Diana Krall, ngày trở lại của thần tượng nhạc jazz

Tuấn Thảo
28/2/2015

Diana Krall, ngày trở lại của thần tượng nhạc jazz

Đầu năm 2015 đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của thần tượng nhạc jazz Diana Krall. Vào trung tuần tháng Hai vừa qua, ca sĩ người Canada vừa trình làng tập nhạc mang tựa đề Wallflower. Đây là album phòng thu thứ 12 của Diana Krall, được dự kiến phát hành cách đây 6 tháng, nhưng mãi đến bây giờ mới được cho ra mắt, do chứng bệnh sưng phổi buộc cô phải hoãn lại mọi kế hoạch.


Đầu năm 2015 đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của thần tượng nhạc jazz Diana Krall. Vào trung tuần tháng Hai vừa qua, ca sĩ người Canada vừa trình làng tập nhạc mang tựa đề Wallflower. Đây là album phòng thu thứ 12 của Diana Krall, được dự kiến phát hành cách đây 6 tháng, nhưng mãi đến bây giờ mới được cho ra mắt, do chứng bệnh sưng phổi buộc cô phải hoãn lại mọi kế hoạch.

Toàn bộ các ca khúc (12 bài cho phiên bản thông thường, 16 bài cho phiên bản deluxe) đều do David Foster sản xuất. Đây là lần thứ nhì hai nghệ sĩ cùng xuất thân từ Canada, hợp tác với nhau. Lần trước Diana Krall làm việc chung với David Foster là vào năm 1999, trên album thứ năm của cô (mang tựa đề When I Look in Your Eyes). Ngoài nhà sản xuất danh tiếng, Diana Krall còn triệu mời hai người bạn đồng nghiệp và cũng là đồng hương là Michael Bublé (sinh tại bang British Columbia) và Bryan Adams (sinh tại bang Ontario).

Điều đáng ngạc nhiên là tuy hầu hết các thành viên tham gia vào dự án này đều là người Canada, thế nhưng tập nhạc Wallflower của Diana Krall chỉ đứng hạng nhì ở quê nhà, trong khi trên bảng xếp hạng thị trường Hoa Kỳ, Úc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Hungary, tập nhạc của Diana Krall lại giành lấy ngôi vị quán quân trong thể loại nhạc jazz. Một trong những ca khúc nổi trội nhất album này là bài song ca Alone Again (Naturally) qua phần thể hiện của Diana Krall với nam danh ca Michael Bublé. Nguyên tác bài này là của nam ca sĩ kiêm tác giả người Ai Len Gilbert O’Sullivan, rất ăn khách vào năm 1972.


Tập nhạc Wallflower có thể nói là album đậm đặc chất pop nhất của một diva chuyên hát nhạc jazz. Ngoại trừ ca khúc chủ đề Wallflower, nguyên là một bản nhạc folk của Bob Dylan, hầu hết các bản nhạc còn lại đều là những bài hát quen thuộc của giới nghệ sĩ pop rock. Ngay cả sáng tác mới duy nhất của album này, bài hát “If I Take You Home Tonight” mà Paul McCartney đã viết cho Diana Krall cũng là một bản nhạc pop.

Trong những album trước đây, Diana Krall từng ghi âm lại một số bản nhạc pop phối theo điệu jazz chẳng hạn như bài Dream a Little Dream of Me của nhóm The Mamas and the Papas (nguyên tác được viết từ năm 1931, nhưng phiên bản nổi tiếng nhất là vào năm 1968 của Mama Cass) hay là nhạc phẩm Just The Way You Are của Billy Joel …

Lần này, diva nhạc jazz Diana Krall dành nguyên một album cho các ca khúc pop rock, hát lại các bản nhạc khá quen thuộc của nhóm The Eagles (Desperado và I Can’t Tell You Why), một bài của Elton John (Sorry Seems to Be the Hardest Word) hay của nhóm The Beatles (In My Life), một bài khác của ban nhạc rock người Úc Crowded House (Don’t Dream It’s Over) cũng như bài I’m Not in Love nhạc phẩm quen thuộc nhất của nhóm 10cc …

Không biết có phải là do vấn đề sức khỏe ảnh hưởng nhiều tới giọng hát hay chăng, nhưng có thể nói ngay lập tức là tập nhạc này không đạt bằng những album trước. Chất giọng của Diana Krall tuy vẫn trung trầm, hát nhiều với giọng ngực, có chỗ vẫn mượt mà, có chỗ hơi gai góc khàn đục, như lấy hơi nhã chữ vấn vương khói thuốc, nhưng lối diễn xuất lại thiếu phần nhập tâm xuất thần.

Cách phóng tác các bản nhạc pop sang nhạc jazz thường hay phá cách ở nhịp điệu, người hát cũng không cần phải bám sát vào giai điệu … nhưng lối hát ‘‘cách nhịp’’của Diana Krall không giàu cảm xúc như mong muốn. Phiên bản của Diana Krall trong bài Sorry Seems to Be the Hardest Word không nhức nhối bằng Elton John hay Mary J. Blige, còn trong nhạc phẩm Superstar, giọng ca của Diana Krall đục nhưng vẫn chưa đủ ngầu, mà cũng chưa đạt tới mức thần sầu như trong bản gốc của nhóm The Carpenters.

Nổi tiếng từ đầu những năm 1990 vào năm 30 tuổi, Diana Krall thành danh nhờ chất giọng trung trầm, lối nhã chữ trong sáng rất sang. Tuần báo Billboard từng bình chọn cô là một trong những nghệ sĩ nhạc jazz sáng giá nhất thập kỷ đầu những năm 2000. Trên danh sách này, Norah Jones đứng hạng nhất, còn Diana Krall về hạng nhì. Đổi lại, cô là người có số lượng album ăn khách nhất so với các nghệ sĩ nhạc jazz cùng thời, với hơn 20 triệu album bán chạy trên toàn thế giới. Diana Krall cũng là gương mặt duy nhất xuất thân từ làng nhạc jazz có tới 8 album đứng đầu bảng xếp hạng thị trường quốc tế (trong hạng mục jazz). Ngoài kỷ lục này, cô còn lập thành tích đoạt 5 giải Grammy của làng nhạc Mỹ trên tổng số 14 đề cử.

Hầu hết các album của Diana Krall đều hợp tác với nhà sản xuất Tommy LiPuma, người mà từ thuở thiếu thời đã thấm nhuần hai dòng nhạc jazz và rhythm’n blues, nhận được 33 đề cử Grammy sau khi hợp tác với những tên tuổi lẫy lừng nhất của làng nhạc quốc tế kể cả Miles Davis, George Benson, Al Jarreau, Barbra Streisand, Randy Crawford, hay Natalie Cole … Đỉnh cao của sự hợp tác này là album thứ ba của Diana Krall với tựa đề All To You nhằm tôn vinh bậc đàn anh là ông hoàng Nat King Cole.

Nhờ vào ca khúc chủ đạo Boulevard of Broken Dreams mà album này trụ lại trong bảng xếp hạng 70 tuần lễ liên tục. Nổi tiếng trong cách dùng bè trầm, nhà sản xuất Tommy LiPuma còn có sở trường kết hợp jazz với bossa nova, cốt cách vẫn thuần chất nhạc jazz, nhưng tinh tế phức hợp trong lối dùng nhạc khí, tạo nên một bức tranh tổng thể thuần nhất, nhưng mỗi bài lại có nét riêng biệt, đa dạng sắc thái, phong phú hợp âm.

Khi hợp tác với nhà sản xuất David Foster xuất thân từ làng nhạc nhẹ, dĩ nhiên là Diana Krall muốn thiên về chất pop nhiều hơn là jazz. Cũng nhờ vào bí quyết này mà David Foster đã làm nên tên tuổi của Michael Bublé. Tuy vậy, trong trường hợp của Diana Krall, thì bí quyết ăn tiền này lại hơi phản tác dụng … trước hết vì Diana Krall không có sở trường hát nhạc swing như người bạn đồng hương. Lối hoà âm phối khí của David Foster mài dũa trau chuốt, nghiêm túc chỉnh chu đến nổi tự nó tạo mức giới hạn cho cách hát gai góc của Diana Krall. Dù vậy, album này vẫn là tập nhạc thứ 9 giúp cho diva người Canada giành lấy ngôi vị quán quân trên thị trường nhạc jazz.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/van-hoa/20150228-diana-krall-jazz/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây