Đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh
“Từ trước năm 75, ở ngoài Bắc tôi đã được nghe qua đài phát thanh Sài Gòn tiếng hát của Hà Thanh, một giọng hát không lẫn với bất kỳ ca sĩ nào khác ở miền Nam và đương nhiên là cả miền Bắc. Tôi mê nhất bài Bến Xuân của Văn Cao và Chiều Mưa Biên Giới (không biết của nhạc sĩ nào) do Hà Thanh hát với những luyến láy ở cuối mỗi câu làm mê hoặc người nghe đến như vậy. Sau giải phóng tôi về Huế muốn tìm gặp Hà Thanh nhưng nghe nói cô đã vào Nha Trang, rồi Sài Gòn… Mãi đến năm 2005 khi sang Boston theo lời mời của Trung tâm William Joiner, tình cờ đến thăm một ngôi chùa, các sư cho tôi biết ca sĩ Hà Thanh thường lui tới đây để hát những bài thiền ca.”
Ca sĩ Mai Hương
“Tôi sinh cháu Tùng năm 1963. Vào khoảng 1965 cháu khoảng 2 tuổi. Bác Hà Thanh rất vui tính, 2 bác cháu gặp nhau là đấu chưởng với nhau ngay tại cổng Đài phát thanh Sài Gòn số 3 Phan Đình Phùng. Năm 1965 chúng tôi đi sang Lào để phụ diễn văn nghệ để cổ võ cho đoàn túc cầu VN. Trong đoàn văn nghệ có anh La Thoại Tân, cô Kim Cương. Chúng tôi ở ngay trong sân vận động, giống như cái nhà thương, nhưng rất vui và đó là một kỷ niệm đáng nhớ giữa tôi với chị Hà Thanh. Lúc đó ở Sài Gòn hay có biểu tình mà đứa con tôi mới 2 tuổi nên tôi cứ lo không biết có về được với chồng con hay không. Chị Hà cứ an ủi tôi, và cuối cùng thì chúng tôi cũng về lại Sài Gòn.”
Nhà văn Mai Thảo (do người cháu tên Orchid Lâm Quỳnh ghi chép)
” Bác cũng hay nhắc đến một người ca sĩ nổi tiếng khác, là cô Hà Thanh, cô người Huế. Đáng lẽ đã có một đám cưới giữa Bác và cô. Bác biết đến cô qua Bác Vũ Quang Ninh, bấy giờ là Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế. Bác kể cứ mỗi lần đi chơi là cô Hà Thanh rủ tất cả chị em đi theo, “mà tôi thì đếch muốn đi đông như thế”. Khi đến gặp bố mẹ cô để xin hỏi cưới. Bác đã nói: “Thưa hai bác, tôi là Mai Thảo, tôi muốn xin hỏi cưới em Lục Hà. Nếu hai bác đồng ý thì vài hôm nữa tôi sẽ nói bố mẹ tôi vào thưa chuyện cùng hai bác”. Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế. Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!”
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân
“Một buổi tối cuối năm 1965, nhân lúc người em rể là Giáo sư Bùi Tường Huân đi vắng, ca sĩ Hà Thanh “bí mật” rủ ông Hảo và tôi đem các đĩa nhạc của miền Bắc qua nghe nhờ máy của PT (em gái Hà Thanh, bà xã của ông Huân) ở dãy lầu ngay phía sau nhà ông Hảo. Hà Thanh chọn nghe trước đĩa Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp do Minh Đỗ hát. Nội dung lời ca nhớ nhung da diết được chuyển tải qua một làn điệu dân ca Nam bộ sâu lắng làm cho chúng tôi lặng người đi, mặt nhìn mặt nhau trong cảm xúc chứ không nói được nên lời. Tôi quá thấm thía nội dung bài hát nên không cầm được nước mắt. Lân đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đất nước bị chia cắt đau đớn đến như thế. Chúng tôi cho đĩa quay lại dăm lần để ghi lại nguyên văn lời ca …
Chép xong, ca sĩ hà Thanh lẩm nhẩm rồi hát lại ngay. Hà Thanh đang cảm xúc mạnh, với chất giọng thánh thót gần gũi với dân ca miền Nam, nên cô hát truyền cảm không thua gì Minh Đỗ.”
Họa sĩ Đinh Cường
“Khi tôi ra Huế, thì đã nghe ” ba Sơn, ba Hải, ba Hà “, các bạn hay gọi nhau như vậy. Đó là Trịnh Công Sơn, Thanh Hải và Hà Thanh (không phải Thanh Hải hát nhạc Sơn sau này, hiện sống ở Đức). Ba người bạn đã đàn ca với nhau rất sớm, bằng tất cả tấm lòng say mê âm nhạc thuở xuân xanh. Năm 1957, Hà Thanh đã hát trên đài Phát Thanh Huế. Sơn sáng tác những bản nhạc đầu tay và Thanh Hải thì đàn guitare rất bay bướm, hay biểu diễn cho bạn bè xem, đàn ở nhiều vị thế … Thời đó còn có Đặng Nho thổi clarinette. Hà Thanh là ca sĩ đầu tiên bạn của Sơn và hát nhạc Sơn.
Dạo ấy, Sơn thường rủ tôi đến nhà Hà Thanh ở đường Huyền Trân Công Chúa. Trước mặt nhà là dòng sông bến Ngự, khúc sông gần nhà ga và trường dòng Pellerin. Nhớ là tôi có đem đến tặng Hà Thanh bức tranh vẽ cô gái ngồi trước biển với con dã tràng đỏ, mà Hà Thanh cứ cười : ” cổ con gái chi mà dài ngoằn rứa ” – cái thời mê Modigliani mà”
Bức ảnh Hà Thanh và Trịnh Công Sơn do Đinh Cường chụp
Nhà văn Hồ Đình Nghiêm
“Người (Mai Thảo) từng sát vai ngồi uống rượu, nói mông lung cho tôi nghe về người thiếu nữ có nhan sắc, có tiếng hát mượt mà. Chữ duyên nợ thoáng qua và câu chuyện chấm dứt bằng dấu chấm choáng váng: Xứ Huế của cậu nhà quê bỏ mẹ! Tôi, đứa nhà quê nhăn răng cười. Nghiêm chỉnh cười. Tử tế cười.
……Những ngày cuối năm âm lịch, gió tuyết Montréal lạnh căm, tôi ngồi sưởi lòng bởi tiếng hát chị dịu dàng, xa vắng. Cảnh sắc một Huế- không- nhà- quê hiện ra, choáng ngộp, ngập nặng lòng tôi. Vĩnh biệt chị!”
Kịch sĩ Kim Cương
“Cứ mỗi lần nghe ca khúc Sắc hoa màu nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tôi lại bâng khuâng nhớ về giọng hát Hà Thanh. Tiếng hát của những hoài niệm và nhớ mong. Tôi cho rằng nữ danh ca này có chất giọng thiên phú, chị hát rất thoải mái, không cầu kỳ, không cường điệu, gò bó mà cuốn hút đến lạ kỳ”.
Nhà thơ Nhất Tuấn
“Tôi có dịp gặp Hà Thanh khi làm quản đốc đài Phát Thanh Quân Đội (1968) tại Sài Gòn. Hà Thanh lúc đó hát rất hay và xuất hiện thường xuyên trên các đài VOF, Mẹ Việt Nam, đài Sài Gòn, đài Quân Đội. Hà Thanh càng ngày càng nổi tiếng. So với những ngày còn ở Huế, sự giao thiệp của Hà Thanh có phần bạo dạn hơn đôi chút, nhưng vẫn còn dè dặt và giới hạn lắm. Thời này Hà Thanh hát nhiều bài của Nhất Tuấn do Phạm Duy, Đan Thọ, Hoàng Lan phổ nhạc. Đặc biệt là Hà Thanh hát rất nổi tiếng những nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông và nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Bài nào Hà Thanh hát lên cững làm người nghe rung động vì khi hát nàng để hết tâm hồn vào lời thơ, ý nhạc của tác giả muốn gởi gắm trong bài.”
Thi sĩ Bùi Giáng (viết ngẫu hứng)
” -Hỡi mẫu thân Hà Thanh, mẫu thân tên thật là gì?
– Tên thật của tao là Lục Hà.
– Hỡi mẫu thân Lục Hà! Lúc mẫu thân đẻ con ra đời, mẫu thân cảm thấy thế nào?
– Tao cảm thấy rất đau lòng.
– Tại sao đau lòng?
– Vừa mới sinh mày ra đời, mày đã già nua đến thế, làm sao tao còn có thể ẵm mày vào lòng cho mày bú, hử con!”
Văn Tấn Phước
“Cách đây 11 năm, tôi có dịp may gặp chị Hà Thanh tại nhà vợ chồng bác sĩ Nguyễn Nhuận-Lệ Vân ở ngoại ô phía bắc Paris. Hôm đó có cả nhạc sĩ Huế Lê Mộng Nguyên, tác giả bài nhạc “Trăng mờ bên suối”.Chị Hà Thanh thật là hiền hòa, nói năng nhỏ nhẹ và có vẻ như còn e lệ nữa trước đám khách – khoảng 30 người – tuy lúc đó chị đã 65 tuổi.
Một điều làm tôi chú ý và nhớ mãi là hôm đó, chị Hà Thanh cũng ngồi vào bàn tiệc nhưng chị xin chủ nhà dọn cho một dĩa cơm chay để chị dùng trước sự ngạc nhiên của tôi và của các bạn văn nghệ khác. Đến phần văn nghệ, chủ nhà và các bạn bè yêu cầu lắm, chị Hà Thanh mới từ từ ra đứng giữa phòng khách, ôm chiếc đàn guitare của thi sĩ Ngân Đoài tự đệm và trình bày bài “Trăng mờ bên suối”. Khán giả vỗ tay hoan hô yêu cầu chị hát thêm vài bài nữa, nhưng chị chỉ xin hát một bài thôi, đó là bài “Anh đến thãm em một chiều mưa” với tiếng đàn piano của anh Phạm Đăng. Sau đó, chị xin kiếu ra xe về Paris cùng một người em gái. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi may mắn được gặp danh ca khả ái Hà Thanh của hàng chục triệu khán thính giả miền Nam trước đây.
Tôi xin kèm theo đây một bản thư pháp do tôi viết tên Hà Thanh, một nén hương cho chị.”
Sư Cô Chân Không
“Trong một buổi pháp thoại cho đồng bào ở Hoa Kỳ,Thiền Sư Nhất Hạnh có đọc cho thính chúng nghe bài thơ do Thầy sáng tác: “Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai”. Khi nghe lần đầu câu: “Thầy đi tìm con, từ lúc non sông còn tăm tối…”, cô đã khóc và đã quyết tâm phổ nhạc bài này với những nốt nhạc rất dân tộc, rất Việt Nam và đã nhiều lần đến hát cho tăng thân Làng Mai nghe… Hôm ấy cô đã hát cho tăng thân nghe bài Bên Mé Rừng đã nở rộ hoa mai, do chính cô phổ nhạc thật tuyệt vời, nhiều thiền sinh có mặt ở khóa tu đã khóc vì cảm động và hạnh phúc…
…Mới cách đây hơn hai tháng, ngày 14 và 15.9.2013, Hà Thanh có đến tận khách sạn Boston Park Plaza Hotel, nơi Thiền sư Nhất Hạnh đang hướng dẫn một khóa tu hai ngày cho 1120 bác sĩ y khoa và tâm lý trị liệu do Đại học Harvard tổ chức để thăm Thầy và một lần nữa hát cho Thầy nghe bài Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai. Các sư em tôi không ngờ đó là lần chót Hà Thanh hát cho Thầy và tăng thân nghe. Nhưng tôi thì vẫn đang còn nghe vẳng vẳng ngay lúc này đây, cái giọng ngọt ngào ấy, trong như những giọt sương mai long lanh, đầm ấm mà từ bi như tiếng chuông ngân xa, ngân xa… thật xa biến cõi buồn phiền thành Tịnh Độ.”
Nguồn: http://casihathanh.wordpress.com/