Quỳnh Giao
LTS – Nghệ sĩ Quỳnh Giao đã lặng lẽ giã từ chúng ta sau nhiều tháng bị bạo bệnh.
Trong khi dưỡng bệnh từ đầu Tháng Ba thì mục Tạp Ghi Quỳnh Giao vào trung tuần Tháng Ba đã có bài “Dỗ Bệnh với Ðá Vàng” để nói về bệnh tình và nỗi thiết tha với văn học và bạn đọc khi Quỳnh Giao phải ngừng viết và ngưng xuất hiện trên Người Việt TV. Ðầu Tháng Bảy, được báo Người Việt yêu cầu một bài về tân nhạc Việt Nam trong và sau thời Di Cư 1954 cho một số đặc biệt về Hiệp Ðịnh Genève 1954, Quỳnh Giao đã gắng gượng hoàn tất một bài, được gửi đi vào ngày 16 Tháng Bảy. Một tuần sau khi Quỳnh Giao ra đi….
Khi kiểm lại những gì người nghệ sĩ khả ái này đã thực hiện cho đời, chúng ta nhớ đến “Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam.”
Mùa Thu năm 1997, vào Tháng Mười Một, ban Việt ngữ đài BBC tại London đã phát thanh một chương trình do Quỳnh Giao thực hiện cho đài, để nói về 60 năm tân nhạc cải cách của Việt Nam. Chương trình gồm có 20 buổi phát thanh, mỗi buổi chừng 20 phút và giới thiệu từng phần về các giai đoạn, đề tài sáng tác và những nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất của tân nhạc Việt Nam. Ðược sự ngợi khen và yêu cầu của thính giả, đài BBC đã cho phát thanh lại chương trình này, được nhiều đài Việt ngữ địa phương tiếp vận cho cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cùng nghe.
Qua một bài viết với tựa đề “Vĩnh biệt nghệ sĩ Quỳnh Giao” được BBC đưa lên mạng vào ngày Thứ Ba mùng 5 Tháng Tám, chúng ta được biết chương trình “Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam” hiện được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số (digital archives) ở London và Ðại Học Stanford tại Hoa Kỳ. Sẽ có lúc chúng ta được nghe Quỳnh Giao tuyển chọn và giới thiệu ca khúc, các ca sĩ trình bày và nhạc sĩ sáng tác như thế nào trong 60 năm tân nhạc từ thời phôi thai qua giai đoạn trưởng thành, rồi trên cả hai miền Nam Bắc cho tới ngày phân chia trong/ngoài…
Nhưng từ gia đình thì chúng ta được biết Quỳnh Giao đã công phu biên soạn từng chương trình để thâu âm bằng giọng nói của mình, với phần hợp tác kỹ thuật của nhân viên BBC từ London qua là nữ ký giả Hồng Liên. Nội dung đó có những thông tin cho chúng ta về đầu nguồn của nền tân nhạc cải cách.
Tác giả đã đi, nhưng 20 bản văn đó vẫn còn.
Ðược gia đình đồng ý, Người Việt sẽ trang trọng giới thiệu “Suối Nguồn Tân Nhạc” cũng trên trang báo hàng tuần đã từng đăng Tạp Ghi Quỳnh Giao từ gần 10 năm nay… Chúng ta chỉ thiếu phần âm thanh và giọng nói thanh quý dịu dàng của Quỳnh Giao.
Bài đầu tiên là phần dẫn nhập của Quỳnh Giao vào cả chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc:
Suối nguồn tân nhạc Việt Nam (00)
Dẫn Vào Suối Nguồn Tân Nhạc
[Nhạc hiệu: bài Bến Xuân của Văn Cao, hòa âm của Duy Cường]
Quỳnh Giao xin thân ái kính chào quý vị.
Trong tác phẩm thi ca có lẽ được người Việt yêu chuộng nhất là Truyện Kiều, nàng Thúy Kiều được Nguyễn Du mô tả là “thông minh vốn sẵn tính trời – pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.” Nghệ thuật gẩy đàn của nàng đã nhiều phen làm mê mẩn lòng người, qua các nhạc khúc được Tố Như diễn đạt tuyệt vời, với nhiều điển cố hay cổ thi Trung Hoa. Thế nhưng, Truyện Kiều được viết từ đầu thế kỷ 19 mà tới cuối thế kỷ 20, người ta vẫn chưa biết nhiều về các nhạc khúc Kiều đã gẩy…
Cũng vậy, lịch sử Việt Nam đã ghi, rằng vào cuối thế kỷ 18, trong dịp phái bộ của Quang Trung Hoàng đế gửi qua Yên Kinh chúc thọ Hoàng Ðế Càn Long nhà Mãn Thanh được bát tuần, vị trọng thần hàng văn dẫn đầu phái đoàn là Phan Huy Ích đã điều khiển một ban nhạc dâng Càn Long 10 khúc hát, với nhạc điệu thuần túy Việt Nam trên lời ca do chính Phan Huy Ích sáng tác.
Cuối thế kỷ 20 này, chúng ta không còn biết gì về cả lời lẫn nhạc điệu của 10 ca khúc nói trên…
May mắn thay, ngày nay, âm nhạc Việt Nam đã đổi khác, và mãi mãi sau này người ta sẽ có thể biết rằng người Việt Nam buồn vui ca hát như thế nào vào cuối thế kỷ 20. Sự đổi khác đã có là nhờ người Việt ngày nay dùng phép ký âm ghi lại trên giấy trắng mực đen những giai điệu được sáng tác hoặc lưu truyền, và có kỹ thuật ghi âm để phần nào lưu giữ được những lời ca và khúc hát đã làm nên nghệ thuật âm nhạc của mình.
Ðây là một sự thay đổi lớn lao trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt.
Ngày nay, thể loại âm nhạc được đa số người Việt chúng ta ưa chuộng, chính là tân nhạc, một lối nhạc cải cách ghi theo ký âm pháp Tây phương, trình tấu bằng nhạc cụ Tây phương để diễn tả nỗi rung động Việt Nam, trên lời ca Việt Nam, viết bằng chữ quốc ngữ…
Nền tân nhạc đó, thưa quý thính giả, thực ra mới chỉ xuất hiện từ khoảng 60 năm nay mà thôi.
Sáu mươi năm có thể là khoảng thời gian trung bình cho một đời người. Khoảng thời gian đó cũng trùng hợp với sự xuất hiện, phát triển và trưởng thành của tân nhạc Việt Nam.
Sáu mươi năm đó cũng là khoảng thời gian mà lịch sử Việt Nam đã trải qua những biến động lớn lao nhất, và những biến động nói trên cũng ảnh hưởng tới sinh hoạt âm nhạc của người Việt…
Trong chương trình đầu tiên của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam, hôm nay, Quỳnh Giao xin cùng quý thính giả đi lại từ đầu, để nhớ về thời kỳ phôi thai của tân nhạc, để đi tới những sáng tác đầu nguồn của nhạc mới Việt Nam…
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=193349&zoneid=97#.VHnL0rQzDbw