Trác Như
6/2014
Hà Thanh và Thái Thanh
Năm 1940, một chàng trai Hải Phòng lưu lạc đến tận sông Hương ở Huế để rồi thai nghén một ý nhạc kéo dài cả mấy năm. Sông và núi ở Huế đã khiến Văn Cao mơ đến chốn tiên cảnh đã từng khiến hai chàng Lưu và Nguyễn quên cả lối về. Nguồn cảm hứng trên tưởng có lúc đã phôi pha nhưng không ngờ lại trổi dậy khi người thanh niên 18 tuổi trở về Hải Phòng và bất chợt nghe được điệu ca trù trên dòng sông Phi Liệt năm 1941. (1)
Ca khúc Thiên Thai chính thức được nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành ở Huế năm 1944 (2). Tuy sông Hương là nguồn sữa nuôi nấng giấc mộng bồng lai, nhạc sĩ đã chọn điển tích Trung Hoa làm bối cảnh cho bài hát, và sau cùng thì thanh âm phong phú và lả lơi của các ả đào đất Cảng đã giúp cảm xúc ông chín mùi để hoàn tất tác phẩm cổ điển này.
Chưa hề được nghe giọng ca của Kim Tiêu, người nghệ sĩ đầu tiên trình bày bản này thuở chiến tranh chống Pháp, chỉ biết trong các thập niên 60 và 70, hai tiếng hát gắn bó với Thiên Thai nhất vẫn là Thái Thanh và Hà Thanh. Tiếng hát Thái Thanh là một cọ vẽ có khả năng diễn đạt đủ loại ánh sáng và gam màu khác nhau. Những chấn động trong cảm xúc mà Thái Thanh mang đến cho Thiên Thai rất tương xứng với sự đa dạng và tinh tế của nhạc phẩm này, như Phạm Duy đã từng phân tích: “Văn Cao đã chuyển nét nhạc một cách rất tài tình, dùng những nốt-bán-cung để di chuyển rất nhanh chóng câu hát đi từ một chủ âm mineure này qua chủ âm mineure khác, cho ta thấy được rất nhiều mầu sắc của khung cảnh thần tiên này”. (2)
Hà Thanh thì ngược lại: trầm lặng và nhẹ nhàng hơn. Hà Thanh cho thính giả cơ hội để có những suy diễn riêng tư. Khác với bức tranh lộng lẫy mà tiếng hát Thái Thanh tạo ra, phần trình bày của Hà Thanh dường như có thể dùng để minh họa cho quan điểm của Nguyễn Đình Toàn: “Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa.” (3) Cái đẹp của thiên thai trong trường hợp này là cái đẹp của vô tướng và tại đây hạnh phúc chính là sự vắng mặt của những ràng buộc và bi lụy. Một thế giới không nhơ không sạch, không có bắt đầu và cũng chẳng có kết đoạn.
Nếu như Thái Thanh là tiếng ca trù đã giúp Văn Cao cụ thể hóa Thiên Thai thì Hà Thanh, tiếng hát đã được nhà văn Mai Thảo gọi là “tiếng hát trên trời cao” (4), là dòng Hương luôn hiện hữu để lặng lẽ nuôi sống cái cảm hứng thuở ban đầu của người nhạc sĩ này. Ca khúc Thiên Thai chính là kết quả của những tiếng ca trù trên dòng Hương Giang vậy.
Tuy đã hơn một lần ghé qua xứ Huế, tôi chưa từng đặt chân đến Hải Phòng, quê hương của Văn Cao, người đã từng gọi mình là “người sông Ngự”. Tuy vậy, tôi có cảm giác Hải Phòng là những gì đối ngược với Huế. Một bên nồng cháy, một bên thơ thẩn. Một bên reo hò bên sóng biển, một bên ngồi nhìn dòng sông trôi lững lờ. Một bên đỏ rực phượng vỹ, một bên thầm thì những rặng thùy dương. Mỗi bên là một nửa của Thiên Thai, nuôi nấng cho nhau những giấc mộng của “ngày tháng chưa tàn qua một lần”.
Trác Như
6/2014
(1) “Văn Cao – Người đi dọc biển” – Nguyễn Thụy Kha
(2) Hồi Ký – Phạm Duy
(3) “Nhạc sĩ Văn Cao” – Nguyễn Đình Toàn
(4) “Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại”- casihathanh.wordpress.com