Trác Thúy Miêu
13/11/2015
“Sài Gòn vô thường tới mức đôi khi có những huyền thoại điêu tàn ngay trước mắt mà chẳng ai hay, như một liên khúc hòa tấu vô ngôn chuyển bản điềm nhiên giữa 90 phút một tour dạ vũ…”.
Nghệ sĩ Võ Văn Thường (1940-2003)
Giọng đàn của tình tứ vô ngôn
Đó là suy nghĩ của tôi khi đứng trong cánh gà đêm thi Solo cùng bolero, nghe diễn viên Quý Bình, từ bóng tối hậu đài thì thầm câu chuyện về những ngày cuối đời của nhạc sĩ Thanh Bình. Xen kẽ với giọng kể của anh thì ngoài kia, trong vùng sáng của sân khấu, đứa con tinh thần, nhạc phẩm của ông đang được tấu lên giữa ánh sáng huy hoàng, trong này, câu chuyện của Quý Bình vẫn thì thầm vào tai tôi, về một người đàn ông những năm tháng cuối đời bị người thân lừa mang bỏ rơi ở bến xe đò với một chiếc chiếu và hai trăm ngàn đồng.
Ngoài kia, âm nhạc vẫn tấu lên, tráng lệ…
“Ở Sài Gòn, đã bao nhiêu ân nhân của nền văn minh những thanh âm hoa lệ đã ra thiên cổ như vậy, mà chẳng ai hay?…”.
Câu tự vấn dày vò tôi suốt đường về. Tình cờ ở ngã tư, một sợi guitar mỏng manh kéo dài và len lỏi lách qua cửa xe, trên một phần nền điện tử xập xình bóng bẩy: cái thứ âm nhạc đã nghiễm nhiên tự bao giờ làm nên thanh âm ký ức thành thị của thế hệ những đứa choai choai đầu thập niên 1990, những bal de famille “chui”, những lớp khiêu vũ thời ồ ạt tái thịnh, những khiêu vũ trường salon tồi tàn với nhịp đèn xanh đỏ và mùi nước hoa rẻ tiền, những tiệm cà phê ghế bố vùng ven và tiếng rao hiệu của những xe kẹo kéo sặc sỡ một niềm vui mỹ ký len lỏi giữa những hẻm lao động nhếch nhác…
Guitar Vô Thường!
Cụm từ này đã nghiễm nhiên “bắt tai” và lưu lại bộ nhớ ngô nghê từ ký ức những năm cuối thập niên 1980, như một thương hiệu đặc thù cho thứ âm nhạc bóng bẩy quá mức, như một Richard Clayderman mà người ta có thể vặn vừa nhỏ ở một tiền sảnh khách sạn hay một khoang thang máy mà những câu chuyện, những đợt người vào ra vẫn tiếp diễn, điềm nhiên, không biến cố, không kịch tính, hay bản Jasmine của Kenny G một thời được nghiễm nhiên xài làm nhạc hiệu của mấy chiếc cân điện tử đi cân dạo. Không bất cứ một phách nhịp hay ngón khảy vô thường để chiêm ngẫm ra chiều sành sỏi bên miệng những ly champagne hảo hạng.
Nó trở thành thứ “ambient music” riêng của Sài Gòn, nghiễm nhiên, không tiền khoáng hậu, và độc nhất vô nhị.
Nó trở thành món đặc sản đời thường của nền văn minh trà đá: thân thiện, thiết thân, và vạn sự ắt sẽ khác lắm, nếu một ngày mất đi.
Nó không phải áo dài, phở hay chả giò để hãnh diện mang ra trưng trổ với du khách về đặc sản văn hóa bản địa, như người ta sẽ không mời một thượng khách ngoại quốc ca trà đá, dĩa cơm sườn bình dân vậy.
Nhưng chính những bản hòa tấu không lời vừa thô sơ vừa bóng bẩy ấy đã ngấm ngầm nuôi sống những giai điệu tình tứ của hơn 2.000 bản tân nhạc nghiễm nhiên ngấm vô máu, vô chất người Sài Gòn, như một mảnh ghép vô thường làm nên cả một ký ức bản địa lộng lẫy của phố thị phương Nam.
Cho những tiễn biệt không lời…
Từ hồi nhảy đầm lại được phép thịnh hành, giới thanh niên Sài Gòn đã chuyền tay nhau những cuốn băng “nhạc hòa tấu khiêu vũ” với những nhạc mục hẵng còn nhạy cảm nhưng được phát xập xình thả ga bởi tính chất “không lời”. Chúng tôi đã tung hô tái nghinh những bước vũ salon trên cái nền điện tử với khuôn phách xập xình đều đều của thứ âm nhạc guitar dân chủ ấy.
Từ nhạc vàng, bolero, dòng hương xa huê kiểng cho đến các nhạc khúc oldies sến Mỹ (sentimental) v.v.. Phách gõ cụp cheng của bolero Sài Gòn được biến tấu thành thứ nhịp rumba chân phương, dễ nhớ, và cứ tăng tempo là thành chachacha, cứ vậy mà tai nghe miệng đếm chân bước. Những bộ băng guitar Vô Thường ngày ấy đã trở thành thứ nhạc nền không thể thiếu của không khí tuổi trẻ Sài Gòn xập xèng xôm tụ. Cứ tới Noel, tụi con nít choai choai chỉ cần vài vòng dây đèn nhấp nháy, nhúm bột rải sàn và một cuộn băng guitar Vô Thường chơi đủ 9 điệu một tua là đủ cho cả một vũ hội bỏ túi linh đình xôm tụ, khỏi lo khác biệt gout nhạc, bởi ai mê giọng ca kiểu hát nào thì cuối cùng cũng dễ dàng gặp nhau trên nền nhạc du dương một điệu Vô Thường đồng hóa. Cái sến mướt nức nở của những bản bolero đèn vàng, chất học thuật hàn lâm của các nhạc phẩm tiền chiến, hay “mùi Mỹ” của mấy bản twist Hoa Kỳ được trung hòa trong một màu guitar Hawaii, căng giãn cái không gian phòng trà hẻm nhỏ thành một thứ hiệu ứng mênh mang bất cùng của bóng những trái đèn châu lướt loang loáng trên piste danse. Cứ thế, người ta dễ dàng dựa vào nhau trong thứ tiếng dây đồng mịn mượt đó mà không lo những cao trào kịch tính làm gián đoạn cuộc du dương, mà cũng không lo… phường đội xuống hỏi thăm vì tội chơi nhạc cấm nhảy đầm chui.
Thời đó, ở Sài Gòn, khó mà đi đâu trốn được… cõi Vô Thường.
Tối cuối tuần, mấy tiệm cà phê ghế bố quanh khu ký túc xá Trần Hưng Đạo luồn mấy bóng đèn màu vô ống nhựa giấu trong mấy bụi thủy trúc rồi bật Vô Thường lanh lảnh, sợi đàn ở quán này quyện lẫn sợi khói quán kia, chen lẫn giữa những liên khúc Kiều Nga, Tuấn Vũ, cả khu cứ vậy mà thả cửa xập xình mênh mang, nhạc cứ vậy mà chuyển khúc từ bản này sang bản khác chẳng ai hay.
Tiếng đàn như được tăng âm gấp nhiều lần so với cái bập bùng dân dã của những cây đàn thùng, thêm thắt tiếng vọng echo điện tử hào nhoáng bóng bẩy cho tiếng khảy dây. Chỉ cần một quán cóc đèn dầu hột vịt về khuya mở thiệt nhỏ trên cassette chạy bình cũng đủ bàng bạc mặt lộ về khuya, xập xòe tiếng trống điện, organ. Nghe giữa khuya vẫn thấm tháp cái vị sầu đời đặc thù của dân tứ chiếng, kéo dài như mệnh nghiệp số phần mảnh đất miền Nam trù phú, từ bản độc tấu đờn dây của mấy ông già trầu Nam bộ, tới những cậu sinh viên tỉnh lẻ vắt vẻo tiếng guitar bập bùng đêm khuya gác trọ…
Có những đêm thức trắng bên quán cháo khuya ở bến xe, tôi đã nghe tất thảy sáu lần cuộn cassette 90 phút tua đi tua lại một điệu Vô Thường ung dung lãng đãng từ chiếc xe đò đậu chờ chuyến sớm mà không nhận ra đã có tới bao nhiêu ca khúc quen tai thuộc lời đã được tấu lên. Chỉ là giữa cái lòng đêm khi bụi đường thường nhật đã ngủ thiu thiu, thành phố thở đều, tiếng rải lắt léo như ngón măng cầm bỗng tròn vẹn cái từ “văng vẳng” buồn não nề, hắt hiu đến vậy.
Cứ vậy, thanh âm không lời giữa mạch đập Sài Gòn, Vô Thường tỉnh thức, quyến rũ những xập xình hân hoan hoa lệ, và Vô Thường bàng bạc trải tấm mền chung ru phố thị về khuya, lọt thỏm vào bầu âm thanh ngồn ngộn chung, cận kề tới mức người ta không còn nhận ra nữa thứ giai điệu vô ngôn… cho đến ngày tiếng tơ văng vẳng ấy mong manh chìm giữa những tiếng ồn ngày càng dày đặc, gay gắt hơn của những đợt nhập cư mới, của thành phố ngày càng chật chội, quá chật cho vừa một sợi dây đồng len lỏi những rung ngân…
Đã lâu lắm rồi, tôi không còn nhận ra tiếng guitar quen thuộc cũ đang mất dần đi, thanh âm đã làm nên Sài Gòn của tuổi trẻ chúng tôi thô sơ và hào nhoáng, cho đến buổi chiều hôm ấy, tai vẫn còn nghe câu chuyện thì thầm của Quý Bình, bất chợt quơ tay chạm phải tiếng dây đồng ngân lên, bàng bạc mong manh giữa thanh âm thành phố buổi tan tầm.
Tiếng đàn vô ngôn, như một giọng ca vô nhân ảnh đã bình dị khép vừa một khung đại cảnh Sài Gòn từ lúc nào, nghiễm nhiên như tiếng quen hình thân, như máu thịt. Buổi chiều hôm đó đã là lần đầu tiên tôi thật sự lưu tâm đến ngón đàn kỳ lạ và đặt ra câu hỏi lần đầu sau gần hai thập niên thụ hưởng: đã từ khi nào Sài Gòn vắng tiếng Vô Thường?
Tôi, thính giả muôn đời bạc nghĩa, lần đầu sau gần 20 năm nghiễm nhiên thụ hưởng, tò mò về một nhân ảnh rõ ràng sau ngón đàn điện Sài Gòn để nhận ra người nghệ sĩ đằng sau tiếng hát vô ngôn – Võ Văn Thường, cầm thủ kỳ dị của đất Phan Rang với ngón đàn tay trái, đã qua đời năm 2003 tại hải ngoại.
Vô thường, điềm nhiên như chính những nhạc khúc không biến cố đã chuyển bản mà chẳng ai hay.
Guitar cứ vậy để mặc cho người phố thị trôi tiếp guồng quay không gián đoạn, những bản du dương lả lướt cứ êm đềm xập xình ánh điện câu hẻm nhỏ hay những bước vũ chẳng trầm luân… rồi dịu dàng tắt dần trong thanh âm thường nhật, tiếng khiêm nhu không lời.
Ai biết đâu đó, mỗi ngày sống ở Sài Gòn lại là một tiễn biệt vô thường những mất-đi-còn-đó.
Lần đầu, kẻ thụ hưởng nghệ thuật, đứa trẻ từng chập chững những bước vũ hoa niên đầu đời, giữa phố tan tầm lọt thỏm giọng đờn từ phía trái tim quá cố, chợt thấy bàng bạc một mất mát không lời.
Giá như có thể gửi đến người nhạc sĩ một tiễn biệt muộn màng. Nhưng như một tua nhạc chuyển bản không chút gợn tì vết, giữa ngã tư đèn đỏ một chiều, khi thanh âm Sài Gòn còn mùi mẫn tấu qua cửa kiếng xe, vạn sự vô thường chợt nhẹ tới mức dường như một chiếc lá vẫn chưa rơi chạm mặt đường.
Trác Thúy Miêu
Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/7792/loi-tien-muon-cho-mot-tieng-hat-vo-ngon.ndt