Nghệ sĩ hồi tưởng về 30 Tháng Tư sau 40 năm

Đức Tuấn
16/4/2015

WESTMINSTER, California (NV) – Mỗi năm, cứ vào Tháng Tư, là lòng mọi người bồi hồi, ngậm ngùi, vì những niềm đau thương, tang tóc của ngày mất nước, “tan hàng rã ngũ,” lại trở về mồn một…

Trong niềm đau chung đó, bắt đầu tuần này, trang Ca Nhạc nhật báo Người Việt sẽ cùng những anh chị em ca nghệ sĩ ôn lại những kỷ niệm đau buồn đó, như sự nhắc nhở lý do vì sao tất cả chúng ta có mặt nơi đây.

Mai Lệ Huyền


Ngày đó là ngày hỗn loạn nhất, tôi ra đi là tối 29 Tháng Tư, lúc đó tôi đang thu hình ở bên đài truyền hình, thì tôi chạy sang cái cao ốc đối diện, lúc ấy tôi bỏ hết tất cả lại, chỉ dắt người em trai đi theo, vì em trai tôi lúc đó đang ở tuổi quân dịch, tôi còn nhớ anh Trần Văn Trạch, đứng khoát khoát tay nói là “thôi, Mai Lệ Huyền đi nha, nhưng nhớ chừng nào trung lập trở về với anh em…”

Nhớ lại lúc chen chân được vào cao ốc đó, cũng nhờ tấm thẻ hồi tôi hát cho các “club” Mỹ, nên họ cho một cái thẻ đeo trước ngực khi vào cổng, và cũng nhờ tấm thẻ đó, hai chị em chúng tôi chen được vào bên trong, rồi lên sân thượng, ngồi chờ máy bay trực thăng bốc người đưa ra Ðệ Thất Hạm Ðội.

Lúc ngồi trên chiếc trực thăng, tôi nhìn ra bên ngoài thấy có biết bao nhiêu chiếc trực thăng khác bay dọc, bay ngang. Cái đó là ở trên trời, còn ở dưới đất thì súng đạn bắn lên như sao xẹt, lòng tôi khi đó thật sự hỗn loạn, ngổn ngang, đầu óc tôi như trống rỗng và không còn suy nghĩ được điều gì nữa.

Cho đến khi sang được tới đảo Wake, mình mới bắt đầu hoàn hồn trở lại, và hiểu được ra một điều là chuyến đi này là chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại quê hương mình được nữa.

Phương Hồng Quế

Lúc đó nhà chị ở đường Hai bà Trưng, từ trên lầu nhà chị nhìn xuống là cầu Kiệu, Tân Ðịnh.

Lúc đó chị chỉ mới vừa qua khỏi tuổi 20, còn trẻ lắm, nhưng mặc dù còn trẻ, cũng đã hát cho lính nhiều rồi, thì trước đó vài ngày những anh lính, cũng như mấy ông sĩ quan có khuyên chị là nên sắp xếp để đi vì sợ Việt Cộng vào sẽ không yên thân với chúng, nhưng mà vì từ nhỏ tới lớn, mình chưa hề sống xa nhà, cứ quanh quẩn với gia đình, cha mẹ, anh em.

Bởi vậy đến ngày 30 Tháng Tư, mặc dù thấy bà con nay đi người này, mai người kia ra đi, lòng mình cũng bồn chồn lắm chứ, nhưng vì hai vai còn có gia đình, cha mẹ nữa, nên không hề tính chuyện ra đi.

Sáng 30 Tháng Tư, mấy người trong xóm xôn xao nói mở đài radio nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì mình cũng mở đài ra nghe, và nhìn xuống phía dưới đường, thấy xe tăng, xe của bọn Việt Cộng chạy vào thành phố, có cờ của họ dương lên. Thiệt tình lòng chị đau như cắt, nước mắt chảy ròng ròng, không cầm được.

Cứ nhớ cái cảnh, mấy người lính của mình vừa chạy, vừa cởi bỏ bộ quân phục, mặt họ ngơ ngác, hốt hoảng và những người dân cũng thế, ai cũng trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ.

Nói thật chứ, ngày hôm đó tâm trạng mình vừa buồn chán, mà tim thì đau nhói giống như có ai đó cầm dao đâm vào trái tim mình..

NV: Lúc đó chị chỉ khoảng 20 hay 21 tuổi thôi mà chị đã có nhận thức được sự mất nước như thế nào sao?

Phương Hồng Quế: Biết chứ em… Vì chị đã đi hát cho lính khá lâu trong thời gian đó rồi, nên đối với chị bộ đồ lính, lá cờ vàng ba sọc đỏ là chính nghĩa, là tất cả những gì mình yêu quý nhất, bởi vậy khi nhìn thấy lá cờ của bên kia, mình thật sự quá đau lòng.

Mặt khác, chỉ cách đó không lâu, mình còn thấy quân đội mình hùng mạnh, những người lính của Việt Nam Cộng Hòa hào hùng, lừng lẫy báo nhiêu, vậy mà chỉ trong thoáng chốc tất cả đều cởi bỏ, buông súng để bó tay, chịu thua. Trời ơi! điều đó giống như mình trên trời rơi xuống, mặc dù đó là sự thật nhưng mình vẫn không thể nào chấp nhận được.

Trở lại buổi sáng 30 Tháng Tư, chị nhảy lên xe, lái đi ra bến tàu, ở đó chị thấy chiếc xe màu cam của anh Elvis Phương, và chiếc xe hơi màu trắng của nhạc sĩ Lam Phương, và ngoài kia thì chiếc tàu bắt đầu nhổ neo, tách bến.

Thiệt tình, khi nhìn thấy như vậy, lòng chị rất lo lắng, rối bời, vì biết là bạn bè đi hết cả rồi, vậy mình ở lại với ai đây?

Nhưng mà nếu như chiếc tàu còn mở cửa, chắc chị cũng không dám bước xuống một mình, vì còn cha mẹ ở nhà, mình đâu dám bỏ ông bà mà đi.

NV: Hệ lụy của ngày 30 Tháng Tư, 1975 kéo dài, ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống của chị, sau 40 năm nhìn lại?

Phương Hồng Quế: Cho dù sau 40 năm hay 50 năm hoặc nhiều hơn nữa, chị nghĩ ngày nào còn sống, ngày đó chị vẫn còn nặng lòng với ý nghĩ cả đất nước, vẫn còn đang chịu khổ đau bởi sự đày đọa của Cộng Sản, hoặc nghĩ tới nhiều người dân vô tội đang bị chúng nó giam cầm chỉ vì họ tranh đấu cho hai chữ tự do.

Như vậy nỗi đau của mỗi lần Tháng Tư về lúc nào cũng canh cánh bên lòng, băn khoăn với sự suy nghĩ mình ở hải ngoại này phải làm gì để giúp những người trong nước, để có tiếng nói với quốc tế về sự hà hiếp dân, sự bất công trong nước mà người Cộng Sản đang áp đặt cho hơn 90 triệu dân ở đó.

Thanh Mai

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, lúc đó chị đang ở nhà với má chị, và mấy anh em trong gia đình, còn ba chị đang đóng quân ở Cần Thơ.

Khi đó chị chỉ mới 19 tuổi, gia đình chị đang ở khu gia binh đường Tô Hiến Thành.

Cảm giác của chị ngày 30 Tháng Tư là gì à? Là sự hụt hẫng, vì không ngờ quân đội hùng mạnh như quân đội Việt Nam Cộng Hòa của mình mà phải chịu thua bọn Cộng Sản dễ dàng như thế. Nhất là những ngày đi xem quân đội của mình diễn hành, mình thấy được người lính Việt Nam Cộng Hòa rất kiêu hùng, giỏi giang nữa, vậy mà không ngờ chỉ một thoáng qua thôi tất cả đều mất hết.

Sự suy nghĩ nhiều nhất của chị là ngỡ ngàng, buồn, và giống như đang ở một chỗ cao rơi xuống vực thẳm.

Em hỏi chị hệ lụy của ngày 30 Tháng Tư, 1975 ảnh hưởng thế nào đến đời sống hôm nay, mặc dù đã sau 40 năm hả?

Ảnh hưởng nhiều chứ, cũng vì ngày đó mà đời sống gia đình chị, bản thân chị thay đổi rất nhiều.

Nói thật mặc dù đang sống ở Mỹ, là một quốc gia giàu có, tự do, nhưng mà trong lòng chị lúc nào cũng chỉ nghĩ đây là đất tạm dung.

Chị thật sự không muốn ở nước ngoài, lưu vong như thế này đâu, chị vẫn thích được sống tại Sài Gòn những ngày tháng trước 30 Tháng Tư, 1975 chứ.

Nhưng mà hôm nay dường như tất cả là định mệnh, mình không cưỡng lại được. Bởi vậy thôi thì tới đâu hay tới đó.

Chỉ có điều cho dù chị sống ở ngoại quốc nhiều năm, qua nhiều quốc gia khác nhau, thế nhưng chị vẫn nghĩ về Việt Nam, nhiều khi nhìn đồng hồ ở đây, mà chị cứ hỏi: “Giờ này ở Sài Gòn là mấy giờ rồi?”

(Còn tiếp)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=205895&zoneid=82#.VTTZRHvIN64

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây