Ngành Mai
18.4.2015
Gánh hát rong nghèo ở Việt Nam, thập niên 1930-1940, ảnh minh họa.
Đờn Kìm hay đờn nguyệt
Từ lâu lắm rồi, kể từ khi đờn ca tài tử xuất hiện mang lại giòng nhạc độc đáo cho người dân đi khẩn hoang lập ấp, thì cây đờn Kìm cũng đã hiện diện từ những buổi đờn ca đầu tiên ấy.
Theo như truyền khẩu trong giới đờn ca tài tử, thì từ thời xa xưa, sau một ngày vất vả cơ cực, mưa nắng giãi dầu với mảnh vườn thửa ruộng, mà thời gian qua họ đã đổ mồ hôi bỏ công khai phá.
Rồi sau mỗi buổi cơm chiều, khi màn đêm buông xuống, hoặc những hôm mưa dầm gió bấc, tầm tả suốt ngày không thể ra nương rẫy được, thì những người đồng điệu ở các mái chòi tranh lân cận nhau, họ hội tụ lại bên chung rượu chén trà, giải sầu bằng tiếng đờn câu ca, và cây đờn Kìm luôn đồng hành sát cánh với họ từ lúc vùng đất còn hoang sơ dẫy đầy nguy hiểm ấy.
Đờn Kìm còn gọi là đờn nguyệt, hay nguyệt cầm cũng thế, có lẽ do hình dáng tròn như mặt trăng. Trải qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm, cây đờn Kìm vẫn được trọng dụng, vẫn đứng đầu trong dàn nhạc tài tử hay cải lương. Cây đờn Kìm được coi như là thầy của các loại đờn khác, nên nhạc sĩ thủ cây đờn Kìm luôn giữ song lang (có nơi gọi là song loan, không biết chữ nào đúng). Nó còn được đánh giá uy tín qua tuổi tác của người đờn, ví dụ như trong một cuộc chơi, có nhiều người biết đờn Kìm thì các người trẻ phải trân trọng trao cây Kìm cho người cao tuổi nhứt ở cuộc chơi đó.
Vị trí của cây đờn Kìm quan trọng như thế nào trong giới đều đã rõ, thế nhưng, có một thời gian khá dài cây đờn Kìm bị lu mờ trước cây lục huyền cầm, tức cây đờn guitar phím lõm. Có lẽ đây là thời kỳ mà danh cầm Văn Vỹ, với ngón đờn lục huyền cầm quá bay bướm, tung hoành làng cổ nhạc, nên đa số người học đờn đã chạy theo cây lục huyền cầm, mà không nhìn thấy được âm điệu kỳ diệu tiềm ẩn của cây đờn Kìm. Người ta có thể nói trong suốt gần 5 thập niên, từ 1940 đến 1990 nếu như 10 người học đờn thì đã có đến 8, 9 người học cây lục huyền cầm. Số còn lại nếu tính tỷ lệ thì chưa được 1 người học đờn Kìm. Thành thử ra các danh cầm đờn Kìm lão luyện đã thua buồn, rút lui vào bóng tối, trừ một số ít vì cuộc sống nên bám lấy giàn nhạc cải lương, hoặc thỉnh thoảng mới có mặt trong các nhóm đờn ca tài tử do nể nang nào đó.
Nhạc sĩ Ba Tu có lúc than rằng “không thấy tay đờn Kìm nào cho ngon hoặc trẻ có triển vọng, còn lại mấy ông già ngón cũng lụt rồi”! Và ông cũng lo cho tương lai, sự tồn tại của đờn Kìm: “Lâu rồi không ai chịu học đờn Kìm, bây giờ lớp trẻ cứ chạy theo nhạc trẻ, còn cổ nhạc thì cứ guitar phím lõm và sến, khi lớp tụi tôi qua đời rồi không biết ai là kế thừa”.
Tuy vậy, từ hơn hai thập niên nay phong trào đờn ca tài tử dấy lên, nở rộ ở khắp các tỉnh từ miền Tây đến miền Đông, con số người trẻ tham gia nhiều hơn, thì cây đờn Kìm được chú trọng. Các câu lạc bộ, những nhóm đờn ca tài tử đã mời các nhạc sĩ đờn kìm “lão làng” từ lâu nay ẩn dật cùng tham gia.
Được mời trịnh trọng, các vị cũng vui vẻ xuất hiện giữ song lang như truyền thống xưa giờ. Có nghĩa người thủ cây đờn Kìm luôn là nhạc trưởng, điều khiển giàn nhạc, dẫn dắt các nhạc sĩ khác tuân theo, vì đó là “luật bất thành văn”. Do đó có thêm nhiều người trẻ học đờn Kìm, mà lại có cả giới nữ gia nhập vào giòng nhạc với cây đờn Kìm.
Nếu như nữ nhạc sĩ đờn Tranh “hằng hà sa số”, thì nữ nhạc sĩ đờn Kìm lại hiếm thấy! Tôi còn nhớ khi xưa khoảng 1960, ông Hai Can, nhạc sĩ đờn Kìm đã nói một câu rất đáng cho người ta suy nghĩ, ông nói: “Ai đó đốt đuốc đi tìm khắp nơi, khắp chốn, nếu như thấy cô gái nào, chị đàn bà nào ôm cây đờn Kìm trong giàn cổ nhạc, thì thua cái gì ông cũng chịu hết!” Câu nói của ông nếu không đúng hẳn thì cũng gần đúng vậy, bởi từ năm 1960 trở về trước đã không có nữ nhạc sĩ đờn Kìm nào xuất hiện.
Nữ nhạc sĩ đờn Kìm đầu tiên
Nhưng rồi thì cũng có thôi! Giữa thập niên 1980 một cô gái trẻ ở miền Tây học đờn Kìm và đã thành công, có chỗ đứng trong hàng nhạc sĩ. Cô Ngọc Cầm ở Bạc Liêu, năm lên 9 tuổi đã biết ôm cây đờn Kìm so dây nắn phím theo sự chỉ dẫn của người cha, một nhạc sĩ đờn Kìm ở địa phương, và đến năm 15 tuổi thì cô đã rành rẽ 20 bài bản Tổ. Có lần liên hoan đờn ca tài tử Đồng Bằng Sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ, Ngọc Cầm tham gia độc tấu cây đờn Kìm và đã đoạt giải.
Tài năng được xác định, nữ nhạc sĩ Ngọc Cầm được đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) mời thủ cây đờn Kìm trong giàn nhạc của gánh hát. Vài năm sau cô về tỉnh nhà Bạc Liêu, xuất hiện trong giàn cổ nhạc đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Điều ấy đã cho thấy tiếng đờn Kìm của người nữ cũng sánh với nam nhân, và thừa kế những danh cầm trong làng cổ nhạc dân tộc.
Theo như người sành điệu thưởng thức làn điệu, âm thanh tiếng đờn, họ có nhận định ngón đờn Kìm của nữ có khác với nam. Thông thường nhạc sĩ nam đờn Kìm thì âm thanh phát ra như dồn dập, âm sắc có lúc như bay bổng, có lúc thì quá chìm sâu. Người nam nhạc sĩ đờn Kìm họ bấm phím mạnh, chắc chắn và nhanh, chữ đờn như liền nhau. Còn nhạc sĩ nữ đờn Kìm (cô Ngọc Cầm) thì chậm rãi, ngón tay lướt nhẹ trên 2 sợi dây đàn một cách dịu dàng. Tiếng tơ phát ra âm điệu thâm trầm, sâu lắng, êm nhẹ truyền cảm như ru hồn người mộ điệu.
Người nữ thứ hai đờn Kìm là cô Kiều My ở Bình Dương, miền Đông, có cha là nhạc sĩ Tư Thía, và ông ngoại là nhạc sĩ Tư Bộ, cả hai ông đều là nhạc sĩ đờn Kìm nổi tiếng ở vùng đất Bình Dương.
Thuở nhỏ Kiều My đã lén lấy cây đờn Kìm của thân phụ và tự khảy theo những động tác mà cô đã nhìn thấy trên phím đàn của cha cô, vừa đờn vừa thả hồn theo tiếng tơ đồng trầm bổng nhặc khoan. Thấy con gái say mê và muốn học đờn, ông đã truyền đạt ngón đờn cho con, và ông ngoại cũng đã truyền những bí quyết cây đờn Kìm, cộng với sự cố công học tập và rèn luyện, nên thời gian vài năm thì Kiều My với tiếng đờn Kìm nỉ non réo rắt từng đêm, từng đêm… đã thực sự đi vào hồn người mộ điệu.
Kiều My được chọn tham dự thi đờn ca tài tử, và đã danh dự nhận giải nhì toàn quốc, và đại diện giới nghệ sĩ Bình Dương đi biểu diễn ở Hà Nội.
Thời gian sau Kiều My là nhạc sĩ đờn Kìm thường trực cho chương trình “Đêm Biển Hẹn” của đài phát thanh, đài truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nữ nhạc sĩ Kiều My đã thành công trên bước đường nghệ thuật vậy.
Tóm lại theo sự tìm hiểu của tôi thì trong làng cổ nhạc miền Nam, tính chung vừa đờn ca tài tử, vừa giàn nhạc cải lương chỉ có 2 nữ nhạc sĩ đờn Kìm: Cô Ngọc Cầm ở Bạc Liêu, miền Tây và cô Kiều My ở Bình Dương, miền Đông. Ngoài 2 cô nói trên, không nghe thấy nữ nhạc sĩ đờn Kìm nào nữa xuất hiện.
Trong giới “cầm kỳ thi họa” xưa nay không biết bao nhiêu là nữ sĩ nổi danh, nhưng riêng ở loại nhạc cụ tài tử cải lương, nữ mà chơi đờn Kìm thì quá hiếm. Cô Ngọc Cầm cũng như Kiều My đều mơ ước có nhiều bạn nữ biết đờn Kìm để các cô có bạn đồng hành, và sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ bạn nữ nào yêu thích đờn Kìm.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-nm-04172015211550.html