Salsa, vũ điệu La Tinh thịnh hành nhất Âu Mỹ

Tuấn Thảo
1/8/2014


© Kutimusic

Theo các số liệu chính thức, chỉ riêng tại Pháp, hiện có khoảng 1300 câu lạc bộ dạy nhảy salsa, tức là cao gần gấp đôi các lớp tango. Từ năm 1986, salsa chính thức trở thành một bộ môn thể thao. Điều đó có nghĩa là người Pháp có thể học salsa để khiêu vũ giải trí, nhưng với trình độ chuyên môn, thì ta cũng có thể tham gia vào các cuộc thi đẳng cấp quốc gia hay quốc tế.


Liên đoàn khiêu vũ quốc gia (Fédération Française de Danse) của Pháp dạy ba kiểu nhảy salsa khác nhau : salsa cubana như tên gọi của nó là salsa theo phong cách của người Cuba. Đây là thể điệu thông dụng nhất tại Pháp, do các bước nhảy căn bản tương đối dễ học, hợp với thị hiếu của người Tây Âu.

Còn salsa puertoricana chẳng những là nhảy cặp mà còn phải nhảy theo một hàng, thường là theo tuyến ngang. Cách gọi này không hoàn toàn chính xác do kiểu nhảy này tuy thịnh hành, nhưng lại xuất phát từ Mỹ chứ không phải là từ Puerto Rico. Trái lại, salsa colombiana thì thật sự bắt nguồn từ Colombia, nhịp điệu dồn dập hơn đi kèm với cử chỉ điệu bộ nhanh nhẹn, mang nhiều tính biểu diễn.

Cả ba kiểu nhảy này cho thấy là tuy có cùng một gốc, nhưng vũ điệu salsa lại phát triển thành nhiều nhánh khác nhau. Về mặt âm nhạc cũng vậy, rất khó thể nào mà khẳng định chính xác nguồn gốc của salsa, do dòng nhạc này hấp thụ cùng lúc nhiều luồng ảnh hưởng, kết hợp nhiều thể điệu khác nhau, kể cả nhịp mambo và son montuno của người Cuba, bomba và plena của Puerto Rico, jazz và bebop của người Mỹ. Có lẽ vũng vì thế mà salsa hiểu theo nghĩa đen là nước xốt, hiểu theo nghĩa bóng là hoà quyện trộn lẫn.

Những bản ghi âm của tay đàn Ignacio Piñeiro cho thấy là salsa đã manh nha từ đầu những năm 1930, chữ salsa xuất hiện lần đầu tiên trong bản nhạc Echale Salsita của nghệ sĩ này, nhưng Ignacio Piñeiro đã thử nghiệm cách biểu diễn hỗn hợp nhiều thể điệu khác nhau (changuí, charanga, son montuno) trong cùng một bản nhạc (đó là bài Dónde Estabas Anoche 1925). Đến những năm 1950, thời kỳ thịnh hành của mambo và bolero, điệu salsa ra đời tại quần đảo Caribê, hầu như vào cùng một thời điểm với điệu cha cha cha.

Nếu như cha cha biến tấu từ mambo, thì salsa là một cách để cho người nghệ sĩ biểu diễn theo lối phản quy tắc : ở đây cần hiểu theo nghĩa, mỗi thể điệu định ra một khuôn thước, nhưng người biểu diễn không nhất thiết phải chơi rập khuôn. Ngược lại, tùy theo vốn liếng, bản lĩnh, và ngẫu hứng trong khoảnh khắc, họ có thể biến tấu, tự kết hợp nhiều thể điệu với nhau. Lối tiếp cận phóng khoáng này do gần giống với nhạc jazz, nên sau đó tìm được sự đồng cảm, hưởng ứng của giới chơi jazz : thoát khuôn nhưng không phản ý, phá cách nhưng vẫn nguyên cốt.

Vào giữa những năm 1950, José Curbelo viết bài Mambo Cha Cha, Benny Moré đặt tựa ca khúc Son Guajiro, Cheo Marquetti thành lập nhóm Conjunto Salseros, họ hoà quyện những thể điệu sẵn có để tìm cho ra một cách diễn đạt mới, đặt nền móng cho phong trào salsa, từ đó mà lan tỏa sang khắp thế giới.

Nếu như các nhịp điệu cơ bản nhất đã ra đời tại Cuba và Puerto Rico, thì phong trào salsa (kể cả vũ điệu lẫn âm nhạc) chỉ thật sự trỗi dậy nhờ vào sự đóng góp của Hoa Kỳ, Venezuela, Mêhicô, Colombia, Panama, Cộng hoà Dominica … mỗi nước mỗi nước mỗi miền đóng góp một chút : calypso, son cubano, danzón, pachanga, boogaloo. Các nhánh sông ngòi tuôn tuôn siết chảy đổ về hợp nhất thành hồ sâu biển rộng.

Thế nhưng, sự đóng góp dồi dào và quan trọng nhất lại xuất phát từ Hoa Kỳ, hay nói cho đúng hơn là từ cac cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha sống trên đất Mỹ. Việc Hoa Kỳ công nhận vào năm 1952 bản hiến pháp của Puerto Rico, nâng vùng đất này lên thành một vùng tự trị trong liên bang Mỹ, đã tạo ra làn sóng nhập cư ồ ạt đầu tiên.

Người dân Puerto Rico đến định cư tại New York lập ra khu phố El Barrio còn được gọi là Spanish Harlem, khu vực phía đông bắc Manhattan, chiều ngang từ đại lộ thứ nhất đến đại lộ thứ năm, chiều dọc từ con đường số 96 đến 125, trở thành tâm điểm của người định cư nói tiếng Tây Ban Nha, còn được gọi là “Nuyorican”.

Làn sóng định cư thứ nhì đến từ Cuba vào năm 1959. Hòn đảo này hoàn toàn bị cô lập do lệnh cấm vận. Cộng đồng người tỵ nạn chủ yếu lập nghiệp tại New York và nhất là Miami. Ảnh hưởng của âm nhạc Cuba vào dòng nhạc salsa bắt đầu lu mờ. Salsa hấp thụ nhạc jazz của Mỹ, cũng như các luồng văn hóa đến từ quần đảo Caribê.

Salsa thật sự cất cánh trên đất Mỹ từ đầu những năm 1970, với ngày đăng quang của nữ hoàng Celia Cruz, và hàng loạt thần tượng như Tito Puente, Johnny Pacheco, Ray Barretto, Larry Harlow, Roberto Roena, Bobby Valentín, Héctor Lavoe … Họ cũng nhận được sự tiếp sức của các nghệ sĩ jazz Latinh như Eddie Palmieri và Willie Colón sau một thập niên khám phá tìm tòi với dòng nhạc bossa nova của Brazil.

Từ những năm 1980 cho tới những năm gần đây, thế hệ sau tiếp nối nỗ lực của thế hệ trước. Các nghệ sĩ như Gloria Estefan hay Ricky Martin hoà quyện salsa với pop, Jennifer Lopez và Marc Anthony chủ yếu khai thác dòng nhạc salsa romantica, Edith Lefel hoà quyện salsa với zouk, Sean Paul kết hợp salsa và reggaetton thành salsaton, các tay DeeJays thì lại chuyên hoà âm lại điệu salsa với nhạc khí điện tử để rồi gọi đó là latin house …

Sự kết hợp không ngừng đó có thể giải thích vì sao giới trẻ thời nay, cảm thấy hợp với nhạc salsa hơn là bolero cho dù rất nhiều bản bolero nổi tiếng từng được chuyển thể, hoà phối theo điệu rumba salsero. Tuy nhiên, sự hoà quyện không ngừng đó dẫn tới sự biến chất của salsa, do kết hợp không khéo nên đễ biến thành món lẩu thập cẩm.

Ngành sản xuất băng đĩa khai thác chữ salsa (cũng như chữ La Tinh) như một thương hiệu, và thảy vào bên trong nhiều thể điệu như cumbia, bachata, merengue mà thật ra chẳng ăn nhập gì với salsa. Một số nhịp điệu hỗn hợp được thực hiện theo đơn đặt hàng, chế biến theo công thức mà lại chóng quên điệu salsa chỉ quyện hồn La Tinh, khi tuôn chảy cảm xúc vô hình. nơi xuất phát ngẫu hứng thật tình.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140801-salsa-vu-dieu-la-tinh-thinh-hanh-nhat-au-my

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây