Tuấn Thảo
19/7/2014
RFI / Tuấn Thảo
Trong số các tác giả La Tinh chuyên viết nhạc bolero, Rafael Hernández Marín là một trong những nhân vật hàng đầu. Sinh trưởng tại Puerto Rico (1891 – 1965), Rafael Hernández Marín chẳng những nổi tiếng lúc sinh tiền ở quê nhà, mà còn đưa các bản nhạc của mình sang phổ biến tại Mêhicô, Cuba và quần đảo Caribê.
Ra đời trong một gia đình nghèo tại thị trấn Aguadilla, Puerto Rico, Rafael từ thuở thiếu thời có một cuộc sống rất khiêm tốn. Để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình ông học nghề quấn điếu xì gà, bắt đầu đi làm từ những năm đầu cấp trung học phổ thông, và sau đó học nghề nhiều hơn là học chữ. Cũng may cho ông là từ nhỏ ông đã có năng khiếu âm nhạc, nên được cha mẹ cho đi học đàn tại nhạc viện thành phố San Juan, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư âm nhạc Jose Ruellan Lequenica và Jesús Figueroa.
Từ năm 12 tuổi, ông bắt đầu học cùng lúc nhiều nhạc khí : kèn ống, ghi ta, vĩ cầm và piano. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia âm nhạc, đến khi ông nắm vững nhạc lý và bắt đầu học cách sáng tác, thì lúc đó Rafael Hernández Marín mới thật sự có cơ hội đổi đời. Những sáng tác của ông góp phần tân trang thay đổi diện mạo của làng âm nhạc Puerto Rico.
Dòng nhạc của Rafael Hernández Marín có trở nên đa dạng chủ yếu vì ông có dịp đi ra nước ngoài, cũng từ đó mà ông có cơ hội tiếp xúc và học hỏi thêm kinh nghiệm sáng tác. Thời thanh niên, ông thi hành nghĩa vụ quân sự, sang Pháp chiến đấu với quân đội Mỹ thời Đệ Nhất Thế Chiến (Puerto Rico thuộc chủ quyền Hoa Kỳ từ năm 1898, cho dù không sáp nhập thành một tiểu bang). Sống sót trở về sau cuộc chiến, ông từng lập nghiệp một thời gian ở New York, trước khi sang Cuba lập nghiệp nhờ ký hợp đồng biểu diễn trong vòng bốn năm với dàn nhạc của nhà hát Fausto Havana.
Người càng đi xa, càng nhớ quê nhà : Tình người và tình hoài hương trở thành hai chủ đề sáng tác ưng ý nhất của tác giả này. Thế nhưng, ông Rafael Hernández Marín không chỉ ngợi ca quê hương và tổ quốc của riêng mình là Puerto Rico, ông còn viết nhiều bài để nói lên vẻ đẹp của những nơi ông từng sinh sống, những chốn ông từng ghé thăm.
Thành ra có một điều rất lạ nơi tác giả Rafael Hernández là nhiều bài hát của ông được người dân xứ khác xem như là của họ. Chẳng hạn như nhạc phẩm “Qué Chula es Puebla” được người dân miền nam Mêhicô (thuộc bang Puebla, thủ phủ là Heroica Pebla de Zaragoza) xem như là một bài dân ca bản địa. Còn nhạc phẩm “Linda Quisqueya” thì lại được người dân đảo Dominica xem như là một bản quốc ca, cho dù nước này đã có một bài quốc ca chính thức.
Riêng đối với người Puerto Rico, nhạc phẩm Preciosa (sáng tác vào năm 1937) được xem như là bài hát hay nhất viết về quê hương xứ sở : ở đây phải công nhận cài tài của Rafael Hernández Marín trong cách soạn giai điệu, nốt nhạc được viết liền như tuôn chảy một mạch, lúc thì phức hợp vang dội như cao trào thác đổ, khi thì thầm róc rách như dòng nước suối chảy ngầm.
Bài Preciosa đạt đến một tầm vóc mới qua lối biểu diễn của nam ca sĩ Marc Anthony trong buổi hoà nhạc tại nhà hát Madison Square Garden. Thế hệ trẻ Puerto Rico sống ở hải ngoại khám phá lại cái tài dùng hoán dụ cũng như nhân cách hóa của tác giả Rafael Hernández Marín, Preciosa vừa là một hải đảo, vừa là một người đàn bà, một viên ngọc quý báu, một vẽ đẹp mặn mà, kiêu sa.
Nhà soạn nhạc Rafael Hernández Marín lập gia đình khá trễ, năm ông sắp gần 50 tuổi. Vợ ông là người Mêhicô, nên hai vợ chồng chọn định cư trong hơn hai thập niên tại Mêhicô. Quan hệ gia đình và tình cảm vợ chồng khiến cho tác giả càng cảm thấy gắn bó với vùng đất mà ông gọi là quê hương thứ nhì. Đây cũng là giai đoạn sung sức, dồi dào nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Đến năm 1963, làng nhạc La Tinh tổ chức lễ ăn mừng 50 năm sự nghiệp của Rafael Hernández Marín. Từ New York, đến Mêhicô hay Puerto Rico, nhiều đêm nhạc với nhiều nghệ sĩ tên tuổi được tổ chức để vinh danh tác giả. Nhưng hai namư sau, ông đột ngột qua đời vì chứng bệnh ung thư. Nhà soạn nhạc này ra đi ở tuổi 73, để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ gồm hơn ba ngàn tác phẩm đủ loại kể cả dân ca đương đại, ca khúc nhạc nhẹ, nhạc phim, nhạc hoà tấu, nhạc Giáng Sinh …
Sinh thời, Rafael Hernández Marín đã viết cho rất nhiều thể điệu kể cả danza, zarzuela, guaracha, habanera, nhưng dòng nhạc sở trường của ông vẫn là bolero, bởi vì chỉ riêng cho điệu này, ông đã viết hơn bốn trăm bài. Một dòng nhạc mà theo ông không cần phải định nghĩa rườm rà, giải thích nhiều lời. Tác giả Rafael Hernández cho biết ông không viết bolero, mà cứ để cho dòng nhạc này tự nhiên tuôn chảy như một “điệu hát tâm hồn”, rượi mát hoàng hôn.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140719-bolero-del-alma-dieu-hat-tam-hon-ruoi-mat-hoang-hon