Vũ Đình Huy
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em…
Anh đi tìm mùa Xuân trên đời…
Mùa Đông chết đi…rồi mùa Xuân…
Mắt em đẹp trời sao…cho mình thương nhớ nhau…..
Tôi ngoái lại. Người đàn ông mái tóc hoa râm, ăn mặc lịch sự, tay ôm đàn guitar lững thững bước vào.Tiếng hát của anh lọt thỏm giữa bóng chiều, giữa những tiếng la hét, xô bồ của một quán nhậu ngoài trời. Có lẽ đã quen thuộc, một vài cánh tay đưa lên vẫy, người đàn ông khẽ gật đầu thong thả bước đến.
Tôi yêu nhạc Từ công Phụng từ thủa còn đi học. Có những bài hát dường như là định mệnh, gắn chặt với những kỷ niệm, gắn chặt với những khúc quanh cuộc đời. Những ca khúc đó chúng ta không hề chọn lựa mà ngẫu nhiên bước vào đời ta lừng lững như những chứng nhân. Có những lúc ca từ ngân lên như từ cõi xa xôi nào đó, lòng lại bất chợt chùng xuống giữa vô vàn kỷ niệm. Trong vũng lầy thực tại, những giây phút này vô cùng quý giá. Con tim sân si ta chợt an nhiên bất ngờ.
Lần đầu tiên tôi nghe ca khúc Bây giờ tháng mấy là từ… bố tôi. Ông lẩm nhẩm hát rồi khen bài hát lãng mạn và sang trọng, ông khen Từ công phụng tuổi trẻ tài hoa. Tôi bắt đầu để ý đến bài hát này và mang theo đời mình như một định mệnh. Vào năm mười bảy tuổi, trong một lúc bốc đồng, tôi làm đơn tình nguyện đi học khóa Sĩ quan Thủ đức. Tôi và bố tôi giống nhau như đúc nhưng lại cực kỳ xung khắc. Cuộc đời của ông trước năm 1975 may mắn và thành đạt, quẩn quanh đời ông bao nhiêu là bóng hồng. Chính vì thế ông đã làm khổ mẹ tôi nhiều, đó cũng là lý do tôi ôm tuổi mười bảy của mình bước vào cuộc chiến.Vào đêm cuối cùng rời xa Qui nhơn, tôi tập họp một số bạn bè. Đêm đó lần đầu tiên tôi uống rượu,biết thế nào là say và ôm đàn hát bài “Bây giờ tháng mấy“, như một chọn lựa ngẫu nhiên cho lời từ biệt tuổi mười bảy để bước vào khúc quanh bất trắc đầu tiên của đời mình.
Năm 1978. Tôi mãn hạn Thanh niên xung phong về nhà với di chứng sốt rét trong người. Tôi cao một mét tám mươi nhưng hồi ấy ốm và xanh mét, cân nặng chỉ chừng sáu mươi ký. Năm đầu tiên về nhà tôi chẳng làm được gì, chỉ ra vào bệnh viện trị bệnh. Vào một đêm đang vật vã với cơn sốt, tôi loáng thoáng nghe tiếng guitar và ca từ bài hát “Trên ngọn tình sầu” của Từ công Phụng.Tôi quấn mền, run rẩy lấy gói thuốc lá đi ra phía hành lang. Ở đó tôi gặp người thanh niên nằm cùng phòng bệnh viện với mình. Anh ngồi cúi đầu, mái tóc dài phủ xuống khuôn mặt gầy guộc, bụi bặm. Anh ngước lên nhìn tôi rồi quay đầu tiếp tục hát. Tôi châm điếu thuốc lặng lẽ ngồi xuống. Trong bóng khuya chập chờn, chúng tôi đã hát cho nhau nghe những bài hát Từ công Phụng. Cơn sốt rét lặng dần. Tôi đã hát bài “Bây giờ tháng mấy” với những cảm xúc, với những khỏe khoắn tràn trề sinh lực như tuổi mười bảy ngày nào.
Mấy ngày sau người bạn của tôi mất. Anh ra đi quá đổi bất ngờ, người ta đặt thi thể của anh lên xe, đẩy đi. Chúng tôi vẫn chưa hỏi tên nhau, làm gì và ở đâu. Trên chiếc giường bệnh viện vẫn còn chiếc guitar cũ kỹ, còn dấu sợi dây đàn đứt tôi vừa nối tay lại đêm qua.
Năm 1980 tôi gặp người con gái của đời mình. Cuộc đời thật lạ, cứ nghĩ đùa lại hóa thực. Thời điểm đó tôi loay hoay tìm cho mình một chuyến đi. Bao nhiêu bóng hình vào phút cuối tôi cắn răng tìm cớ ngoảnh mặt. Thế mà… đầu năm sau giữa cuộc vui bạn bè chúng tôi bất ngờ tuyên bố kết hôn. Bài hát…”Bây giờ tháng mấy” lại một lần nữa lừng lững cất lên như một minh chứng hùng hồn định mệnh…
Bây giờ tháng mấy rồi hở em…
Anh đi tìm mầu hoa em cài…
Chiều nay nhớ em rồi và nhớ
Mắt em đẹp mầu thơ…môi tràn đầy ước mơ…
Mai đây…anh đưa em đi về…Mây giăng chiều nắng tàn …Cho buốt lạnh
Chúng mình…Em ơi…thôi đừng hờn anh nữa…nhìn nhau buồn vời vợi…
Để mùa đông buốt giá…bờ vai mềm…
oOo
– “Bây giờ tháng mấy rồi…hở ba”… Tôi quay lại. Con gái tôi cười như nắc nẻ.
– Con gọi ba ăn cơm mấy lần rồi, ba không nghe hở.
– Ừ, ba không nghe. Tôi trả lời. Con gái tôi đã lớn, cháu cũng đã chín,mười. Do ảnh hưởng từ bố, cháu cũng đã thuộc nhàu bài hát. Vợ tôi bê nồi cơm bước ra.
– “Bây giờ tháng mấy rồi…hở anh” … Nàng cười khoái chí… phán tiếp một câu.
– Mời người cõi trên xơi cơm, rùi lấy sức lãng đãng… tập hai.
oOo
Tôi lịch sự nhét vào túi quần người đàn ông mấy tờ giấy bạc. Anh ôm đàn cúi đầu chào tôi một cách chuyên nghiệp, anh bước đi một khoảng rồi móc túi quần ra đếm lại. Gía như… không có mấy tờ giấy bạc, không có cái cúi đầu chuyên nghiệp đó, buổi chiều hôm nay sẽ trọn vẹn. Trọn vẹn cho một ca khúc, cho một trái tim mê muội mùa Thu tôi. Nhưng thôi, đòi hỏi sự trọn vẹn trong một thực tại bất trắc,tráo trở này là một điều không tưởng. Nên tôi vẫn thường tha thứ tôi. Mùa xuân vẫn như nét son trên môi em, thất thường,bội bạc, xinh đẹp và quá một tầm tay.
Vũ Đình Huy
Nguồn: http://sangtao.org/2015/04/27/bay-gio-thang-may/#more-72787