Vũ Hoàng
25.5.2014
Nhạc sĩ Nguyên Lê đã có một cuộc chinh phục đầy đam mê với jazz và world music qua đêm nhạc Quê nhà tại Nhà hát TP.HCM năm 2011 Tuổi Trẻ online
Một trong những tên tuổi đẳng cấp thế giới của dòng nhạc world music hiện đại là Nguyên Lê. Ông đã làm nhạc jazz thể nghiệm theo một cách thức đặc biệt, đó là tổ chức âm nhạc trên chất liệu truyền thống của các vùng miền từ Trung Đông, Bắc Phi cho tới Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc…và đặc biệt hơn cả là ông đã khai thác được những thể điệu dân ca của Việt Nam để hòa vào chất liệu jazz đầy ngẫu hứng của người phương Tây tưởng chừng không có điểm chung. Có lẽ vì thế, không quá ngạc nhiên khi ông tâm sự “cảm hứng âm nhạc của tôi có từ các làn điệu dân ca trên khắp thế giới.”
Nguyên Lê nói rằng ông đến với world music khoảng 30 năm về trước, lúc đầu dòng nhạc này không gặt hái được nhiều thành công vì công chúng chưa biết đến nhiều, nhưng điều này không thể cản trở niềm đam mê theo đuổi nghệ thuật của ông:
World music
World music mang khái niệm từ bên ngoài, tôi phải nối kết các mảnh ghép khác biệt trong văn hóa âm nhạc của các miền đất lại với nhau, nhưng nó lại thiếu tính hòa đồng, chẳng hạn, việc kết hợp âm nhạc của Ấn Độ, Trung Quốc vào với âm nhạc của các nước Tây phương, rồi chờ đợi một điều gì đó xảy ra. Một phần của world music là như vậy, dường như không có sự liên hệ nào trong âm nhạc, nhưng chính nó lại tạo ra bước kế tiếp là sự hòa đồng trong âm nhạc, nói một cách khác vì mọi nền âm nhạc đều bắt nguồn từ văn hóa, tình yêu, sự tôn trọng… chính những yếu tố nội tại đó, đã đưa âm nhạc từ các nền văn hóa lại với nhau. Và như quí vị biết đó, bản thân tôi được sinh ra ở Pháp, nhưng gốc gác gia đình là Việt Nam, vì thế tôi thực sự rất phấn khích được tìm hiểu sự khác biệt trong âm nhạc… Nói một cách ngắn gọn, world music là một phần trên quãng đường khám phá ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu, vì thế, âm nhạc trong world music đưa người ta lại gần gũi với nhau hơn.
Dường như không có sự liên hệ nào trong âm nhạc, nhưng chính nó lại tạo ra bước kế tiếp là sự hòa đồng trong âm nhạc, nói một cách khác vì mọi nền âm nhạc đều bắt nguồn từ văn hóa, tình yêu, sự tôn trọng… chính những yếu tố nội tại đó, đã đưa âm nhạc từ các nền văn hóa lại với nhau
NS Nguyên Lê
Chia sẻ với chúng tôi hành trình tìm về gốc gác, nguồn cội dân ca truyền thống ẩn mình trong âm nhạc của ông, Nguyên Lê nói rằng đó là một con đường dài nhưng đầy thú vị và ông học hỏi được rất nhiều từ các nghệ sĩ Việt Nam :
Tôi được sinh ra tại Pháp, nhưng từ nhỏ, tôi đã rất thích nhạc truyền thống Việt Nam khi được gia đình cho nghe. Nhưng khi lớn lên, đi học, chủ yếu tôi tiếp cận âm nhạc phương Tây, tốt nghiệp và trở thành nhạc sĩ. Năm 1989, khi tôi ra album đầu tiên Miracles, một năm sau đó, đĩa này được xuất bản tại Mỹ, đây chính là thời điểm thúc giục tôi tìm về cội nguồn, tôi tự hỏi mình phải làm một điều gì đó thật đặc sắc, khác biệt và đó chính là bản sắc dân tộc, nghĩa là quá trình trở về nguồn cội của tôi ở Việt Nam. Tôi có cơ hội được khám phá lại những gì tôi biết đến trong âm nhạc khi tôi còn nhỏ, tôi đã kết hợp những điều mới lạ này vào trong jazz của tôi. Đây thực sự không phải là sự khám phá mới mẻ mà dường như âm nhạc truyền thống Việt Nam đã ngấm vào tôi từ khi còn nhỏ và giờ là lúc tôi tiếp tục những gì trong tiềm thức của mình.
Tôi bắt đầu nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam từ năm 1996, đây cũng là chuyến về Việt Nam đầu tiên của tôi, trong việc nghiên cứu, điều quan trọng là hiểu được những thể điệu dân ca truyền thống Việt Nam và làm sao để kết hợp vào âm nhạc hiện đại. Đối với một nhạc sĩ jazz như tôi thì điều đó còn quan trọng hơn nữa, vì tôi phải hiểu được, diễn đạt được sự thuần túy trong nhạc truyền thống Việt Nam và lấy cảm hứng đó kết hợp với jazz để có những bản nhạc gần gũi với quê hương Việt Nam. Tôi được biết đến nhạc truyền thống Việt Nam nhiều cũng là nhờ sự hợp tác với một nghệ sĩ cải lương trong nước.
đối với tôi, jazz như một thứ ngôn ngữ để chính tôi bộc lộ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, với nhạc truyền thống Việt Nam thì khác, những giai điệu đó như thể là gốc gác và chiếm trọn trái tim của tôi, nhạc dân ca đến với tôi một cách rất tự nhiên…
NS Nguyên Lê
Khoảng 2-3 năm trước đây, tôi có được mời tham gia biểu diễn với một số nghệ sĩ tại Hà Nội, trải nghiệm đó thật tuyệt vời, vì trước đó tôi có cơ hội làm việc với một số nghệ sĩ Việt Nam nhưng sống ở Pháp còn lần này là những nghệ sĩ Việt Nam sinh sống ở Việt Nam. Tôi muốn nói đó là chuyến đi rất đặc biệt, không phải là trở về nhà vì tôi không sinh ra ở đó, nhưng đó là chuyến tìm về với trái tim của mình.
Mặc dù được sinh ra tại Pháp nhưng gốc gác Việt Nam của Nguyên Lê thì dường như vẫn đậm chất, bởi lẽ Nguyên Lê nhận thấy sự đặc biệt trong âm nhạc của mình đã kết hợp được một cách rất tự nhiên, đầy bản năng giữa những giai điệu ngẫu hứng của jazz và chất liệu truyền thống của âm nhạc truyền thống Việt đã âm ỉ chảy trong dòng máu của mình. Dĩ nhiên để hiểu được âm nhạc của Nguyên Lê không dễ dàng vì đối với những ai mới tiếp xúc, khó có thể hình dung vì sao những nhạc cụ như đàn tranh, sáo, nhị, đàn cò của Việt Nam… lại có thể kết hợp được với chất liệu jazz thời thượng Tây Âu.
Là một nhạc sĩ chơi jazz, tôi hiểu được vẻ đẹp đầy ngẫu hứng của jazz, jazz rất đẹp, jazz có thể chạm đến được cảm xúc của người nghe, khi thưởng thức jazz, người ta có cảm giác như đang được trò chuyện với âm nhạc… đối với tôi, jazz như một thứ ngôn ngữ để chính tôi bộc lộ cảm xúc của mình. Tuy nhiên, với nhạc truyền thống Việt Nam thì khác, những giai điệu đó như thể là gốc gác và chiếm trọn trái tim của tôi, nhạc dân ca đến với tôi một cách rất tự nhiên… cũng vì thế, khi tôi chơi guitar tôi chỉ cần học thêm một số kỹ năng của nhạc dân ca truyền thống và áp dụng nó vào trong những nhạc phẩm mà tôi biểu diễn mà thôi.
Là một nghệ sĩ Pháp gốc Việt nổi tiếng toàn cầu, ông đã dành được nhiều giải thưởng danh giá do các tạp chí chuyên về âm nhạc của thế giới bình chọn, trong đó CD Tales form Vietnam (Những câu chuyện kể từ Việt Nam) ngoài ra, ông cũng đã cho ra đời 4 CD kết hợp với các nghệ sĩ trong nước như Hương Thanh. Gần đây, Nguyên Lê cùng Tùng Dương thực hiện album Độc Đạo gây tiếng vang lớn đối với đời sống âm nhạc Việt Nam năm qua. Và mới đây nhất, ông được đề cử giải thưởng âm nhạc Cống Hiến ở hạng mục Nhạc Sĩ Của Năm năm 2014 tại Việt Nam.
Chào tam biệt quí vị.
Vũ Hoàng
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/compo-nguyen-le-05252014070229.html