Tuấn Thảo
23/8/2014
REUTERS /Ricardo Moraes
Brazil nổi tiếng là xứ sở của bóng đá và samba, còn là nơi mà giới nghệ sĩ thử nghiệm nhiều tìm tòi khám phá. Giai đoạn quan trọng là vào đầu những năm 1960, thời mà các nhà sáng tác khai phóng nhiều dòng nhạc mới. Nhưng bên cạnh “làn sóng” bossa nova, còn có hẳn một phong trào nhạc trẻ gọi là “jovem guarda”.
Giới trẻ Brazil thời bấy giờ hấp thụ nhiều luồng ảnh hưởng khác nhau, họ tìm thấy tư tưởng tự do và cung cách phóng khoáng trong nhạc rock, ngẫu hứng biến tấu của jazz, chất mộc mạc chân phương của blues, làn điệu say đắm trữ tình của dòng nhạc La Tinh. Hấp thụ để rồi diễn giải lại, phong trào nhạc trẻ của Brazil chính thức ra đời vào cuối năm 1964, tức cách đây đúng 50 năm, hầu như vào cùng một thời điểm với phong trào nhạc trẻ (yé yé) tại Pháp.
Phong trào nhạc trẻ Jovem Guarda (có thể hiểu theo nghĩa lớp trẻ tiền phong) thật sự trỗi dậy nhờ có sự hưởng ứng của báo chí truyền thông, các chương trình truyền thanh truyền hình liên tục được phát sóng, điển hình là chương trình hàng tuần phát sóng vào chiều Chủ nhật (Youth Sunday Afternoons). Tuy nhiên, ngay ở bên trong phong trào này, có hẳn nhiều nhánh khác nhau.
Trường phái đầu tiên là của nam danh ca Roberto Carlos, còn được mệnh danh là Ông hoàng dòng nhạc La Tinh “The King of Latin Music”. Ông hoàng bởi vì thời còn trẻ, Roberto Carlos rất ngưỡng mộ Elvis Presley, các bài hát của Roberto Carlos gợi hứng rất nhiều từ nhạc rock của Mỹ từ ông hoàng Elvis cho tới các nghệ sĩ như Chuck Berry, Little Richard, Jerry Lee Lewis, Gene Vincent …
La Tinh bởi vì rất nhiều ca khúc ăn khách những năm 1960 là những bài hát chuyển ngữ, tiếng Anh, tiếng Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cũng nhờ vậy mà sau này, Roberto Carlos song song với tay đàn nhạc jazz Sergio Mendes, giúp cho dòng nhạc pop La Tinh chinh phục thị trường quốc tế. Tựa như một cánh chim đầu đàn của phong trào Jovem Guarda, Roberto Carlos đã dẫn đường cho thế hệ ca sĩ cùng thời như Erasmo Carlos, Wanderléa, cũng như cho lớp nghệ sĩ đi sau như Nara Leão, Maria Bethânia, Gal Costa, Milton Nascimento hay là Elis Regina …
Trường phái thứ nhì trong phong trào nhạc trẻ của Brazil những năm 1960 là trường phái Tropicália, còn được gọi là Tropicalismo. Các nghệ sĩ xuất thân từ trường phái này như Caetano Veloso, Gilberto Gil, Os Mutantes, Gal Costa, Tom Zé, Torquato Neto, một mặt chịu ảnh hưởng của phong trào nhạc rock đến từ vương quốc Anh (tiêu biểu qua các nhóm The Beatles và The Rolling Stones), mặt khác, họ hấp thụ ảnh hưởng dòng nhạc folk từ các tác giả (songwriters) như Bob Dylan, Bob Segers, Hank Williams, Woody Guthrie, Robert Johnson …
Phong trào Tropicália khai sinh từ những năm 1967-1968 không chỉ đơn thuần là âm nhạc mà còn kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật khác như hội họa thi văn, với ảnh hưởng rất sâu đậm của Jack Kerouac và Allen Ginsberg, hai gương mặt tiêu biểu của phong trào Beat Generation. Tiên phong hay đương đại, các luồng tư tưởng đến từ nước ngoài ấy được hấp thụ để rồi diễn đạt lại theo cách nhìn của người Brazil, trong cả giai điệu và làn điệu, ấm áp trữ tình, chan hoà ánh nắng, đậm nét văn hóa đặc thù của Brazil qua biểu tượng Tropicalismo, bản sắc tinh hoa của một dân tộc miền nhiệt đới.
Có thể nói là trong thời gian đầu, Phong trào Tropicália đã tìm cách tạo thế đối trọng với làn sóng nhạc trẻ Jovem Guarda, do dòng nhạc này chủ yếu nhắm vào giới trẻ nên nhiều bài hát có ca từ ngây ngô bị cho là hời hợt nông cạn. Trong lối sáng tác, các nghệ sĩ xuất thân từ trường phái này có một góc nhìn nghiêm túc, cặn kẽ và thấu đáo hơn. Lối tiếp cận đó gần giống với phong trào sáng tác bossa nova, nhưng chủ yếu về mặt tư duy, vì trong cách diễn đạt các nghệ sĩ Tropicalismo không nhất thiết sử dụng thể điệu bossa nova làm điểm nhấn.
Bản thân đất nước Brazil là một xứ sở đa văn hóa, ngay từ lúc hình thành, dòng âm nhạc nước này đã chịu cùng lúc đến ba luồng ảnh hưởng khác biệt : di sản thổ dân Trung Mỹ và Nam Mỹ, các nhịp điệu đậm đặc chất mộc từ châu Phi, văn hóa đến từ châu Âu nhưng rõ nét nhất vẫn là hệ ngôn ngữ Bồ Đào Nha.
Trong cái bối cảnh đa văn hóa ấy, nhiều nghệ sĩ sáng tác đã tìm cách bắt nhịp cầu nối giữa các luồng văn hóa khác nhau mà không nhất thiết phải đứng hẳn về một trường phái nào. Nếu như các tên tuổi như Heitor Villa-Lobos, Antonio Carlos Jobim, João Gilberto, Baden Powell, Vinícius de Moraes hay là Gilberto Gil sau đó đều trở thành những nhân vật có tầm cỡ cực kỳ lớn trong làng nhạc quốc tế thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, còn có nhiều gương mặt khác như hai anh em nhạc sĩ dòng họ Teixeira (Newton và Edgard), Luiz Gonzada, Jacob do Bandolim, Altemar Dutra de Oliveira nỗ lực đi tìm sự đồng cảm đồng âm với các làn điệu La Tinh. Một mặt, họ chuyển ngữ các bản nhạc La Tinh kinh điển từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Bồ Đào Nha. Mặt khác, họ tham gia vào phong trào sáng tác các bản nhạc nguyên gốc, mà sau này được nhiều nghệ sĩ Brazil, từ thế hệ đàn anh như Roberto Carlos, Chico Buarque cho tới lớp nghệ sĩ trẻ thời nay như Alexandre Arez, Daniela Mercury đã góp phần làm giàu bộ vựng tập La Tinh.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140823-phong-trao-nhac-tre-sang-tac-chuyen-ngu-tu-brazil