Hoài Dịu
30/4/2016
Cảnh xuất quân rầm rộ của phi đội máy bay trực thăng trong “Apocalipse Now” trong tiếng nhạc rầm rộ, nhịp điệu dồn dập.Wikipedia
Cường độ mạnh, nhịp điệu dồn dập, lớp tiếp lớp, đập vào mắt chúng ta là quang cảnh xuất quân rầm rộ của phi đội máy bay trực thăng trong “Apocalipse Now” (đạo diễn Francis Ford Coppora). Hay, văng vẳng nét giai điệu đượm buồn, nên thơ từ “Hồ Thiên Nga” của Tchaikovsky trong bức tranh sống động mang tên “Thiên nga đen” (Darren Aronofsky)
Do đâu mà nhân loại có được nhiều tuyệt tác vượt thời gian đến vậy ? Phải chăng đó là sự kết hợp kỳ diệu giữa âm nhạc và nghệ thuật thứ bảy ? Mỗi bộ phim – một lựa chọn âm nhạc. Những tuyệt tác điện ảnh đó thực sự tỏa sáng hơn khi chúng được thêm vào những nét cọ âm thanh. Âm nhạc vang lên : hình ảnh được cảm nhận chân thực hơn và cảm xúc nhân đôi…
Kể từ khi mới ra đời, nền nghệ thuật thứ bảy coi âm nhạc là người bạn tâm giao không thể tách rời. Việc sử dụng đoạn nhạc hay vào đúng thời điểm của phim cho phép gợi mở đến khán giả một không gian sống động hơn, một cảm giác chân thật hơn. Bởi âm nhạc cũng là ngôn ngữ, là nghệ thuật của xúc cảm, tuy không lời nhưng vô cùng biểu cảm.
Trong suốt “kỷ nguyên phim câm”, nhạc phim có vai trò thay thế cho lời thoại của nhân vật , hơn nữa để che lấp tiếng động của máy móc trong phòng chiếu phim. Không có âm nhạc, bộ phim có nội dung dù hay đến đâu cũng trở nên “trần trụi”.
“The Artist” là một đơn cử, tác phẩm thuộc thể loại phim câm, không lời thoại, không hiệu ứng âm thanh. Trong đó nghệ thuật sử dụng đầy ngẫu hứng giữa hình ảnh và âm nhạc của đạo diễn Michel Hazanavicius đã đưa “The Artist” lên đỉnh cao Oscar, hiển nhiên trong đó có giải “Nhạc phim hay nhất” dành cho nhà soạn nhạc Ludovic Bource.
Khoảnh khắc rất “đắt” ở đây là lúc dàn dây vang lên. Sự tăng dần, mở rộng của âm vực và âm lượng, giai điệu viết ở tốc độ chậm, kéo dài. Tác giả đã lột tả thành công nỗi buồn đến tuyệt vọng của nhân vật George Valentin (nhân vật ngôi sao điện ảnh giai đoạn “phim câm” đang phải đối mặt với sự ra đời, nở rộ của thể loại phim có tiếng cuối những năm 1920).
Giữa kho tàng âm nhạc bao la ấy, điện ảnh luôn dành sự ưu ái cho những nhà soạn nhạc cổ điển. Bởi lẽ, từ Bach đến Puccini, từ Tchaikovsky đến Bizet, hơi thở và cảm hứng âm nhạc của họ, đã nuôi dưỡng và đồng hành cùng biết bao thế hệ đạo diễn. Và bởi lẽ, có rất nhiều sự đồng điệu giữa một bộ phim và một tác phẩm âm nhạc cổ điển : cấu trúc chặt chẽ với phần mở đầu, phần phát triển bao gồm những tình tiết gay cấn, căng thẳng, để rồi được gỡ nút vào phần kết.
Quay trở lại tác phẩm “Apocalypse Now”, đạo diễn Francis Ford Coppola, một bộ phim mang tính nhân văn khá sâu sắc về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Âm nhạc, đầu tiên được Richard Wagner (nhà soạn nhạc Đức cuối thế kỷ 19) viết cho sử thi mang tên “La chevauchée de Walkyries” (The Ride of Valkyries).
Giờ đây tác phẩm đó được thăng hoa lần nữa qua bàn tay phù thủy của nhà đạo diễn Coppola. “La chevauchée de Walkyries“ mang tính hành khúc ra trận, là sự đối đầu, là sức mạnh và tham vọng con người. Giai điệu chính, được lặp lại trên nhiều âm vực khác nhau, ở cường độ tăng dần, đặc biệt được chơi ở bè trompet, trompon và kèn cor, càng nổi bật hơn trên nền hợp âm rải vô cùng căng thẳng của bè violon.
Và hiển nhiên, đạo diễn Coppola đã sử dụng thành công “La chevauchée de Walkyries” như chất xúc tác, đẩy màn dàn trận trực thăng lên tới cao trào của kịch tính. Người xem như cảm nhận được bằng da thịt sự lạnh lùng và khốc liệt của chiến tranh, một cuộc chiến không công bằng giữa lực lượng siêu cường quốc và một làng quê nhỏ bé.
Không phải ngẫu nhiên mà giai điệu lấp lánh, thần tiên trong tác phẩm “aquarium” (bể cá) của nhà soạn nhạc Camille Saint-Saens (trường phái âm nhạc lãng mạn thế kỷ 19) được sử dụng như chủ đề âm nhạc mở màn cho liên hoan phim Cannes 2015. Dòng chảy của giai điệu ấy, một cách vô hình đã dẫn dắt người xem cuốn vào “Days of Heaven” (Ngày thiên đường), một kiệt tác điện ảnh của đạo diễn Mỹ Terrence Malick.
Điều lý thú của nhạc cổ điển là giúp chúng ta biểu đạt một cách chính xác cảm xúc và diễn biến tâm lý nhân vật. Việc sử dụng âm nhạc hay, đúng thời điểm sẽ khiến cho không gian phim dày và sâu hơn. Cuộc gặp gỡ giữa hai thế giới nghệ thuật âm nhạc – điện ảnh là định mệnh. Có những nét nhạc cổ điển đã trở thành logo nhận dạng phim trong lịch sử màn ảnh rộng. Như tình yêu rụt rè, e ấp giữa Edward và Bella trong “Twight light”.
Claude Debussy ( trường phái âm nhạc ấn tượng, thế kỷ 19) viết bản nhạc này dựa trên nguồn cảm hứng tác phẩm cùng tên « Ánh trăng », của nhà thơ Paul Verlaine. Những giọt dương cầm rơi xuống nhẹ nhàng, chậm rãi. Bóng trăng vẫn còn ngại ngùng để rồi xuất hiện mỗi lúc một rõ hơn, cao hơn. Từ đây, nét nhạc đi xa thêm chút nữa, hợp âm và cường độ được mở rộng, chơi ở âm vực cao. Đó là lúc Edward vượt qua e ngại để bày tỏ tình cảm với người mình yêu.
“Ánh trăng” của Debussy là một thương hiệu âm nhạc, có khả năng phác họa nhiều cung bậc xúc cảm : một tình yêu vừa hé nở, một không gian bình lặng, lãng mạn hay một ký ức, một nỗi buồn xa xăm. Tác phẩm của ông xuất hiện trong nhiều cảnh phim nổi tiếng điển hình như : bộ hoạt hình “Fantasia“ (Walt Disney), “Mùi đu đủ xanh” (đạo diễn Trần Anh Hùng), “Hành Tinh Khỉ” (đạo diễn Rupert Wyatt)…
Âm hưởng nhạc không lời đồng nghĩa với sự khơi gợi và suy ngẫm. Khi mà ngòi bút và hình ảnh bất lực trước ngôn ngữ, tất cả đều trở nên vô nghĩa, chỉ còn âm thanh là phương tiện duy nhất có thể đối thoại… Xúc cảm muôn màu – giai điệu muôn sắc : đó có thể là bản balade đong đầy nỗi buồn, hay điệu nhảy quay cuồng trong lễ hội. Đó là bản anh hùng ca vẻ vang hay hành khúc tang lễ bi ai, là giai điệu trong sáng, là hòa âm đầy triết lý… Họ, những nhà đạo diễn tài ba, hẳn nhiên ai cũng đều chọn cho riêng mình một tri kỷ. Mỗi bộ phim, một hồn nhạc.
Hoài Dịu
Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160430-nhac-co-dien-trong-dien-anh-cuoc-hon-nhan-troi-dinh