Lê Phước
10/5/2014
Vua vọng cổ Út Trà Ôn (DR)
Bản vọng cổ được xem là “bài bản vua” của làng tài tử- cải lương. Và mỗi khi nhắc đến tài viết lời thì người ta nghĩ ngay đến “vua soạn lời vọng cổ” Viễn Châu, còn khi đề cập đến tài ca vọng cổ thì người mộ điệu nghĩ ngay đến Út Trà Ôn, nghệ sỹ được mệnh danh “Vua vọng cổ” và “Đệ nhất danh ca” suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Trong làng tài tử-cải lương Nam Bộ, có một đôi nghệ sỹ cầm trịch cho bản vọng cổ từ hơn nửa thế kỷ qua, mà có một điều trùng hợp thú vị là nghệ danh hai nghệ sỹ này lại bắt đầu bằng chữ “Út”: Út Trà Ôn và Út Bạch Lan.
Nghệ danh Út Bạch Lan là sự kết hợp giữa “Út”, cái tên quen thuộc mà bé Đặng Thị Hai (Tên thật của Út Bạch Lan) được mẹ gọi hàng ngày. Đó cũng là sự thể hiện lòng hiếu thảo của Sầu nữ Út Bạch Lan.
Nghệ danh Út Trà Ôn
Còn đối với Út Trà Ôn, ông tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919 tại làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông là con thứ mười trong gia đình và cũng là cuối cùng, tức thứ Út theo cách gọi của người Nam Bộ. Xuất thân là nông dân ‘‘thứ thiệt” của miền Nam, giọng ca của nghệ sỹ Út Trà Ôn luôn thắm đượm nét chân phương, phóng khoáng và trữ tình của người Nam Bộ. Hồi tuổi lên mười, giọng ca Nguyễn Thành Út đã nổi tiếng trong các sân chơi tài tử địa phương.
Năm 18 tuổi, tức vào năm 1937, Nguyễn Thành Út rời quê lên Sài Gòn và đoạt Giải nhất trong cuộc thi ca vọng cổ do hãng rượu Bình Tây tổ chức. Sau đó, Nguyễn Thành Út được giới thiệu ca vọng cổ trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn và bắt đầu mang nghệ danh Út Trà Ôn. Nghệ danh này là sự kết hợp giữa tên “Út” và huyện “Trà Ôn”, một cách thể hiện sự tri ân đối với quê hương nguồn cội của chàng trai Nguyễn Thành Út.
Các hãng đĩa bắt đầu chú ý tới giọng ca Út Trà Ôn nên thường xuyên mời ông thu âm. Thời gian gắn bó với các đài phát thanh và các hãng đĩa đã dần đưa tên tuổi Út Trà Ôn lên đỉnh cao vinh quang. Đầu những năm 1940, Út Trà Ôn bắt đầu bước chân vào sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Tên tuổi Út Trà Ôn dần trở thành tên tuổi ăn khách hàng đầu của sân khấu cải lương.
Út Trà Ôn là một trong những nghệ sỹ đầu đàn cùng với Phùng Há, Ba Vân, Năm Nghĩa, Năm Châu … có nhiều đóng góp quan trọng cho sân khấu cải lương từ thời kỳ sơ khai của bộ môn nghệ thuật này đến thời vàng son vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật hơn 60 năm, Út Trà Ôn đã đi qua nhiều đoàn hát danh tiếng miền Nam. Có khi ông cũng đứng ra thành lập đoàn hát như đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn với nghệ sỹ Kim Chưởng, Thanh Tao, hay đoàn Thống Nhứt với nghệ sỹ Hoàng Giang.
Các nghệ sỹ cải lương trước khi ra sân khấu thường lạy tổ nghiệp, và người tổ nghiệp của họ không phải là một người cụ thể nào, mà là những bậc tiền hiền có công khai sáng và nuôi dưỡng cải lương. Trong ý nghĩa đó, Út Trà Ôn xứng đáng được xếp vào một trong những vị tổ nghiệp hàng đầu của sân khấu cải lương Nam Bộ.
Diễn xuất mộc mạc, chân phương
Út Trà Ôn đã để đời nhiều vai diễn, trong đó vai Ông Cò Quận 9 trong vở tuồng cùng tên (tức Tuyệt tình ca), có thể nói là một trong những vai đến hiện tại chưa có người thay thế. Với cách diễn xuất mộc mạc, chân phương, lại là người rất khó tính trong nghề, bởi vậy Út Trà Ôn là một bậc thầy trong diễn xuất: diễn như không diễn.
Trong Tuyệt tình ca, Út Trà Ôn đóng cặp với Sầu nữ Út Bạch Lan. Lớp ca diễn để đời là lớp ông tái ngộ vợ hiền sau nhiều năm xa cách, Út Trà Ôn ca với Út Bạch Lan ba câu vọng cổ, đây là ba câu vọng cổ để đời của đôi nghệ sĩ bậc thầy này. Chỉ với bốn câu nói lối gối đầu để vô vọng cổ cũng đủ để khẳng định đẳng cấp thượng thừa của Út Trà Ôn.
Đó là một tài diễn trong ca, ca trong diễn. Đặc biệt, Út Trà Ôn có biệt tài nói trong ca và ca trong nói, rất cần thiết cho một nghệ sỹ cải lương. Đến hiện tại, chưa thấy có một nghệ sỹ cải lương nào, cả nam lẫn nữ, có được biệt tài như vậy.
Út Trà Ôn nói lối như sau “Tôi đứng đây tưởng chừng như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, lúc mình quay xuồng trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc”. Chỉ một “chiêu” đó thôi mà biết bao nhiêu thế hệ nghệ sỹ cải lương sau ông chưa ai biểu đạt được đến trình độ như vậy. Khi nghe ông ngâm đoạn này người ta cảm nhận được hình ảnh những đám lục bình đang trôi rời rạc trên sông, cũng giống như nỗi đau xé từng đoạn ruột của hai người yêu nhau khi đưa tiễn.
Út Trà Ôn đã đưa trọn tình cảm và nghệ thuật ca diễn thượng thừa vào lời thoại để nó trở nên truyền cảm một cách thần sầu. Bên cạnh Ông Cò Quận 9, người mộ điệu cũng không thể nào quên hai vai gây khó dễ cho thế hệ sau của Út Trà Ôn là vai Võ Minh Thành trong Đời Cô Lựu và vai Ông Tám Khỏe trong Người ven đô.
Đệ nhất danh ca, vua vọng cổ
Tuy vậy, hễ nhắc đến Út Trà Ôn là người mộ điệu nghĩ ngay đến tài ca vọng cổ. Giọng ca Út Trà Ôn được mến mộ đến mức mà nó làm lu mờ tất cả những vai diễn của ông, để cho người mộ điệu mỗi khi nhắc đến ông là nhắc đến tài ca vọng cổ.
Từ những thập niên 1960, khi hai danh ca nữ Út Bạch Lan và Thanh Hương chập chững vào nghề, thì giọng ca Út Trà Ôn đã làm khuynh đảo làng cổ nhạc. Vào năm 1960, tờ báo Tiếng Dội của ký giả Trần Tấn Quốc, người chủ sự giải thưởng Thanh Tâm danh giá của sân khấu cải lương, đã trưng cầu ý kiến độc giả, và Út Trà Ôn được bầu chọn là “Đệ nhất danh ca” bên cánh nam nghệ sỹ, còn bên cánh nữ là danh ca Thanh Hương.
Cũng trong thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu đã viết bài Tình anh bán chiếu cho Út Trà Ôn ca thu đĩa. Giọng ca Út Trà Ôn đã mở đường cho bài Tình anh bán chiếu trở thành “bài vọng cổ vua”. Từ đó, cái tên Út Trà Ôn bắt đầu gắn với Tình anh bán chiếu. Đây là một cú hít quan trọng cho vọng cổ nhịp 32 bởi trong các bài bản vọng cổ, thì đến hiện tại vọng cổ nhịp 32 vẫn là thịnh hành nhất.
Chính những bài vọng cổ của Viễn Châu qua giọng ca Út Trà Ôn đã góp phần quan trọng cho sự “chiến thắng” của vọng cổ nhịp 32. Và trong rất nhiều bài đó, thì Tình anh bán chiếu phải được xếp hàng đầu, bởi vì không chỉ ngày xưa, mà đến hiện tại, hễ nhắc đến vọng cổ là nhắc đến Tình anh bán chiếu. Ở miền Nam, từ thành thị đến nông thôn, dù biết hay không biết tài tử-cải lương, thì hầu như ai cũng biết đến bài Tình anh bán chiếu. Đây cũng là một bài quan trọng đưa Viễn Châu-Út Trà Ôn lên cương vị “Vua viết lời vọng cổ” và “Vua ca vọng cổ”.
Út Trà Ôn mất vào năm 2001 với hơn 60 năm đóng góp cho sân khấu cải lương. Thế nhưng, không chỉ có đến lúc ông tạ thế, mà ngay đến hiện tại, đối với người mộ điệu và các nghệ nhân tài tử hay các nghệ sỹ cải lương chuyên nghiệp lẫn các nhà nghiên cứu, danh hiệu “Đệ nhất danh ca” và “Vua ca vọng cổ” vẫn được gắn với giọng ca Út Trà Ôn.
Có phải vì Út Trà Ôn có số lượng đĩa vọng cổ nhiều nhất trong giới nghệ sỹ? Hay vì ông đóng góp nhiều năm cho cải lương nên được thế hệ sau “nể” mà khen ngợi? Câu trả lời thuyết phục nhất đó là do tài năng ca vọng cổ của Út Trà Ôn đã đạt đến một trình độ chưa có ai đạt tới.
Út Trà Ôn có giọng đồng, trầm, mạnh mẽ và rất nam tính. Thế nhưng, chỉ có thiên phú thôi thì chưa đủ để cho Út Trà Ôn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ca vọng cổ, mà đòi hỏi phải có sự khổ luyện nghiêm túc. Người trong nghề đến hiện tại mỗi khi nhắc về ông thì vẫn không quên chi tiết khi hóa trang cho vai diễn, Út Trà Ôn phải bỏ ra tới hai tiếng đồng hồ để chỉ để … vẽ một bên chân mày. Chỉ vậy thôi cũng thấy sự nghiêm túc với nghề và sự trân trọng khan giả đến mức nào.
Bàn về bộ nhịp, thì ta thấy rằng, Út Trà Ôn có bộ nhịp thuộc hàng “sư phụ của sư phụ”. Nhờ có nhịp nhàng chắc chắn mà Út Trà Ôn có thể triển khai điêu luyện lối ca sắp chữ theo kiểu chẻ nhịp một cách thượng thừa của mình. Út Trà Ôn ca không theo khuôn, mà rải chữ đều ở các câu. Khi nghe Út Trà Ôn ca, người nghe khó biết được ông đã tới nhịp nào, khuôn nào, mà chỉ biết là khi ông xuống song lang thì như đặt khuôn vậy.
Nếu chỉ có bộ nhịp chắc thôi còn chưa đủ để đạt đến trình độ sắp chữ như vậy, mà cần phải có một sự khổ luyện và một cái tâm làm nghề nghiêm túc mới ca được như vậy. Cách sắp nhịp và cách ca của Út Trà Ôn đến hiện tại vẫn chưa có nghệ sỹ nào đạt tới. Thế hệ sau ca theo lối của Út Trà Ôn thành công nhất và có thể duy trì được lối ca này có lẽ là nghệ sỹ Phương Quang, nhưng để đạt được trình độ của “Thầy Út Trà Ôn” thì chưa tới.
Kiểu ca và giọng ca của Út Trà Ôn đã được xếp thành một trường phái ca vọng cổ riêng và luôn được xếp hàng đầu khi có người tìm hiểu về các trường phái ca vọng cổ. Ông được xếp đầu cũng đúng thôi vì trước và sau Út Trà Ôn rõ ràng chưa có giọng ca vọng cổ nào ca thần sầu và trứ danh đến thế.
Cái hồn của bản vọng cổ
Để giải thích cho sự thành công của Út Trà Ôn người ta không thể nào không nhắc tới sự tương đồng đến kỳ lạ giữa giọng ca Út Trà Ôn và với cái hồn của bản vọng cổ. Bản vọng cổ thoát thai từ bài Dạ cổ hoài lang do nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng tác vào khoảng năm 1918-1919. “Dạ cổ“ tức là “tiếng trống đêm khuya”, “hoài lang” tức là “nhớ chồng”. Đây là bài mà ông Sáu Lầu viết trong lúc nhớ thương người vợ trẻ khi hai người bị gia đình bắt phải xa nhau.
Nhạc sỹ Sáu Lầu quê ở vùng nông thôn Bạc Liêu hồi trước, nên bài Dạ cổ hoài lang cũng mang đậm dấu ấn làng quê : nhẹ nhàng, mênh mang, chân phương và trữ tình. Nghe Dạ cổ hoài lang có khác nào đang nghe một điệu hò câu lý của bà con vùng sông nước Cửu Long. Nhà nghiên cứu Sơn Nam nhận định: “Điệu hò đối đáp đã tìm được ở bản Hoài lang một hình thức sang trọng để mà nương náu”.
Nói như vậy thì giá trị của bản Hoài lang là ở chỗ bình dân, gần gũi với điệu hò câu lý, bởi vậy mà nó được người Nam Bộ tiếp đón nồng nhiệt. Từ bản Hoài lang nhịp đôi (có hai nhịp), dần dần, qua sự đóng góp của nhiều thế hệ, bản Hoài lang phát triển lên thành nhịp Tư, nhịp Tám, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 rồi nhịp 128. Cái tên Dạ cổ hoài lang sau được đổi thành Vọng cổ Hoài Lang, Vọng cổ Bạc Liêu, rồi sau là Vọng cổ.
Bản vọng cổ dù xuất thân bình dân nhưng có tính bác học, bởi vì không phải muốn ca thế nào thì ca mà phải ca cho đúng nhịp, đúng cái tinh thần của bài ca. Tuy nhiên, người ca không phải lúc nào cũng bị ràng buộc theo khuôn.
Trong bản vọng cổ, có một số chỗ ở cuối câu người ca bắt buộc phải giữ đúng nhịp, còn lại trong lòng bản thì người ca được tự do sáng tạo : sắp chữ, ca nhanh, ca chậm, ca dồn … Chính nhờ có sự tự do này, mà người ca có điều kiện thể hiện cái riêng của mình. Có người ca đúng theo khuôn bốn nhịp, có người ca tự do trong lòng bản miễn sau giữ được nhịp ở cuối câu.
Vọng cổ xuất thân bình dân nên đương nhiên cái hồn của nó là chân phương. Thế nhưng, người ca tùy theo giọng ca, cách ca mà thêm thắt, lạng bẻ, vuốt chữ, ca trầm ca bổng… để tô điểm thêm màu sắc cho bài ca. Thế nhưng, sự điểm tô không được quá đà, mà phải làm sao đảm bảo được cái hồn chân phương của vọng cổ.
Tức là, ca vọng cổ thì phải “chân phương hoa lá”. Điều đó hoàn toàn tương thích với bản tính người Nam Bộ. Người miền sông nước Cửu Long vốn bình dân, xuề xòa, thích phóng túng tự do, rất lãng mạn, nhưng luôn coi trọng sự chân thành và nặng tình nặng nghĩa. Tức là người miền Nam cũng có cải bản tính “chân phương hoa lá” như bài vọng cổ vậy.
Giọng ca Út Trà Ôn tương thích hoàn toàn với yêu cầu của bản vọng cổ. Út Trà Ôn ca chân phương, mùi mẫn, hùng tráng, âm vực rộng, không ngân mà thường “hơ” đúng chất đờn ca tài tử. Cách phân nhịp độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Nghe Út Trà Ôn ca người nghe không cần nhìn ông diễn cũng có thể cảm nhận được rõ ràng sắc thái tình cảm mà người viết gửi gắm, người nghe không còn chú ý đến nhịp nhàng tới câu mấy nữa, mà bị ru hồn bởi nội dung bài hát mà ông “tự sự” và bởi kỹ thuật ca điêu luyện, cách xếp chữ và ca chẻ nhịp độc nhất vô nhị.
Vua soạn lời vọng cổ Viễn Châu nhận xét về giọng ca Út Trà Ôn như sau: “Cách rèn giọng của anh được người trong nghề kính phục vì biết tạo âm vực đủ để khi phát âm được tròn vành rõ chữ. Anh còn có khiếu sắp văn chẻ nhịp …. Nếu lắng nghe Út Trà Ôn ca và có óc phân tích, bạn sẽ nhận biết ngay thế mạnh của anh trong câu vọng cổ là chữ “hơ” điêu luyện và dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã chất chứa sự giàu có của làn hơi”.
Nếu nhắc đến Vọng Cổ lập tức người yêu thích hay không yêu thích cổ nhạc đều nghĩ ngay đến bài Tình anh bán chiếu, mà hễ nhắc đến Tình anh bán chiếu thì lập tức nghĩ đến Út Trà Ôn và Viễn Châu. Tên tuổi Út Trà Ôn trước khi đến với bài Tình anh bán chiếu cũng đã có tiếng rồi, thế nhưng với bài Tình anh bán chiếu thâu ở hãng đĩa Hồng Hoa, giọng ca Út Trà Ôn đã thật sự làm chấn động làng cổ nhạc, và bài ca này đã làm bất tử tên tuổi của ông.
Ngoài Tình anh bán chiếu, Út Trà Ôn còn để đời vô số bài vọng cổ khác, có thể kể ra một số sau đây: Sầu vương biên ải, Tôn Tẩn giả điên, Trụ Vương thiêu mình, Gánh nước đêm trăng, Ông lão chèo đò, Gánh chè khuya, Tình người phu xe, Kiều Phong A Tỷ … Đây là những bài ca mà Út Trà Ôn đã để lại cái bóng quá lớn cho thế hệ sau.
Mấy năm gần đây, nữ nghệ sỹ Diệu Hiền nổi danh với vài Trụ Vương thiêu mình của soạn giả Viễn Châu. Thế nhưng, mỗi khi bắt đầu ca, nghệ sỹ Diệu Hiền đều bộc bạch cùng khán giả rằng: “Đây là bài ca mà sư phụ Út Trà Ôn đã thể hiện thành công hồi hơn 40 năm về trước”. Đó là sự tri ân của thế hệ học trò đối với “sư phụ” Út Trà Ôn, cũng cho thấy dấu ấn quá lớn của Út Trà Ôn trong lòng thế hệ sau.
Cái gien ca vọng cổ của Út Trà Ôn đã được truyền lại cho người con gái út của ông, ca sỹ Bích Phượng. Đúng với câu “cha nào con nấy”, nếu Út Trà Ôn thống lĩnh bên lĩnh vực vọng cổ, thì Bích Phượng hiện cũng là bậc thầy về dân ca Nam Bộ. Bích Phượng ca vọng cổ cũng rất hay: giọng ca ngọt ngào đậm chất Nam Bộ, cách phân nhịp và điều hơi rất giống Út Trà Ôn. Bích Phượng tâm sự là do mê giọng ca của ba mình từ lúc nhỏ, nên nó thắm vào người lúc nào cũng không hay.
Giữ gìn nét chân phương của vọng cổ
Út Trà Ôn đã thành danh hơn 70 năm, nhưng giọng ca và cách ca của ông vẫn thống trị làng vọng cổ. Đó là một giọng ca chuẩn mực nhất thể hiện được trọn vẹn tính “chân phương hoa lá” của bản vọng cổ. Giọng ca Út Trà Ôn là một lời khẳng định thuyết phục nhất cho tính cần thiết phải lấy chân phương làm gốc trong bản vọng cổ.
Nói một cách cụ thể hơn, đó là phải thể hiện cái hoa lá trên nền tảng của chân phương. Ngày nay, có một số nghệ sỹ cải lương, hoặc do mới vào nghề còn trẻ tuổi nên thích khoe giọng, hoặc do đã có thâm niên nghề nghiệp và có danh hiệu này nọ, nên muốn phô trương tài năng, do đó khi ca vọng cổ đã thể hiện quá điệu đà, làm mất đi cài hồn của bản vọng cổ.
Nói như vậy không có nghĩa là người nghệ sỹ chỉ chăm chăm vào cái tính chân phương mà bỏ đi phần hoa lá, mà phải biết dung hòa thế nào cho vừa phải, cho phù hợp, tức đảm bảo được cả chân phương và hoa lá, và lấy chân phương làm nền tảng. Để tóm lược về cái hồn cần thể hiện của bài vọng cổ, xin dẫn lời của nhà nghiên cứu Sơn Nam như sau :
“Bản vọng cổ Bạc Liêu như bức chân dung không bao giờ vẽ xong. Nó giống như bức tranh tố nữ chỉ có đôi mắt u buồn là rõ rệt; mái tóc, làn môi, nếp áo thì để chìm trong sương khói, mặc cho ai thêm bớt tô điểm thế nào cũng được”. Người nghệ sỹ giống như là họa sỹ đứng trước bức tranh tố nữ đó, nên có quyền thêm thắt tô điểm, nhưng đừng quên rằng đó là bức tranh tố nữ, nên mọi sự thêm thắt phải làm sao cho bức tranh vẫn còn là tranh tố nữ chứ không biến dạng thành một cái gì khác!
Lê Phước
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20140510-vua-ca-vong-co-ut-tra-on