Bùi Bích Hà
27/1/2016
Vừa rời khỏi dòng người xếp hàng rồng rắn trước các cửa sổ phục vụ khách hàng, bận rộn vào giờ tan sở chiều Thứ Sáu trong ngân hàng Wells Fargo, đầu óc còn váng vất hình ảnh những bàn tay lăm lăm cầm tấm chi phiếu trả lương cho cả tuần làm việc (không bao giờ kịp ấm túi,) những khuôn mặt âm u, những đôi mắt bồn chồn nhìn vơ vẩn ra xung quanh chờ đến lượt, tôi ngồi vào ghế lái chiếc xe hơi nhỏ mới khởi động, ngạc nhiên một cách dễ chịu khi nghe tiếng hát Ý Lan chợt cất lên từ đài phát thanh: “… Người dẫu xa, tình thiết tha, hoa ơi có biết lòng ta nhớ người?” Bài hát nghe lần thứ hai, vẫn chưa biết tên tác giả, đánh thức trí nhớ tôi chập chờn ngủ quên hơn mười năm qua, bày ra rõ mồn một trước mắt tôi, giữa những dòng xe xuôi ngược trên con đường Harbor đông đúc chiều cuối tuần, khung cảnh khi tôi nghe đúng câu này lần đầu.Thời gian ấy, tôi mới dọn vào căn chung cư trên đường Garden Grove. Đêm hôm đó, tình cờ thấy mình đứng trước cửa sổ phòng ngủ không kéo rèm, ngước nhìn lên bầu trời trên cao trắng đục màu sữa loãng, chơi vơi một vầng trăng tròn lạnh băng màu nguyệt bạch, lòng bỗng dưng nghe ra chừng như thiếu vắng một người.
Đêm sâu vì không gian tuyệt đối thinh lặng. Những tán lá phong đứng yên không động cựa và ánh trăng mênh mang, lạnh lẽo, như một nỗi buồn hóa đá. Không có ai để thở than như trong thơ Huyền Kiêu: “Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau, Nửa đêm chợt tỉnh, bỗng dưng sầu. Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự? Em đã xa rồi, em biết đâu!”
Thành ra, âm nhạc là một thứ tiếng nói của thân phận. Khi phóng chiếu về tương lai, nó vẽ ra những giấc mơ thần tiên. Khi la đà quay về vùng trời quá khứ, nó là một thứ hồi quang làm sống lại một kỷ niệm, một quãng đời nào đó gắn bó với người nghe. Cho nên, âm nhạc là một hạnh phúc ngọt ngào, một khổ đau êm ái được hát lên và không thể thiếu trong đời sống nhân gian. Tuổi nào cũng yêu mê và đón đợi âm nhạc. Của một bắt đầu long lanh huyền thoại. Của một kết thúc dù buồn vui cũng đẹp như cổ tích. Âm nhạc sống giữa loài người và sống lâu hơn đời người. Nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác làm nên tuổi xuân bất tận của âm nhạc. Nhiều thế hệ người hát nối tiếp nhau thắp ngọn lửa không bao giờ tàn của âm nhạc. Hí viện không bao giờ ngưng bán ra những lượt vé và “những con ma trong nhà hát” không bao giờ thôi ám ảnh người nghe.
Tuần lễ trước đến chơi với con cháu, cô con gái hào hứng hỏi mẹ: “Mẹ đã nghe Tùng Dương hát bao giờ chưa?” Lục lọi thật nhanh trong trí nhớ, không thấy tí tăm hơi nào về hai chữ Tùng Dương, con người hay chỉ nghệ danh. Lắc đầu. Cô càng hào hứng: “Mẹ chờ chút, con cho mẹ xem.” Lúc sau này, tôi hơi lấn cấn về hai chữ “nghe” và “xem” khi ai đó nói với tôi về âm nhạc. Loay hoay mãi mới nghiệm ra câu trả lời cho mình. Người ta thường nói “Đi xem đại nhạc hội” và “Đi nghe nhạc thính phòng.” Rất rõ ràng. Đi “xem” phải mở to hai mắt nhìn tả hữu, thưởng thức ngoại hình, trang phục, các động tác của người trình diễn kể cả người phụ diễn và cảnh trí sân khấu. Đi “nghe” hát thì nghe là chính, mỗi thính giả là một ốc đảo, có khi nhắm mắt lại để tâm hồn nương theo tiếng hát, tìm về một không gian, một cuộc tình, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, một ngày nắng, một chiều mưa, một bến tàu, một sân ga, một gặp gỡ, một chia tay, ôi thôi, biết bao cảnh ngộ trong đời mà người nhạc sĩ sáng tác đã sống qua, đã sống giùm để thể hiện giùm, để người ca sĩ hát lên những riêng tư mà cũng rất chung ấy, những khoảnh khắc thời gian mong manh mà cũng thiên thu ấy, để cái sân khấu nhỏ của mỗi thính chúng buông màn đã lâu, sống lại nhiều lần trên cái sân khấu lớn ấm áp đèn màu và giai điệu… Nhạc sĩ và ca sĩ được nhân quần ưu ái vì sự hy sinh chấp nhận mình bị tan biến trong cảm xúc tuôn trào của người nghe. Họ không là ai cả nếu không là những nốt nhạc, là tiếng hát đem theo nó những ve vuốt, những thổn thức, những nhớ thương tràn trề như cơn giông mùa hạ tắm gội ký ức; như cơn mưa nhỏ giọt hàng hiên xoáy vào kỷ niệm; như cơn lũ cuốn trôi mọi ưu phiền sau một thời kinh Bát Nhã hay một buổi dọn mình xưng tội và được giải tội trước tòa.
Tùng Dương hát được nhiều thể loại, thành công với khả năng truyền đạt nồng nàn, tinh tế và xuất sắc những trao gởi vô âm của người nhạc sĩ sáng tác. Mỗi bản nhạc, với anh, có một chân dung riêng. Ít diễn xuất nhưng thay vào đó là sự tự chủ hiếm thấy ở một người hát. Anh phát âm, thả buông từng câu, từng chữ, từ cao xuống thấp, từ nhẹ đến mạnh và ngược lại, dễ dàng, liền lạc, như hơi thở, như sợi tơ trời đong đưa với gió nhưng không đứt, vuốt lên khoảng không, rơi xuống vực sâu rồi lại mượt mà, óng ả bay lên. Khi nốt nhạc cuối cùng chấm dứt, anh lập tức hiện nguyên hình là một nghệ sĩ trình diễn: tươi tắn, bình thản, giản dị cười chào thính chúng. Như thể anh và nội dung bản nhạc anh vừa trao tặng người nghe chẳng có chút liên hệ nào.
Tôi khâm phục nhưng cũng ngờ ngợ. Có thể nào anh “nhà nghề” tới mức là cây đàn keyboard được lập trình bởi một phù thủy âm thanh tuyệt kỹ qua những thể hiện quá hoàn hảo của nó? Cắm điện. Bấm nút. Là thanh âm tràn đi như nước vỡ bờ? Không. Không phải thế. Tôi tự nhủ sau suốt hai tiếng đồng hồ ngồi yên trước cái Ipad mở sẵn của cô con gái, nghe Tùng Dương hát. Tiếng hát gây xúc động tự nó đã là xúc động có sức lôi cuốn nhất. Không có cách giải thích nào khác là bản thể nhạy cảm của người nghệ sĩ cọng với đam mê đã cho phép họ hóa thân vào tác phẩm, sống hồn nhiên với tác phẩm và thể hiện nó như một bản năng thứ hai (second nature) của họ.
Tuy nhiên, xem ra biên giới giữa tự chế trong kỹ thuật và cảm hứng sân khấu có khoảng cách khá xa với khát vọng thăm dò tiềm năng nội tại cao nhất, độc đáo nhất và đa dạng nhất của người ca sĩ. Khát vọng này thường dễ đưa đến chỗ quá đà. May thay, Tùng Giang khá tỉnh táo khi nhìn lại mình. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, anh từ tốn cho biết: “Tôi vẫn thủy chung với cá tính riêng trong âm nhạc – một tí kỳ quái, một tí bất thường, một tí thách đố – cho dẫu trong mắt nhiều người, tôi có vẻ lập dị.”
Thực sự, “lập dị” là một cách diễn tả khác của những biểu lộ không giống cái chung. Tiếng hát nổi bật, tự khẳng định vượt khỏi cái chung thì không lập dị mà có vị thế riêng. Tôi thích nghe Tùng Giang thu âm, không thu hình. Để chỉ có tiếng hát anh và cảm xúc chứa chan trong tiếng hát ấy như màu nắng lạ, cơn mưa lạ, làn gió lạ, trong một không gian trở nên mênh mông vì không còn một thứ gì hiện hữu ngoài tiếng hát làm cho người nghe cũng tan chảy, trơ ra mảnh linh hồn không còn nơi ẩn náu, không còn nơi để giấu quanh dấu quẩn nỗi buồn…
“… Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ, không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ. Hẹn em từ muôn kiếp trước, nhớ em mấy thuở bạc đầu. Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung, đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung...” Ý xưa, lời cổ trong Dư Âm của Nguyễn Văn Tý sống dậy với nhan sắc mới, hình hài mới trong tiếng hát Tùng Giang, làm mới lại một tình yêu vốn không có tuổi, cả nỗi nhớ nhung thiết tha dường như chạm tay vào được nên khiến lòng người bỗng dưng nôn nao. Tinh hoa một tiếng hát có lẽ do chất giọng nên khi tiếng hát đã ngừng, chữ nghĩa đã quên hết, chất giọng mãi còn vang dội trong thần thức thính giả, bám vào mấy tầng vỏ não, thấm vào da thịt, thôi thúc buồn vui tận đáy lòng.
Giữa cuộc sống nhọc nhằn, cảm ơn Thượng đế đã ban cho loài người tiếng nói, cho vũ trụ tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng gió vi vu, tiếng mưa thì thầm, tiếng biển vỡ trên ghềnh đá…để con người tổng hợp lại, viết thành giai điệu ngợi ca cuộc sống. Thời gian bào mòn mọi thứ ngoại trừ tiếng nói đẹp nhất của trái tim nhân loại ở tuổi hai mươi được hát lên, được đóng khung trên năm dòng kẻ You told me you love me, when we were young one day…
Riêng tôi, ở tuổi không còn nhớ gì nhiều, vẫn còn một thanh âm ở lại bền chặt trong ký ức, được nghe lại, rất xa xăm, mỗi đêm trước giờ đi ngủ: Tiếng con chim từ quy gọi bạn đến khàn hơi từ bên này rừng chiều Bạch Mã bay về bên kia rừng và chỉ gặp lại chính nó lúc hừng đông, cho một ngày chờ đợi khác.
Bùi Bích Hà
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=221629&zoneid=97