Beethoven và những bóng hồng

Thanh Hà
26/9/2014

Beethoven và những bóng hồng
Nhạc sĩ Beethoven.DR

Đối với Ludwig van Beethoven, tình yêu luôn là nguồn sáng tác bất tận. Hơn một chục lần ngỏ lời cầu hôn, chẳng một lần được đáp lại. Diện mạo xấu xí, tật nguyền, dù rất tài hoa, suốt cuộc đời Beethoven bị giam hãm trong bất hạnh và cô đơn.

Bản « Für Elise » được Beethoven sáng tác năm 1810. Cho tới nay, vẫn còn nhiều ẩn số quanh bản nhạc ngắn ngủi này. Ai cũng biết Beethoven từng yêu rất nhiều. Sinh năm 1770 tại Bonn, Đức nhưng Beethoven đã chọn Vienne, thủ đô nước Áo, là nhà. Đây là nơi ông sáng tác phần lớn những tác phẩm để đời. Cũng tại Vienne, Beethoven đã trút hơi thở cuối cùng, ngày 26/03/1827, thọ 57 tuổi.


Gần 40 năm sau ngày ông qua đời, nhà nghiên cứu về âm nhạc người Đức, Ludwig Nohl, mới tìm thấy bản thảo của Beethoven mang tựa đề « Bagatelle cung la thứ ». Tác giả đề tặng cho một người con gái mà cái tên đã bị nhòa theo thời gian. Nohl chỉ còn đọc được có hai chữ cuối cùng là chữ « S » và chữ « E ». Ông bèn đoán rằng người đẹp được Beethoven đề tặng bản nhạc này chắc hẳn là một cô bé mang tên « Elise ».

Năm 1867 khi Nohl cho phổ biến bản « Bagatelle » của Beethoven, nét đơn sơ giản dị, trong sáng và dễ nhớ đã lập tức chinh phục lòng người. Từ đó bản nhạc nổi tiếng này vĩnh viễn được biết tới dưới tên gọi « Für Elise – viết tặng Elise ». Nhưng ở đây lại đặt ra một nghi vấn khác : Elise là ai ? Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, bản « Bagatelle » của Beethoven dường như được đề tặng một người mang tên là Therese.

Elise hay Therese ?

Nhưng đấy là nàng bá tước Therese von Brunsvik ông yêu say đắm từ những năm 1806 hay là là cô con gái của một thương gia giàu có là cô Therese Malfatti von Rohrenbach zu Dezza, thua ông đến hơn hai mươi tuổi ?

Beethoven từng là thầy dậy nhạc cho Therese Malfatti. Ông bị cô học trò xinh đẹp này thôi miên. Ánh mắt, nụ cười của Therese là những nốt nhạc dịu dàng thánh thót xoa dịu cõi lòng cô quạnh. Còn trong mắt cô gái trẻ và đỏm dáng Therese thì mối tình của người nhạc sĩ chỉ là một món quà tô điểm thêm cho cuộc sống. Thân phụ của Therese đã từ chối lời cầu hôn của Beethoven khi tác giả của bản “Giao hưởng số 6-Pastoral” xin được kết nghĩa trăm năm với Therese. Beethoven khi đó đã 40 tuổi – chỉ thua bố của Therse có đúng 1 tuổi – ông bị chê là quá già so với Therese vừa mười chín đôi mươi. Có điều là về sau này, người đẹp Therese đã lấy một người chồng chỉ thua Beethoven có đúng một tuổi. Đương nhiên đó là một nhà quý tộc, giàu sang và danh giá của thành Vienne.

Sự khước từ của gia đình Malfatti đẩy người nhạc sĩ tài hoa này xuống tận cùng tuyệt vọng. Beethoven đã thốt lên rằng ông là kẻ lãnh án chung thân, không bao giờ được nếm mùi hạnh phúc. Từ đó trở đi người ta thường thấy Beethoven choáng hơi men, thả bước vô định trong đêm tối, như thể ông đi tìm về một ngôi nhà của chính mình, một điểm tựa mà không bao giờ tác giả của bản « Bagatelle » có được.

Còn người đẹp Therese thứ nhì từng chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim Beethoven là bá tước Therese von Brunsvik. Tác giả của bản “Giao hưởng số 5” đã kết thân với bá tước Brunsvik, thân phụ của nàng khi ông đến thành Vienne lập nghiệp.

Beethoven được mời dậy học cho hai cô con gái của gia đình quý tộc gốc Hungary này : hai chị em Therese và Josephine. Vào khoảng năm 1806 Beethoven đem lòng yêu thương Therese. Có người cho rằng họ đã đính hôn với nhau trong hai năm và trong thời gian đó ông đã sáng tác bản “Sonate số 24” cho dương cầm để tặng cho vị hôn thê. Bản “Sonate số 24” thường được biết đến dưới tên gọi là bản « Sonate dành tặng Therese ». Nhưng rồi chuyện tình của người nhạc sĩ với Therese đã tan vỡ. Sau ngày ông qua đời năm 1827 người ta đã tìm thấy trong những thư từ của Beethoven một bức chân dung bá tước Therese von Brunsvik.


Bí mật về danh tính của người được Beethoven đề tặng bản “Bagatelle” có lẽ không bao giờ được giải mã bởi vì trong số toàn bộ những thư từ của nhạc sĩ, người ta đã phát hiện một bức thư dài 8 trang đề tặng « Người tình Bất tử ». Nhưng từ đầu đến cuối ông không một lần nêu tên người trong mộng. Chỉ biết rằng trong bức thư ấy Beethoven tha thiết mơ về một cuộc sống êm đềm bên một người vợ đẹp. Cũng vì không biết lá thư ấy ông dành gửi đến tay ai nên sau này nhiều người đồn đoán rằng bóng hồng ấy chắc chắn phải là Josephine von Brunsvik em gái của Theresa von Brunsvik.


Josephine von Brunsvik, mối tình lớn của Beethoven
DR

Josephine có lẽ là mối tình lớn nhất của Beethoven. Nhưng người đẹp xứ Hung chỉ trọng tài đức của nhạc sĩ mà thôi. Con tim nàng đã hướng về một chàng trai khác, trẻ, đẹp và giàu có hơn Beethoven.

Josephine theo chồng, để lại nhiều nhung nhớ cho người thầy dậy dương cầm. Năm 1804 khi nàng rơi vào cảnh góa bụa, Beethoven ngầm hy vọng và ông sáng tác bản Sonate « Appasionata ». Nhưng rồi một lần nữa ý nguyện không thành do bệnh điếc của ông ngày càng nặng làm ảnh hưởng đến tính tình của Beethoven. Chủ yếu có lẽ là do gia đình quyền quý Brunsvik không chấp nhận một chàng rể vừa nghèo lại vừa xuất thân từ tầng lớp dân dã.


Năm 1810 khi Beethoven sáng tác bản « Bagatelle » mà sau này được cả thế giới biết tới dưới tên gọi là « Für Elise » thì cũng là lúc mối tình đầu của ông, nàng Josephine bước lên xe hoa lần thứ nhì. Hai năm sau, cô chia tay với quận công Stackelberg, một người chồng vũ phu. Josephine đã cùng Beethoven trốn sang Praha một thời gian trước khi dưới áp lực của gia đình và xã hội cô phải quay lại sống nối cuộc đời còn lại với Stackelberg.

Sonate “Clair de lune” hay một sự ngộ nhận

Ngoài bản nhạc đề tặng Elise, tên tuổi của Beethoven còn thường được gắn liền với bản « Sonate dưới Ánh Trăng – Sonate Clair de Lune ». Bản nhạc đó còn được gọi là bản «Sonate số 14 ».

« Für Elise – viết tặng Elise » chỉ là một bản Bagatelle, tức là một sáng tác vặt. Thế còn « Sonate Clair de Lune » mà ông đề tặng cho bà bá tước Giulietta Guicciardi thì là một tác phẩm từng làm Beethoven xấu hổ : tác giả xem đó là một tác phẩm không hoàn chỉnh, non nớt không đáng để mọi người chú ý tới.


Có rất nhiều lời đồn thổi về bản « Sonate số 14 » này. Trái ngược với diễn giải của hầu hết mọi người, « Sonate số 14 » không là điệu ballade trữ tình, lãng mạn mà là một bản mộ khúc. Motif lập đi lập lại với điệu nhạc rất chậm và buồn ở ngay những nốt đầu đã chứng minh cho điều đó. Tất cả bắt đầu từ sự ngộ nhận của nhà thơ, Ludwig Rellstab. Đoạn một của bản « Sonate số 14 » này, gieo vào lòng thi sĩ hình ảnh một chiếc thuyền con trên mặt hồ tĩnh mịch, dưới ánh trăng vàng.

Beethoven đã không sáng tác trong lúc dạo thuyền với bá tước Giulietta. Thời gian như ngừng trôi với điệu trầm buồn trong khúc dạo đầu adagio, những nốt nhạc lập đi lập lại như tiếng thở dài sâu thẳm từ đáy lòng vang lên trong tiếng chuông tử biệt.

Thế rồi ở đoạn 2, nhịp allegretto như xua tan nỗi buồn hiu quạnh, nhưng đấy chỉ là một khoảnh khắc bình yên báo trước cơn giông lớn. Cuối cùng ở phần ba, điệu dồn dập, đam mê là những đợt sóng dồn dập …

Bản « Sonate Clair de Lune » được đề tặng cho người đẹp Giulietta, 17 tuổi, lại cũng là một cô học trò của Beethoven. Khi đó nhạc sĩ đã ngoài 30. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Beethoven đã sáng tác bản nhạc bất hủ này để chôn một mối tình sau khi bị gia đình của Giulietta từ chối gả cô cho một chàng nghệ sĩ xấu trai, tính tình nóng nảy và kiêu ngạo như ông.

Beethoven yêu đã rất nhiều, mỗi cuộc tình của ông đều rất phức tạp và chẳng bao giờ có hồi kết tốt đẹp. Dù vậy tình yêu luôn là nguồn cảm hứng bất tật là điểm khởi đầu. Từ những mối tình đầy trắc ẩn đó chúng ta mới có được 9 bản symphonie, 7 concerto, gần 50 bản sonate cho piano, violon và violoncelle. Beethoven là người đã có công đưa dòng nhạc cổ điển bước vào một kỷ nguyên mới, mở đường cho nhiều thế hệ nhạc sĩ của dòng nhạc lãng mạn từ Schumann, Chopin, Liszt đến Mendelssohn …

Nguồn: http://vi.rfi.fr/van-hoa/20140926-beethoven-va-nhung-bong-hong/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây