Gặp gỡ Nhạc sĩ Anh Bằng

Lam Phương


Từ trái: NS Lê Văn Khoa, NS Anh Bằng, NS Lam Phương, NS Diệu Hương (3/2010 – Garden Grove, California)

Một buổi cuối tuần Bác sĩ Peter Morita gọi phone thăm tôi, anh cho biết anh có hẹn với hai nhạc sĩ và thân hữu sẽ ghé nhà thăm tôi. Hai người nhạc sĩ mà bác sĩ Morita đề cập là nhạc sĩ Thanh Sơn cùng phu nhân của anh từ Việt Nam sang Hoa Kỳ do Trung Tâm Thúy Nga mời thu hình trong một show Paris By Night 25th Anniversary.


Người thứ hai là nhạc sĩ Anh Bằng đến với cô Thu Hảo, con gái nuôi của anh. Bác sĩ Morita cũng giới thiệu tôi vợ chồng anh Việt Hải cùng đến. Anh Việt Hải là chủ bút của nhóm văn mang tên Văn Đàn Đồng Tâm. Anh có biếu tôi mấy cuốn sách do Nhà Xuất Bản Văn Đàn Đồng Tâm ấn hành.

Trước đây Bác sĩ Morita có giúp tôi chữa bịnh khi tôi bị bịnh tai biến mạch máu, cũng lâu rồi tôi mới gặp lại anh. Với hai anh Thanh Sơn và Anh Bằng thì kể từ khi tôi ly hương đến nay mới được giáp mặt nhau trò chuyện trong tình nghệ sĩ. Với anh Thanh Sơn quần chúng nhận diện và nhớ mãi qua bài ca bất hủ về mùa hè, đó là bài Nỗi Buồn Hoa Phượng. Với anh Anh Bằng khi anh di cư từ Bắc vào Nam thì bài hát Nỗi Lòng Người Đi đã đưa tên tuổi anh lên cao. Hàn huyên trong chốc lát thì anh chị Thanh Sơn phải giã từ vì đã đến giờ đài phát thanh phỏng vấn anh “live” tại đài. Chúng tôi còn lại mấy anh em tiếp tục chuyện trò, trao đổi những sinh hoạt về đời sống và chuyện văn nghệ nói chung. Anh Việt Hải chia sẻ căn bịnh tai biến như tôi, cả hai chúng tôi đều được bác sĩ Morita giúp đỡ qua phương pháp châm cứu. Riêng Anh Bằng chia sẻ những phương pháp ăn uống và vận động thể dục thích ứng với việc phòng ngừa những tác hại do biến chứng của bịnh tiểu đường gây nên. Anh Bằng và tôi đều mắc bịnh này. Tính theo tuổi đời anh lớn hơn tôi nhiều. Anh là một nhạc sĩ đàn anh. Hồi ở Sài Gòn trước năm 75 chúng tôi gặp nhau tại hai đài phát thanh Sài Gòn và đài phát thanh Quân Đội. Tôi trông anh vẫn có nét tươi trẻ và lạc quan yêu đời, mặc dù anh tâm sự chứng điếc tai làm anh khó khăn liên lạc với mọi người, nhất là qua điện thoại.

Trong sự chia xẻ về âm nhạc, đa số nhạc sĩ sáng tác với chủ đề tình yêu hay tình cảm giữa hai người nam và nữ như nguồn sống của xã hội hay của bản chất của con người. Khía cạnh tình yêu tạo cho người nhạc sĩ chất liệu sáng tác. Tôi được biết dù Anh Bằng vẫn còn sáng tác chủ đề này như bài “Anh Còn Nợ Em” anh nói anh sáng tác nó ở tuổi 80. Người ta nói người nghệ sĩ không kể tuổi đời, bởi vì chính âm nhạc cũng không có tuổi và âm nhạc vốn mang bản chất không giới hạn về tình yêu. Có thể rằng với tâm tư yêu nhạc khiến Anh Bằng còn trẻ trung mãi chăng? Tôi biết giữa anh và tôi có những điểm chung như đề tài về “Mẹ”. Cả hai chúng tôi đều thương mẹ của mình, từ thực tế rồi vào âm nhạc. Anh Bằng sáng tác bài Khóc Mẹ Đêm Mưa, tôi có làm ca khúc Khóc Mẹ. Tôi nghĩ là tình mẫu tử thiêng liêng, nó là đặc tính thiên nhiên tạo lập bản thể đạo đức của con người.

Anh Việt Hải có yêu cầu tôi tham gia viết đôi dòng cảm nghĩ về nhạc sĩ Anh Bằng. Tôi xin ghi lại đây những gì tôi đã gặp anh Anh Bằng, anh là một nhạc sĩ có tên tuổi lớn và vui tánh. Trong buổi gặp gỡ ăn uống và hàn huyên của tình bạn văn nghệ này, Việt Hải hỏi anh muốn sống đến bao lâu nữa. Anh Bằng đùa là anh sẽ sống đến con số 118. Việt Hải hỏi tại sao 118, mà không là 120 cho chẵn. Anh lý luận ví những dịp chúc thọ người ta thường nói chúc sống lâu trăm tuổi. Bài Nỗi Lòng Người Đi nói đến con số 18 khi vừa biết yêu. Vị chi là 118. Tôi đùa lại rằng tôi chỉ xin con số lẻ 18 năm trong cái ước muốn của anh Anh Bằng thì tôi sẽ mãn nguyện rồi. Mới đây sách kỷ lục Guinness cho biết bà cụ già cao niên nhất tên là Maria de Jesus tại Bồ Đào Nha được sách ghi nhận chỉ sống đến 115 tuổi. Bởi thế nhạc sĩ Anh Bằng là người vui tánh và yêu đời lắm.

Đôi dòng này xin chúc mừng sinh nhật 83 tuổi của anh nhân dịp năm 2009 được dồi dào sức khỏe, trường thọ, và trường thọ.

Lam Phương


Nguồn: http://www.vandan-dongtam.org/index.php/sach-k-nim/k-nim-v-nhc-s-anh-bng/phn-1?start=11

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây