Trường Kỳ
Với 50 năm góp mặt trong lãnh vực nghệ thuật, Bạch Yến rất xứng đáng được coi là một nữ nghệ sĩ có quá trình hoạt động lâu dài nhất cho đến ngày hôm nay. Với những thăng trầm trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp, tên tuổi của chị vẫn là một tên tuổi lớn trong việc giới thiệu nền văn hoá Việt Nam với khán giả năm châu qua nhạc dân ca cổ truyền hiện nay cũng như từng góp mặt trong giới “show business” tại Hoa Kỳ trong một thời gian dài.
Giọng hát trầm đặc biệt đó cũng đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam từ rất nhiều nãm qua, mặc dù âm sắc (timbre) rất trầm nhưng giọng hát chị thuộc loại “mezzo soprano“, đã góp phần không ít trong việc tạo cho nhạc phẩm “Ðêm Ðông” trở thành bất hủ.
Lần xuất hiện gần đây nhất của Bạch Yến trước khán giả người Việt đã diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, trong một buổi trình diễn do Câu Lạc Bộ Văn Hoá vùng Washington, D.C. tổ chức. Số khán giả tham dự đông đảo trong buổi trình diễn đó đã không ngờ một nữ nghệ sĩ năm nay đã ngoài 60 mà thể cách trình diễn cũng như giọng ca vẫn còn dồi dào phong độ khi đã trình bày 20 nhạc phẩm trong suốt chương trình, với sự phụ hoạ dương cầm của nhạc sĩ Jean Louis Beydon, giám đốc viện âm nhạc Vanves (ngoại ô Paris).
Trước đó, Bạch Yến cũng đã có dịp đến với khán giả Việt Nam tại tiểu bang Washington trong dịp Tết Quý Mùi vừa qua với những chương trình nhạc thính phòng và dân ca. Trong năm 2002, Bạch Yến cũng đã có dịp phô diễn tài nghệ của mình trước cộng đồng người Việt ở nhiều thành phố lớn tại Hoa Kỳ như Houston, Phoenix, San Jose, vv… và đã mang lại cho khán thính giả nhiều thích thú. Cô bé nhi đồng từng nổi tiếng với phần trình diễn mô tô bay ngày nào hẳn cũng đã không ngờ định mệnh đã đưa đẩy đến sự thành công trong lãnh vực nghệ thuật âm nhạc trong suốt mấy chục năm sau đó.
Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến, sinh năm 1942 ở Sóc Trăng. Thân mẫu chị thường về Việt Nam mỗi khi gần sanh nở vì luôn muốn sinh con tại quê ngoại. Bạch Yến là con áp út trong một gia đình gồm 8 người con, 3 gái, 5 trai; nhưng 4 trong 5 người con trai trong gia đình đều mất sớm. Thân phụ chị là người Tiều Châu và là bạn của người cậu ruột, tỏ ra rất khó khăn trong việc để con cái theo con đường văn nghệ do quan niệm “xướng ca vô loài”, trong khi thân mẫu chị lại là một người say mê âm nhạc và luôn tỏ ra gắn bó với nền văn hoá Việt Nam.
Năm 9 tuổi, Bạch Yến được gia đình đưa về Cần Thơ để theo học tiểu học ở đây, cùng một lúc hoạt động trong ca đoàn của nhà thờ Cần Thơ nên nhờ đó đã sớm có được một căn bản nhạc lý, dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi. Năm 1952 sau đó, Bạch Yến lại theo bố mẹ và các anh chị vào Sài Gòn để rồi ghi tên dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ dành cho những giọng ca nhi đồng do đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Sau những vòng sơ khảo và bán kết, qua năm 1953 Bạch Yến đã oanh liệt đoạt được Huy Chương Vàng trong vòng chung kết và liền sau đó được mời cộng tác với chương trình ca nhạc nhi đồng của đài phát thanh dưới sự điều khiển của Pháp. Nhưng không lâu sau, đài này đã ngưng hoạt động khi người Pháp phải rời khỏi Việt Nam (1955). Sau đó Bạch Yến tìm đến với những đài phát thanh Quân Ðội và Sài Gòn để xin hát cho những chương trình dành cho thiếu nhi nhưng đều bị từ chối.
Mẹ chị đã quyết định chia tay với bố chị khi được ông cho biết sẽ đem cả gia ðình về sống vĩnh viễn ở Nam Vang vì bà muốn ở lại Việt Nam để các con không bị mất gốc và có thể lập gia đình với người đồng hương. Mặc dù bố chị là một doanh thương giàu có, nhưng mẹ chị do tự ái đã cương quyết không nhận sự giúp đỡ tiền bạc của ông sau khi ly dị để nhẫn nhục chịu đựng sự vất vả ở lại Việt Nam nuôi nấng con cái, lúc đó đã lên tới 5 chị em. Sự tận tụy và hy sinh đó nơi người mẹ thân yêu vẫn luôn ở trong tâm hồn Bạch Yến, dù mẹ chị đã qua đời cách đây gần 10 năm.
Gia đình Bạch Yến lâm vào sự túng quẫn sau khi bố mẹ đường ai nấy đi, đã sống chen chúc với nhau trong một căn nhà nhỏ trong một ngõ hẻm trên đường Cao Thắng. Không những thế, một trận hoả hoạn đã xẩy ra thiêu rụi cả nơi nương náu của một gia đình vốn đã gặp rất nhiều khó khăn này. Người cậu ruột của Bạch Yến từ Cần Thơ sau khi nghe tin, đã lên Sài Gòn thăm hỏi gia đình chị. Trước tình trạng bi đát này, ông đã nẩy ra ý định thành lập một đoàn mô tô bay thiếu nhi để đi lưu diễn khắp nơi.
Không còn sự chọn lựa nào khác, mẹ chị đành lòng chấp nhận để các con gia nhập đoàn mô tô bay dù biết trước có rất nhiều nguy hiểm. Từ đó, cô bé Bạch Yến theo chị ruột, em trai và em bà con để theo đoàn đi vào tận các làng xã, từ Quảng Trị xuống tới Cà Mau trình diễn những pha mô tô bay nguy hiểm, trong khi vào thời điểm đó vấn đề an toàn không được mấy lưu tâm. Tuy nhiên đối với Bạch Yến, đó là những kỷ niệm khó quên về quê hương khi có dịp gia nhập vào những sinh hoạt thuần tuý đồng quê một cách rất hồn nhiên.
Nhưng chẳng may, một tai nạn rất nặng đã xẩy ra với Bạch Yến trong một buổi biểu diễn tại giải trí trường Thị Nghè. Khi đang bay mô tô, chân chị đã đạp phải thắng nên cả người và xe bị tụt xuống đâm ngay xuống nền gỗ bị mô tô đè lên người. Với tai nạn này, Bạch Yến đã bị dập một số xương sườn và màng tang trái khiến phải điều trị trong một thời gian khá dài. Cũng từ tai nạn này, đoàn mô tô bay của người cậu cũng bị cấm hoạt động khi bị giới hữu trách khám phá là đã thu nhận những thành viên không đủ số tuổi ấn ðịnh là 17 khi hành nghề xiệc (cirque).
Một lần nữa, gia đình Bạch Yến lại lâm vào một tình trạng thê thảm và nheo nhóc. Do lòng thương mẹ và anh chị em và với một sự quyết tâm mạnh mẽ, Bạch Yến, khi đó mới là một cô gái 14 tuổi, đã phải cải trang cho giống một thiếu nữ vào tuổi đôi mươi với một chiếc áo dài cùng với lớp son phấn trang điểm cho ra vẻ người lớn. Dưới lớp cải trang đó, Bạch Yến lần mò đến những vũ trường và phòng trà để xin hát hầu có tiền phụ giúp gia đình. Phòng trà mang tên Trúc Lâm trên đường Phạm Ngũ Lão do hai nhạc sĩ Mạnh Phát và Ngọc Bích khai thác. Ðây là nơi thu nhận chị đầu tiên trong vai trò ca sĩ với một số tiền thù lao khiêm nhượng.
Nhờ khi còn nhỏ được học một thời gian nơi trường La Providence của các dì phước nên Bạch Yến đã có khả năng hát được những nhạc phẩm lời Pháp như Tango Blue, Étoile Des Neiges, vv… nên được khán giả dành cho nhiều cảm tình. Ngoài ra chị cũng đã cố gắng trình bày được một số nhạc phẩm Việt Nam như Bến Cũ hoặc Gái Xuân, vv… Sau khi rời khỏi phòng trà Trúc Lâm, Bạch Yến tìm đến với phòng trà Hoà Bình, rồi lần mò vào tận Chợ Lớn để xin hát tại vũ trường Mélodie với đa số khán giả là người Hoa. Dần dần chị đã xin hát được ở nhiều vũ trường khác như Ðồng Khánh, Ðại Kim Ðô, vv…
Trong suốt thời gian này chị không đuợc một ai hướng dẫn về nhạc, ngoài việc bắt chước hát theo đĩa cho thật giống với lời ca được tự phiên âm theo từng chữ rất vất vả. Sau khi phiên âm xong, chị mới đọc cho một giáo sư Anh Văn nghe và viết lại cho đúng nghĩa và giảng giải về nội dung nhạc phẩm để dễ dàng diễn tả. Từ năm 1957 trở đi, tên tuổi Bạch Yến mới bắt đầu được nhắc nhở tới nhiều sau khi về cộng tác với vũ trường Kim Sơn, với sự phụ hoạ của dàn nhạc Ely Javier. Thời gian này nhạc phẩm Ðêm Ðông đã được trình bày một cách đặc biệt bởi Bạch Yến để sau đó trở thành một nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi chị.
Vào thời kỳ này một vũ trường khác cũng đang rục rịch khai trương, trong khi ông giám đốc của vũ trường này đi tìm những giọng ca đặc biệt. Ðó là vũ trường Tự Do, là nơi đã xuất phát nhiều tiếng hát nổi danh của làng tân nhạc Việt Nam. Và chủ nhân vũ trường này là ông Ngô Vãn Cường, một người từng sống nhiều nãm bên Pháp và có một tâm hồn yêu văn nghệ và quý trọng nghệ sĩ. Trong một lần đến Kim Sơn nghe Bạch Yến trình diễn, ông Cường đã mời chị cùng với cả giàn nhạc Ely Javier về hợp tác với một số thù lao cao hơn nhiều so với những nơi chị từng cộng tác trước đó. Dĩ nhiên nhạc phẩm “Ðêm Ðông” cũng theo Bạch Yến về đây để cùng với những nhạc phẩm của Patty Page, Connie Francis, DaliDa, Edith Piaf, Ella Fitzerald, Peggy Lee, Rosemary Clooney, Pat Boone, Elvis Presley, Paul Anka, và the Platters, vv… khiến khán giả say mê theo dõi. Bạch Yến lúc bấy giờ được nổi tiếng nhiều qua những nhạc phẩm Rock ‘n’ Roll và Mambo tuy cũng được thích qua những ca khúc điệu Slow.
Sau khi dành dụm được một số tiền trong thời kỳ tên tuổi lên cao nhất khi cộng tác với vũ trường Tự Do, Bạch Yến cùng với mẹ lên đường sang Pháp vào năm 1961 với ý định học phương pháp hát của Tây phương. Chị may mắn được thu nhận vào hát tại một nhà hàng sang trọng do ông Phạm Vãn Mười làm chủ trên đường rue de l’Echelle ở quận 1 Paris. Nhà hàng La Table Du Mandarin tuy nhỏ, chỉ chứa tối đa được khoảng sáu bẩy chục chỗ, nhưng là nơi lui tới của những khách hàng lịch lãm.
Trong thời gian ở Pháp, Bạch Yến đã được hãng Polydor mời thâu, cùng một lúc đi trình diễn tại một số quốc gia Âu Châu như Ðức, Áo, Bỉ, Hoà Lan và nhiều thành phố trong nước Pháp. Tuy nhiên Bạch Yến cho biết sự việc đã diễn ra không nhý ý vì chị đã nổi tiếng ở Việt Nam mà sang Pháp chị chỉ là một nghệ sĩ ngoại quốc xa lạ. Trước kết quả không được như ý này, Bạch Yến đã quyết định quay trở lại VN vào cuối năm 63 để tiếp tục hợp tác với vũ trường Tự Do và thỉnh thoảng trình diễn tại vũ trường Kim Ðô với một số kinh nghiệm về nghệ thuật trình diễn cũng như kỹ thuật hát học hỏi ở ngoại quốc.
Khi vừa trở lại quê hương vào cuối 63, nhiều sĩ quan cố vấn Mỹ – là những khán giả thường đến với Tự Do – đã tỏ ra yêu thích tài nghệ của chị nên đã tìm cách giới thiệu một tài năng trẻ của Việt Nam với chương trình ca nhạc truyền hình nổi tiếng “Ed Sullivan Show”. Sau nhiều lần thuyết phục chị nhưng chị nhứt quyết từ chối nên có ý nghĩ buộc họ mời mẹ thì chị mới nhận lời đi. Chị nghĩ rằng với điều kiện này sẽ không được chấp thuận vì trong thâm tâm không thích qua Mỹ vì cho đó là một quốc gia “kỳ thị chủng tộc”.
Nhưng vào đầu năm 1965, cả hai mẹ con Bạch Yến nhận được vé máy bay để cùng lên đường sang Mỹ. Với chuyến đi này, Bạch Yến trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show với 35 triệu khán giả cũng như được tham dự trực tiếp vào giới “show business” Hoa Kỳ. Với nhạc phẩm “Ðêm Ðông” bất hủ và một nhạc phẩm Mỹ nổi tiếng “If I Have A Hammer”, Bạch Yến đã tạo được khá nhiều tiếng vang nõi khán giả truyền hình qua chương trình “Ed Sullivan Show” cũng là chương trình có sự xuất hiện của ban nhạc quốc tế đang trong thời kỳ nổi bật nhất là the Rolling Stones.
Ðáng lẽ Bạch Yến chỉ lưu lại Hoa Kỳ 12 ngày theo đúng giao kèo, nhưng định mệnh đã đưa đẩy chị ðến với những hoạt động ca nhạc tại đây trong suốt 12 năm! Sự quyết định ở lại Hoa Kỳ của Bạch Yến được thân mẫu chị chấp thuận sau khi đã bắt chị phải tuân theo 3 điều kiện: không được mặc bikini, phải để tóc dài không được cắt và nhất là không được lấy chồng ngoại quốc! Thân mẫu chị yên tâm trở về thăm Việt Nam, trong khi Bạch Yến chọn miền Nam California để cư ngụ tại vùng Beverly Hills, một khu vực gồm toàn những nghệ sĩ lừng danh trong lãnh vực điện ảnh và ca nhạc. Cũng do đó Bạch Yến được coi là người ca sĩ Việt Nam đầu tiên đến với California – lúc đó chỉ mới có khoảng một ngàn người Việt trên khắp nước Mỹ! – trýớc khi một phần của vùng đất này trở thành Little Saigon, trung tâm của những sinh hoạt ca nhạc Việt Nam hải ngoại sau năm 75.
Trong suốt thời gian từ 1965 đến 1978, ngoài việc trau dồi tài nghệ bằng cách trau dồi kỹ thuật hát, nghệ thuật trình diễn và Anh Vãn, Bạch Yến cũng là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên và duy nhất có cơ hội trình diễn trên cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng Hoa Kỳ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon, Jimmy Durante, Joey Bishop, Mike Douglas, Liberace, vv.. Cũng trong thời gian này, chị cũng đã học thêm tiếng Tây Ban Nha để có thể trình bày một cách suông sẻ những ca khúc viết bằng ngôn ngữ này khi diễn ở Trung Mỹ và Nam Mỹ… Chỉ tiếc một điều sau khi đi lưu diễn tại khắp 46 tiểu bang Hoa Kỳ bằng những giao kèo ký kết với các cơ quan truyền thông ABC, CBS, vv…, Bạch Yến đã không có dịp phô diễn tài nghệ của mình trước khán giả người Việt. Có chăng là ngoài một vài người hiếm hoi mà chị tìm thấy tên trên một cuốn sổ điện thoại nhỏ do một vị linh mục soạn, để chị gọi tới mời tham dự.
Cũng như nhiều năm trước đó, Bạch Yến thường từ Mỹ quay về Pháp vào mỗi dịp hè. Nhưng năm 1978 là một dịp nghỉ hè định mệnh, đã đưa đến sự chung sống giữa Bạch Yến và Trần Quang Hải. 17 năm trời đã qua kể từ ngày gặp biết nhau lần đầu tiên năm 1961, hai người không ngờ lần gặp lại nhau ở Paris để đi tới một sự kết hợp đẹp đẽ đã kéo dài được 25 nãm, tính đến ngày 17 tháng 6 năm 2003.
Sau khi chính thức thành hôn với Trần Quang Hải, Bạch Yến ở luôn tại Pháp. Và cũng từ đó, chị “quay về nguồn” với sự chú tâm lớn vào âm nhạc cổ truyền Việt Nam để “cùng với anh Hải đem nhạc Việt Nam đến với khán giả trên khắp thế giới”. Với sự chuyển hướng này của chị, trung bình mỗi năm cặp nghệ sĩ Trần Quang Hải -Bạch Yến đã trình diễn trước khán giả Âu Mỹ từ 120 đến 150 buổi! Bạch Yến cho biết thực sự rất sung sướng trong việc giới thiệu âm nhạc Việt Nam với khán giả ngoại quốc, tuy rằng “làm văn hoá mà đâu có tiền bạc gì lắm!”, nhưng bù lại “khi khán giả đến với mình là người ta đến để chỉ muốn nghe nhạc Việt Nam thôi”.
Với những bài hát ru con, Bạch Yến rất được khán giả tán thưởng, tuy chị tự nhận giọng chị không được mềm dịu như những nghệ sĩ khác, xuất thân từ nhạc cổ truyền, nhưng do sự dầy công nghiên cứu chị đã trình bày một cách không hề có sự sai sót. Ngoài vai trò làm chồng, Trần Quang Hải còn đóng vai người thầy chỉ dẫn cho Bạch Yến từng ly, từng tí “nên mỗi lần cần biết điều gì – từ cách luyến láy cho đến các câu hò hoặc những thể loại ru con – đều được anh Hải chỉ dẫn và cho ý kiến”.
Vào năm 1983, một vinh dự lại đến với chị khi cùng với Trần Quang Hải đoạt giải thưởng lớn nhất dành cho một đĩa nhạc dân ca cổ (Grand Prix Du Disque de l’Académie Charles Cros), do quyết định của một ban giám khảo gồm toàn những nhà nghiên cứu âm nhạc.
Ðến nay Bạch Yến đã cùng với Trần Quang Hải thực hiện được trên 10 CD về âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Riêng chị Bạch Yến đã thu thanh tiếng hát của chị trên một CD do trung tâm Tú Quỳnh ở nam California thực hiện, 2 băng cassettes cho trung tâm Playasound và một CD do chị tự thực hiện với tựa đề “Souvenir”. Bạch Yến tự nhận là rất ngại vào studio để thu thanh nên số tựa CD của chị không nhiều. Nhưng khi trình diễn trên sân khấu thì “như cá gặp nước” như câu nói nhiệt tình của chị, vì “với khán giả có được sự “contact direct” nên hứng thú hơn. Nhất là khi người nghe mang CD về nhà để nghe từng chữ, từng câu nên sợ lắm!”.
Những năm gần đây với quan niệm “khi mất sức khỏe là mất tất cả”, nhất là hiện chị đã bước vào lớp tuổi 60 nên đã hạn chế nhiều trong việc đi lưu diễn. Tuy vậy hàng năm chị vẫn xuất hiện trong 60 buổi trình diễn trước khán giả ngoại quốc, trong khi với khán giả người Việt trung bình hàng năm cũng còn từ 5 đến 10 buổi. Với một quá trình tận tụy với âm nhạc, trải qua những thăng trầm trong nghề nghiệp cùng với những thành quả đã gặt hái được, Bạch Yến xứng đáng được coi như một nghệ sĩ đã mang lại nhiều vinh dự cho nền âm nhạc Việt Nam sau 50 năm theo đuổi con đường nghệ thuật.
Trường Kỳ
Nguồn: FB của ca sĩ Bạch Yến