Tuấn Thảo
12/9/2014
Danh ca Hy Lạp Giorgos Delarás ăn mừng 45 năm sự nghiệp – DR
Năm 2014 đánh dấu 45 năm thành công sự nghiệp của danh ca người Hy Lạp Giorgos Daláras. Nổi tiếng trong làng tân nhạc từ đĩa hát đầu tay ghi âm vào năm 1969, Giorgos Daláras từng tham gia vào phong trào cách tân các làn điệu truyền thống của Hy Lạp, bắt nhịp cầu nối với dân ca vùng Balkans cũng như với dòng nhạc La Tinh, do tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ sở trường của anh.
Sinh trưởng tại thành phố cảng Pirée, thuộc vùng Attica ở phía nam thủ đô Athens, Giorgos Daláras (còn được phiên âm là Georges Dalaras hay Yórgos Daláras) lớn lên trong một gia đình nhạc sĩ. Bố anh là (Loukás Darálas) một nghệ sĩ nổi tiếng chuyên sáng tác và biểu diễn làn điệu rebetiko dân ca truyền thống Hy Lạp.
Nối nghiệp thân phụ, Giorgos vào nghề ca hát từ thuở thiếu thời. Anh trình làng album đầu tay năm anh tròn 20 tuổi. Anh ít được đào tạo bài bản ở trường lớp, mà chủ yếu học hát, học đàn với người bố, nhờ vậy mà nắm vững các ngón sở trường chơi đàn bouzouki của Hy Lạp, baglamas của Thổ Nhĩ Kỳ, hay là đàn oud của người Ả Rập. Các loại đàn luth này (lute trong tiếng Anh) có hình dáng tròn trịa như ‘‘nguyệt cầm’’, khác biệt hay chăng là ở số dây đàn (có thể lên tới 24 dây) và cung bậc quảng tám.
Trong những năm tháng đầu sự nghiệp, Giorgos Daláras đeo đuổi ngành tân nhạc, một phần có lẽ cũng vì anh sợ bị che khuất bởi tài năng chơi đàn và sáng tác của ông bố, phần khác bởi vì anh muốn thoát khỏi cái hình ảnh rập khuôn về âm nhạc Hy Lạp sau thành công vào những năm 1960 của hai bộ phim Zorba the Greek và nhất là Never on Sunday (với bài hát chủ đề Children of Piraeus).
Ít nhất là trong năm năm đầu, Giorgos Daláras hợp tác với các nhà soạn nhạc trẻ tuổi (như Stavros Kouyioumtzis, Apostolos Kaldaras, Manos Loïzos), phổ nhạc theo thơ của các tác giả đang lên thời bấy giờ (như Lefteris Papadopoulos hay Manos Elefteriou), với khá nhiều ảnh hưởng của làng tân nhạc những năm 1970 trong cách hoà âm phối khí, nhạc nhẹ nhưng phối với nhiều nhạc cụ, có đầy đủ bộ dây, bộ kèn, bộ gõ.
Vào lúc làng tân nhạc Hy Lạp đang trở nên cực thịnh, ‘’xuất khẩu’’ nhiều giọng ca sang nước ngoài, cho dù lớp nghệ sĩ này chủ yếu hát tiếng Anh hay tiếng Pháp, thì Giorgos Daláras lại quyết định bơi ngược dòng, phản lại các trào lưu thời thượng. Vào năm 26 tuổi, anh ghi âm một album gồm toàn là các điệu dân ca rebetiko nhân 50 năm ngày ra đời của dòng nhạc này tại Hy Lạp, một quyết định có thể nói là táo bạo, vì thể điệu rebetiko đang trên đà mai một, thường bị giới trẻ chê là cổ xưa lỗi thời.
Cái khéo của Giorgos Daláras là giữ nguyên cái cốt mộc mạc, cái chất đậm đà của làn điệu dân ca, nhưng phối lại với âm thanh hiện đại hơn. Lối khóac áo mới ấy giúp cho người nghệ sĩ cách tân những dòng nhạc truyền thống, nỗ lực khai phóng dân ca đương đại, giúp cho giới trẻ thành thị khám phá lại các điệu ca, điệu hò dân dã, kể cả việc đặt lại ca từ sao cho hợp với bốic ảnh xã hội thời nay.
Đến năm 1978, Giorgos Daláras trình làng một album để đời khi chuyển qua khai thác dòng nhạc La Tinh hát trong cả hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Hy Lạp. Tuy mang chủ đề ‘’La Tinh’’, nhưng người nghệ sĩ chủ yếu đi tìm mẫu số chung giữa nền văn hóa Địa Trung Hải với các thể điệu Nam Mỹ, bắt nhịp cầu nối giữa các nhịp điệu bolero cubano, rumba flamenca của người du mục, các làn điệu huapanco hay charango của Mêhicô; với những âm hưởng đặc thù của xứ sở Hy Lạp.
Một mặt, Giorgos Daláras phối lại các tình khúc La Tinh kinh điển, mặt khác anh sáng tác nhạc Hy Lạp theo điệu bolero. Anh đưa rất nhiều nhạc khí cổ truyền của Hy Lạp vào các tình khúc La Tinh. Phiên bản của nhạc phẩm Historia de un Amor hay là tình khúc La Malaguena theo góc nhìn của danh ca Hy Lạp được phối với hạc cầm và đàn nguyệt (đàn luth), một số bản bolero tiếng Hy Lạp thì mang đậm ảnh hưởng trong cách phối hay trong cách hát chất mộc của dân ca rebetiko, tạo ra một sắc thái lạ thường quyến rũ Đông phương.
Trong thể điệu rebetiko của Hy Lạp, có hẳn hai trường phái. Đầu tiên hết là dân ca theo phong cách smyrnéiko. Lối phối khí rất đa tầng đa dạng, kết hợp đàn luth của người Ả Rập (gọi là đàn oud), vĩ cầm, đàn santouri hay kanonaki, cho thấy rõ ảnh hưởng của văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ một khi bén rễ vào Hy Lạp, cách diễn đạt thiên về các giọng nam trung cao, có âm vực sâu, quảng tám rộng.
Kế đến là dân ca theo phong cách pireotiko, chỉ đơn thuần sử dụng đàn bouzouki của người Hy Lạp, đàn nguyệt baglamas và đàn ghi ta lục huyền của Tây Ban Nha. Lối phối khí trở nên mộc mạc hơn, không uyên bác hàn lâm trong hình thức, nhưng trong nội dung ý tứ, lại rất gần với tình cảm con người. Các ca khúc viết theo thể điệu pireotiko hợp với giọng nam trung trầm và chính cũng với làn điệu này mà đàn bouzouki trở thành nhạc khí tiêu biểu nhất của Hy Lạp, không thua gì ghi ta sáu dây của Tây Ban Nha.
Chính với phong cách thứ hai của rebetiko, tức là dân ca đến từ miền duyên hải Pirée mà Giorgos Daláras sáng tác và diễn đạt các tình khúc của anh. Cho dù sau đó, anh chuyển qua thử nghiệm cọ xát với nhiều dòng nhạc khác kể cả bán cổ điển, nhưng cái cốt của dân ca Hy Lạp vẫn là cái nền tảng để cho anh kết hợp hoà quyện cả một thập niên trước khi khái niệm ‘’âm nhạc thế giới’’ (world music) chính thức ra đời.
Do ảnh hưởng của đàn luth, cho nên trong cách chơi đàn ghi ta sáu dây, nam ca sĩ Giorgos Daláras thường có sở trường đánh thêm nhiều nốt mà vẫn không không lệch điệu sai nhịp, nó tựa như cách chạm trỗ những họa tiết khắc gỗ, nốt ngắt lung lay nguyệt cầm, huyễn hoặc luyến láy âm thầm.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140912-giorgos-dalaras