25/10/2014
Cách đây đúng một năm, Stromae trở thành hiện tượng trong làng nhạc châu Âu với ngày phát hành album thứ hai của anh mang tựa đề “Racine Carrée” (nghĩa toán học là “Bình Phương”). Album này là điểm khởi đầu cho nhiều thành công rực rỡ, mùa gặt hái các giải âm nhạc, số tiền doanh thu béo bỡ lên đến hàng triệu.
Theo ước tính của tạp chí Challenges và công ty tư vấn tài chính Weave, một khi gộp lại các hợp đồng quảng cáo, vòng lưu diễn các thành phố châu Âu, cũng như doanh thu băng đĩa, chỉ trong một năm vừa qua, Stromae đã thu về khoảng 10 triệu euro. Nhưng điều quan trọng hơn cả trong sự thành công ngoạn mục ấy, đó là nó mở ra cho Stromae nhiều dự án hợp tác quốc tế …
Thật vậy, vào lúc bức tượng sáp của anh được đưa vào viện bảo tàng Grévin, Stromae lại được mời tham gia ghi âm ca khúc mới cho tập ba của loạt phim Hunger Games (Trò Chơi Sinh Tử). Nhạc phẩm Meltdown mà anh vừa thu thanh trong mùa hè này sẽ mở đầu cho album nhạc phim (soundtrack), với sự hợp tác của Kanye West và nhất là của ca sĩ trẻ tuổi Lorde, từng thành công trong kỳ trao giải Grammy đầu năm nay nhờ ca khúc Royals.
Chuẩn bị phát hành vào trung tuần tháng 11, tập ba của Hunger Games (Trò Chơi Sinh Tử) là một trong mười tác phẩm điện ảnh được chờ đón nhiều nhất sau mùa chiếu các blockbusters nhân dịp hè. Bộ phim sẽ được công chiếu tại Pháp ngày 19/11 và như vậy khán giả Pháp sẽ được dịp xem tác phẩm này hai ngày trước khi phim được cho ra mắt tại Hoa Kỳ.
Ai có thể thực sự dự đoán ngày đăng quang hoành tráng và huy hoàng của Stromae ? Cách đây bốn năm, thời mà cậu bé chiếm hạng đầu thị trường châu Âu nhờ bài hát “Alors on danse”, nhiều người cho rằng Stromae chỉ là một hiện tượng nhất thời, dòng nhạc pop dance điện tử mà anh khai thác chủ yếu nhắm vào giới trẻ và những ai yêu chuộng sàn nhảy.
Không ai tưởng tượng được rằng bốn năm sau đó, Stromae (chữ nói lái của từ Maestro) lại trở thành một trong những nghệ sĩ hát tiếng Pháp thành công nhất của thập kỷ. Nhờ vào tính sáng tạo cá nhân, Stromae phản bác lại luận điểm của những ai từng dự đoán sự hấp hối của ngành công nghiệp ghi âm, do thiếu sức khai phá.
Có người từng so sánh sự cất cánh của Stromae với đà thành công vượt bực của Adele. Tuy nhiên, sự so sánh này có vẻ hơi khập khiểng, do uy tín và tầm ảnh hưởng của ca sĩ người Anh lớn hơn nhiều. Nhưng ít ra Adele và Stromae giống nhau ở một điểm : họ tạo ra một thế giới âm nhạc cho riêng mình, họ khai thác chiều sâu nội tâm của bản thân để rồi từ đó bắt nhịp cầu đồng cảm với giới trẻ thời nay.
Vào lúc mà ngành công nghiệp giải trí ẩn nấp đằng sau cái bình phong ‘’khủng hoảng thị trường băng đĩa’’ để rồi tập trung khai thác các tập nhạc cover, chủ yếu ghi ama lại các bài hát cũ, thì sự xuất hiện của những gương mặt như Adele, Lorde hay Stromae tựa như một luồng dưỡng khí, ngập tràn sức sống, hợp với lứa tuổi thanh niên khao khát những chân trời âm thanh mới lạ.
Mặc dù thị trường đĩa nhạc xuống dốc dữ dội, nhưng tập nhạc mang tựa đề 21 của Adele và album Bình Phương của Stromae đều đã phá vỡ kỷ lục số bán. Chỉ riêng trên thị trường Pháp, cả hai album này đều xấp xỉ hai triệu bản, một con số đáng ngạc nhiên khi ta biết rằng một tập nhạc được xem như là thành công tại Pháp khi đạt tới mức 200.000 bản bán chạy.
Sở dĩ Stromae thành công là vì anh dung hoà được cả hai bộ môn âm nhạc và hình ảnh. Tốt nghiệp trường điện ảnh nhưng với chuyên môn âm thanh ứng dụng, Stromae biết khai thác ngôn ngữ hình ảnh qua các video clip, qua cách dàn dựng các hoạt cảnh sân khấu để diễn đạt những gì mà âm nhạc và ca từ chưa nói tới.
Thái độ hèn nhát của đấng mày râu, sự thiếu vắng của người cha trong gia đình … trốn tránh trách nhiệm nên đành bỏ vợ con, những trăn trở suy tư của những đứa bé buộc phải lớn trước tuổi, chỉ có điều là chúng không muốn trưởng thành do trong mắt trẻ thơ (Papaoutai là một cách nói ngây ngô của trẻ con đang tự hỏi cha mình đang ở đâu), thế giới của người lớn chẳng có gì là thần tiên, đẹp đẽ …
Những ca khúc của Stromae đề cập tới tất cả những vấn đề đó, nhưng không phải là những bài thuyết trình thỉnh giảng, hay là luận án tiến sĩ. Những bài hát của anh là những bức nhiếp ảnh, nắm bắt những khoảnh khắc nhất thời của một cuộc đời … một góc nhìn rất hẹp về gia cảnh, nhưng có rất nhiều gia đình thời nay đều sống cùng một hoàn cảnh, cho nên không ít bạn trẻ lại bắt gặp mình trong những bài hát của anh …
Nhờ biết dung hoà được cả hai bộ môn âm thanh và hình ảnh, mà Stromae đã thuyết phục được công chúng lẫn giới phê bình. Những ngòi bút cay cú và khó tính nhất của các tuần báo Pháp như Les Inrockuptibles hay Télerama đều ít nhiều phải công nhận tính đột phá sáng tạo của Stromae trong cách đề cập vấn đề : đề tài không có gì mới, nhưng lối tiếp cận lại khác lạ …
Nam ca sĩ Stromae cũng nắm rất vững cách truyền đạt thông điệp của cư dân mạng … trong cái thế giới thiên hình vạn trạng của các mạng xã hội. Trong sự thành công của Stromae, khá nhiều chiêu trò tiếp thị (buzz và viral marketing) được dùng để phát huy hiệu quả của một tài năng sẵn có.
Stromae từng thừa nhận là những gì anh đang làm đều có mục tiêu kinh doanh, nhưng làm thương mại không có nghĩa là phản tiêu chí nghệ thuật, sáng tác đối với anh trước hết là một thú tiêu khiển, nhưng cái trò giải trí ấy cũng là một cách để giải bày những che khuất, để làm vơi đi bao nỗi niềm u uất.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/1-nam-hien-tuong-stromae/