Quỳnh Giao
Sau thời kỳ phát huy rực rỡ của tân nhạc Việt Nam từ 45 đến 54, thì kể từ 1954 trở đi, thời cuộc đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt âm nhạc. Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước vào năm 54 đã để lại một vết cắt đau thương trong các nguồn hứng sáng tác. Rồi chiến cuộc bùng nổ mạnh mẽ từ 65 đến 75 đã đưa tân nhạc lên chiến hào trong tiếng bom đạn của cả hai bên…
Hiệp Ðịnh Genève chia đôi xứ sở từ năm 54 đã đưa đến cuộc di cư của mấy triệu người từ Bắc vào Nam. Quý vị vừa nghe tác phẩm “Người Hà Nội” của Nguyễn Ðình Thi, sáng tác điển hình cho tinh thần lạc quan tự hào của tân nhạc ở miền Bắc sau năm 54.
Sau chín năm kháng chiến, các nghệ sĩ tân nhạc miền Bắc đều có chiều hướng sáng tác mang âm điệu phấn khởi, và Hà Nội đã là chủ đề kết tụ tinh thần đó tới cao độ. Tiêu biểu cho tinh thần này, ngoài Nguyễn Ðình Thi, ta có Trần Hoàn với “Ðêm Hồ Gươm,” Hoàng Hiệp với “Nhớ Về Hà Nội,” Hồng Ðăng với “Hoa Sữa,” hoặc Phạm Tuyên, con trai của học giả Phạm Quỳnh, với bài “Hồ Tây, Chiều Bình Yên”…
Một đặc điểm khác của tân nhạc miền Bắc trong thời phân ly là nó ra khỏi thành phố để đi về thôn quê, làm phương tiện cổ động cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc. Ðây là thời kỳ mà nhiều sáng tác có tính chất chiến dịch hay phát động việc thi đua sản xuất đã ồ ạt xuất hiện với giá trị nghệ thuật tương xứng với mục tiêu chính trị của miền Bắc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng phát biểu rằng các sáng tác lãng mạn phải nhường bước sau khi có “Cách Mạng Tháng Tám.” Tất cả những người sáng tác lúc bấy giờ phải đành lòng tạm dời khuynh hướng lãng mạn và đưa lên những tác phẩm gọi là “phục vụ cách mạng.”
Nhạc sĩ vừa phát biểu ở trên về việc “những người sáng tác lúc bấy giờ phải đành lòng tạm dời khuynh hướng lãng mạn và đưa lên những tác phẩm gọi là phục vụ cách mạng” là Nguyễn Văn Tý, tác giả của bản “Dư Âm” trữ tình thời trước. Ông có thể là điển hình của người nghệ sĩ đã đoạn tuyệt với cảm hứng lãng mạn của thời cũ để viết ra những bài ngợi ca công nhân, dân cày, chị dân công, anh bộ đội hay các sắc dân thiểu số, với các tác phẩm như “Bài Ca Năm Tấn,” “Em Ði Làm Tín Dụng,” “Dáng Ðứng Bến Tre”… hay như bài “Làng Tôi” của Văn Cao.
Trong khi đó, tại miền Nam, ta lại chứng kiến nhiều xu hướng khác biệt trong tân nhạc.
Một số đông đảo các nghệ sĩ thành danh ở miền Bắc đã di cư vào Nam. Họ tự động gây nên phong trào sáng tác mới trong nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau của miền Nam. Trong tân nhạc, các nghệ sĩ này đã cống hiến ba loại đề tài được nhiều người hưởng ứng.
Thứ nhất là nỗi luyến tiếc miền Bắc và niềm ước mơ một ngày hồi hương. Tiêu biểu và đẹp nhất cho các ca khúc loại này là bài Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành.
Ðặc biệt là trong hoàn cảnh éo le của sự chia cách, Hoàng Dương là một nhạc sĩ đã rời Hà Nội vào Nam, rồi vì nhớ Hà Nội quá ông lại trở ra Bắc. Tác phẩm “Hướng Về Hà Nội” của ông viết trong thời kỳ này là bài ca bất hủ cho tất cả những ai ngóng trông về Hà Nội, vào mọi thời.
Loại đề tài thứ hai là niềm hy vọng sẽ xây dựng lại một cuộc sống tự do tươi đẹp tại miền Nam. Ðề tài mang đặc tính lạc quan này đã hòa chung niềm phấn khởi của các nhạc sĩ di cư từ miền Bắc với các nhạc sĩ sinh trưởng ở miền Nam vĩ tuyến 17.
Trong số các nhạc sĩ di cư, chúng ta có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Vũ Thành, Phạm Ðình Chương, Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Phó Quốc Thăng và Ðan Thọ.
Một số nhạc sĩ sinh trưởng tại miền Nam như Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Hoàng Lang hoặc nổi tiếng sau năm 54, như Văn Phụng hay Tuấn Khanh, cũng đã thấm đậm nỗi niềm nhớ Bắc, và cống hiến nhiều ca khúc thuộc đề tài này. Tiêu biểu là Lam Phương, nhạc sĩ miền Nam, với “Sầu Cố Ðô” hoặc “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến,” Văn Phụng với “Nhớ Bến Ðà Giang,” và Tuấn Khanh với “Hoa Xoan Bên Thềm Cũ.”
Một loại đề tài thứ ba ở trong Nam cũng cần được nhắc tới ở đây.
Vốn xuất phát từ thành phố, tân nhạc thường chủ yếu hướng vào thị dân. Sau năm 54, nếu tại miền Bắc ta có thấy xuất hiện đưa tân nhạc ra khỏi thành phố, nhiều khi với chủ đích động viên tinh thần, thì ở trong Nam người ta cũng chứng kiến một chiều hướng sáng tác mang nhiều xã hội tính, với các bài ca viết về cuộc sống tăm tối trong xóm nghèo của người bình dân lao động.
Tiêu biểu cho thể tài đó, ta có “Phố Buồn” của Phạm Duy, “Kiếp Nghèo” của Lam Phương, “Nửa Ðêm Ngoài Phố” của Trúc Phương, “Ngoại Ô Ðèn Vàng” của Y Vân, hay “Xóm Ðêm” của Phạm Ðình Chương…
Kính thưa quý vị, khi sơ kết về Suối Nguồn Tân Nhạc vào thời phân ly, ta thấy nổi bật nhất, và vượt lên hoàn cảnh chia cách lẫn lập trường chính trị, là tình yêu quê hương.
Ðây là đề tài gợi hứng sáng tác cho đông đảo các nhạc sĩ trên cả hai miền. Từ Sài Gòn người ta có nhớ về Hà Nội và từ Hà Nội có luyến nhớ Bến Tre hay Ðà Lạt, Nha Trang, thì tận cùng vẫn là quê hương đất nước.
Tác phẩm lớn nhất trong thời kỳ phân ly này chính là trường ca “Con Ðường Cái Quan” của Phạm Duy.
Ngoài giá trị hiển nhiên về nghệ thuật đã kết hợp tinh hoa của dân ca theo thể điệu mới, bản Trường ca còn nói lên giấc mơ của người Việt, được đi suốt con đường Xuyên Việt nối lòng người trên cả hai miền “trong một duyên tình dài.”
Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc…
Quỳnh Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=194451&zoneid=97#.VEoO3bTCfbw