Đỗ Xuân Tê
26/7/2014
Nhân tưởng niệm Quỳnh Giao, người ca sĩ viết văn
Cách đây ba năm, tình cờ vào dutule.com, xem mục giới thiệu Tác phẩm mới, tôi bắt gặp tập sách Tạp Ghi Quỳnh Giao dày 400 trang do Người Việt xuất bản đang phát hành tại vùng quận Cam.
Như một bất ngờ thích thú tôi chạy vội ra tiệm sách hỏi mua, vừa nói tôi có ‘quen’ ca sĩ Quỳnh Giao, bà cụ bán sách bớt cho tôi một đồng so với giá bìa. Hỏi ra cụ mê tiếng dương cầm và giọng hát của Quỳng Giao từ ở Việt nam, khi biết tôi mua sách bà biết chú em là người lân la từ tiếng ca qua trang sách của QG như nhiều bạn đọc thế hệ tôi.
Nhắc đến Quỳnh Giao tên tuổi cô gắn liền với sự nghiệp ca hát và dạy nhạc trên nửa thế kỷ, nhưng ít ai ngờ nữ ca sĩ kiêm danh cầm thủ tài hoa ấy khi ra hải ngoại lại trở thành một cây viết cũng tài hoa không kém. Chính tôi khi đọc vài bài viết đầu tiên của cô đã tỏ ra ngờ vực nên đi hỏi một bạn văn có phải chính là QG hay một bút hiệu trùng tên.
Về sau là người thường đọc những bài tạp ghi trên lãnh vực văn học nghệ thuật đặc biệt là âm nhạc của cô, tôi không dấu sự than phục một cây viết nữ đôi khi quên mất cô chỉ là ‘người ca sĩ viết văn’.
Thật sự tác phẩm đầu tay chỉ là sự thu góp những bài cô đã viết trên N.V. đa phần là những sự kiện và nhân vật âm nhạc mà qua lối phân tích vừa dí dỏm tài tình vừa mang tính chuyên nghiệp của ‘thư hiệu QG’, nên đọc một lần chưa đủ mà phải mua sách để đọc tiếp. Cầm cuốn sách được in rất trang nhã trên tay, nhìn trang bìa màu tím nhạt chỉ giản dị 4 chữ TẠP GHI QUỲNH GIAO in đậm với kích thước gần bằng nhau, tôi có cảm tưởng tác giả rất tự tin về thư hiệu và tên tuổi của mình khi không cần tìm cái tựa cho kêu, một nét vẽ hay hình ảnh minh họa cho ấn tượng thường thấy ở những tác phẩm mới. Cũng chẳng có lời bạt lời tựa mà chỉ có nửa trang tự sự vài điều trong niềm khiêm tốn như kiểu bắc cầu cho độc giả trước khi mở sách.
Được tác giả cho phép thích đâu đọc đấy không nhất thiết phải theo trình tự của mục lục, tôi tò mò đi từ cuối sách lên đầu trang, mới phát hiện là mỗi bài viết đều phụ đính một trang riêng với hình ảnh góp nhặt, sưu tập, chọn lọc rất công phu, tất nhiên là rất tiệp với nhân vật và sự kiện âm nhạc được đề cập, càng làm cho độc gỉa tìm lại được những ký ức với thần tượng ái mộ một thời qua dấu vết của thời gian.
Qua kinh nghiệm viết lách của tôi thì trong khuôn khổ nhất định của cột báo như hình thức của một entry trên online, tác giả tạp ghi dù tài tình cách mấy cũng không thể triển khai theo thị hiếu của độc giả lúc nào cũng ‘tham lam’ muốn có nhiều tình tiết và giai thoại qua nhân vật thần tượng của mình, thế mà Quỳnh Giao biết dừng đúng lúc để nội dung vừa xúc tích vừa giàu chất liệu theo phương pháp sư phạm dạy nhạc nhiều năm của cô, phần còn lại để người đọc tự suy nghĩ, giải đoán và đánh giá theo cảm quan riêng của từng người.
Tất nhiên tạp ghi không phải xử dụng để…kể chuyện, nếu vậy tạp ghi chẳng còn là tạp ghi, nhưng qua 67 bài viết trong sách này, Quỳnh Giao buộc phải lấy các câu chuyện làm nền cho nội dung mỗi bản giao hưởng tạp ghi của cô, đó cũng là cái tài mà những người viết tùy bút có đẳng cấp mới làm được.
Dù không phải phận sự của tôi, nhưng đánh giá một cây bút sắc sảo như Quỳnh Giao không thể nói là người viết mới (từ khi ra hải ngoại), mà sự trải nghiệm của cô qua nghiệp bút lúc đầu làm vui sau trở thành ‘mệnh lệnh’ (chữ của cô) cũng đã có bề dày hơn một phần tư thế kỷ. Chưa kể những năm hành nghề và được đào tạo bài bản ở quê nhà (thủ khoa dương cầm nhạc viện Sàigòn ở tuổi vị thành niên), lại thừa hưởng cái di sản tinh túy từ một gia đình nghệ thuật danh giá qua hai người cha, một là học giả uyên bác dòng tôn thất, một là nhạc sĩ bậc thầy (Dương Thiệu Tước) có công mở đường cho đường lối sáng tác âm nhạc VN từ đầu thâp niên ’30, và một người mẹ (Minh Trang) ca sĩ hàng đầu được kể là huyền thoại trong làng nhạc hậu bán thế kỷ 20.
Qua bạn văn tôi đuợc biết Quỳnh Giao có một sức đọc đáng nể và theo dõi rất sát các sự kiện và lịch sử âm nhạc tại Mỹ và thế giới cùng bỏ công sưu tầm các tư liệu trong tinh thần khoa học và đam mê nghề nghiệp để phục vụ phong phú cho các bài viết, không phải chỉ ngồi gõ Google là ra ngay các dữ liệu muốn tìm.
Cô cũng phải mua đĩa, tìm băng, xem phim, theo dõi truyền hình, mua vé nghe hòa nhạc, nhạc hội, nhạc kịch, xem tranh, đọc báo và các tạp chí diễn đàn VHNT trên giấy trên mạng, tranh thủ các dịp trình diễn để trao đổi giao lưu với đồng nghiệp, gặp gỡ nghệ sĩ, thính giả và độc giả.
Dở lại Tạp Ghi Quỳnh Giao, tôi tiếp tục đọc có bài nhiều lần, không hẳn do sức hấp dẫn của cuốn sách mà bản thân muốn học hỏi ở cô lối viết lôi cuốn và cách dùng chữ, đặc biệt là các ‘trạng từ’ rất đẹp, bóng bảy, đầy ấn tường dùng để phác thảo chân dung mỗi người một vẻ của từng khuôn mặt nghệ sĩ huyền thoại bậc thầy của Việt nam, Mỹ và thế giới.
Bài viết không mang dụng ý một bài điểm sách, càng không tham vọng tô hồng một cây viết nữ vốn đã nổi danh nhờ nghiệp cầm ca, mà đơn thuần vì lòng ái mộ một nghệ sĩ tôi có dịp quen biết từ năm 1965 khi đại diện quân đội mời cô tham gia Đoàn văn nghệ của VNCH sang trình diễn ở Kuala Lampur và Singapore theo lời mời của Hoàng gia Mãlai trong đó có tiết mục độc tấu piano của cô gái ở tuổi 19 có tên Quỳnh Giao trên sân khấu nước bạn nửa thế kỷ trước đây.
Nhớ Quỳnh Giao không hẳn chỉ nghe lại lời ca tiếng hát tiếng đàn qua các CD, với tôi, khi đọc lại Tạp Ghi Quỳnh Giao của người ca sĩ khi quay sang nghiệp bút cũng là một sự trân trọng người nghệ sĩ vừa bỏ đường trần về miền giao hưởng thiên thu.
Đỗ Xuân Tê
Nguồn: http://sangtao.org/2014/07/26/toi-doc-tap-ghi-quynh-giao/#more-62815