Spanish Eyes, trong xanh mắt biếc long lanh từ biệt

Tuấn Thảo
26/7/2014

Một bản nhạc tình phối theo phong cách La Tinh. Lời hát đầu tiên được viết cho nguyên tác là bằng tiếng Anh. Tựa đề Spanish Eyes có nghĩa là Đôi mắt Tây Ban Nha. Nửa thế kỷ sau ngày ra đời, bài hát của tác giả Bert Kaempfert đã đi vòng quanh thế giới với hàng trăm phiên bản ghi âm, nhưng ít ai để ý rằng người viết ca khúc này lại là một nhạc sĩ người Đức.


Mọi chuyện bắt đầu với một chuyến đi du ngoạn vịnh Napoli. Trước vẻ đẹp tuyệt vời của các danh lam thắng cảnh miền Nam nước Ý, tác giả Bert Kaempfert mới soạn ra một khúc nhạc mà ông đặt tên là Moon Over Naples Ánh trăng trên vịnh Napoli. Bản nhạc này mở đầu cho album nhạc hoà tấu phát hành vào năm 1964, tức cách đây vừa đúng 50 năm.

Album này giống như một tuyển tập xen kẽ những sáng tác mới và phiên bản (cover) ghi âm lại, qua đó tác giả đưa ta vào một cuộc hành trình âm thanh khác lạ, từng bước khám phá các vùng đất xa, từ Đông Âu đến Nam Phi, từ Phù Tang sang Bắc Mỹ. Do bản nhạc chủ đề Moon Over Naples của tuyển tập chọn lọc này rất hay cho nên ngay từ đầu, đã có nhiều người thử đặt thêm ca từ cho khúc nhạc hoà tấu. Lời hát đầu tiên do tác giả Charles Singleton viết vào năm 1965, nhưng phiên bản ghi âm đầu tiên (của ca sĩ Sergio Franchi) lại không thành công.

Đến một năm sau, khi tác giả Eddie Snyder đặt thêm lời thứ nhì, chỉnh sửa một số đoạn cho ca sĩ Al Martino, biến khúc nhạc Ánh trăng trên vịnh Napoli (Moon Over Naples) thành Đôi mắt Tây ban Nha (Spanish Eyes), thì lúc ấy bài hát mới ăn khách, đứng đầu bảng xếp hạng thị trường Anh Mỹ. Kể từ năm 1966 trở đi, bài hát được xem như là của nhà soạn nhạc Bert Kaempfert và của hai tác giả Singleton và Snyder. Trong chương trình RFI tuần này, chúng ta cùng nghe cả hai phiên bản với lời tiếng Anh khác nhau : Moon Over Naples(Blue) Spanish Eyes.


Vài năm sau đó, đến phiên nhạc sĩ Carlo Mapel viết thêm lời tiếng Tây Ban Nha Los Ojos de la Espanola và chuyển thể ca khúc này sang điệu bolero. Trong vòng ít nhất là ba thập niên liền hàng loạt ca sĩ nổi tiếng như Andy Williams, Elvis Presley, Engelbert Humperdinck, Wayne Newton, Willie Nelson & Julio Iglesias, … đều có ghi âm ca khúc này. Bài hát ăn khách trở lại mỗi lần có ghi âm mới, tiêu biểu nhất là phiên bản của Jon Secada trên tập nhạc Classics, bao gồm toàn là những ca khúc kinh điển.

Tên thật là Berthold Kämpfert, nhạc sĩ người Đức sinh trưởng tại thành phố Hamburg (sinh năm 1923 – mất năm 1980). Thời còn nhỏ ông có nhiều năng khiếu âm nhạc và học đàn dương cầm từ năm lên sáu. Nhưng nhạc khí sở trường của ông không phải là đàn phím mà là “đàn gió” (wind instrument), ông chơi rất giõi kèn gỗ clarinet và kèn đồng saxophone, sau này ông tự học thêm đàn phong cầm để làm giàu sáng tác.

Thời niên thiếu ông chơi kèn cho ban nhạc đài phát thanh thành phố Dantzig, dưới sự điều khiển của nhạc sư Hans Buch. Nhờ vào sự dìu dắt của thầy, mà ông sau đó trở thành một trong nhạc trưởng trẻ tuổi nhất những năm 1950. Thể loại sở trường của ông là jazz và easy listening, ngoài việc điều khiển các dàn nhạc hoà tấu, ông còn có tài hoà âm và sản xuất các album đĩa hát.

Giai thoại kể rằng chính ông là người đầu tiên vào đầu những năm 1960 chịu bỏ tiền ra để ký hợp đồng với nhóm Tứ Quái, mướn nhóm này chơi đàn trên các đĩa hát do ông sản xuất (trong đó có đĩa nhựa My Bonnie của Tony Sheridan). Vào thời ấy, nhóm Tứ Quái vẫn còn được gọi là The Quarrymen, chuyên biểu diễn trong các quán nhạc ở thành phố Hamburg (từ mùa hè năm 1960, đến cuối năm 1962), họ nổi tiếng không lâu sau đó trên khắp thế giới với nghệ danh The Beatles, sau khi gặp mặt hai nhà sản xuất Brian Epstein và George Martin.

Vào năm 1964, khi tác giả Bert Kaempfert soạn khúc nhạc Moon Over Naples thì ông gợi hứng ban đầu từ các ca khúc tiếng Ý. Theo lời kể của nhạc sĩ Herbert Rehbein, ngoài đời hai người chơi thân với nhau trong hơn 20 năm, thì tác giả này dùng rất nhiều tiếng đàn mandolin lung lay ‘’luyến rền’’ để gợi lên cái ý tưởng của một vầng trăng lấp lánh, tỏa ánh dịu dàng như tình nhân âu yếm vuốt ve cho biển hồ gợn sóng.

Một khi chỉnh sửa thành nhạc phẩm Spanish Eyes, thì các phiên bản hoà âm khác xa với nguyên tác một trời một vực, có lúc thì réo rắc tiếng đàn hạ uy cầm (đàn ghi ta hawai), khi thì đậm sắc La Tinh nhưng theo phong cách các dàn nhạc mariachi của người Mêhicô. Sau này đến giữa những năm 1970, khi ghi âm lại một phiên bản khác, tác giả Bert Kaempfert mới dùng tài hoà âm phối khí để tránh làm phản ý ca từ.

Bản nhạc Đôi mắt Tây Ban Nha mở đầu cho một loạt ca khúc ăn khách. Cùng với một nhóm sáng tác, tác giả Bert Kaempfert soạn thêm ca khúc “Strangers in the Night” cho giọng ca vàng Frank Sinatra, cũng như nhạc phẩm L.O.V.E cho Nat King Cole, ông hoàng của dòng nhạc crooner. Nhờ vào những sáng tác này mà ông năm lần đoạt giải BMI awards (Broadcast Music Incorporated) của nghiệp đoàn chuyên về tác quyền ở Hoa Kỳ, trong cả hai lãnh vực sáng tác ca khúc và soạn nhạc hoà tấu. Tài nghệ của ông được so sánh ngang tầm với nhà soạn nhạc người Mỹ Burt Baccharach.

Đang trên đà thành công, tác giả Bert Kaempfert lại đột ngột qua đời do tai biến mạch máu não vào năm 56 tuổi trong lúc ông đi nghỉ mát trên đảo Mallorca ở Tây Ban Nha. Ông ra đi quá sớm, để lại khoảng 400 bài hát và tác phẩm, trong đó có ít nhất là 10 bài thuộc vào hàng kinh điển, mỗi bài có từ vài trăm đến cả ngàn phiên bản ghi âm chính thức khác nhau.

Vĩnh viễn ra đi vào một ngày lập hạ (ngày 21 tháng Sáu năm 1980), tác giả này lại để lại cho đời nhiều tình khúc mùa hè bất tận. Sở trường của ông là kèn gỗ và kèn đồng, nhưng ông lại biết dùng nhiều loại nhạc khí khác nhau để tạo ra một thế giới đầy sắc thái.

Từ những năm tháng đầu đời, thời mà ông tái tạo những âm thanh mượt mà của những vùng đất xa lạ, cho tới đỉnh cao sự nghiệp tay nghề, thời mà ông tạo ra một hệ thống ngôn ngữ, nhạc khí tựa như ngữ vựng, âm thanh bóng bẩy hình tượng, thời mà ông dùng tiếng đệm lung linh của mộc cầm marimba để gợi lên một ý tưởng duy nhất : khóe mắt trong xanh giai nhân mắt biếc, khoảnh khắc long lanh lệ tuôn từ biệt.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140726-spanish-eyes-trong-xanh-mat-biec-long-lanh-tu-biet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây