Bolero Tri-O, thế hệ trẻ đa tình hoài niệm nhạc La Tinh

Tuấn Thảo
9/8/2014

Thập niên gần đây đánh dấu sự trỗi dậy của khá nhiều gương mặt trẻ chuyên hát nhạc La Tinh. Từ Ý sang Áo, Colombia hay Mêhicô, các nghệ sĩ đơn ca hay hợp diễn giống nhau ở một điểm : tuy còn non tuổi đời, nhưng lại có kinh nghiệm sàn diễn, họ làm sống lại một dòng nhạc đậm chất hoài niệm, cứ tưởng chừng như chỉ dành riêng cho lứa tuổi cao niên.


Một trong những trường hợp điển hình là ban nhạc người Colombia Los Tri-O. Nhóm này gồm ba thành viên là Andrés, Esteban & Manuel, họ được đào tạo bài bản ở trường lớp, đi hát từ thuở thiếu thời, cho dù ban đầu mỗi người chọn biểu diễn pop rock, hay những thể loại âm nhạc hợp với lứa tuổi của họ.

Đến đầu những năm 2000, ba ca sĩ trẻ này mới gặp nhau nhân một kỳ tuyển lựa các giọng hát. Gợi hứng từ mô hình của nhóm Il Divo, nhà sản xuất Johnny Gutiérrez mới sáng lập ban tam ca Los Tri-O, nhưng với một đặc điểm, thay vì khai thác dòng nhạc bán cổ điển, nhóm này chỉ đơn thuần hát nhạc bolero.

Ngay từ lúc phát hành tập nhạc đầu tiên, nhóm Los Tri-O đã lập tức gặt hái thành công tại Colombia. Tên tuổi của họ nhanh chóng lan tỏa sang các nước láng giềng Nam Mỹ, lọt vào bảng xếp hạng của Mêhicô, cho dù quốc gia này không thiếu gì các giọng ca chuyên hát nhạc bolero.

Trong vòng 10 năm liền, nhóm Los Tri-O trình làng sáu album gồm toàn là các ca khúc kinh điển của dòng nhạc La Tinh. Mô hình của nhóm gợi hứng khá nhiều từ các ban nhạc nổi danh những thập niên về trước, trong đó có các ban tam ca như Los Tecolines, Los Condes, Los Quechas, Tres Aces, nhưng tiêu biểu hơn cả là nhóm Trio Los Panchos, nổi tiếng trên khắp thế giới từ những năm 1950.

Tuy nhiên, để không bị các bóng cây đại thụ che khuất, ban tam ca Los Tri-O phải tìm cho ra một lối trình bày khác biệt, một nét gì đó của riêng mình. Trong cách phân đoạn ca khúc, hát bè hay phụ họa, nhóm này ít dựa vào một giọng ca chủ đạo. Khác với các bậc đàn anh, cả ba giọng ca tuy mỗi người một thanh sắc nhưng về vị trí và tầm cỡ đều ngang bằng với nhau. Mô hình của nhóm giúp cách phân đoạn trở nên linh hoạt hơn, mỗi thành viên có thể hát thay thế, thậm chí hát điền câu cho nhau.

Đặc điểm thứ nhì của nhóm Los Tri-O là sở trường hát liên khúc bolero của họ, ghép hai bài thành một. Tuy không phải lúc nào cũng đạt, nhưng ghi âm liên khúc là một cách để vinh danh nhiều nghệ sĩ đàn anh từ Juan Gabriel cho tới Agustin Lara, kết hợp Miguel Matamoros với Ñico Saquito, hoà quyện tiết tấu của Carlos Eleta Almaran với giai điệu của José Antonio Méndez. Những bản nhạc tưởng chừng như thuộc về quá khứ (Parece Que Fue Ayer), nào ngờ lại là tình ca lãng mạn muôn thuở (Romanticos por Siempre).


Trường hợp của nhóm Los Tri-O của Colombia làm cho ta liên tưởng đến ban tam ca người Ý Il Volo và gần đây hơn nữa là nhóm Latin Lovers của Pháp. Có ý kiến cho rằng làng giải trí show biz trước sự khủng hoảng của ngành băng đĩa, lao vào khai thác dòng nhạc xưa. Các ban tam ca Los Tri-O hay Il Volo giống như là các nhóm boys band hát nhạc La Tinh (hiểu theo nghĩa xấu nhất).


Nhưng nói như vậy thì chỉ đúng có một phần vì ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, các tác giả vẫn duy trì truyền thống diễn đạt và sáng tác bolero. Các nghệ sĩ thuộc trường phái nuevo bolero như Jorge Buenfil, Rosamel Araya, Javier Caumont, ngoài việc khoác áo mới cho các bản bolero vang bóng một thời, còn nỗ lực sáng tác theo phong trào ‘’bolero mới’’. Những sáng tác của họ chưa có đủ bề dày năm tháng, nhưng biết đâu chừng lại trở nên kinh điển với thời gian.

Chẳng hạn như trường hợp của ca sĩ người Mêhicô Martin Serrano hay là danh ca Colombia Charlie Zaa. Tuy còn khá trẻ tuổi, nhưng của họ đều tiếp nối dòng nhạc của các bậc đàn anh, các bản ballad của họ đều kết hợp bolero với nhiều thể loại khác. Trong trường hợp của Martin Serrano là bolero ranchero, còn Charlie Zaa hoà quyện bolero với salsa.

Tên thật là Carlos Alberto Sánchez, Charlie xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Thân phụ của anh là nam danh ca Luis Humberto Sánchez. Để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình, Charlie không chọn nghệ danh như ông bố, và anh vào nghề ca hát với các nhóm nổi tiếng chuyên chơi nhạc salsa (là Grupo Niche và Guayacán). Giữa những năm 1990, anh tách ra riêng và khởi đầu sự nghiệp hát solo.


Thể loại sở trường của Charlie Zaa là rumba salsero, với phần mở đầu dập dìu điệu bolero, còn điệp khúc thì lại phối như salsa (hiểu theo nghĩa rộng, tức là có thể bao gồm luôn các thể điệu cumbia, cha cha, bachata …) Được đề cử hai lần tranh giải Grammy La Tinh, ca sĩ này trong 7 tập nhạc liên tiếp, đã nỗ lực làm giàu cấu trúc của bolero, cho dù ban đầu đó không phải là ngôn ngữ sở trường của anh.

Về phần mình nam ca sĩ Patrizio Buanne tuy là người gốc Ý, nhưng lại sinh trưởng tại Áo, do bố mẹ anh lập nghiệp kinh doanh tại thủ đô Vienna. Từ nhỏ, Patrizio học giỏi các ngoại ngữ, nói được 5 thứ tiếng, nhưng cũng từ đó mà gia đình mới phát hiện là anh có lỗ tai âm nhạc, nhờ thính giác bén nhạy mà học nhạc rất dễ, phát âm ngoại ngữ rất chuẩn. Cậu bé bắt đầu thi hát, và đi biểu diễn từ năm 11 tuổi.


Đĩa hát đầu tay, Patrizio Buanne ghi âm vào năm 1997, nhưng từ năm 2002 trở đi, sự nghiệp của anh mới thật sự cất cánh, trong vòng một thập niên, anh ghi âm đến 7 album, chủ yếu ăn khách tại các nước châu Âu như Ý, Đức, Áo, Ba Lan, Thụy Sĩ … Nhờ vốn liếng ngoại ngữ, Patrizio Buanne ghi âm khá nhiều bản song ngữ, thường là tiếng Anh và tiếng Ý.

Thể loại sở trường của anh là dòng nhạc crooner Anh Mỹ những năm 1950, hát nhạc xưa nhưng với cung cách của giới trẻ thời nay, anh có làn hơi khỏe khoắn đầy đặn nhưng không nhất thiết phải luyến láy trên mỗi chữ cuối câu. Dòng nhạc La Tinh không hẳn là những gì anh yêu thích nhất, ngoại trừ các ca khúc ‘’tiếng Ý’’ mà anh thường hát đúng theo phong cách của người dân vùng Napoli (canzone napoletana), vốn là nguyên quán của gia đình anh, với lối phát âm chuẩn mực, bỏ dấu đúng chỗ.

Các bản bolero mà anh từng thâu trên đĩa thường có lối hoà âm theo bậc thang, dần dần đi lên từ cung trầm cho tới những nốt cao nhất mà vẫn không bị đuối hơi. Tiêu biểu nhất là bài Malafemmena, có phần nổi trội hơn cả phiên bản của nam danh ca tenor người Ý Andrea Bocelli. So với các bậc đàn anh hào hoa thời trước, thế hệ trẻ giờ đây không kém chữ đa tình, chắt chiu bao hoài niệm tiếng nhạc hồn La Tinh.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140809-bolero-the-he-tre-da-tinh-hoai-niem-nhac-la-tinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây