Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2014-04-28
Ca sĩ Lệ Thu trong hát trong chương trình Tình khúc vượt thời gian tổ chức tại VN Photo courtesy of giaidieuxanh.vn
Sau biến cố 30/4, cũng như nhiều người Việt phải ly tán, số đông nghệ sĩ sống tại Sài Gòn thời gian sau đó cũng phải tìm đường ra đi, họ bôn ba trên khắp năm châu bốn bể, nhưng rồi phần đông các nhạc sĩ, ca sĩ về lập nghiệp tại Hoa Kỳ – quốc gia tập trung đông nhất người Việt sống bên ngoài Việt Nam, để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc và ca hát.
Việc ra đi tìm “chân trời mới” của những ca sĩ và nhạc sĩ gạo cội, mà chúng ta có thể gọi là thế hệ đầu tiên như: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lam Phương, Nam Lộc, Đức Huy, Khánh Ly, Hương Lan, Lệ Thu, Chế Linh, Elvis Phương… Trong số này nhiều nhạc sĩ được xem như những nghệ sĩ tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên cho nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại. Họ hồi sinh nền âm nhạc miền nam Việt Nam trước 1975 với nhiều tác phẩm viết về quê hương, chiến tranh, tình yêu đôi lứa… và cả những chủ đề như lưu vong, tị nạn, tù nhân và đặc biệt là nỗi nhớ quê nhà… mà người Việt hải ngoại từng nếm trải.
Một số tác phẩm nổi bật giai đoạn này có thể kể đến Món Quà Cho Quê Hương của Việt Dzũng, Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc, một số tác phẩm của Ngô Thụy Miên như Nắng Paris Nắng Sài Gòn, Riêng Một Góc Trời và nhiều nhạc phẩm khác của Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng và Lam Phương.
Khi âm nhạc hải ngoại phát triển đến một tầm vóc đáng kể, cộng với sự ra đời của những trung tâm âm nhạc như Asia, Thúy Nga, Làng Văn… và sau này là Vân Sơn… đã tạo nên một khuôn mặt mới cho nền âm nhạc hải ngoại, thông qua những trung tâm này, nhiều người nghệ sĩ đã có đất diễn hơn, họ đến gần hơn với người yêu nhạc Việt cả trong lẫn ngoài Hoa Kỳ, và được đông đảo người Việt khắp nơi trên thế giới đón nhận qua những sản phẩm thu âm và thu hình.
Và cũng tại thời điểm này, những năm đầu thập niên 80, cuối thập niên 90, một thế hệ những ca nhạc sĩ thứ hai xuất hiện, họ mang một luồng sinh khí mới đến với đời sống âm nhạc hải ngoại, và đây được xem là thời kỳ đỉnh cao vì các nghệ sĩ hoạt động một cách rất bài bản và chuyên nghiệp. Những gương mặt nổi bật có thể nhắc tới như Trúc Hồ, Sỹ Đan, Trần Quảng Nam, Diệu Hương, Thanh Lan, Tuấn Vũ…
Ca sĩ Thái Châu trong một lần hát tại VN. Photo courtesy of giaidieuxanh-vn
Một điểm đặc biệt của thế hệ thứ hai là trong giai đoạn đầu thập kỷ 90, nhiều tác phẩm do những nhạc sĩ miền nam Việt Nam sáng tác trước đó được xem là “nhạc vàng” không phù hợp với thời cuộc, nhiều ca khúc giá trị không còn lưu hành ở Việt Nam. Nhưng tại hải ngoại, dòng nhạc vàng này đã phát triển thịnh vượng, những giọng hát tên tuổi như Tuấn Vũ, Hương Lan, Giao Linh, Thanh Tuyền… làm mưa làm gió không chỉ ở Hoa Kỳ mà cũng tràn ngập ở Việt Nam.
Và cũng kể từ đây, một lớp ca sĩ trẻ mới được sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hay theo gia đình đoàn tụ đã góp mặt làm tươi mới và phong phú thị trường âm nhạc hải ngoại. Sự xuất hiện song song đồng thời 2 thế hệ cả ca sĩ lẫn nhạc sĩ đã mang đến sự hài hòa, đồng điệu và có tính thời cuộc hơn, các chủ đề trong âm nhạc thường hướng tới vẻ đẹp của quê hương, tình yêu đôi lứa, về hòa bình, về cuộc sống hiện đại… Những ca sĩ thường được nhắc nhiều đến như: Lynda Trang Đài, Thiên Kim, Lâm Nhật Tiến, Quang Lê, Trần Thái Hòa, Như Quỳnh, Thế Sơn, Diễm Liên Lâm Thúy Vân…
Tiếp đến, trên dưới 10 năm nay, nhiều ca sĩ trẻ từ trong nước cả miền Bắc lẫn miền Nam đã gia nhập vào hàng ngũ nghệ sĩ hải ngoại và đã có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng người hâm mộ như: Bằng Kiều, Thu Phương, Trần Thu Hà, Nguyễn Hồng Nhung, Ngọc Hạ, Hương Thủy, Đoàn Phi, Ngọc Anh, Tóc Tiên…
Bên cạnh những ca sĩ đã định cư, thành danh ở hải ngoại, một xu hướng mới trong thời gian gần đây là sự xuất hiện của nhiều ca sĩ trẻ từ Việt Nam sang biểu diễn ở Hoa Kỳ, họ là những ca sĩ trẻ ăn khách, có thương hiệu nổi tiếng như Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đan Trường, Lệ Quyên, Quang Linh, Tuấn Hưng… hay những tên tuổi mới nổi như Khắc Việt, Lê Hiếu, Quang Hà, Tùng Dương… Những show biểu diễn của họ đã ít nhiều mang đến những sắc màu đa dạng và tạo ra những dấu ấn riêng biệt.
Nếu ngay sau 30/4/ 1975, có sự ra đi của đông đảo giới nghệ sĩ miền Nam, thì sau 39 năm, cũng đã có rất nhiều nghệ sĩ trở về. Sự trở về của họ mặc dù vẫn mang những ý kiến trái chiều của cả cộng đồng người Việt trong nước lẫn hải ngoại, nhưng một thực tế cho thấy đó là một xu hướng khó có thể đảo ngược. Bởi với những người nghệ sĩ, được biểu diễn trên quê hương, được hát tiếng hát Việt cho chính người Việt và ít nhiều những hàn gắn của quá khứ, hướng tới tương lai đã đưa họ về với nơi họ sinh ra. Những tên tuổi lớn như Phạm Duy, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Đức Huy, Elvis Phương, Hương Lan, Khánh Hà, Lệ Thu, Chế Linh hay sắp tới là Khánh Ly đều đang quay về cội. Ngay cả những trung tâm âm nhạc như Vân Sơn cũng đã thực hiện show diễn trực tiếp tại Việt Nam.
Có thể thấy, làn sóng giao thoa giữa sự ra đi, trở về của những người nghệ sĩ đang làm cho thị trường âm nhạc Việt Nam cả trong nước lẫn hải ngoại đều có những chuyển biến mới mẻ, tạo ra sự khác biệt một cách tích cực và hơn hết phải chăng âm nhạc có sức mạnh vô hình có thể cảm hóa những lỗi lầm trong quá khứ, mang lại những điều “có thể” trong muôn vàn những điều tưởng như “không thể.” Phải chăng sự trở về của chính những nghệ sĩ đã ra đi vào ngày lịch sử 30/4 sẽ làm thay đổi cảm quan, nhân bản của cả những người trong nước và hải ngoại?
Vũ Hoàng
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/leave-return-integrat-vn-music-vh-04282014105845.html