Du Tử Lê
25.3.2016
Tới bây giờ, người ta vẫn không thể giải thích, tại sao có nhiều tài năng xuất sắc ở nhiều lãnh vực, nhất là lãnh vực sáng tạo, lại chết khi còn rất trẻ? Ðôi khi, bao nhiêu năm sau, cái chết của họ còn được dư luận đề cập tới vì tính bi thảm của nó! Trong khi tư chất của họ, vốn là những người có một sức sống mãnh liệt, sung mãn! Cụ thể như trường hợp của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Ông có khá nhiều những ca khúc một thời, từng gây nên những trận bão yêu thích, không chỉ trong giới trẻ mà, luôn cả những người lớn tuổi, thuộc mọi thành phần.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà.
Ngay bây giờ, sau gần 50 năm, những ca khúc của Lê Hựu Hà, sáng tác vào đầu thập niên 1970’s, vẫn còn được các nhạc sĩ nhắc tới, và chúng vẫn còn giữ một vị trí ưu ái, trong ký ức người thưởng ngoạn.
Sau gần nửa thế kỷ, hôm nay, ở hải ngoại, một số trung tâm ban nhạc lớn, cũng vẫn còn được thu băng của họ Lê, để đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ.
Những ca khúc nổi tiếng, trong sáng của họ Lê, hiện ra như những bình minh mới giữa mưa dầm gió buốt, đầy những tình yêu đổ vỡ, chia lìa và, nước mắt than oán của dòng tân nhạc Việt, trước tháng 4, 1975.
Thí dụ với ca khúc “Hãy yêu như chưa yêu lần nào,” ở phần ca từ họ Lê viết:
“Hỡi anh yêu xin anh đừng buồn
Có đôi khi em hay giận hờn
Ðể cho anh quên đi ngày dài
Với bao đêm suy tư miệt mài.
“Mắt môi đây xin anh đừng chờ
Chiếc hôn kia mong anh từng giờ
Ngón tay kia xin chớ hững hờ
Dắt em đi về trong đợi chờ.
(…)
“Hãy cho em môi hôn nồng nàn
Lỡ mai sau duyên ta muộn màng
Sẽ không ai cho ta vội vàng
Mới yêu đây nay sao phũ phàng
“Hãy yêu như chưa yêu lần nào
Hãy cho nhau môi hôn ngọt ngào
Hãy đưa em về nơi cuối trời
Giấc mơ yêu cùng anh trọn đời.”
(Nguồn Wikipedia-Mở)
Hoặc như nội dung của một ca khúc nổi tiếng khác, Lê Hựu Hà đã mang được vào trong cõi-giới âm nhạc của ông, những cảm nhận thực tế xã hội, đời thường như:
“Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười
Ta không cần cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Ta không cần cuộc đời
Toàn những khoe khoang và thấp hèn
“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười
Ta không thèm làm người
Thà làm chim trên rừng hoang vắng
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời…” (1)
Với những câu như: “Ta không cần cuộc đời/ Toàn những chê bai và ganh ghét/Ta không cần cuộc đời/ Toàn những khoe khoang và thấp hèn,” trước và sau Lê Hựu Hà, chúng ta không hề thấy trong ca từ của hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải vì vạch trần những “thói đời” như vậy mà tác giả sinh lòng oán than, thù ghét. Trái lại, ông còn nhắc nhở người yêu của ông hãy cứ “cười lên đi em ơi“… Dù cho tiếng cười đó, chỉ để che giấu “…nước mắt rớt trên vành môi.” Và hãy mở rộng tấm lòng rộng thương yêu bằng cách “…ngước mặt nhìn đời“; và,”nhìn tha nhân ta buông tiếng cười...”
Ðể giải thích cho tinh thần yêu người, yêu đời của mình, qua ca khúc “Nắng vàng, biển xanh và anh,” Lê Hựu Hà viết:
“Nắng lên rồi đêm vội đi ngày đang tới
Ðất với trời bắt tay nói câu chào nhau
Gió tung tăng đùa vui bay làn tóc rối
Cả thiên nhiên cũng hân hoan đón mặt trời
“Biển trong xanh nhẹ hôn bờ cát trắng
Sóng lao xao mơn man vuốt ve bàn chân
Khẽ trao nhau nụ hôn thật êm ái
Khép đôi mi để chiếc hôn ngắn được dài
“Có anh rất hiền, có em yếu mềm
Cho đôi ta nghe trái tim mình
Dịu dàng lên tiếng
Men tình ngây ngất, hương tình lâng lâng
Còn chờ đợi chi anh ơi hãy ôm em vào lòng
Trái tim nồng sẽ không quay lưng lại
Dẫu cho bao thăng trầm đổi thay…” (2)
Ngoài những câu như thơ, rất mới: “Ðất với trời bắt tay nói câu chào nhau” hoặc “Khép đôi mi để chiếc hôn ngắn được dài” thì “Trái tim nồng sẽ không quay lưng lại/ Dẫu cho bao thăng trầm đổi thay…” – – Ðã tựa như một xác quyết, khẳng định cho tâm-thái hay, bản chất nhân ái của họ Lê trước mọi “khoe khoang và thấp hèn” của con người trong đời thường!!!
Nhưng, Lê Hựu Hà không chỉ có những đóng góp cá nhân, bằng vào tài năng của riêng mình. Ông còn là người mở rộng sân chơi, cho những bằng hữu đồng trang lứa với ông, một thời nữa.
Theo tiểu sử được Tự Ðiển Bách Khoa Toàn Thư-Mở thì, ngay từ năm 1965, khi mới bước vào con đường âm nhạc, Lê Hựu Hà đã đứng ra thành lập ban nhạc Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 với ban nhạc Hải Âu nhân Ðại Hội Nhạc Trẻ của Trường Trung Học Lasan Tabert. Chính từ ban nhạc này là bệ phóng của tiếng hát Thanh Lan, nổi tiếng, sau này.
Nhưng, phải đợi tới đầu thập niên 1970, khi ban nhạc Hải Âu không còn nữa, thì cũng họ Lê phối hợp với Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương, thành lập ban nhạc Phượng Hoàng. Chính tại sân chơi Phượng Hoàng này, nhiều tài năng nhạc trẻ, đã cất cánh bay cao trong vòm trời âm nhạc Việt.
Nhắc tới ban nhạc Phượng Hoàng, mười hai năm sau cái chết của Lê Hựu Hà (2005), một người bạn thân của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong một bài viết, phổ biến trên Tuấn Khanh’ Blog, ghi lại nhận định của cố nhạc sĩ Phạm Duy về ban nhạc Phượng Hoàng, như sau:
“…Nhạc sĩ Phạm Duy, lúc sinh thời không phải là người dễ tính, cũng đã phải thốt lên rằng âm nhạc của Phượng Hoàng đầy chất tâm hoặc (psychedelic culture) và phản ánh một tâm thức của thế hệ trẻ không lối thoát trong một xã hội chiến tranh, bất an không hồi kết…” (3)
(Kỳ sau tiếp)
———–
Chú thích:
(1), (2), (3): Nđd.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225021&zoneid=97