Tuấn Khanh
13/4/2014
Ngay khi có tin xác định ca sĩ Khánh Ly về nước trình diễn, có thể là buổi duy nhất, ngày 9.5 ở Hà Nội, đã có không ít lời khen tiếng chê lao xao. Và trong đó, không ít lời bình phẩm rằng “thật vô lý khi bỏ ra một số tiền rất lớn để vào nghe một tiếng hát nay đã… phều phào”.
Không thể không nhìn thấy đó là một quan điểm hết sức thực tế. Rõ ràng việc dùng số tiền bằng cả tháng lương của một người bình thường để vào nghe một tiếng hát nay đã 70 tuổi, thì thật lạ.
Ban tổ chức chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly cho biết, giá vé thấp nhất là 900 ngàn, còn cao nhất là 3,5 triệu đồng. Đó là chưa nói đến những loại vé ủng hộ và tài trợ riêng.
Cái giá của cuộc thương thuyết để ca sĩ Khánh Ly trở về Việt Nam trình diễn, ở mọi mặt là không đơn giản. Có thể nói là phức tạp nhất trong mọi trường hợp ca sĩ người Việt hải ngoại về nước biểu diễn từ trước đến nay.
Thậm chí để có được ngày diễn chính thức trong năm 2014, nhà tổ chức và ca sĩ Khánh Ly đã thảo luận với nhau hơn một năm trong vòng bí mật. Thế nhưng ngay khi có tin giấy phép biểu diễn đã cấp xong đã có ngay những bình luận rằng “không nên trông chờ gì vào tiếng hát này”.
Ấy vậy mà đó lại là chương trình biểu diễn của một ca sĩ từng được rất nhiều nhà tổ chức liên tục ngỏ ý và đàm phán, kể từ năm 1996, tính từ khi ca sĩ Elvis Phương trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên làm liveshow giữa Sài Gòn, do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, một công ty của người Việt trong nước tổ chức.
Lại có tin như trêu ngươi rằng nữ ca sĩ này có thể sẽ là người lập kỷ lục trong lịch sử âm nhạc Việt Nam về giá cát-sê. Sân khấu có 3.500 ghế, nếu không có gì làm thay đổi, dự kiến sẽ không còn chỗ.
Câu hỏi vang lên, tại sao?
Không phải chỉ là Khánh Ly, mà có một chuỗi dài những cái tên ca sĩ hải ngoại, vốn không còn trẻ trung gì, một thời gian cũng đã thay nhau làm náo động sân khấu ca nhạc Việt, không chỉ là người Sài Gòn, mà cả người Hà Nội cũng háo hức chờ đón.
Những đêm diễn của Chế Linh, Thanh Tuyền cũng chật cứng không còn chỗ ngồi. Thậm chí đã có những bình luận về mặt học thuật rằng đó chỉ là những tiếng hát “bình dân”, không có giá trị kỹ thuật nào.
Nhưng mặc kệ những trau chuốt thông thái, khán giả tuân theo cảm giác của trái tim, họ vẫn đến và vẫn vỗ tay không ngớt như thưởng thức một đêm nhạc vĩ đại của đời mình. Mọi thứ đó chỉ nhàm chán và nhạt dần do cách nạo vét của nền thương mại giải trí thời nay. Nhưng khi đối diện với những cái tên mới, sự hâm mộ vẫn lại bừng lên.
Khánh Ly là một trong vài cái tên hiếm hoi của âm nhạc Việt Nam trước năm 1975, còn chưa có dịp hát ở quê nhà. Những ký ức vàng son hoài niệm của một thế hệ, vẫn có giá trị như tiếng chuông vang lên trong buổi chiều tà làm người ta nhớ và thương rất nhiều thứ trong đời mình, thông qua một tiếng hát.
Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất.
Có lần ghé qua một thành phố cao nguyên, tôi nhìn thấy một người già ngồi sang và bán những chiếc băng casette, trong đó là những bài hát đã được ghi âm từ vài mươi năm trước.
Giữa một thế giới tràn đầy cái mới, đến và đi vô hồn, bất ngờ tôi chợt hiểu rằng, ở một nơi nào đó trong cửa sổ của thinh lặng của trái tim, vẫn có rất nhiều người muốn được nhìn thấy lại ban mai đời mình, muốn nghe lại, chạm được với những điều mà nay đã run rẩy già nua, nhưng tràn ngập ý nghĩa.
Tôi thấy mình cũng đã từng chết lặng ngồi ở vỉa hè, khi vô tình nghe tiếng hát Thái Thanh với một bản ghi âm sứt sẹo, hát về những đứa con lớn khôn nay không còn biết thương xóm làng, hay chùng xuống khi nghe câu chuyện chiếc thuyền viễn xứ mịt mờ trong tiếng hát Lệ Thu cũ kỹ. Âm vang đó, tạo nên hành trình vô lượng kiếp để dắt ta thoát khỏi rẻo chật chội của nơi bàn chân đứng.
Có thể vì vậy mà khi tìm về với một Khánh Ly, mặc nhiên người ta không quan tâm đến một tiếng hát có thể đã… phều phào, mà tin rằng có thể bằng nội lực truyền cảm chân thành của người ca sĩ này vẫn có thể tạo ra sự háo hức muốn đọc lại quyển sách ký ức, trong đó có Trịnh Công Sơn, có hình ảnh của ca khúc Da Vàng trên quê hương, và có cả chính mình nhỏ nhoi trong đó.
Với những cách tính thực tế, phí tiền cho một giọng hát già nua là vô lý, nhưng với sự phi thường của vô thức, cầm được chiếc vé đi về ngày hôm qua, thật xứng đáng để rung động. Chắc chắn cũng có những kiểu khán giả khác. Những kẻ học đòi, những trưởng giả làm sang, những kẻ tò mò…
Nhưng với những người yêu âm nhạc, và yêu những giá trị lớn hơn phía sau âm nhạc, đôi khi đi đến nghe một điều cũ kỹ còn là một sự kháng cự tinh thần thầm lặng. Giữa một nền văn nghệ hiện tại không ít hỗn loạn, với những giá trị đảo lộn, thương tích, người ta vẫn tìm cách tự chữa lành mình, bằng cách ngó về những đền đài đã mất.
Tuấn Khanh
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: http://motthegioi.vn/Columnist/giua-bai-hoang-ngo-ve-den-dai-61469.html
ngẫm nghỉ về giọng hát “phều phào”
Thật là ấn tượng khi đọc 2 chữ “phều phào”mà 1 độc giả hay là thính giả nào đó đã dùng để nói về giọng hát của chị, tôi gọi bằng chị không phải do huyết thống mà chỉ đơn giản là chị hơn tôi cả chục tuổi.Tôi yêu những bài hát của anh Sơn bắt đầu không là những tình khúc mà là những ca khúc da vàng và giọng hát đầu tiên tôi được truyền tải đến là của chi. Ngày đó nhà tôi ở bên sông Thị nghè (giờ gọi là kênh Nhiêu lộc-Thị nghè) đêm đêm ánh sáng hỏa châu kèm tiếng đạn pháo ầm ầm dội về trở nên quen thuộc, rồi khi nghe những ca khúc da vàng chợt thấy gần gũi sao đâu và không ai có thể làm lay động được lòng người như chi với những ca khúc đó. Sau này khi sinh hoạt ở Tổng đoàn Vovinam (2bis ĐTHoàng) tôi mới có dịp nghe những giọng hát mà mình yêu thích hát ở hội quán cây tre là chi, lê uyên &phương, chị ngọc minh..tất nhiên lúc đó cũng chỉ ngồi ở võ đường nhìn qua thôi,học sinh mà… một lần tôi được xem chị hát ở Dược khoa (đường Cường Để thời đó), nhớ mãi khi chị nói sẽ vừa hát vừa kể về những cuộc tình của chị và chị bắt đầu là”K Ly đã trải qua vài ba cuộc tình…” cứ như thế chị đã hát và xin phép vào thay áo dài mấy lần bởi giảng đưởng Dược khoa lúc đó chật nêm kín người trong cái nóng hầm hập, và chị hát đến lúc phải nói ”bây giờ KLy không biết hát bài gì tiếp theo nhưng các bạn(sinh viên ) yêu cầu bài gì thì KLy hát bài dó nhưng phải là nhạc của TCS…
Thế đấy,người ca sĩ gọi là “phều phào” đã từng hát cho chúng tôi nghe như vậy đấy, dù hiện giờ tôi dang ở sai gon và không đủ điều kiện dể ra HN xem chị hát, nhung vẫn luôn ủng hộ chị trở về để hát, và xin ai đó đừng đem đồng tiền ra so sánh khập khiểng với những giá trị âm nhạc hoặc khuyên nhủ bởi vì những khán giả dến nghe chị hát chắc đa số cũng phải từ U50 trở lên
Hoàng nguyên…