng nấc, nhưng tiếng nức nở tự đáy lòng.
Khi nói lối tới đoạn: “Má ơi! mái tóc dài óng ả, con đã từng ve vuốt ấp yêu. Rồi nơi phồn hoa trong một buổi chiều, người ta đã cắt đi của con phân nửa. Rồi trong một đêm vừa đau vừa tủi, con lại cắt đi mái tóc sau cùng. Con đau lòng ngất lịm. Khi tỉnh dậy, sờ lên đầu thì tóc đâu không còn nữa, con hoảng hốt la lên, trời ơi, ai đã cắt tóc của tôi rồi…”.
Út Bạch Lan đang nhỏ nhẹ nói chợt thét lên “Trời ơi, ai đã cắt tóc của tôi rồi ». Từ “Trời ơi” bà thét lớn rồi thả nhỏ dần “ai đã cắt tóc của tôi rồi”, như thể là nổi đau khổ quá mức khiến con người ta dần kiệt sức quỵ ngã.
Cách thể hiện đó rất hay, rất Út Bạch Lan, khiến cho người nghe chợt thấy con tim sao mà nhói đau đến thế. Cách diễn này cho thấy sự nhập vai phi thường của Út Bạch Lan. Ba câu vọng cổ đó, đến hiện tại dù đã nhiều ngôi sao Cải Lương ca diễn lại, nhưng chưa có ai thể hiện đạt được trình độ bi thiết đến như vậy.
Một vai để đời nữa trong nhiều vai để đời của Út Bạch Lan là vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt Tình Ca (tức Ông Cò Quận 9) cũng của liên danh soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng.
Cốt truyện xoay quanh cuộc tình dang dở của ông giáo Hương và cô giáo Lan. Số là ông giáo Hương từ Mỹ Tho được đổi về dạy học tại Vĩnh Long. Dù đã có vợ con ở tại nguyên quán, ông vẫn sống cùng với một bạn đồng nghiệp là cô giáo Lê Thị Lan và có hai con : Lê Thị Trường An và Lê Long Hồ. Sau đó vì việc nhà ông phải trở lại Mỹ Tho. Chiến tranh đã làm ông mất liên lạc với gia đình người vợ thứ.
Hai mươi năm sau, ông Hương trở thành cảnh sát trưởng quận 9 tại Sài Gòn. Một hôm Ông Cò bắt được một cô gái mại dâm tên là Trường An, mà trớ trêu thay cô gái đó lại chính là đứa con gái của ông với cô giáo Lan ngày trước.
Thủ vai Ông Cò là nghệ sỹ Út Trà Ôn. Màn hay nhất là cảnh hai người gặp lại trong ngôi nhà nghèo túng của ba mẹ con. Út Trà Ôn-Út Bạch Lan đã ca diễn xuất thần đoạn hội ngộ đầy bi thiết này. Chỉ với ba câu vọng cổ, Út Trà Ôn và Út Bạch Lan đã làm bất tử hai vai diễn.
Út Trà Ôn là bậc tiền bối của Út Bạch Lan. Khi Út Bạch Lan bước chân vào nghề, thì cái tên Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn đã vang dội. Nhưng có lẽ tổ nghiệp cố tình sắp đặt cho đôi nghệ sỹ có nghệ danh bắt đầu bằng chữ “Út”, nên mới tạo ra cặp liên danh Út Trà Ôn-Út Bạch Lan cho sân khấu Cải Lương.
Đến hiện tại, đối với người mộ điệu Cải Lương, hễ nhắc đến Út Trà Ôn là nhắc đến Út Bạch Lan và ngược lại. Có thể nói, đây là hai nghệ sỹ tương xứng về cách diễn và sự điêu luyện, mùi mẫn trong giọng ca.
Chúng ta cũng không quên rằng tên tuổi Út Bạch Lan cũng gắn liền với vai Sơn Nữ Phà Ca và vai chị Hằng trong Con Gái Chị Hằng. Đó là những vai mà dù thế hệ sau đã từng có người thành công, nhưng thật sự chưa ai bước qua được cái ngưỡng mà Út Bạch Lan đã tạo ra.
RFI : Những bài vọng cổ để đời do Út Bạch Lan thể hiện ?
TS. Lê Hồng Phước: Tính từ bài Dạ Cổ Hoài Lang nhịp 2, thì sau đó chúng ta có vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 rồi nhịp 32…Và hiện tại vọng cổ nhịp 32 được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất. Để được công chúng chấp nhận và mến mộ loại vọng cổ này, cái công của nghệ sỹ thể hiện những bài vọng cổ nhịp 32 là rất lớn. Những nghệ sỹ có công đầu phải kể đến là Út Trà Ôn, Thanh Hương, Út Bạch Lan …
Út Bạch Lan, Thanh Hương và Út Trà Ôn góp phần rất lớn đưa bản vọng cổ nhịp 32 lên tới đỉnh cao trong hệ thống bài bản Cải Lương.
Út Bạch Lan đã thành công với rất nhiều bài vọng cổ. Trong vô số các bài ca cổ do Út Bạch Lan thể hiện và để đời, có thể kể đến một số bài tiêu biểu : Lan và Điệp, Liễu rũ hoa sầu (Phàn Lê Huê), Xuân đất khách, Tiếng ve sầu, Đào Tam Xuân, Hoa Lan Trắng, Mẹ dạy con, Nước mắt nàng dâu, Tình người cung nữ, Tâm sự Mai Đình…
Trong đó được biết đến nhiều nhất có lẽ là bài Lan Và Điệp. Bài ca này đã gắn liền với tên tuổi Út Bạch Lan. Đến hiện tại, có nhiều giọng ca nổi tiếng thể hiện, nhưng chưa ai qua được bà. Thế nhưng, để thưởng thức được sự điêu luyện và trọn vẹn cái chất “Sầu nữ” trong giọng ca Út Bạch Lan thì người ta cũng không thể nào bỏ qua hai bài vọng cổ Tiếng Ve Sầu và Đào Tam Xuân.
“Sầu nữ” Út Bạch Lan thời thanh xuân.
RFI : Tóm lược về cái « được » cái « mất » trong cuộc đời làm nghệ thuật của Út Bạch Lan
TS. Lê Hồng Phước : Người xưa nói: “Cái quan định luận”, tức là để đánh giá đầy đủ về một con người thì hãy chờ khi họ mất và nắp quan tài đã được đậy lại rồi. Bây giờ, chúng ta cũng có thể nhìn lại cuộc đời nghệ thuật của Út Bạch Lan và bình luận đôi điều được mất về bà.
Trong cuộc đời 70 năm ca hát, có thể nói rằng, Út Bạch Lan đã sống với Cải Lương đến hơi thở sau cùng. Ở đây tôi muốn đề cập trước tiên đến một cách hành nghề rất đáng trân trọng của bà để thế hệ nghệ sỹ sau có thể nhìn vào đó mà sửa mình.
Tên tuổi của Út Bạch Lan trong làn sân khấu Cải Lương Nam Bộ đã thuộc hàng bậc thầy, tài ca vọng cổ của bà cũng đã xếp hàng thượng thừa. Ấy thế mà, dù đã là bậc thầy trong ca diễn, nhưng mỗi khi xuất hiện trên sân khấu ca vài câu vọng cổ, mà là những bài vọng cổ « ruột », người xem vẫn thấy Út Bạch Lan ca rất tập trung, rất nghiêm túc, tập trung hết sức để thể hiện cái thần của bài ca, chứ không bao giờ uốn éo hay chạy nhảy quá đà như một số nghệ sỹ thành danh khác.
Đây là một điều đáng quý ở một nghệ sỹ Cải Lương lão làng, thể hiện sự tôn trọng nghề và tôn trọng khán giả của người nghệ sỹ.
Út Bạch Lan có quá nhiều vai diễn và bài ca vọng cổ để đời. Sự đóng góp cho sân khấu Cải Lương của Út Bạch Lan thì không thể nào kể hết. Bà đã bám trụ Cải Lương và khán giả ngay trên thực địa miền Nam cho tới hơi thở cuối cùng. Ấy thế mà, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, Út Bạch Lan mới chỉ được danh hiệu Nghệ Sỹ Ưu Tú trong khi mà rất nhiều nghệ sỹ thuộc hàng hậu bối của bà, tài năng ca diễn hay sự đóng góp cho Cải Lương không thể vượt qua bà, họ đã được phong danh hiệu Nghệ Sỹ Nhân Dân hết rồi.
Mỗi khi tôi thấy Út Bạch Lan xuất hiện trên sân khấu được giới thiệu là Nghệ sỹ Ưu Tú bên cạnh những nghệ sỹ Cải Lương nghề nghiệp còn chập chững cũng được giới thiệu là Nghệ sỹ Ưu Tú thì tôi không khỏi chạnh lòng.
Trên trang facebook cá nhân của mình, vừa qua tôi cũng đã thể hiện suy nghĩ rằng: “Xin hãy cứ gọi là Nghệ Sỹ chứ đừng dùng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu Tú để gọi Út Bạch Lan, bởi danh hiệu đó không xứng với một nghệ sỹ lớn như bà đâu”. Đó rõ ràng là một điều thiệt thòi đối với bà.
Thế nhưng, bên cạnh điều thiệt thòi đó, thì cái mà nghệ sỹ Út Bạch Lan được từ Tổ Nghiệp và từ người mộ điệu là quá lớn. Út Bạch Lan ra đi nhưng giọng ca nức nở tự đáy lòng, một giọng ca và một lối ca độc nhất vô nhị của bà là bất tử. Út Bạch Lan ra đi nhưng để lại cho sân khấu Cải Lương và người mộ điệu quá nhiều vai diễn và quá nhiều bài vọng cổ độc đáo.
Út Bạch Lan ra đi nhưng vẫn còn đó nhiều mỹ danh vốn vĩ đã nằm sâu trong lòng người mộ điệu gần xa : Vương Nữ Sương Chiều, Nữ Vương Sầu Nữ, Nữ Hoàng Vọng Cổ, Đệ Nhất Đào Thương…Và đối với một người nghệ sỹ, thì đó mới chính là danh hiệu quý giá nhất, phần thưởng có ý nghĩa nhất.
Vĩnh biệt Sầu Nữ, vĩnh biệt một giọng ca nức nở tự đáy lòng. Rồi đây, những đêm khuya mưa rơi lạnh, người mộ điệu sẽ mãi còn nghe văng vẳng bên tai tiếng ca não nùng của một loài Hoa Lan Trắng :
Đêm nay mưa gió ngập trời/Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan ?
(Bài Hoa Lan Trắng của soạn giả Viễn Châu viết riêng cho Sầu Nữ)
Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161112-ut-bach-lan-nu-vuong-bat-tu-trong-long-khan-gia