Dr. Nikonian
5/9/2015
“Mọi tình yêu đều có cơ sở sinh học” (Arthur Hailey – The Final diagnosis)
Chênh vênh
“Thương em anh trèo non cao
Mua mưa thâu mây tan mệnh bạc
Thương anh em lội sông sâu
Trôi hương trôi hoa tan phận ngọc
Còn chần chờ chi hỡi anh
Hôn em, ôm em cho nát chênh vênh
Ừ tình là điên khát say
Hôn em, ôm em sao nát chênh vênh
Thương em thương tình đa mang
Yêu trăng 30, quên mình
Thương tôi thương phận long đong
Yêu tan mong manh, tan nhật nguyệt
Thương tâm”
Chênh Vênh – Lê Cát Trọng Lý
Làm sao một cô gái trẻ, mắt trong veo có thể viết một khúc sonnet rất đẹp bằng những lời đầy hiện sinh và quá đỗi điềm nhiên về lẽ hợp tan của một cuộc tình, bằng những phác thảo đậm chất Á đông như thế? (nhạc tình của tây làm gì có “non cao”, “sông sâu” và “mệnh bạc”, hay một vầng “nhật nguyệt” trông xuống cõi phù sinh của phận người)
Làm sao một người trẻ, có thể viết được những dự cảm “chênh vênh” đến tận cùng về mot tình yêu sắp rạn vỡ? (và ắt đã rất đẹp (?)
Những lời tình “kêu rêu” * của ca khúc này như một file nén rất chặt. Nhưng khi đã “unzip”, nó bung ra, nó vỡ òa thành những tình cảm rất lạ lùng mà lý trí mực thước không cân đếm được. Nó thơ hơn cả thi ca, và như một đoạn Cung oán ngâm khúc đầy ngậm ngùi và điên rồ rất mực.
Mà câu đệm guitare lại có những đoạn như so dây đàn rất “chênh vênh” quá điêu luyện về nhạc thuật.
Mà những lời tình đắm đuối và rồ dại này thoát ra từ một “môi hồng đào”, thanh âm khẽ khàng tựa như đứa trẻ mấp máy môi khi chiêm bao mộng đẹp.
Lê Cát Trọng Lý, người hát du ca tình yêu trong trẻo và đam mê nhất, sau Lê Uyên Phương. Tuy còn thiếu một chút, “non” một chút cái khắc khoải, đau đớn “như một giải khăn sô lướt thướt về phương Đông” của Lê Uyên Phương**. Nhưng khi tuổi đời già thêm một chút, buồn vui thêm một chút, lên bờ xuống ruộng thêm một chút…, Lý sẽ có tất cả: niềm khắc khoải của Lê Uyên Phương và nét thủy mặc sang trọng của Cung Tiến. Và âm nhạc của Lý sẽ không có, và không bao giờ nên có cái “machochism”- khổ dâm (cũng theo bình luận của Cung Tiến) trong âm nhạc của Lê Uyên Phương: càng yêu càng đau đớn lòng, càng dễ bị tổn thương và làm tổn thương nhau.
Ở người trẻ này, sự tổn thương càng day dứt, càng cô độc thì tâm hồn (và cả dung mạo nữa, có lẽ thế) càng đẹp, càng trong trẻo, chứ không thành độc ác.
Lành thay!
____________________
*Trịnh Công Sơn dịch từ chữ “recitatife”
** Lời bình của Cung Tiến
Nguồn: http://www.drnikonian.com/?p=6115#more-6115