Lê Thanh Hải
2/2/2014
SGTT.VN – Cũng lâu lắm rồi mới có một tín hiệu vui về âm nhạc, dù không biết kéo dài được bao lâu: thú sưu tầm và nghe đĩa than quay trở lại.
Một trong những máy quay đĩa độc đáo chính tác giả tự chế từ các linh kiện máy quay đĩa nổi tiếng thế giới.
Tôi nghe đĩa than từ nhỏ – nghe mono thôi – từ cái máy quay đĩa Phonet của Cộng hoà dân chủ Đức to như cái valy, loa liền gắn trên nóc, mở ra là nghe, mà nghe toàn nhạc cổ điển, nhạc nhẹ thì có vài cái thôi – đĩa dân ca Thái Bình Dương, đĩa Robertino, đĩa Xương rồng với bài Chiều Matxcơva nổi tiếng chơi nhanh như ăn cướp của Rumani… một biểu hiện mông muội về nhạc nhẹ dành cho lớp trẻ hiếu động của các nước xã hội chủ nghĩa. Thế mà thích, thế mà ăn sâu vào ký ức. Có lẽ bởi hồi đó “khát” văn hoá quá và mỗi lần được nghe nhạc là cả một nghi thức rất trang trọng thường chỉ xảy ra vào dịp cuối tuần.
Năm 1975, tôi mua được đĩa than đầu tiên cho mình – không thể tả nổi cảm giác ngây ngất lúc đó. Nghe bằng máy quay đĩa Pioneer PL-50, ampli Pioneer SX-9000, loa Sansui SP-3500. Với tôi, đó là “thiên đường âm nhạc” thật sự với đĩa hát của Connie Francis với Malaguena, Siboney, của Shadows với Apache… Từ nguồn đĩa được du học sinh Việt Nam từ các nước xã hội chủ nghĩa mang về, tôi có được ABBA Waterloo – đĩa đầu tiên của ABBA, cũng là đĩa hay nhất, “chất” nhất của họ. Nghe ABBA, tôi nghiệm ra cách sống của mình: luôn làm cái mở đầu như là cái kết thúc mà không thể có cái khác thay thế được. Kể từ đó, tôi trở thành tín đồ cuồng tín của đĩa than đến tận năm 1988. Một năm sau khi tôi lập gia đình, thế là bán hết, hùa theo trào lưu chơi đĩa CD. Của đáng tội, ai chẳng thích cái mới, cái tiện dụng, và dễ kiếm nữa… chỉ có một vấn đề nhỏ là có một số album nhà sản xuất không làm CD (hoặc khó kiếm ở Việt Nam) mà những album đó lại oái oăm là những album rất hay và độc, có thể vì tính “đại chúng” không cao nên các nhà sản xuất không làm và thế là lại mon men mua bổ sung đĩa than để có mà nghe, thế là “bệnh cũ tái phát” – tôi chơi lại đĩa than.
Tôi còn nhớ, thời đĩa than còn “oanh liệt” ở nước Việt, không thể không nhắc đến anh Thắng (con bác Trần Duy Hưng) mà anh em yêu quý đặt tên là Thắng Ngớ, anh Quang Dũng nhiếp ảnh gia – Dũng Digital, và cả hoạ sĩ Thành Chương nữa là một trong số ít người chơi đĩa than nổi tiếng ở Hà Nội.
Sài Gòn dĩ nhiên là tưng bừng hơn nhiều: anh Hằng “lực sĩ”, anh Lê Hựu Hà, anh Phạm Duy Hải, anh Đạo “khùng”, anh Vương Thuý (người đặt nhạc cho đài FM của quân đội)… Nhiều, nhiều lắm…
Họ có chung một niềm đam mê bất tận với đĩa than và dành cho đĩa than nhiều ưu ái hơn nhiều giá trị khác trên đời.
Người bán đĩa than lâu năm ở Sài Gòn phải kể đến Sáu Chiểu ở Bà Chiểu, Dũng “nhỏ” ở Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Hồi đó, như một “con nghiện” một ngày không mua được một đĩa than mới là người cảm thấy bứt rứt khó chịu, đứng ngồi không yên. Tôi còn nhớ mình chạy xe Honda 67 từ Sài Gòn lên Biên Hoà chỉ để mua một đĩa 45 single và tức tốc quay về trong tâm trạng cực kỳ phấn khích.
Và dĩ nhiên, có đĩa mới là anh em lại tụ họp và cùng nhấm nháp niềm vui chung – tôi nghĩ, vì âm nhạc choán hết tâm trí, đó là quãng thời gian thực sự hạnh phúc…
Thời gian cứ vùn vụt trôi và đĩa than dần dần biến mất khỏi thị trường âm nhạc trong sự lấn át của CD.
Rồi đến kỷ nguyên của nhạc số. Chưa bao giờ người ta lại có cơ hội tiếp cận, tiếp thu âm nhạc nhanh, dễ và rẻ đến thế. Thế là có vấn đề. Âm nhạc gần như trở thành trò giải trí thay cho những phút giây chiêm nghiệm. Những âm thanh vui tai và sự phổ cập của nó trong giới trẻ trên toàn thế giới đã chạm giới hạn – nghe nhạc cho vui. Từ đó nảy sinh ra một lớp “nhạc sĩ mới”, một lớp “ca sĩ mới”, một lớp “ban nhạc mới” và sản phẩm của họ chỉ là trò mua vui ít có giá trị nhạc cảm. Nghe, xem rồi quên… mà cũng chẳng nhớ làm gì bởi sự tẻ nhạt, đơn điệu và giống nhau đến kỳ lạ của nó.
Tôi vốn là người chẳng hay ho gì, cực đoan và duy mỹ nên tôi không nuốt nổi âm nhạc kiểu đó. Tôi vẫn nghĩ nỗi buồn, sự bâng khuâng, cảm giác ray rứt thực sự và sự tận hiến mới làm nên nghệ thuật.
Nghệ thuật, trước hết phải nói đến sự thưởng ngoạn, phải biết thế nào là hay là đẹp mới tạo ra được sản phẩm hay và đẹp.
Việt Nam có cái đặc thù trong âm nhạc là tỷ lệ các nhạc sĩ nghe nhạc rất ít, thế mới lạ. Nhạc sĩ chính quy thì quanh đi quẩn lại chỉ nói về Back to Soriento, O Sole Mio, Kachiusa… khoảng 20 bài quen thuộc, tôi xếp vào loại “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Âm nhạc đâu chỉ là vậy! Từ chuyện đó, tự nhiên tôi không mấy thiện cảm với các “cán bộ âm nhạc” chính quy.
Lớp trẻ thì ngược lại, quá tích cực nghe những thứ ăn khách ở nước ngoài, nghe để bắt chước, để chôm… đáng tiếc!
Nói như thế không có nghĩa là không có những nhạc sĩ “tử tế”. Vẫn có những nhạc sĩ mà tác phẩm của họ làm tôi rung động, bởi họ có cảm xúc chân thành khi viết tác phẩm và họ có văn hoá nền vững vàng và có danh dự nghề nghiệp.
Thị trường Việt Nam thực sự thiếu những nhà đầu tư có tầm nhìn lớn và có văn hoá, có ý thức đóng góp xây dựng thị trường âm nhạc đúng nghĩa, thế nên, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công “tử tế” vẫn phải chờ đợi và mơ mộng về một ngày nào đó hoặc chẳng bao giờ… Chẳng riêng gì âm nhạc, nghệ thuật ở Việt Nam ở các lĩnh vực khác cũng vậy.
Tôi thực sự là một kẻ ngoại đạo trong âm nhạc, nhưng tôi yêu âm nhạc và khi yêu, người ta thần thánh nó. Ngày xưa, các cụ đề cao chữ “lễ”, thưởng ngoạn âm nhạc cũng vậy, cũng cần có nghi thức thì việc nghe nhạc mới trở thành liều thuốc tinh thần quý giá cho tâm hồn người và từ đó, âm nhạc sẽ đi vào ký ức và trở thành kỷ niệm. Nói như người Pháp: “Thời gian có thể xoá đi mọi thứ… trừ kỷ niệm”.
Sau một ngày làm việc vất vả, tạm bỏ đi hết lo toan cuộc sống, tắm rửa sạch sẽ, pha một tách càphê, mở tủ lấy một chiếc đĩa than bỏ lên mâm quay đĩa, quét bụi kim, nhấc chiếc cần đặt lên đĩa, nhắm mắt, tắt đèn để chờ mình lạc vào thế giới khác, thế giới của âm nhạc… cũng hay đấy chứ.
Buổi sáng, đón bình minh bằng tiếng nhạc hoà tấu trong veo – ngày mới sẽ đến thật thoải mái, nhẹ nhàng và chắc chắn mình sẽ yêu hơn cuộc đời này và cuộc sống sẽ đẹp hơn, tôi nghĩ vậy.
ú chơi đĩa than là một trong các thú vui tao nhã, và cuộc sống đôi khi rất cần những trải nghiệm như vậy. Tuỳ thôi, mỗi người một ý thích, mỗi người một suy nghĩ.
bài và ảnh: Lê Thanh Hải
Nguồn: http://sgtt.vn/Loi-song/186423/Nam-moi-thu-choi-cu.html