Eastwood và Jersey Boys: Tuyệt vời tan vỡ giấc mơ đổi đời

Tuấn Thảo
20/6/2014

Eastwood và Jersey Boys: Tuyệt vời tan vỡ giấc mơ đổi đờiĐạo diễn Clint Eastwood và các diễn viên trong phim Jersey Boys – DR

Phim ca nhạc là một thể loại khá ăn khách tại Hollywood. Khi chuyển thể các vở ca nhạc kịch lên màn ảnh lớn, điện ảnh Mỹ thường áp dụng một công thức khá đơn giản : các nhà sản xuất thường chọn một tác phẩm từng hốt bạc trên sân khấu Broadway, rồi tuyển dụng các ngôi sao điện ảnh để thủ diễn các vai chính. Về điểm này, bộ phim Jersey Boys của đạo diễn Clint Eastwood phá vỡ mọi thông lệ.


Bộ phim Jersey Boys dựa trên vở ca nhạc kịch ăn khách cùng tên (của Marshall Brickman và Rick Elice) gợi hứng từ câu chuyện có thật của Frankie Valli và ban nhạc The Four Seasons. Vở ca nhạc kịch này ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 2005, từng đoạt 4 giải Tony Awards, trong đó có giải dành cho tác phẩm xuất sắc nhất. Ban đầu mang tên là The Four Lovers, nhóm này sau đó đổi tên thành The Four Seasons (Partnership), ăn khách trong hơn một thập niên liền, từ đầu những năm 1960 đến giữa thập niên 1970.

Tính đến nay, nhóm này đã bán hơn 100 triệu đĩa hát. Tuy nhiên, ban nhạc này đã không ngừng thay đổi, trong số 4 thành viên, chỉ có ca sĩ chính Frankie Valli là gương mặt trụ cột, có sự nghiệp bền vững nhất so với các bạn diễn. Tại Pháp, công chúng không biết gì nhiều về nhóm này nhưng đổi lại rất quen thuộc với các ca khúc của họ, phần lớn cũng vì giới ca sĩ Pháp điển hình là Claude François đã chuyển dịch sang tiếng Pháp nhiều bài hát ăn khách của ban nhạc The Four Seasons.

Khi bắt tay thực hiện bộ phim Jersey Boys, đạo diễn Clint Eastwood đã nỗ lực phá cách, không sử dụng công thức làm sẵn của Hollywood để tránh đi vào lối mòn. Bộ phim của ông gần với tác phẩm Walk the Line (2005) của đạo diễn James Mangold kể lại cuộc đời của danh ca Johnny Cash, nhiều hơn là các bộ phim mang tính phổ thông đại chúng, lộng lẫy hoành tráng như Dream Girls kể lại sự nghiệp của Diana Ross và ban nhạc he Supremes với Beyoncé trong vai chính.

Đa số các vai diễn viên trong cuộn phim của Clint Eastwood xuất thân từ đoàn diễn viên vở ca nhạc kịch, kinh phí chỉ thuộc vào cỡ trung bình chứ không tốn kém như các bộ phim như Những người khốn khổ (Les Misérables) với hai ngôi sao điện ảnh Hugh Jackman, Anne Hathaway. Số tiền thù lao cho các diễn viên (John Lloyd Young, Michael Lomenda, Erich Bergen … và thậm chí Christopher Walken) hẳn chắc không thể nào sánh bằng Meryl Streep trong phim ca nhạc Mama Mia, Michelle Pfeiffer và John Travolta trong bộ phim Hairspray hay nam diễn viên Gerard Butler trong tác phẩm Bóng ma trong nhà hát (The Phantom of the Opera).

Mặc dù dựa theo một vở ca nhạc kịch ăn khách, nhưng phiên bản phóng tác của Clint Eastwood lại không giống như một bộ phim ca nhạc đơn thuần, mà cũng không đơn điệu theo trình tự thời gian như phim tiểu sử. Bộ phim Jersey Boys có thể được chia thành hai phần. Phần đầu mở màn một cách khá ‘’bất ngờ’’ gieo vào tâm trí người xem cái ấn tượng “bền vững mong manh” “hào quang mờ bóng” ngay từ những hình ảnh đầu. Đạo diễn người Mỹ ứng dụng thủ pháp “phản công thức” khi mở đầu bộ phim không phải với một bài hát hay với một màn ca múa mà lại mở màn với một cảnh quay giống như phim tướng cướp băng đảng của Martin Scorsese.

Đó là cảnh chiếu một tiệm hớt tóc vào những năm 1950 ở thành phố Belleville, bang New Jersey. Một ông trùm mafia (Gyp DeCarlo do Christopher Walken) mướn Frankie (Castelluccio) một cậu thiếu niên học nghề cắt tóc, cho một vụ trộm cướp. Cậu bé có nhiệm vụ canh gác rình núp để báo động cho đồng bọn là Tommy (DeVito) khi có cảnh sát ụp đến. Rốt cuộc mọi chuyện đều thất bại, Tommy phải ngồi tù. Tình bạn cũng như các mối tư thù sau này trong nhóm The Four Seasons, cũng nảy sinh từ cái thuở hàn vi ban đầu, cái thuở bần cùng sinh đạo tặc …

Chỉ cần vài hình ảnh thôi, đạo diễn Clint Eastwood vừa phác họa được các nhân vật chính, vừa vẽ lên cái bối cảnh xã hội thời bấy giờ, thời mà các băng đảng mafia (gốc Ý) kiểm soát các hoạt động kinh tế ngoài luồng. Thanh niên con nhà nghèo thời bấy giờ không có nhiều sự chọn lựa cho lắm : một là tòng quân nhập ngũ : đi lính để khỏi phải đi tù, hai là trở thành lưu manh trộm cắp, đâm thuê chém mướn cho các tay anh chị giang hồ, ba là cố gắng trao dồi tài nghệ để hy vọng thực hiện ước mơ đổi đời.

Hy vọng đổi đời bắt đầu bằng chuyện đổi tên. Frankie chọn một cái tên dễ nhớ dễ gọi hơn là Valli khi bắt đầu thành lập ban nhạc với Tommy (DeVito). Một khi kết nạp thêm thành viên, ban nhạc này ban đầu ghi âm lưu diễn với một nghệ danh khác, và họ chỉ chọn cái tên gọi vừa ý hơn là The Four Seasons sau khi họ tình cờ thấy được cái bảng hiệu của một khách sạn ven đường. The Four Seasons gồm tất cả là 4 thành viên, trong đó Frankie Valli là giọng ca chính, Tommy DeVito chơi ghi ta, Bob Gaudio đàn phím và hát phụ họa, Nick Massi hoà âm và chơi đàn bass.

Phần đầu của bộ phim Jersey Boys kéo dài đến 45 phút, nhưng lại không giống như phim ca nhạc, do các bài hát được đạo diễn cố tình sử dụng một cách lẻ tẻ rời rạc, để rồi từ từ ghép lại các mãnh nhỏ thành một bức tranh toàn cảnh sinh động hơn, nơi mà âm thanh đời sống hoà quyện với tiếng nhạc, khi 4 thành viên kết nối thành một thực thể duy nhất, xung quanh chiếc đàn dương cầm trong nhạc phẩm “Cry for Me”. Sau giấc ngủ mùa đông triền miên dai dẳng, nhóm The Four Seasons cuối cùng đón nhận mùa hè ngập tràn ánh nắng, một cảm giác mà ở bất cứ thời nào, tuổi trẻ cứ tưởng chừng như niềm vui không khi nào tan, nắng hạ chẳng bao giờ tàn.

Bộ phim Jersey Boys trong phần thứ nhì trở nên cực kỳ sôi nổi sống động, với nhiều màn biểu diễn truyền hình trực tiếp. Trong phần này, đạo diễn Clint Eastwood không ngừng thay đổi góc quay, từ cận ảnh chuyển nhanh sang toàn cảnh, từ khung nhìn thoáng qua sau ống kính thu hình, cho tới ‘’góc nhìn chủ quan’’ như thể bạn đang xem biểu diễn nhưng tầm nhìn lại bị che khuất bởi nhiều khán giả đứng trước mặt. Qua thủ pháp này, đạo diễn Clint Eastwood gieo thêm cái ý tưởng : tiền tài và danh vọng ập đến đột ngột bất ngờ như một cơn lốc quay cuồng, một khi bị lôi kéo vào vòng xoáy rồi, thì do chân con người không còn chạm đất, nên tâm trí đầu óc khó thể nào gắn liền với thực tế.

Bục đài danh vọng làm nảy sinh những mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp tiền bạc, bất đồng nội bộ, trong khi những liên hệ với mafia muốn dứt mà cũng không dứt được. Quan hệ của các thành viên trong nhóm The Four Seasons với gia đình của họ cũng không êm thắm hơn, tiêu biểu qua hai nhân vật danh ca Frankie Valli với đứa con gái ruột. Hai người đoạn tuyệt với nhau, quan hệ cha con tưởng chừng như không còn cách nào hàn gắn nổi.

Ở đây, nhà đạo diễn khéo léo lồng thêm vào câu chuyện hiệu ứng Rashomon. Thủ pháp điện ảnh này được gọi như vậy do lần đầu tiên được sử dụng trong bộ phim Rashomon của đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa. Vay mượn thủ pháp này, đạo diễn Mỹ dựng lại câu chuyện theo 4 quan điểm khác nhau. Quan điểm của các nhân vật chính trong phim bổ sung cho nhau và đôi khi trái ngược hẳn nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên đạo diễn Clint Eastwood quay phim tiểu sử nói về một nghệ sĩ. Trước đây, ông đã từng thực hiện bộ phim “Bird” vào năm 1988 để kể lại cuộc đời của tay kèn nhạc jazz Charlie Parker. Trong cuộn phim biopic này, ông quan tâm đến những mãnh vỡ trong tâm hồn của một thiên tài, ông quan tâm đến tư chất của một con người nhiều hơn là diện mạo của một huyền thoại.

Một cách tương tự trong phim “Jersey Boys”, đạo diễn Clint Eastwood không chỉ quay một bộ phim ca nhạc. Về điểm này, khán giả nào chờ đợi xem một bộ phim mà cứ 5 phút là có một bài hát quen thuộc, có thể sẽ hơi thất vọng. Một bộ phim nói về khát vọng đổi đời, nhờ nỗ lực phấn đấu vươn lên mà thành đạt trong sự nghiệp. Nếu chỉ đơn thuần là như vậy, thì bất cứ đạo diễn trẻ tuổi nào có một chút tay nghề đều có thể làm được. Đạo diễn Clint Eastwood có một góc nhìn khác, ông không chọn giai đoạn tột đỉnh huy hoàng mà lại lấy ánh lu mờ của vầng hào quang làm điểm nhấn. Ông nói về cái giá mà mỗi con người phải trả để đổi lấy danh vọng.

Xét trên cả hai phương diện nội dung lẫn hình thức, thì bộ phim “Jersey Boys” chưa phải là một kiệt tác của Clint Eastwood. Phần lớn cũng vì “Jersey Boys” là một phiên bản phóng tác từ một kịch bản có sẵn, không thâm thúy bằng Gran Torino hay Unforgiven của cùng đạo diễn. Nhưng Clint Eastwood nắm vững các thủ pháp, có đủ tay nghề và sự tinh tế để dựng lên những cảnh quay giàu cảm xúc như cuộc trò chuyện trong một quán cà phê giữa ca sĩ Frankie Valli với đứa con gái ruột của mình.

Ở lứa tuổi 84, tức là cái độ tuổi gần đất xa trời, đạo diễn Clint Eastwood dù quay phim ca nhạc nhưng lại chọn hoàng hôn góc tối nhiều hơn là bình minh khung sáng. Không biết nhà đạo diễn này gửi gấm bao nhiều tình cảm của riêng mình vào trong một bộ phim, nhưng tác phẩm của ông nói về nỗi ngậm ngùi tiếc nuối, những mất mát thiệt thòi tiềm tàng ẩn chứa trong những điều mà con người tưởng chừng đã đạt được.

“Jersey Boys” kể lại câu chuyện của nhóm The Four Seasons, có nghĩa là Bốn Mùa, nhưng sắc thái lại nghiêng hẳn về nắng tắt chiều thu hơn là nắng sớm đầu xuân. Bộ phim phác một cuộc hành trình, từ khúc đầu đến chặng cuối, kể lại câu chuyện của một giấc mơ đổi đời đến hồi tan vỡ tuyệt vời.

Tuấn Thảo

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140620-jersey-boys-tuyet-voi-tan-vo-giac-mo-doi-doi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây