Thanh Hà
16/1/2016
Blackstar, món quà cuối cùng David Bowie dành tặng cho hậu thế, khép lại gần 50 năm sự nghiệp của người nghệ sĩ có đôi mắt hai màu khác nhau, tựa như người ngoài hành tinh đổ bộ lên Trái đất. David Robert Jones rời xa thế gian sau khi đã thám hiểm muôn vàn thể loại của nghệ thuật, tạo dựng muôn vàn bộ mặt cho David Bowie.
Vĩnh viễn ra đi hai ngày sau khi trình làng đĩa hát cuối cùng Blackstar, một lần nữa David Bowie đã bắt công luận phải sửng sốt, như ông có thói quen vẫn thường làm mỗi lần xuất hiện trước công chúng hay cho ra mắt một đĩa hát mới.
« Hãy nhìn lên trời cao,
Và biết đấy, ta tự do bay bổng như con chim xanh … »
Phải chăng đó là lời tâm sự cuối cùng, được gói ghém trong ca khúc Lazarus, một trong bảy tác phẩm được đưa vào album Blackstar mà David Bowie gửi đến những khán giả trung thành theo chân ông từ những năm tháng ban đầu, khi David chưa hóa thân thành Bowie ?
Đĩa hát sau cùng của Bowie được trình bày một cách hết sức giản dị : một ngôi sao đen đậm trên nền phông trắng. Ở bên trong là tập nhạc màu đen. Lời được viết với hàng chữ đen bóng. Nhìn lại Blackstar tựa như một thiếp tang, trang nhã theo truyền thống của người phương Tây.
Về video clip của bản Lazarus, thì cũng lần đầu tiên ta trông thấy Bowie nằm trên giường bệnh, một lớp ruban nhạt màu băng lấy vầng trán và đôi mắt của David Bowie. Đôi mắt sáng ngời, có hai màu xanh và đen khác nhau của ông được thay thế bằng hai chiếc khuy đen.
Nhân vật trong ca khúc này như đang trải qua một cơn ác mộng, để chờ được giải thoát. Trên nền dòng nhạc rock cold wave, Bowie nửa như gào thét, nửa như van lơn : « Tôi đang lâm nguy, không còn gì để mất và sẽ tìm lại tự do ». Hình ảnh cuối cùng của clip Lazarus là David Bowie giam mình trong một chiếc tủ gỗ.
Bowie và nghệ thuật dàn dựng sân khấu
Với Blackstar, David Bowie một lần nữa đã kết hợp âm nhạc với nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, mượn ánh sáng đèn màu, nghệ thuật hóa trang, tạo hình, kịch câm, biên đạo múa … để dàn dựng ngay cả đến cái chết của chính mình.
Thật ra ngay từ khi dấn thân vào con đường nghệ thuật, vào đầu những năm 1960, David Bowie đã sớm ý thức được rằng, âm nhạc và hình ảnh phải được gắn liền nhau như bóng với hình. Mỗi ca khúc, một album hay video clip của ông đều cho thấy David Bowie đã dày công siêu tập những gì tinh tú nhất, từ tất cả các thể loại nghệ thuật khác để nhạc của Bowie được thăng hoa, để cuộc đời ông được trọn vẹn là một tác phẩm nghệ thuật.
Sinh ngày 08/01/1947 trong một gia đình bình dân, ở ngoại ô phía nam Luân Đôn. Dòng đời êm ả đến buồn chán khiến, rất sớm David đã nuôi mộng trở thành một vì sao sáng trong số những vì sao. Cây đàn saxophone là hành trang đưa anh vào đời. Cuộc sống sôi động về đêm của Luân Đôn, là trường học, trường đời. David Robert Jones sớm tham gia vào một vài ban nhạc bỏ túi để thử lửa và bắt đầu cho ra đời một vài ca khúc đầu tay theo dòng rhythm and blues, rock’n roll.
Năm 1965, David Robert Jones hóa thân thành David Bowie, cho phát hành đĩa hát đầu tiên mang tên mình. Đó cũng là thời gian Bowie còn đang đi tìm một chỗ đứng trên khung trời nghệ thuật. Ông liên tục thay đổi phong cách sáng tác, cách thể hiện và cả lối ăn mặc để hiện hữu. Ngay từ những bước đầu trên sân khấu, David Bowie đã ý thức được rằng, anh không chạy theo mà sẽ là người đem lại một làn gió mới cho làng nhạc rock.
Người từ hành tinh khác đổ bộ lên địa cầu
Có điều, nước Anh ở vào những năm 1960-1970 là một sân chơi quá chật hẹp đối với David. Để thoát khỏi bế tắc đó, Bowie không ngần ngại chinh phục không gian. Space Oddity, thành công vượt bậc, mở đầu loạt sáng tác của David Bowie về không gian, vũ trụ về những con người sống ngoài hành tinh của chúng ta.
Với Space Oddity, nhân vật đầu tiên được David Bowie tạo dựng là phi hành gia Major Tom, người của Trái đất lạc vào không trung, với tương lai vô định. Nhân vật này đưa dòng sáng tác của Bowie đến tới những nhân vật huyền thoại khác ở vào đầu những năm 1970 : Ziggy Stardust, tóc đỏ, người từ một hành tinh khác đáp xuống Trái đất để cứu con người ra khỏi cuộc sống nhàm chán, nhưng rồi, như một con thiêu thân, Ziggy gẫy cánh trước khi hoàn thành sứ mệnh.
Khi Bowie hóa kiếp cho Ziggy thì cũng là lúc ông cho ra đời Aladdin Sane. Alladine Sane – phát âm gần như A lad insane, tức là kẻ điên, có vết sấm sét ba màu trên mặt, cũng từ một hành tinh xa lạ nào đổ bộ xuống địa cầu, hội ngộ với con người trong chớp mắt rồi lại trở về nơi không trung. Nhưng khi hắn đi rồi thì hình ảnh của Aladdin Sane vẫn còn đọng lại nhờ bộ y phục có hình dáng như một chiếc đĩa nhựa để nghe nhạc, với hai màu đen trắng, do nhà tạo mẫu người Nhật Kensai Yamamoto thiết kế.
Giới hâm mộ còn vấn vương hay mới chỉ bắt đầu làm quen với Ziggy Stardust hay Aladdin Sane, thì David Bowie đã nhanh chóng khoác lên mình chiếc áo của tên cướp biển Halloween Jack, vị sứ giả đưa dòng sáng tác của Bowie vào thế giới punk.
Để thổi hồn vào các tác phẩm của mình, David Bowie không chỉ hài lòng với công việc sáng tác và thể hiện bài ca. Mỗi một ca khúc của Bowie là một công trình tập thể, nảy sinh từ sự cộng tác với những nhà tạo mẫu, với ekip hóa trang, từ một chút gì vay mượn ở các thể loại kịch câm, múa, điện ảnh … để tạo nên một tác phẩm hoàn hảo, chinh phục cùng lúc cả thính giác lẫn thị giác của người nghe.
Bowie, người khai phá những con đường mới
Trong âm nhạc cũng vậy, David Bowie không giam mình trong một thể loại mà ông đã thử nghiệm, du nhập và đem lại hơi thở mở cho mọi địa hạt từ pop đến folk, từ dòng nhạc soul đến punk, từ điệu disco đến nhạc điện tử, new wave … Cho dù trên bầu trời âm nhạc, ngôi sao của riêng David Bowie là hành tinh glam rock mà ở đó Zyggy Stardust tóc đỏ là vua.
Với nhân vật này, David Bowie đã phá vỡ một tấm màn cấm kỵ khi đề cập đến tình dục và những cám dỗ, đến nỗi cô đơn của một con người không giới tính, những bộ trang phục sặc sỡ, phấn son như một lớp áo giáp để bảo vệ lấy những gì mong manh, dễ vỡ.
Công việc của một nhà sưu tập
Trả lời báo chí David Bowie tự xem mình là một « nhà sưu tập » những ý tưởng mới lạ của tất cả những gì bao quanh mình. Hơn nữa David còn là một nhà quan sát rất tinh tế về đời sống xã hội để rồi đi trước tất cả vài ba nhịp cầu.
Ông tạo dựng nên những nhân vật để rồi tiêu hủy chúng. Tựa như Bowie tiên phong trong cách tìm tòi các giai điệu, như một kẻ mở đường cho đại chúng. Nhưng khi đã thâu phục được đám đông, thì David lại tiếp tục lên đường đi tìm những chân trời mới.
Một doanh nhân bậc thầy
David Bowie không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa, một nghệ sĩ đa tài, một người tiên phong để khai mở những chân trời mới của nghệ thuật. Ông còn là một doanh nhân ngoại hạng. Nắm bắt được trước tất cả mọi người tầm mức quan trọng của tin học, của mạng Internet, năm 1996, vào lúc mà mới chỉ có một số ít biết sử dụng mạng tin học, thì David Bowie đã ý thức được rằng Internet phải là một công cụ để nhạc của ông thêm chắp cánh bay xa.
Khi đó Bowie nảy ra sáng kiến cho đăng tải bản single « Telling lies » lên mạng. Đối với hầu hết đa số các nghệ sĩ, Internet là một mối đe dọa tiềm tàng, vì sẽ không còn ai mua đĩa hát khi họ được xem và nghe nhạc miễn phí trên mạng, thì David Bowie lại xem đấy là một công cụ quảng cáo không biên giới. Chính ông đã lập hẳn dịch vụ thuê bao dưới cái tên Bowie.net. Đương nhiên David Bowie đã dành cho những khách hàng của mình một số « tin nóng hổi » hay hình ảnh độc quyền không tìm thấy được ở bất kỳ một nơi nào khác.
Cũng David Bowie năm 1997, biến ông thành một sản phẩm tài chính được rao bán trên sàn chứng khoán với những cổ phiếu « Bowie bonds ». Nhờ chiến dịch này, tác giả của « Changes » vay được 55 triệu đô la vốn trả lãi 7,9 % trong thời hạn 10 năm ! Một năm sau, danh ca người Anh này được báo The Mirror bình chọn là « doanh nhân trong năm ». Từ năm 2002 David Bowie chấm dứt hợp đồng với các hãng sản xuất đĩa hát. Ông sáng lập một công ty riêng, Iso Records.
Giai thoại về ca khúc Cô gái Trung Hoa
Sau những thành công ban đầu ở Luân Đôn, David Bowie đã tìm tới Mỹ, chiếc nôi của dòng nhạc soul, jazz … Đĩa hát Diamond Doggs rồi Station to Station ra đời từ chuyến Mỹ du này. Nhưng đó cũng là những năm tháng mà tiền tài, danh vọng, và ma túy đã suýt nhận chìm David Bowie.
Để thoát khỏi những sa ngã của thành phố Thiên Thần, David Bowie tìm đường trở về Châu Âu. Nhưng Luân Đôn chỉ là một sân ga quá cảnh. Berlin mới là điểm đến sau cùng. Nằm giữa Luân Đôn và Berlin, đương nhiên có Paris. Chính xác hơn là tòa lâu đài Hérouville, phía tây bắc Paris. Đây là nơi thế kỷ thứ 19 từng là điểm hẹn hò của văn hào người Pháp George Sand với nhạc sĩ dương cầm Frédéric Chopin. Vào đầu thập niên 70, tòa lâu đài này trở thành một phòng thu nổi tiếng của Paris.
Trong hành trình sáng tác của David Bowie, Paris không có được vị trí đặc biệt như Berlin, nhưng đây cũng là nơi ông đã sáng tác rất nhiều cho người bạn Mỹ là nhạc sĩ Iggy Pop. Paris cũng là nơi David Bowie thai nghén ra Low, đĩa hát đầu tiên trong bộ ba của những năm tháng ông sống tại Đức.
China girl là một tác phẩm David Bowie cùng sáng tác và đã soạn cho Iggy Pop trong cuốn album The Idiot. Phải đến năm 1983 Bowie mới đưa tác phẩm này vào cuốn album ăn khách của ông Let’s dance.
« Tôi không là gì nếu không có cô gái Trung Hoa ». Cô gái Trung hoa đó là ai ? Sau này mới biết, The Idiot đã được thực hiện trong phòng thu tại khu lâu đài Hérouville, năm 1976. Khi đó nhạc sĩ người Pháp Jacques Higelin đã có cơ hội làm quen với cặp bài trùng David Bowie – Iggy Pop. Cả Higelin và Bowie cùng đem theo hai đứa con nhỏ đến phòng thu và họ đã có dịp quen nhau.
Người bạn gái của Higelin khi đó là một cô gái gốc Việt- Kuelan/Quế Lan Nguyễn đã là nguồn cảm hứng cho Bowie soạn ca khúc China girl. Quế Lan từng có thói quen để một ngón tay lên miệng, bảo con đùa khẽ tránh làm phiền các nhạc sĩ đang thu âm. Hình ảnh đó đã được David Bowie đưa vào clip của ông sau này.
Có người cho rằng không phải là Bowie mà chính Pop mới bị cô gái Trung Hoa làm siêu lòng, nhưng cũng có người giải thích rằng, với cả David Bowie lẫn Iggy Pop, China girl là ẩn dụ để hai nhà soạn nhạc này nói về thói nghiện ngập của họ với ma túy. Trong tiếng lóng, « China White » là bạch phiến.
Dẫu sao, Paris chỉ là một chặng dừng trên con đường đưa David Bowie đến Berlin, một ốc đảo nhỏ bé nằm giữa hai thế giới tự do và cộng sản, nơi những vết thương của chiến tranh còn chưa lành nhưng Berlin lại là nguồn cảm hứng vô tận.
Heroes, nhát búa đầu tiên đánh sập bức tường Berlin
Năm 1976 David Bowie đặt va-li xuống thành phố bị chia cắt làm hai này và đã sống hẳn ở đây trong ba năm để cho ra đời ba đĩa hát quan trọng trong sự nghiệp của ông : Low, Heroes và Lodger. Thời gian này cũng là lúc sức sáng tác của Bowie được coi là sung mãn nhất.
Thuê một căn hộ trong khu phố Schoeneberg, cùng với Iggy Pop, David Bowie đã hoàn tất Low và Heroes ở ngay phòng thu Hansa, gần Quảng trường Potsdamer, cách không xa bức tường Berlin. Bowie sáng tác ngay giữa lòng Chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây. Tiêu biểu nhất cho giai đoạn đó là ca khúc Heroes.
Năm 1977 cộng tác với nhạc sĩ Brian Eno, bản nhạc Heroes của David Bowie gần như đã trở thành biểu tượng của một thành phố bị chia cắt đang khát vọng tự do.
Trở thành những kẻ anh hùng,
Để yêu nhau dù chỉ một ngày,
Đứng sát chân Tường, đạn bay trên đầu
Ta vẫn yêu nhau, như không có gì xảy ra
Dù biết rằng, đôi uyên ương trong Heroes của Bowie chỉ yêu nhau một ngày, không có gì giúp họ được bên nhau. Nhưng giây phút phù du đó là biểu tượng của tự do, khi bức màn sắt không còn ngăn cách được hai kẻ yêu nhau.
Gần 10 năm sau, khi trở lại Berlin, một thành phố vẫn còn bị ngăn đôi, David Bowie đã trình diễn lại ca khúc này không xa chân tường Berlin. Điệp khúc We can be Heroes được lặp đi lặp lại đã vượt qua bức tường, rót vào lòng người dân ở phía Đông Berlin. Đâu đó Heroes của David Bowie là những nhát búa đầu tiên đập đổ bức tường mà tưởng chừng như không bao giờ xóa bỏ được.
Khi hay tin David Bowie qua đời, bộ Ngoại giao Đức đã cảm ơn người đã “góp phần xóa bỏ bức tường Berlin”. Đô trưởng Berlin, không ngần ngại cho rằng, nhạc phẩm Heroes đã trở thành biểu tượng của một thành phố bị chia đôi, nhưng lúc nào cũng khao khát tự do và mong đến ngày thống nhất.
Thanh Hà
Nguồn: http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160116-1001-cuoc-doi-cua-david-bowie