Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ về âm nhạc kiểm duyệt ở Việt Nam

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2/11/2014

Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh Courtesy NABB Cafe

Vũ Hoàng: Trước hết cám ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh đã giúp chúng tôi thực hiện chương trình âm nhạc hôm nay.

N.S Tuấn Khanh nổi tiếng với dòng nhạc không kiểm duyệt của Chính phủ VN. Hôm nay, nhân buổi trò chuyện này, Vũ Hoàng được nhạc sĩ giới thiệu đến một số tác phẩm, đặc biệt ở đây là underground rap của nhạc trẻ Việt, nhạc sĩ Tuấn Khanh có thể nói đôi chút về sự không kiểm duyệt qua dòng nhạc này được không ạ?


N.S Tuấn Khanh: Chào anh Vũ Hoàng và chào quý thính giả đài ACTD, hôm nay tôi lại được hân hạnh trở lại vấn đề âm nhạc VN. Như anh vừa đề cập, nhạc rap là một trong những làn sóng mà tôi đang nói rằng có rất nhiều biểu hiện trong đất nước, tạm thời ở đây tôi nói về nhạc underground, tức là dòng nhạc mà tôi muốn giới thiệu đến quý vị những người trẻ, những nhạc sĩ trong nước, những người yêu văn học nghệ thuật, tạm thời nói riêng về âm nhạc là những người không muốn sống trong hệ thống kiểm duyệt đã chắt bóp đi tinh thần, con chữ, những suy nghĩ của mình. Tạm thời Tuấn Khanh nói đến dòng nhạc rap trước.

Như quý vị đã biết, nhạc rap ở Việt Nam khởi đầu, Chính phủ VN không thích. Chính phủ VN không thích vì nó được gọi là một sản phẩm lai căng từ phương Tây. Cách đây khoảng 10-20 năm khi nó bắt đầu khởi động xuất hiện, truyền hình và một số nơi không được phép phát đi những ca khúc như vậy. Nhưng với sự phát triển và yêu thích của khán thính giả trong nước, rốt cuộc nhạc rap vẫn có chỗ đứng nhất định. Tuy nhiên, trong gọng kèm kiểm duyệt nhạc rap, nhạc rap phải đi đến chỗ trình diễn những sự vui vẻ, tô hồng hay làm điều gì đó có ích cho bộ mặt văn hóa xã hội chủ nghĩa của lý tưởng cộng sản. Cho nên, trong tình trạng đó, nhạc rap mà xuất hiện trên truyền hình hay những hình thức khác thì nhạc rap trở thành một thứ giải trí đơn thuần và gần như nó không phản ánh được hết giá trị nhạc rap mà toàn thế giới đang đi tới.

Ở đây tôi muốn nói về nhạc rap underground, nó thú vị ở chỗ là tái hiện lại khung cảnh xã hội cách đây hàng chục năm khi mà nhạc sĩ Thôi Kiện của Trung Quốc mô tả hiện thực về đời sống và sự bế tắc, cũng như tâm trạng hoang mang của những người trẻ lớn lên trong một đất nước mà họ thực sự thấy lý tưởng xã hội chủ nghĩa hay lý tưởng cộng sản không là điều duy nhất mà họ chọn lựa, họ muốn chọn lựa những thứ khác nhiều hơn… thì những bài nhạc rap của giới trẻ underground dẫn tới tình trạng thú vị là nó diễn đạt được nhiều thứ.

Hôm nay, tôi tạm thời giới thiệu một ca khúc của Nah. Anh là một sinh viên du học ở Singapore, anh diễn đạt ngôn ngữ âm nhạc trong nhạp rap rất thú vị ở chỗ là anh nói hết tâm tình, không kiểm duyệt và anh bắt đầu nổi tiếng trên làn sóng của giới trẻ trên tất cả các diễn đàn internet và trở thành một người được rất nhiều quan tâm, bởi vì anh không phải là người thích làm việc cho nhà nước hài lòng mà làm vì âm nhạc thích thú thôi. Nah năm nay chắc gần 30 thôi, rất trẻ. Trong liên tục từ các năm 2010 – 2012, qua hệ thống bình chọn trong các diễn đàn không chính thức của nhà nước thì Nah được gọi là một những nghệ sĩ nhạc rap có ngôn ngữ đẹp nhất và sâu sắc nhất của những người chơi nhạc rap underground tại VN.

Vũ Hoàng: Hôm nay được hân hạnh tiếp chuyện nhạc sĩ Tuấn Khanh, Vũ Hoàng muốn đặt một câu hỏi khác là ngoài dòng nhạc rap không kiểm duyệt thì được biết là tình ca, nghe như vậy mà cũng có trường hợp gọi là tình ca không kiểm duyệt, thí dụ như bài Người Đàn Bà Đi Nhặt Mặt Trời mà ca sĩ Thiên Kim từng trình diễn, thì nhạc sĩ Tuấn Khanh có thể chia sẻ đôi chút về điều này được không ạ?

N.S Tuấn Khanh: Thú vị lắm, tình ca hay không tình ca, chắc anh Vũ Hoàng đặt vấn đề này để mình trao đổi cho vui thôi, chứ anh Vũ Hoàng cũng biết rằng 2 nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa đã sản sinh  ra hàng chục ngàn bài hát tình ca của người Việt, hoàn toàn là tình ca nhưng những bài hát đó cũng nằm trong danh sách kiểm duyệt, ngăn cản và nhiều chục năm sau ở Việt Nam, nhà nước mới cho những bài hát đó được lưu hành và cũng cho phép những nhạc sĩ đó trở về Việt Nam mặc dù họ chỉ là những nhạc sĩ thuần túy tình ca.

Trong trường hợp bài Người Đàn Bà Đi Nhặt Mặt Trời mà ca sĩ Thiên Kim trình bày thì tôi muốn giới thiệu đến nhạc sĩ Đức Tiến.  Nhạc sĩ Đức Tiến là một nhạc sĩ trẻ trong nước, anh lớn lên như mọi người nhạc sĩ khác, anh cũng có nhu cầu và muốn có một sân khấu biểu diễn và có khán giả và có nơi để trình bày những tác phẩm của mình… nhưng anh cũng là một người đặc biệt sớm tìm ra được là những bài hát của mình đưa lên luôn luôn bị cắt xén, luôn luôn bị dò hỏi là cái này nói về cái gì.

Tôi muốn kể một vài câu chuyện để diễn đạt cho thính giả hiểu rằng là hệ thống kiểm duyệt đã đi đến một tình trạng tồi tệ như thế nào. Thí dụ, trước đây ông Phạm Duy hay là ông Lê Uyên Phương có những bài hát trong đó có những câu nói là “dân eo xèo nhân thế” chẳng hạn, hay “ta nghe những eo xèo”… thì tôi được một người ở Sở Văn Hóa Thông Tin gọi xuống nhờ giúp kiểm tra giùm rằng chữ “eo xèo” có nghĩa là gì, nó ám chỉ gì để nói xấu cách mạng hay không… đến mức là như vậy. Tôi phải phản đối rất nhiều và nói rằng đây chỉ là ngôn ngữ tiếng Việt thôi.

Nhạc sĩ Đức Tiến chỉ là một trong rất nhiều nhạc sĩ trẻ nhìn thấy rằng thế giới sống của mình đã bị ràng buộc rất chặt bằng hàng rào thép gai, bằng tư duy, bằng lưỡi kéo… Năm 2008, đài truyền hình Asia hay gì đó phát động cuộc thi về những ca khúc xuất sắc mới của người Việt toàn thế giới, anh Đức Tiến gửi bài hát đó thi và bài hát dành giải nhất trong cuộc thi đó và từ đó trở đi rất nhiều ca sĩ biết tới. Bài hát đó thành công, rồi tự động trong nước đột nhiên cũng phải chấp nhận vì ở đâu người ta cũng hát, nó trở thành quen thuộc, người ta không đặt vấn đề nữa. Trước đó, đã có lần Đức Tiến đưa bài hát đi thì đã bị hỏi là “vì sao đi nhặt mặt trời” tại sao hình ảnh người đàn bà trong xã hội chủ nghĩa lại xấu xí như vậy… Tôi muốn giới thiệu như vậy, bởi Đức Tiến cũng như rất nhiều người khác họ muốn tác phẩm toàn diện của họ không bị cắt xén hay không bị bỏ bớt một chữ nào. Ở Việt Nam, người ta có thể làm mọi thứ trong sự kiểm duyệt để làm vừa lòng cấp trên, mà “cấp trên” là một cái gì đó vô hình, mơ hồ…

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Tuấn Khanh thời gian không còn nhiều, được anh giới thiệu về một bài hát khác, được xem trên video thấy rất cảm động là bài 12 – Viết Về Những Người Ngư Dân Việt Nam, anh có thể nói gì về bài này để thính giả có thể hiểu hơn được không ạ?

N.S Tuấn Khanh: Tôi nhiều năm trước có lên tiếng rằng tôi sẽ quyết định những tác phẩm của mình sẽ không chịu chế độ kiểm duyệt, mà quyết định đưa lên để nói toàn bộ suy nghĩ của mình, tránh tất cả những gì kiểm duyệt mà có thể làm hại tác phẩm của mình. Sau trường hợp đó, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, cũng từ đó mà tôi bắt đầu phát tán những ca khúc khác lên hệ thống internet, đó là những ca khúc thể hiện giá trị hiện thực.

Bài 12 hay còn được gọi là Máu Biển Đông, tức là tôi nói về câu chuyện nhiều năm trước, khi mà Trung Quốc bắt 12 ngư dân Việt Nam và đòi tiền chuộc, ngoài ra còn đập phá tàu của người ta, Chính phủ VN lại có một thái độ rất yếu ớt, dẫn tới những cuộc biểu tình của nhân dân trong nước đòi hỏi phải có thái độ mạnh hơn, đồng thời biểu thị đòi Trung Quốc phải có thái độ tử tế trong chính sách của một quốc gia có văn minh. Vì vậy, bài 12 tôi mô tả lại tâm trạng của người Việt Nam trong một bối cảnh hoàn toàn chúng ta chỉ có thể chịu đựng và chờ một ngày tươi sáng hơn, để cùng nhau đòi hỏi tiếng nói công lý cho những người ngư dân của mình.

Vũ Hoàng: Thực sự là trong một thời lượng rất ngắn ngủi, nhưng Vũ Hoàng tin chắc là thính giả sẽ hiểu hơn trước hết là về con người của nhạc sĩ Tuấn Khanh và thứ hai nữa là hiểu hơn về một chế độ gọi là âm nhạc kiểm duyệt tại VN. Một lần nữa, thay mặt thính giả của đài ACTD, Vũ Hoàng cám ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh rất.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/censored-music-in-vn-11022014072839.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây