Quỳnh Giao
Quỳnh Giao xin thân ái kính chào quý vị thính giả,
Trịnh Công Sơn viết nhạc từ tuổi đôi mươi cho đến những năm gần đây, nên đã cho chúng ta một số lượng tác phẩm rất lớn. Như ở một triết gia đích thực, ở nơi ông nỗi ám ảnh lớn về đời người đã đưa đến ba loại đề tài lớn, là tình yêu, quê hương và thân phận con người, trong đó chiến tranh và đói khổ là sự ngột ngạt bao trùm lên tất cả.
Khi chiến tranh đã chấm dứt, và vận nước đã đổi thay, ông thiên về các đề tài mang nhiều triết tính về cuộc đời, nhưng thủy chung vẫn là người viết nhạc tình độc đáo nhất. Nhạc sĩ Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là “ca nhân về tình yêu” có lẽ là trong ý đó…
Từ góc độ của người hát và yêu nhạc, khi nhìn lại Trịnh Công Sơn viết cho tình yêu, Quỳnh Giao muốn được nói lên một sự kiện, đó là từ Trịnh Công Sơn trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó…
Nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, ta hãy thử nhắm mắt lại để nhìn quanh mà xem… Gió mưa; nắng cát; sông biển núi non; sa mạc, công viên; lá vàng, sỏi đá; rong rêu, lộc nõn; phố vắng, tháp cổ; mây bay, tóc rối; thân xác, cây già, v.v… ngần ấy hình tượng tản mát đều lấp lánh siêu thực trong các tình khúc của ông.
Trịnh Công Sơn là một phù thủy về ngôn ngữ, và căn bản văn hóa Pháp mà ông hấp thụ từ khi còn trẻ có thể phần nào, dù chỉ phần nào thôi, giải thích khả năng dùng chữ đầy ấn tượng lạ kỳ của ông. Phần nào thôi, vì khả năng rất tự nhiên đó, có lẽ ông phải có từ tiền kiếp, nhất là trong lối sử dụng hình dung từ bóng bảy và hình ảnh bất ngờ mà có sức biểu cảm lớn, như trong hội họa.
Ông là một nhà thơ, trước khi là một nhạc sĩ. Ta hãy nghe Tuấn Ngọc trong bài Ru Ta Ngậm Ngùi chẳng hạn, để bàng hoàng nhớ lại là 30 năm trước ông dùng chữ như thế nào…
Ngoài giá trị của lời ca, điều giải thích vì sao nhạc Trịnh Công Sơn chinh phục người nghe có lẽ là nét nhạc đơn giản, có giá trị ở giai điệu hơn hòa thanh. Nhạc ông dễ nghe dễ cảm lại không đòi hỏi hòa âm cầu kỳ, cho nên chỉ với một cây đàn, người ta cũng đã diễn tả được cái hồn của nhạc, cái tứ của thơ, chứ không cần tới dàn nhạc lớn được phối khí công phu.
Trong ý nghĩa đó, nhạc Trịnh Công Sơn là những khúc rong ca nằm ở một cực đối nghịch với nhạc Dương Thiệu Tước bác học. Nhưng hai người lại giống nhau, và có lẽ hợp nhau, ở trình độ văn hóa rất sâu và khả năng dùng chữ rất tài. Ta hãy nghe giai điệu Bốn Mùa Thay Lá, tự thân đã là tuyệt tác về lời ca qua cách diễn tả của Ngọc Huệ.
Bên lề sự nghiệp âm nhạc, khi nói về nhạc tình, người ta có thể lý luận dài dòng về tình yêu của Trịnh Công Sơn. Ông viết tình ca cho người, có thể là cho người yêu, nhưng không ngưng ở điểm tới của tình yêu, mà đi tới, đi tiếp. Và bay mãi, một mình, như cánh vạc trong đêm. Thực ra, ông có trái tim quá lớn để có hạnh phúc. Trái tim đó đã nở thành cả trăm tình khúc cho đời, mà trong một chương trình, chúng ta chỉ có thể giới thiệu được một phần nhỏ, rất nhỏ, qua một số trích đoạn…
Vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, khi chúng ta còn sướt mướt với dòng nhạc lãng mạn gọi là tiền chiến, thì Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người, với một số ca khúc thật lạ. Lạ từ nhan đề tới hình ảnh tân kỳ mang nét siêu thực trong lời ca.
Về nhan đề thì Ướt Mi, Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Lời Buồn Thánh, Ru Ta Ngậm Ngùi... quả là mới lạ, khi chúng ta đã quen nghe Kiếp Hoa, Nỗi Lòng, Khúc Nhạc Tương Tư, hay Lá Thư, Tan Tác, Tạ Từ…
Rồi về lời ca thì mưa bay trên tầng tháp cổ, mắt xanh xao, hồn xanh buốt… là hình tượng mới và màu sắc lạ, đã gây sự chú ý cho người nghe. Và nét nhạc chậm buồn như lời kinh thảm sầu khiến các tình khúc của ông liền chinh phục người nghe…
Sang thập niên sau, Như Cánh Vạc Bay và một loạt các tình khúc khác tiếp tục làm chúng ta say mê với hình ảnh diễm ảo của tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh… ta nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh…Trịnh Công Sơn viết nhạc tình với nét bút họa sĩ trong một bức tranh cổ, và ông khéo dùng kỹ thuật cổ họa, ông đảo ngược ngôi vị chủ khách để vẽ ra những thăng hoa hay tàn phá của tình yêu, khi chủ đích là hát cho người tình.
Sau đây, Quỳnh Giao xin quý vị cùng thưởng thức lại ca khúc Như Cánh Vạc Bay đó, do Lê Uyên diễn tả.
Cũng trong lối viết tình ca, Trịnh Công Sơn có thể là đứa bé thơ nói về mối tình trăm tuổi, hoặc cụ già thực hư về hoan lạc cuộc đời trẻ dại. Bài Nguyệt Ca đã diễn tả được nét vui tươi mơn mởn của tình yêu, đưa ta về quê hương thanh xuân, và toàn bài duy nhất có một chữ tình thì lại là… tình cờ.
Quỳnh Giao xin hân hạnh trình bày ca khúc này, với hòa âm của Duy Cường mà Quỳnh Giao mong là diễn tả được nỗi hớn hở trữ tình của bài ca.
Nghệ thuật dùng chữ bóng bẩy, với những tĩnh từ nay mang nghĩa mới sắc mới đã tạo ra phong cách Trịnh Công Sơn. Người nghe cứ tưởng rằng mình được mời vào ngôi vườn cũ, thế rồi cảnh trí đổi thay, bao nhiêu hình tượng hay ý niệm của ước lệ cổ điển bỗng đảo tung và ngôi vườn xưa chợt mở ra khung trời lạ. Sự biến gây choáng váng đó là gì, nếu không do tình yêu?
Đóa Hoa Vô Thường, ca khúc công phu nhất và dài hơn 11 phút của ông với sáu chuyển đoạn thần diệu, có thể là điển hình cho nghệ thuật Trịnh Công Sơn khi ông viết về tình yêu như nỗi chết bất tận giữa cõi vĩnh hằng của kiếp sống. Người sẽ diễn tả cho chúng ta cái ma lực của ngôn ngữ Trịnh Công Sơn trong ca khúc này là Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của tác giả.
Lâu lắm sau 1975, Trịnh Công Sơn đã viết trở lại về những thể tài đích thực của riêng ông, như lời thiên thu gọi, như cánh diều bay mà hồn lạnh lẽo… Bản thân ông rong chơi trên mé bờ tuyệt vọng mà tình ca của ông vẫn nuột nà đằm thắm, và Trịnh Công Sơn vẫn có thính giả của ông, ở mọi lứa tuổi. Như Môi Hồng Đào 16 tuổi và Hoa Vàng Mấy Độ đã nối lại dòng tình đứt đoạn của một đời quá thăng trầm, như Quỳnh Hương nhí nhảnh đùa vui với nhân thế, và Ở Trọ đã làm tuổi thơ đời nay đi từ dân ca vào âu ca, an nhiên tựa hơi thở.
Sau đây, chúng ta hãy nghe Tam ca Áo trắng trong bài Quỳnh Hương tươi tắn của ông…
Lời cuối ở đây, chúng ta phải dành cho chính tác giả. Năm năm trước, Trịnh Công Sơn đã viết: Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác. Người yêu nhạc ông cũng biết là cuộc đời vốn không thể khác, nên dù cho bão nổi sóng chìm, loài chim nhỏ hót chơi trên đầu ngọn lau vẫn để lại cho đời những tình khúc tuyệt vời. Những tình khúc Trịnh Công Sơn. Như một hội ngộ mới, chúng ta hãy nghe Trịnh Công Sơn hát, về Một Cõi Đi Về của ông.
Sau đây, xin quý thính giả nghe phần phỏng vấn Trịnh Công Sơn…
Quý thính giả vừa nghe Trịnh Công Sơn trả lời cuộc phỏng vấn. Quỳnh Giao xin gửi tới ông lời cầu chúc an lạc và xin kính chào tạm biệt quý thính giả, xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam để nói về tình ca Phạm Duy…
Quỳnh Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=200377&zoneid=97#.VJyiOBsUPM