Mai Xuân Vỹ
7/9/2014
Tôi ngồi ở quán café Saigon Phố trên đường Trương Minh Giảng với Huy, Cường, Mạnh, đám bạn cũ từ thời trung học. Saigon thật quen mà cũng thật lạ với tôi. Lạ là buổi sáng lúc Mạnh nhắn tôi quán café ở đường Trần Quốc Thảo tôi đã phải hỏi lại. Quen là khi biết nó chính là con đường Trương Minh Giảng quen thuộc của tôi ngày xưa.
Đang giữa mùa hè. Trời nắng đổ lửa. Vẫn cái oi bức thường nhật của một ngày hè Saigon. Nhưng khi bước vào đây, chỉ có một mầu xanh mướt, xanh như ngọc, cái mầu xanh mà một thi sĩ đã tìm ra và đặt tên. Quán nằm dưới những tán phượng lớn xanh ngăn ngắt. Tôi không nghe tiếng ve. Đúng ra là tôi không nhớ có tiếng ve trong những lớp những tầng lá phượng ấy không bởi tôi đang điếng hồn vì tiếng nhạc: “Ce n’est pas un chagrin d’amour … c’est bien plus qu’un chagrin d’amour” với cái giọng high tenor của Patrick Juvet như được cất lên từ giữa cái vòm xanh mướt lá phượng kia.
Ngay lập tức, tôi như bỗng quay trở về với Saigon của hơn ba mươi năm trước, cái thời mà Saigon gần như đồng hành với tây phương về văn hoá,với những néant, những nothingness và một chút phong vị của hyppie: the girl with kaleidoscope eyes. Đám chúng tôi lúc ấy vẫn còn ngồi ở những năm cuối của bậc trung học bài vở bề bộn, chỉ nghe mà chẳng hiểu gì về những La Nausée những L’Étranger ấy đâu. Những gì gọi là hiện sinh, là hyppie chỉ dành cho các bậc trưởng thượng. Lũ chúng tôi vẫn học hành chăm chỉ và cũng vẫn nghe The Beatles, The Rolling Stones, Paul Simon, Francoise Hardy, Polnareff, Christophe … Thời ấy chúng tôi không phân biệt ban nhạc, ca sĩ đến từ Pháp Anh hay Mỹ, chúng tôi gần như nghe tất cả những gì đến từ bờ bên này hay bờ kia của Đại Tây Dương, như vẫn nghe Beethoven, nghe Chopin …
Bài hát cũ vang lên, mang về những ký ức của một thời xa lắc đồng thời nhắc nhở một tuổi thanh xuân đẹp nhất đã qua đi chẳng bao giờ trở lại. Những bài hát ấy đã từng vang lên trong không gian này, giữa một Saigon những ở năm cuối của chiến tranh, trên những con đường mà bóng áo hoa áo trận trộn lẫn vào nhau. Đó là những bài hát đã góp vào âm thanh của Saigon những chiều thứ bảy.
Ngoài đường xe vẫn đan nhau như mắc cửi. Và trên kia nắng vẫn dịu dàng qua những tầng phượng xanh ngời. Lũ bạn tôi vẫn thản nhiên cười đùa, chúng đã quen quá với những con đường và những thay đổi hàng ngày ở đây, và chắc là thuộc lòng nhạc của quán. Chỉ có tôi lòng thấp thỏm không yên vì đột ngột bị ném trả về với quá khứ. Ngay ở ngã ba cuối đường kia là đường Trần Quý Cáp với hai hàng me xanh từ chợ Đũi lên đến hồ con rùa. Ngày tôi ra đi chợ Đũi vẫn còn, và hai bên đường là những quán cóc bán café vợt với bàn ghế gỗ thấp. Những quán café ngập tràn nắng xanh và lộng gió trời, được trang điểm giản dị với rất nhiều lá me li ti rụng xuống mỗi khi có gió. Những ly café đá lễnh loãng chắc là có rất nhiều bắp rang trong ấy nữa. Nhưng cần gì, lũ chúng tôi chỉ cần một chỗ ngồi, một chỗ để gặp nhau, và café sao vẫn thơm lạ thường.
Con đường này bây giờ người ta gọi nó là Võ Văn Tần. Ngay ở ngã tư kia, rạp hát Nam Quang vẫn còn đó, nhưng trường trung học tư thục Trường Sơn của nhà văn Nguyễn Sĩ Tế ở kế bên đã biến mất, nhường chỗ cho một cửa hàng điện máy.
Tôi nhìn suốt con đường Trần Quí Cáp với cái chiều dài hơn ba mươi năm, quá khứ ngân dài trong tiếng lá lao xao. Tiếng cười của lũ bạn chợt trong trẻo và trẻ thơ như những năm xưa cũ.
Hai năm sau đó tôi lại về Saigon, quay lại tìm quán cũ. Nó đã biến mất. Người ta đã đập quán và xây building. Bọn tôi vẫn uống café. Dĩ nhiên là ở những quán khác. Saigon có biết bao nhiêu là quán để uống café. Có ai hơi đâu mà nhớ một quán café trong trăm ngàn quán xá ở đây. Tôi biết thế. Nhưng vẫn ngơ ngẩn buồn và nhớ những tàng phượng xanh mướt dưới nắng của mùa hè năm ấy.
Từ của sổ Givral
Tôi thích ngồi ở một trong hai cái bàn ngay ô kính thứ nhất của Givral phía đường Tự Do nếu như bước vào quán bằng cửa chính. Ở đó, nhìn qua ô kính lớn, Continental và nhà hát thành phố như được phủ lên một lớp bụi của thời gian. Ở những lượt đèn xanh đỏ, những chiếc xe dừng lại rồi trôi đi êm ái như có chút huyễn hoặc bởi tiếng động được ngăn lại ngoài kia ô cửa.
Nhà hát thành phố được xây với kiến trúc và kiểu dáng như một nhà hát opéra ở Pháp. Có một thời nó trở thành tòa nhà Quốc Hội. Và bây giờ lại quay trở về với chức năng ban đầu của nó. Bây giờ đây, người ta đang diễn một vở kịch cùng tên với một cuốn truyện của một cây viết trẻ nữ người miền nam. Hơn một thế kỷ trước đó, những vở opéra của Massenet, Puccini, và vở Samson et Dalila của Saint-Saens cũng đã được trình diễn ở đó.
Từ ô kính này, nhìn lên những ô cửa sổ bên Continental, mắt tôi dừng lại ở tầng hai khách sạn. Ô cửa sổ ở góc đường nhìn ra công trường Lam Sơn ấy có phải là phòng số 214 mà Greene đã ở dài hạn trong những lần đến Saigòn để viết cuốn truyện nổi tiếng của ông? Tôi bâng khuâng không biết những năm cuối của thế kỷ 19 bước vào đầu thế kỷ 20, Saint-Saens đã ở đâu trong hơn ba tuần ở Saigon. Có phải ông ấy cũng ở đó? Và khách sạn có sẵn dương cầm cho ông soạn nhạc hay không? Ở những trang tổng phổ hoàn chỉnh của vở opéra cuối cùng -Brunhilde- được ghi rõ: “Saigon, 1895, Avril”. Người nhạc sĩ với tài thị tấu khiến những nhạc sĩ dương cầm lừng lẫy nhất về tài thị tấu như Liszt hay Hans Von Bulow cũng phải nghiêng mình thán phục. Ừ. Saint-Saens dạy Fauré. Fauré dạy Ravel. Còn Ravel là thầy của những nhạc sĩ nào nhỉ? Đó là những gì mà người ta gọi là “truyền thống”. Lớp người này tiếp nối lớp người kia. Continental hay Givral cũng thế. Có nhũng lớp bụi thời gian phủ lên tạo truyền thống cho một Saigon.
Givral cũng là nơi tôi gặp Quốc Bảo lần đầu. Và buổi café đầu tiên kéo dài suốt một buổi chiều mà Bảo từng quả quyết là bọn tôi đã uống hết cả bình café lớn của Givral hôm ấy!
Không lâu, chỉ vài tháng sau khi trở về Melbourne, Bảo nhắn cho tôi biết người ta đã đập bỏ Grival để xây trung tâm thương mại.
Nhiều người đã tiếc vì Givral từng ghi đậm dấu ấn lên lịch sử và văn học. Phượng của Fowler đã gặp bạn bè mỗi ngày từ 11.30 sáng ở đó. Givral của một “The Spy Who Loved Us”. Givral của thi sĩ Đinh Hùng, của Greene và của nhiều người Saigon khác nữa.
Năm nay về Saigon, hai hàng cây dọc Lê Lợi ở công trường Lam Sơn đã bị đốn ngã để xây métro. Và người ta cũng thông báo sẽ đập thương xá Tax để xây một khu shopping 40 tầng.
Nếu như bạn không quen thuộc với Beethoven, có thể bạn sẽ nghĩ hai symphonies số 5 và số 6 được viết ra bởi hai tác giả khác nhau.
Và nếu như bạn không biết rõ Mahler, hẳn là bạn sẽ nghĩ hai symphonies số 4 và số 6 cũng được viết bởi hai nhạc sĩ hoàn toàn khác nhau, thậm chí sống cách nhau khoảng vài chục năm nữa kia không chừng?
Saigon có lẽ cũng thế. Nếu ai đó không biết nó đủ chắc sẽ nghĩ đó là hai thành phố khác nhau nếu gặp nó hai lần ở cùng một không gian với cái khoảng cách vài năm của thời gian?
Hay biết đâu, những người đã từng biết tường tận Saigon lại chẳng có lúc trên một con đường quen thuộc, chợt dừng lại ở một góc phố, phân vân không biết con phố ấy có vẫn là Saigon của họ hay không?
Mai Xuân Vỹ
Post Scriptum:
Ce n’est pas un chagrin d’amour – Bài hát do chính Patrick Juvet viết và soạn lời chung với Daniel Balavoine
Đây là bài hát tôi vẫn thường nghe vào những năm khốn khó ở Saigon. Tôi nghe và thấy mình bớt …khổ. Thật vậy. Và nhất là có được cái cảm giác giải thoát. Thoát ra những áp bức dồn nén không kể được cho ai. Lũ bạn đồng cảnh ngộ tìm cách thoát khỏi các áp bức ấy rất nhanh bằng cách vượt biên. Tôi thì vẫn ngu ngơ chờ cho …đời bớt khổ!
C’est la fin d’un jour. Như lời của bài hát. Đời chẳng bao giờ bớt khổ cho những người ở phía Nam vĩ tuyến 17, những người thua cuộc. Nhất là những gia đình có “nợ máu với nhân dân”. Người ta bảo thế.