Suối Nguồn Tân Nhạc: Thời hòa bình trong đau thương (1975-1995)

Quỳnh Giao

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt năm 1975 nhưng hòa bình vẫn chưa trở về trong hồn người.

Ngay từ năm 75 và nhiều năm kế tiếp, trong khi nền tân nhạc chính thức mở ra một giai đoạn hồ hởi ngợi ca chiến thắng và thanh bình, thì hàng triệu người ở trong Nam đã phải bỏ nước ra đi. Kể từ đó, tân nhạc lại tiếp tục nổi trôi trên hai dòng cách biệt, mãi cho tới những năm sau này.

Ðó là nói về thể tài sáng tác và phân biệt theo tiêu chuẩn địa dư trong và ngoài nước. Về thời gian thì trong 20 năm, từ 75 đến 95, ta cũng có thể phân biệt được hai thời kỳ: từ 75 đến khoảng 85 là thời hòa bình đau thương, và sau đó là thời hồi sinh, từ những năm 86-87 cho tới gần đây…


Ở trong nước, chiến thắng 75 đã gợi hứng sáng tác cho nhiều ca khúc mang tính chất lạc quan và vận động. Những bài ca như Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, hay Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng của Phạm Tuyên đã vang dội khắp nơi, cùng các biểu ngữ bích chương cổ động việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước thống nhất.

Nhưng, cũng vào thời kỳ đó, trên nhiều vùng đất xa xôi ngoài lãnh thổ, ta lại nghe thấy tiếng hát u buồn của những người phải bỏ xứ ra đi. Hiện tượng thuyền nhân và di tản đã để lại nhiều vết thương đau trong tân nhạc thời đó.

Nếu nói chung những nhạc sĩ lớn tuổi thành danh ở trong Nam đã tê điếng khá lâu và nhiều người không còn muốn sáng tác nữa, thì một tầng lớp các nhạc sĩ trẻ hơn cũng đã xuất hiện ở hải ngoại. Ðây là thời kỳ người ta hát về thảm cảnh thuyền nhân, về quê hương nghìn trùng xa cách, về nỗi tiếc nhớ Sài Gòn nay đã đổi tên, hoặc về thân phận của những người ở lại, những người bị tù đày, nhìn từ cảm quan của người đã ra đi.

Nếu có nhìn lại thì vào thời kỳ này ở trong nước, ta không thấy xuất hiện nhiều sáng tác mang ý nghĩa thời đại ngang tầm lớn lao của biến cố 75. Có lẽ người ta ưu lo nhiều hơn cho việc sinh tồn sau chiến tranh, và những chật vật của đời sống thực tế đã ít nhiều ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác. Có lẽ sự hụt hẫng đó chỉ kết thúc từ giữa thập niên 80 trở đi, khi Việt Nam đổi mới và xã hội bắt đầu hồi sinh.

Từ những năm cuối của thập niên 80, ở trong nước các nghệ sĩ bắt đầu hát và viết nhạc tình nhiều hơn, và nếu có người thoải mái hơn trong các ca khúc có âm hưởng ngoại quốc – như trường hợp của các nhạc sĩ trẻ Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện hay cả Tôn Thất Lập – thì cũng có người đã hiện đại hóa xu hướng viết nhạc về quê hương, cho quê hương, và cho quần chúng bình dân, như Trần Tiến với những bài dân ca mới.

Thời kỳ này, Trịnh Công Sơn cũng viết nhạc trở lại và viết khá nhiều. Ông tiếp tục chinh phục được cảm tình của người yêu nhạc qua những sáng tác tình cảm hơn mà cũng nhiều não tính hơn.

Cũng trong thời kỳ 85-95 đó, ở bên ngoài, người ta như đã nguôi ngoai nỗi nhớ, và có nhiều sáng tác yêu đời hơn. Y như ở trong nước, khi nghệ sĩ yêu đời hơn thì cũng viết về tình yêu nhiều hơn, cho nên nhạc tình đã xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài trường hợp Phạm Duy luôn luôn là ngoại lệ vì liên tục sáng tác trong suốt 20 năm đổi đời này, nhiều nhạc sĩ khác đã viết trở lại, như Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Tuấn Khanh hay Lam Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Song Ngọc… và một thế hệ khác đã xác định vị trí của họ trong nền tân nhạc hải ngoại, như Ðức Huy, Việt Dzũng, Trúc Hồ, Trầm Tử Thiêng… Trong thời kỳ này, một số nhạc sĩ với thể loại cao nhã cũng đã có nhiều tác phẩm đáng nhớ, như Lê Văn Khoa hay Hoàng Quốc Bảo…

Một trong những điều đáng chú ý nhất trong thời kỳ gần đây của tân nhạc là hiện tượng tương tác mà Quỳnh Giao xin tạm gọi là “trong ngoài trùng lặp.” Ở trong nước, người ta viết, hát và diễn tả nhiều hơn với những thể loại gần gũi với tân nhạc hải ngoại, nhất là loại nhạc có âm hưởng ngoại quốc. Ngược lại, từ bên ngoài, người ta cũng hát nhiều ca khúc sáng tác trong nước, nhất là các ca khúc trẻ trung của Thanh Tùng, Trần Thiết Hùng, hay ngợi ca tình tự dân tộc như của Trần Tiến, và các ca khúc trữ tình mà đầy não tính của Trịnh Công Sơn…
Nhìn theo cách nào đó, ta đang chứng kiến hiện tượng trong ngoài chia sẻ với nhau nhiều cảm hứng đồng điệu, và thiên về loại nhạc trữ tình. Ngay cả trên địa hạt trình diễn, một số ca khúc từng bị kết án là “nhạc vàng” nay cũng đã được phép trình bày ở trong nước, dưới tên gọi là “nhạc tiền chiến”…

Kính thưa quý vị,

Thời gian 60 năm của tân nhạc có thể được so sánh với một đời người. Nhìn lại chặng đường đó, chúng ta phân vân chưa rõ là nhạc Việt trong thể loại cải cách sẽ đi về đâu.

Một số người bi quan đã tin rằng trình độ thưởng thức tân nhạc của chúng ta đang có hướng đi xuống. Ở bên ngoài quê hương, những người nghe nhạc, hiểu nhạc và yêu nhạc có lẽ đang thành hiếm hoi hơn, và trào lưu chạy theo nhạc ngoại quốc đang làm cho lời ca và cả giai điệu của nhạc Việt mất dần chiều sâu. Ở trong nước, một số không ít lại tin rằng thể loại ngoại quốc đó mới là biểu tượng của văn minh, nên có hướng rập theo, từ cách sáng tác tới lối trình bày.

Trong khi đó, sự kiện các ca khúc trữ tình thời 45-54 đã được trân quý hơn cũng có một nét tiêu cực, là từ thời vàng son đó tới nay, ta hiếm thấy những tác phẩm có giá trị tương tự.

Một số người lạc quan rất ít ỏi thì chú ý tới một hiện tượng mới. Ðó là nhiều nhạc sĩ đã tìm trong nghệ thuật dân tộc những thể tài và giai điệu truyền thống, để kết hợp với nghệ thuật hòa âm và phối khí hiện đại hơn của Tây phương, hầu tìm ra nguồn cảm hứng sáng tác mới. Chúng ta chưa rõ là nỗ lực đáng quý đó, ở cả trong và ngoài nước, có tạo nổi một luồng sinh khí mới cho tân nhạc Việt Nam hay không…

Chương trình Suối nguồn tân nhạc Việt Nam có thể là một đóng góp nhỏ cho việc gây dựng lại một sinh khí mới cho nhạc Việt, với những giới thiệu kế tiếp về từng thể tài và nhạc sĩ tiêu biểu nhất trong các thời kỳ đã qua.

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc… để chúng ta cùng tìm hiểu về các đề tài chủ yếu được khai thác trong từng khuynh hướng sáng tác của 60 năm tân nhạc…

Quỳnh Giao

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195194&zoneid=97#.VEoP7bTCfbw

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây