Cuộc hội tụ lịch sử

Quốc Bảo
21/11/2015

Mỹ Linh hát “Hương Ngọc Lan” tại Làn Sóng Xanh ở Hà Nội năm 1998. | Nguồn: Phương Nam Phim

Giai đoạn Làn Sóng Xanh cực thịnh (1997 – 2000) là lúc người nghe Việt đói những giọng ca đặc sắc, có bản lĩnh và sức hấp dẫn riêng, không bàng bạc một màu y nhau. Chính từ sự đói khát, thèm muốn rất hợp lòng người đó mà một thế hệ tạm gọi là divas của nhạc Việt đã sinh ra, cung ứng đúng nhu cầu—chẳng những vậy còn đạt chất lượng cao. Họ là: Đoàn Thanh Lam (1969), Lê Hồng Nhung (1970), Nguyễn Thu Phương (1972), Đỗ Mỹ Linh (1975) và Trần Thu Hà (1977). Khoảng cách giữa người lớn nhất và nhỏ tuổi nhất chỉ có 8 năm, và với chút thể tất, chúng ta thấy họ thuộc vào lứa 7x.

Lứa 7x vàng của nhạc Việt.

***

Chúng ta hãy dành chút thì giờ phân tích hoàn cảnh xã hội dẫn đến sự ra đời của các giọng hát ấy.

Thế hệ 7x trải qua tuổi thơ ấu vào lúc đất nước đã hòa bình, thống nhất; hoàn cảnh rất đáng mừng đó đã khiến thế hệ này hoàn toàn khác với những người lớn hơn, những danh ca thời chiến. Và hãy xem, những người như Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà còn được kèm cặp rèn luyện bởi những bậc đàn anh có sức ảnh hưởng lớn, có mỹ học nghệ thuật đúng chuẩn: Thanh Lam chịu ảnh hưởng cha mình là nhạc sĩ Thuận Yến, được nhạc sĩ Thanh Tùng hướng dẫn; Hồng Nhung được đích thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dạy cách hát, cách đào sâu vào cảm xúc bản nhạc, thậm chí cả cách giao tiếp; Trần Thu Hà do cha mình là NSND Trần Hiếu chỉ dạy. Một điều kiện quý như vậy, chẳng dễ gì có được. Khi đã lớn khôn đôi chút, ở tuổi thiếu niên, năm người nữ kể trên còn rơi đúng vào điểm thiếu hụt một mặt bằng âm nhạc đại chúng thương mại, bởi vì nhạc Việt khi ấy chỉ có ca khúc chính trị và những bài hát tiền chiến được phổ biến. Đang thiếu và rất thiếu một nền giải trí (ta hãy thống nhất rằng “giải trí” cần được hiểu một cách thiện chí) và cơn lốc nhạc Tây phương từ jazz đến pop tràn vào xứ ta chỉ làm được mỗi một chuyện là xới tung lên niềm khao khát được-như-vậy, được sống trong một nhịp sống văn nghệ ngang tầm thời đại, được trở thành những ngôi sao Pop theo mô hình phương Tây.

Như vậy, năm người nữ kể trên khác hoàn toàn những người đi trước họ; họ may mắn được khởi đầu cho một nguồn mạch mới, thỏa mãn cơn khát khao của chính họ và niềm trông đợi của công chúng. Có thể nói, họ là những ngôi sao đại chúng đầu tiên của nhạc Việt chúng ta.

Bản đồ hành trình âm nhạc của họ rõ nét, sáng đẹp và khá nhất quán. Thanh Lam trải qua ba thời kỳ Thanh Tùng, Quốc Trung và Lê Minh Sơn; Hồng Nhung thì Trịnh Công Sơn rồi Dương Thụ; Thu Phương với Duy Thái, Trần Quang Lộc rồi Việt Anh; Mỹ Linh đi từ Nguyễn Cường sang Anh Quân; Trần Thu Hà với Quốc Bảo rồi Ngọc Đại và Đỗ Bảo. Phong cách âm nhạc dẫu có khác đi đôi chút từ giai đoạn này sang giai đoạn kia nhưng xét về mỹ học âm nhạc, cái cách họ hát thu âm và trình diễn, cái cảm của họ về nghệ thuật, hệ thẩm mỹ riêng, thì hầu như không đổi. Đó là điều khiến cho họ khác với các ngôi sao đàn em. Không giống đàn chị (những ngôi sao của thời văn công và ca khúc chính trị), cũng khác biệt hẳn đàn em (thế hệ 8x), bỗng nhiên họ độc sáng trong sự may mắn riêng và nhạc Việt chúng ta gián tiếp may mắn vì có đến năm divas không ai trùng màu với ai.

***
Thanh Lam, một giọng mezzo dày, giàu cộng hưởng, hơi bí và ít vang tương tự những dây trầm của đàn viola, khởi đi từ rock và đạt đỉnh cao sự nghiệp với world music của Quốc Trung và acoustic world của Lê Minh Sơn. Hồng Nhung ngược lại, như những dây đàn mảnh cao, vang xa, hơi chói, đã hát tình ca Trịnh Công Sơn một cách hồn nhiên so với Khánh Ly và sau đó đi vào chill-out với Dương Thụ/Quốc Trung. Thu Phương giọng trải đều trong âm vực alto, làn hơi đầy đặn, khá kịch tính, không nhiều bay bổng nhưng bù lại là dễ nghe, dễ cảm và hát rất chân thành. Mỹ Linh ít biến báo và cô cũng chẳng cần đến sự biến báo: bản thân giọng tự nhiên của Linh đã mượt, ngọt, tròn và cách phát âm rất Việt Nam, dù có hát ca trù hay funk của Anh Quân thì vẫn là lối hát ấy, tự nhiên, tươi sáng, gợi tình. Trần Thu Hà xem như thái cực kia của Mỹ Linh, thật nhiều biến cách thông minh, hát bằng lý trí hơn là cảm xúc, hướng Tây phương rõ rệt hơn bốn ca sĩ trên tuổi. Sự dị biệt trong phong cách, lối sống; sự khác nhau trong màu sắc giọng và màu nhạc là điều hay: chúng ta có đến năm danh ca khác hẳn nhau, không ai là bản sao của ai.

Năm màu sắc riêng biệt ấy được bệ phóng uy tín nhất thời bấy giờ là Làn Sóng Xanh FM 99.9 lăng xê, công cuộc lăng xê này xem ra “sạch” hơn mọi chiến lược PR trong thời đại số sau đó. Có tài, có chất riêng, thì tỏa sáng. Sân chơi Làn Sóng Xanh vào thời cực thịnh là một sân chơi đúng đắn, nghiêm túc; ở đó, cả năm giọng ca đặc biệt nhất có một cầu nối thủy chung và công tâm để đến với thính giả của mình.

Cũng lạ một điều, là thế hệ đàn em của năm người ấy không có ai bắt chước họ. Chẳng phải vì sợ bị trùng màu, mà không bắt chước nổi. Họ độc sáng đến mức không có đệ tử.

***

Cuộc hội tụ của năm ngôi sao vào những ngày cuối năm 2015 trong sự kiện The Master of Symphony, như vậy được kể là lần gặp gỡ thứ hai tính từ show Như Một Lời Chia Tay tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (tháng 8/2001). Họ có mặt nên nhau, đã là điều hiếm. Họ còn cùng hòa ca, lại càng hiếm: Liên khúc “Bốn Bài Ru” của lần gặp gỡ trước (Như Một Lời Chia Tay) thực sự là một điểm son quý, dàn dựng công phu; và nay, thêm một điểm son nữa không chỉ dành khán thính giả yêu mến mà còn cho chính họ: một sự kiện không phai mờ trong sự nghiệp năm người.

Chúng ta chúc mừng năm người nữ tươi đẹp của nhạc Việt đương đại và chờ đợi họ tỏa sáng một lần cho mãi mãi.

Quốc Bảo

Nguồn: Trang FB của NS Quốc Bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây