Nhớ Về Chị Quỳnh Giao

Doãn Hưng
30/7/2014

Đối với Chị Quỳnh Giao, tôi thuộc hàng tiểu bối. Những năm trước 1975, khi chị đã là một ca sĩ thành danh, tôi vẫn còn là một cậu bé học sinh trung học. Nhớ lại lúc đó, đối với tôi chị Quỳnh Giao là biểu tượng của cái đẹp. những ngày xưa xem chị hát trên những chương trình đài truyền hình, tôi cảm thấy rất mê cái đẹp quí phái của chị, có khi còn hơn cả tiếng hát!

 

Mãi đến những năm sau này sang Mỹ, tôi mới có dịp được gặp gỡ, trò chuyện, trở nên thân thiết với chị Quỳnh Giao hơn. Đến lúc đó, tôi lại nhận ra thêm chị là biểu tượng của sự tao nhã. Sự thanh lịch biểu hiện qua phong cách sống của chị. Có dịp đến nhà chị chơi mạt chược, tôi thấy những câu nói đùa trên bàn mạt chược cũng nhã nhặn, phong cách chơi bài cũng nhã nhặn. Khi chị dọn cơm để đãi bạn mạt chược, thức ăn dù giản dị nhưng cũng không thể nào giấu được sự thanh nhã qua cách chọn, sắp xếp, trình bày món ăn.

Rồi có dịp trò chuyện với chị Quỳnh Giao về âm nhạc, tôi lại thấy chị là biểu tượng của tri thức. Phải nói là hiếm có một ca sĩ Việt Nam nào (cả nam lẫn nữ) có một kiến thức uyên bác, một trải nghiệm phong phú với đời sống âm nhạc Miền Nam Việt Nam trước 1975 như chị. Loạt tùy bút chị viết cho trang Văn Nghệ trên báo Người Việt, ghi lại trong cuốn sách Tạp Ghi sẽ là một kho tài liệu quí báu, sống động về một thời kỳ rực sáng của nền âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa. Chị viết như là người trong cuộc, vì chị cũng đi hát như bao ca sĩ khác. Chị có điều kiện tiếp xúc, thân thiết với rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, biết được những câu chuyện đằng sau hậu trường mà chỉ giới nghệ sĩ với nhau mới chia xẻ. Nhưng chị cũng viết như một người ngoài cuộc, đóng vai một nhà phê bình nghệ thuật. Nhận xét của chị về tác giả, tác phẩm thật sâu sắc, bởi vì chị có kiến thức, vốn liếng âm nhạc của một dương cầm thủ tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc Gia m Nhạc Sài Gòn. Khi chị nhận xét về các ca sĩ đồng nghiệp, chị có cái nhìn khách quan, sắc xảo, chứ không theo cái kiểu “… hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ…”. Cái độc đáo của chị trong việc bình luận âm nhạc là ở chỗ đó.

Tôi còn có dịp được nghe chị Quỳnh Giao hát trong những buổi văn nghệ bỏ túi, tổ chức tại nhà chị, tại nhà của Hòa Bình Việt Báo, của Y Sa VAALA… Đó là những dịp tuyệt vời để nghe chị hát, chị kể chuyện về những tác phẩm, tác giả mà chị thật sự yêu thích. Không cần trình diễn như trên sân khấu, chỉ với một nhóm nhỏ những thân hữu có cùng một niềm đam mê âm nhạc, hình như lúc đó chị còn hát say mê hơn khi lên sân khấu trình diễn. Trong những dịp hát hò như vậy, trước khi hát bài Kỷ Niệm, chỉ kể chuyện bác Phạm Duy dặn chị hát bài này như thế nào. Chị cho biết bài Nghìn Trùng Xa Cách bác Phạm Duy viết cho người tình nào. Tại sao bài Bến Xuân Xanh của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước lại viết ở điệu Valse. Chị chỉ ra câu vọng cổ trong bài Chiều Về Trên Sông… Những buổi văn nghệ bỏ túi này thật khó quên đối với cả người hát, người đàn và người nghe. Lần cuối cùng gặp chị cũng trong một dịp như vậy, mới cách đây 4 tháng. Tôi còn nhớ mọi người chuẩn bị về lúc nửa khuya, chị còn đòi hát thêm một bài nữa, bài Dạ Lai Hương, để mọi người con vương vấn mãi hương bằng hữu, hương nghệ thuật trong một đêm hội ngộ. Chị đề nghị là “…mình nên làm nhiều buổi văn nghệ bỏ túi như vậy nhé…”.

Biết tin chị mất cách đây 1 tuần. Nghe nói rất ít người được chị báo tin, được ghé thăm chị trên giường bệnh. Chúng tôi đoán rằng bởi vì chị muốn giữ mãi một hình ảnh Quỳnh Giao tươi đẹp trong mắt của mọi người.

Tôi nghĩ tại chị cẩn thận quá đó thôi. Đối với tôi, và có lẽ rất nhiều thân hữu của chị, Quỳnh Giao vẫn mãi mãi là biểu tượng của cái đẹp, của chân thiện Mỹ.

Và bây giờ, khi đã trả cái thân tứ đại về với cát bụi, cái đẹp, cái chân thiện mỹ trong chị mới thực sự là bất tử, vĩnh hằng. Nó sẽ được lưu giữ mãi trong những người yêu mến Quỳnh Giao.

Tạm biệt chị Quỳnh Giao… Chị em mình thế nào cũng còn gặp lại…

Doãn Hưng

Nguồn: http://vietbao.com/a224883/nho-ve-chi-quynh-giao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây