Trần An Thanh
Nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015)
Trong bài viết này, tôi không tán tụng hoặc ca ngợi cá nhân ba tôi về 60 năm đóng góp lớn lao của ông cho nền âm nhạc Việt Nam từ khi còn ở trong nước cho đến khi ra nước ngoài. Tôi chỉ đơn thuần viết về ông như một người cha đáng kính, với những khả năng làm việc của ông, với những kỷ niệm với ông và nếp sống gương mẫu của ông. Tôi cũng muốn nói lên một vài khía cạnh về cuộc sống của ông mà tôi đã được hân hạnh chứng kiến trong suốt khoảng thời gian từ bé cho đến lớn của tôi ở gần kề bên ông. (TAT)
Ba tôi trông còn trẻ lắm, vì ở tuổi trên 80 mà ông vẫn giữ được dáng dấp của một người khoảng 70. Trước năm 1975 ở Việt Nam, có những lần ba tôi và tôi đi chung với nhau ngoaøi đường, gặp người quen, họ chào và hỏi đùa:
“Hai anh em ông Bằng đi đâu đây?”
Thời gian mới qua định cư tại Hoa Kỳ, cũng có một chuyện tương tự xảy ra. Tôi có một người bạn làm chung ở phòng điều hành Camp Pendleton. Một hôm anh đến thăm nơi cư ngụ của gia đình tôi, sau khi bắt tay ba tôi và tôi, anh bạn hỏi ba tôi: “Anh cũng ở đây với Thanh à”? Thấy anh bạn gọi ba tôi là anh, tôi vội vàng giới thiệu, “Đây là ba tôi”. Anh ta sửng sốt nhìn tôi, nhìn ba tôi và lặng đi một lát rồi lắc đầu trả lời : “I don’t think so”. Từ đấy cha con tôi cứ cười rũ mỗi khi nghĩ đến câu trả lời “I don’t think so” của anh bạn tôi.
Ba tôi có tài kể chuyện. Những chuyện ông kể không bao giờ được tính toán và sắp xếp từ trước. Nhớ những buổi chiều tối, chúng tôi xúm lại chung quanh ông để nghe ông kể chuyện. Ông ngồi hoặc nằm kể chuyện rất lưu loát như người ta đọc sách, không vấp váp, không ngập ngừng. Ông nói như ông thuộc lòng câu chuyện từ bao giờ, rất hay, rất hấp dẫn. Có nhiều pha gay cấn, nhưng cũng có nhiều đọan buồn thảm. Câu chuyện của ông kể làm cho chúng tôi hầu như không lúc nào yên mà nhớ nhất là chuyện Người Rừng Mặt Đỏ. Người Rừng Mặt Đỏ có khi làm cho chúng tôi run bắn người lên vì những cảnh thú dữ rình người rồi thú dữ bắt người ăn thịt. Có đọan làm chúng tôi phải chảy nước mắt vì những cảnh thương tâm, gia đình ly tán, mẹ mất con, vợ mất chồng… Bây giờ, tôi được nghe băng cassette đọc chuyện, nếu có hay hơn thì cũng không hơn nhiều so với lời kể chuyện “ứng khẩu” của ba tôi. Kỷ niệm nghe ba tôi kể chuyện chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ quên được.
Nhiều người nói ba tôi có số đào hoa. Tôi không biết, vì là phận con, tôi có được phép bày tỏ như vậy hay không, nhưng tôi chỉ thấy là ba tôi đi đâu cũng được cảm tình của mọi người nhất là nữ giới. Có lẽ vỉ tính tính của ông dễ thương, dễ mến. Tôi thấy hầu như lúc nào nụ cười cũng hiển hiện trên khuôn mặt phúc hậu của ông. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, ôn tồn, nhưng cũng dí dỏm, vui tươi, đủ tạo nên cái không khí thoải mái, gần gũi với ông trước mọi người.
Ngày trước, ở khu phố gần nhà tôi có một cô gái khá xinh tên là Tiên. Cô Tiên thưởng lui tới nhà tôi và coi mẹ tôi như người chị. Tính cô rất vui vẻ nhưng cô ăn nói rất bạo dạn. Tôi chứng kiến, một buổi sáng ba tôi sửa soạn ra xe đi làm thì đúng lúc cô Tiên từ ngoài bước vào. Sau khi chào hỏi mẹ tôi ” Thưa chị à”, cô nắm chặt lấy tay ba tôi hỏi với dáng điệu nũng nịu : “Anh Bằng đi đâu sao không cho em đi với”? Rồi xoay qua phía mẹ tôi cô nói ” Chị ơi, cho em đi với anh Bằng hôm nay nhé”. Mẹ tôi cũng cười vui trả lời. “Thì cô đi với anh có sao đâu, nhưng lúc về nhớ phải có quà bánh đấy nhé.” Tôi biết rằng vì mẹ tôi coi cô Tiên cũng như là người trong nhà, cho nên đó chỉ là câu nói giỡn chơi thôi, nào ngờ cô Tiên bước lại gần ba tôi và tỉnh bơ nắm tay ông cùng đi ra nhà xe như một đôi tình nhân chính hiệu. Tôi vẫn len lén nhìn về cả hai phía để theo dõi xem sự thể sẽ diễn biến ra sao. Khi đến nhà xe, ba tôi nói gì đó với cô Tiên tôi không được nghe, nhưng thấy cô Tiên dần dần xịu mặt xuống và có vẻ như mếu máo. Ba tôi bước vào xe giơ tay vẫy vẫy mấy cái rồi lái xe đi trước thái độ phụng phịu, hờn dỗi của cô Tiên. Những chuyện lãng mạn, đáng yêu thoáng quá như thế tôi nghĩ không thiếu trong cuộc đời của ba tôi. Nó chỉ là niềm vui tạo hứng khởi cho người nghệ sĩ. Nếu nó được gọi là chuyện “bay bướm” thì ba tôi quả là con bướm bay hoài trên những bông hoa xinh đẹp nhưng chỉ đậu xuống một bông hoa duy nhất, đó là bông hoa gia đình, một tổ ấm mà ông không bao giờ thiếu trách nhiệm, không bao giờ ông bỏ bê. Cha mẹ tôi sống hạnh phúc bên nhau trên 60 năm qua là một bằng chứng hiển nhiên nói lên tấm lòng tôn trọng đạo nghĩa, đức hạnh con người và tôn trọng gia đình của ba tôi.
Ngoài tình thương dành cho gia đình, ba tôi còn có một tình thương rất lớn đối với họ hàng, con cháu. Từ khi ông bà nội chúng tôi mất đi, ba tôi kính trọng mấy người anh ruột của ông như cha mẹ vậy. Vì lòng tôn kính anh ruột nên ông cũng kính mến các bà chị dâu, thương yêu quý hóa các cháu rất nhiều.
Ba tôi làm nhiều việc trong cùng một thời gian. Ông cùng hai chú Lê Dinh và Mình Kỳ thành lập nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Mình Kỳ, Anh Bằng). Nơi hội họp của Nhóm thường xuyên diễn ra ở tiệm bánh mì Michaud Frères hay ở quán Làng Văn của gia đình nhà tôi cùng nằm trên đường Trần Quang Khải, Tân Định. Nhóm LMB hợp tác cùng bác Nguyễn Tất Oanh, một doanh thương giàu có của Saigon, Chợ Lớn thời đó, trông coi Nhà xuất bản Sóng Nhạc của Ông Nguyễn Tất Oanh trên đường Phạm Ngũ Lão, Saigon, đối diện với chợ Bến Thành, tập dượt cho ca sĩ, phụ trách về kỹ thuật và nghệ thuật cho việc thu thanh những bài ca mới cho hàng đĩa Sóng Nhạc ở phòng vi âm đường Hàm Tử, Chợ Lớn. Ngòai ra, nhóm LMB còn lo việc dạy nhạc ở lớp nhạc LMB, địa điểm lớp nhạc là nhà chú Mình Kỳ ở đường Hai Bà Trưng, Tân Định và phụ trách ban Sóng Mới trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Ngoài lãnh vực âm nhạc, ba tôi còn làm chủ một công ty nho nhỏ với vài chiếc xe đò lớn, chạy đường Saigon – Đà Lạt do người em đồng hao hùn hạp và trông coi. Ông cũng là chủ nhân của 2 tiệm cà phê Làng Văn nổi tiếng và đông khách nhất Saigon thời đó.
Tuy công việc bề bộn như vậy, nhưng lúc nào trông ông cũng ung dung, nhàn hạ và cuối tuần, ông vẫn dành thì giờ cho chúng tôi đi ăn mì Quảng, ăn hủ tíu Mỹ Tho, ăn phở 79, ăn bò bảy món Ánh Hồng… Tôi mê nhất những bữa ăn tại nhà hàng Đồng Khánh, Chợ Lớn mà ông khoản đãi bạn bè và cho chúng tôi đi ăn ké. Tôi còn nhớ rõ ngày tôi mới đậu Tú tài, để tưởng thưởng cho thằng con trai cưng, ông cho chúng tôi đi du lịch Đà Lạt một tuần. Mẹ tôi thì không bao giờ muốn đi ra khỏi nhà, ngại nhất là phải đi xa. Trái lại, chúng tôi thì thích lắm, đứa nào đứa nấy sốt sắng, sửa soạn tư trang lên đường thật lẹ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết thế nào là khách sạn. Chúng tôi được đi thăm những nơi danh lam thắng cảnh của xứ sương mù Đà Lạt như hồ Than Thở, thác Cam Ly, thác Prenn… nơi nào cũng rất đẹp đẻ và lạ mắt đối với chúng tôi.
Biến cố năm 1975 đã đảo lộn hoàn cảnh của biết bao gia đình, trong đó có gia đình nhà tôi. Nhờ có cậu em, Đại úy Trần văn Luật, Trạm trưởng Hàng không Quân sự Tân Sơn Nhất mà ba tôi đem được chúng tôi qua thủ đô Manila, Phi Luật Tân, bằng phương tiện máy bay Hoa Kỳ vào sáng ngày 28 tháng Tư năm 1975. Rất tiếc trong cuộc di tản này không có mẹ và người chị lớn – chị Trần thị Ngọc Yến – của tôi cùng đi. Lý do là mẹ tôi và chị Yến được sắp đặt ở lại cho chuyến máy bay sau, nhưng chẳng bao giờ có chuyến máy bay sau nữa. Gần 5 năm sau, mẹ và chị tôi mới được là những người Việt Nam đầu tiên đoàn tụ đến Hoa Kỳ do sự bảo lãnh sớm nhất của ba tôi. Cha con tôi tá túc ở Manila 3 ngày 3 đêm, chứng kiến cảnh Saigon sụp đổ qua Đài phát thanh và Đài truyền hình địa phương. Sau đó chúng tôi được máy bay đưa sang đảo Guam. Ở Guam, chúng tôi được chứng kiến cảnh tàu Việt Nam Thương Tín quay trở về để đưa một số người di tản đòi trở về Việt Nam.
Từ ngày đến sống trong trại tỵ nạn Camp Pendleton, ba tôi ít nói. Ông hay đi tản bộ một mình trên những lối mòn trong khu đồi núi mà đêm đêm những đàn chó sói vẫn thường ra hú vang nghe rất ghê rợn, âm u và buồn thảm. Tôi nghĩ rằng ông đang tưởng nhớ đến số phận của mẹ và chị tôi còn kẹt lại ở Việt Nam. Cũng có thể ông đang nghĩ đến công lao gầy dựng bấy lâu, giờ cha con ra đi với hai bàn tay trắng. Những lúc như vậy, tôi thường đến gần ba tôi để đi bộ với ông, nói những câu chuyện vui vui cho ông nguôi ngoai phần nào. Trước sau gì mọi gia đình đều phải có ngày xuất trại để ra sống với cộng đồng người Mỹ, phải đi làm kiếm sống như nhau. Gia đình tôi được Hội thánh Tin lành bên tiểu bang Connecticut bảo trợ, rồi lại được một gia đình người Mỹ, ông bà Tom Mullaney, phi công dân sự của hãng Western Airline bảo trợ đưa về sinh sống tại thị trấn Tacoma, tiểu bang Washington. Sau một năm sống với sự an ủi tinh thần của gia đình Tom Mullaney, ba tôi đề nghị với vị ân nhân bảo lãnh gia đình chúng tôi đưa chúng tôi về tiểu bang California để lập nghiệp. Biết trước kia ở Việt Nam, gia đình chúng tôi sống bằng nghề sản xuất và phát hành băng nhạc nên Tom Mullaney đồng ý ngay và chính tay ông bà ta đã sắp xếp việc đưa chúng tôi về Orange County, kiếm nhà cho chúng tôi ở, mua xe biếu ba tôi để làm phương tiện xê dịch cho gia đình. Tôi thấy, trước cuộc sống thực tế của người Mỹ, ít có gia đình nào quý mến, giúp đỡ người tỵ nạn bằng gia đình Tom Mullaney này. Ba tôi vẫn nhớ ơn, vẫn liên lạc và hàng năm tổ chức ngày hội ngộ rất vui vẻ để tỏ lòng biết ơn người bảo trợ.
Sau khi đã ổn định sinh hoạt gia đình, ba tôi bắt tay vào sáng tác nhạc mới và thành lập Trung tâm băng nhạc. Trung tâm đầu tiên lấy tên là Trung tâm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng), sản xuất và phát hành được một cuốn thì ba tôi nghiệm thấy rằng chú Minh Kỳ đã không còn nữa, cũng như không có chú Lê Dinh nên rất khó hoạt động dưới danh nghĩa nhóm LMB. Ba tôi đã liên lạc với chú Lê Dinh để bàn định về hợp tác với nhau, nhưng vì hoàn cảnh và công việc của gia đình, chú Lê Dinh ngỏ ý không muốn đi. Vì vậy ba tôi đổi TT LMB ra TT Dạ Lan. Dạ Lan sản xuất và phát hành băng nhạc thứ nhất chủ đề là “Như Một Nụ Hồng” rất thành công. Như Một Nụ Hồng giúp cho ba tôi có chút vốn, đủ để mở một phòng thâu thanh lớn hơn, thay thế cho phòng thâu quá nhỏ trước đây, được thiết lập ở garage trong nhà. Rồi ba tôi lại nhường TT Dạ Lan cho người cháu ruột, anh Trần Thăng và chị Minh Vân làm chủ. Ba tôi đi thuê một building tọa lạc trên đường Garden Grove để lập Trung Tâm mới, lấy tên là TT Asia. Qua sự học hỏi và tìm hiểu về âm thanh, ba tôi tự tay vẽ kiểu cho phòng thâu mới, kiến thiết và mua một dàn máy thâu thanh tối tân không thua kém những phòng thâu hiện đại nhất của Hollywood. Nhưng đúng thời gian này, thính giác của ba tôi sa sút thật mau lẹ. Chỉ trong vòng ba bốn năm mà từ một người đang hoạt động về đủ mọi mặt trong lãnh vực văn nghệ, ông trở thành người thiếu hẳn khả năng liên lạc, không thể tiếp xúc được với ai qua những sự việc thông thường. Nhất là anh chị em nghệ sĩ là những người ông cần phải liên lạc mỗi ngày thì nay ông dành chịu bó tay. Sau khi khánh thành phòng thâu mới của TT Asia, ba tôi trao lại việc quản trị TT Asia cho em gái tôi là Thy Vân. Phần tôi, tôi không thể giúp đỡ gì ông được vì trong lúc này, tôi đang đi làm Designer cho một hãng tại Huntington Beach.
Thy Vân nắm giữ TT Asia, nhưng không có khả năng chuyên môn về sáng tác và hòa âm. Thy Vân chỉ có khả năng làm chủ, điều hành, tổ chức… nghĩa là chỉ có khả năng quản trị. Do vậy, Thy Vân mời vợ chồng nhạc sĩ Trúc Hồ và Diệu Quyên về hợp tác. Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng mới đến được bến bờ Tự do Hoa Kỳ, chưa có công việc nào hợp với khả năng âm nhạc của mình nên coi đây là một cơ hội thuận tiện, nên nhận lời hợp tác ngay. Kể từ đó, việc đến phòng thu thanh của ba tôi không còn thường xuyên nữa. Ông chỉ tới khi có việc cần thiết mà thôi.
Sự hợp tác giữa Thy Vân, Diệu Quyên và nhạc sĩ Trúc Hồ đã đẩy TT Asia tiến lên hết sức mau lẹ. Ba tôi nhận xét và nói với tôi là nhạc sĩ Trúc Hồ có nhiều khả năng chuyên môn, đặc biệt là có những quyết định rất chính xác, rất sáng suốt cho sự thành công của TT Asia. Sự suy nghiệm và nhận định rất đúng của ba tôi là ngày nay, dưới sự hợp tác tay ba của Thy Vân, Trúc Hồ và Diệu Quyên, TT Asia đã trở thành một trong những TT lớn nhất của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Nhạc sĩ Trúc Hồ xứng đáng nhận lãnh vinh dự trước sự thành công này của TT Asia ngày hôm nay.
Ba tôi về hưu trong tình trạng đôi tai mất hẳn thính giác. Nếu không có đôi hearing aids, ông không thể nghe được gì hết, dù chỉ là một tiếng động nhỏ. Cái buồn nhất của ông là nghe được tiếng nói mà không hiểu được người đối điện nói gì. Do vậy mà người cháu ruột của ông, nữ bác sĩ Thủy B. Trần hiện đang cộng tác với bệnh viện danh tiếng UCLA, đã đưa ba tôi tới UCLA để được giải phẫu tai. Hai bác sĩ Kevin M. Miller và Akira Ishiyama đặt vào bên trong da đầu của ông một bộ máy có giây điện chạy vào đến khu thần kinh thính giác của bộ óc để ông có thể nghe và hiểu được 40 hoặc 50 phần trăm câu chuyện. Tôi đã tưởng sự nghiệp âm nhạc của ông sẽ phải chấm dứt vì khuyết tật đôi tai, nhưng không, ông đã trả lời một vài lần phỏng vấn của báo chí, truyền thanh, truyền hình và bạn bè là ảnh hưởng không thuận tiện của đôi tai cho việc sáng tác nhạc rất ít. Riêng tôi thấy, chẳng những ông vẫn sáng tác bình thường mà còn sáng tác nhanh và hay hơn trước nữa. Ông viết trong cùng một thời gian – thay vì xong bản này thì đến bản khác – nhiều ca khúc thật dễ thương, thật tình tứ. Kể từ khi có tuổi trên dưới 70, ông thường chọn những bài thơ trữ tình, có nhiều ý mới, táo bạo nhưng dễ yêu để phổ nhạc.
Ông thường hay tâm sự, mình lớn tuổi rồi, viết những lời thơ tính từ quá, lãng mạn quá, khó coi lắm, phải nhờ vào những bài thơ trữ tình của các thi sĩ là vậy. Những thi phẩm hợp với ông thì ông sọan nhạc rất trôi chảy, rất mau lẹ, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ là xong như ca khúc Chuyện Dàn Thiên Lý. Kết quả là có một số nhạc phẩm được nhiều thỉnh giả hoan nghinh và ủng hộ. Ngoài những bài thơ do ông chọn lựa, ông cũng phổ nhạc theo yêu cầu của mấy nhà thơ bạn gửi tới, nhưng tôi được biết, kết quả của những bài thơ phổ nhạc này chỉ là những kỷ niệm văn nghệ trong tình bạn bè với nhau thôi.
Một người nhạc sĩ chỉ cần có một, hai nhạc phẩm được quần chúng mến mộ, sẽ được những người mến mộ đó nhớ tên cả đời. Ba tôi, dường như có nhiều nhạc phẩm được vinh dự như vậy. Vài người bạn văn nghệ của ông ở trong nước viết thư cho ông nói là hiện nay ông là người nhạc sĩ nổi tiếng và ăn khách nhất nước. Ông cho tôi xem thư rồi cười cười nói: “Các chú thương ba nói vậy thôi con à”. Tôi nghĩ đúng vậy, đất nước mình có quá nhiều nhân tài về âm nhạc, ba tôi chỉ là người được Trời cho có khiếu đặc biệt về bộ môn sáng tác nhạc, gọi là cái tài “thiên phú” thôi. Tôi thấy không nên so sánh hơn thua, hay dở giữa các nhạc sĩ với nhau. Khán thính giả là những người có quyển đánh giá và chính họ mới là người đánh giá đúng nhất.
Kính thưa Ba,
Con viết những lời này là để vinh danh Ba, để tạ ơn Ba đã cho chúng con được làm con yêu quý của Ba, một người cha gương mẫu đáng kính, đáng yêu nhất đời của chúng con. Nguyện xin ơn Trên đặc biệt ban cho Ba một sức khỏe dồi dào, một tinh thần minh mẫn để sống và yêu thương chúng con mãi, đồng thời để Ba, nhạc sĩ Anh Bằng, dùng thời gian ít oi còn lại của cuộc đời mình, vun trồng thêm nhiều bông hoa tươi thắm khác cho vườn hoa Văn nghệ Việt Nam mỗi ngày mỗi thêm hương sắc.
Thay mặt các em con,
Con của ba
Trần An Thanh
Nguồn: http://www.vandan-dongtam.org/index.php/sach-k-nim/k-nim-v-nhc-s-anh-bng/phn-1?start=4